HTN: Bài viết này của Tạ Tỵ đăng trên tạp chí Thế Kỷ năm 1952 và gần đây được in trong tập sách Mặc Khách Sài Gòn – Tô Kiều Ngân (Nhã Nam 2014).

Từ hơn một chục năm nay ngành chuyên khoa Mỹ thuật được phổ cập tại các lớp trung học trở lên (tiểu học hầu như không có, nam giáo viên hoặc nữ giáo viên kiêm cả việc chuyên môn này) dù các lớp đó thuộc trường công hay tư và kết quả của nó có gây được một chút ý thức nào về thẩm mỹ cho lớp người căn bản, tuy còn thơ dại ngày hôm nay nhưng ngày mai sẽ lớn lên và đòi hỏi ở xã hội hiện tại của mình, ở bên trong cuộc sống của mình cái đẹp của thiên nhiên hay không? Đó là một vấn đề thắc mắc cho tất cả những người có cảm tình với nền Mỹ thuật.

Muốn trả lời câu hỏi đó, chúng ta hãy nhìn qua biên thùy chật hẹp của thành kiến. Ở bên kia phía trời Âu hay ngay ở bên cạnh nách chúng ta, cùng chung một giải đất liền như Trung Hoa, Ấn Độ, Ai Cập tại sao dân trí của họ lại tiến? Và khi nói đến mỹ thuật thì một người có đôi chút học vấn cũng có thể cho ta biết qua loa về lối kiến trúc dị kỳ của Kim tự tháp Chéops hoặc Vạn lý trường thành với công trình xây dựng bằng máu và nước mắt của muôn vạn lê dân Trung Quốc dưới sự điều khiển của đôi bàn tay nghệ sĩ Tần Thủy Hoàng và hơn nữa, một vì bạo chúa. Màu sắc riêng biệt của xứ sở họ được phơi bày trên những tấm xiêm y hay ẩn nấp dưới mái Viện bảo tàng.

Nước Việt Nam được hãnh diện vì đã có thành tích tranh đấu, những trang sử vẻ vang đầy oanh liệt vì chiến trận, lại có nền văn học vĩ đại thâm thúy mấy nghìn năm, tại sao riêng về mỹ thuật, cho tới nay ông cha ta chưa có chút gì lưu lại cho người sau ngõ hầu nhìn nhận được cá tính dân tộc?

Chúng ta đừng lấy làm ngạc nhiên khi có một người ngoại quốc sành về mỹ thuật hơn chúng ta mà người đó không phải là họa sĩ. Vì khi hãy còn là cậu học sinh bé bỏng ngày hai buổi cắp sách đến trường thì Chủ nhật hay thứ Năm nào cậu và các bạn cũng được một giáo sư hội họa cho đi thăm viện bảo tàng hoặc phòng triển lãm và giảng giải về từng giai đoạn của từng tác phẩm của họa sĩ nổi danh đã qua đời hoặc hiện đại. Những màu sắc đó thấm dần vào bộ óc thơ ngây như những hạt sương đêm thấm dần vào những nụ hoa sắp nở, những học sinh đó còn được học chu đáo những giờ hội họa ở trong lớp hay ở ngoài trời. Họ có hẳn một chương trình huấn luyện theo từng niên học, từ bước đầu cho tới khi rời ghế nhà trường để theo con đường khác và mỗi học sinh đều mang theo một quan niệm khái quát về mỹ thuật. Vì thế cho nên ở các nước Âu châu từ thế kỷ thứ 9 cho tới nay, riêng về mỹ thuật đã gây được một đường lối thích hợp cho đời sống văn minh khoa học mà dân chúng của họ không bỡ ngỡ lắm với những họa phẩm “lập thể” của nhà danh họa Picasso hoặc siêu hình của Chagall. Hiện nay phong trào gây cho trẻ em có tâm hồn yêu trọng mỹ thuật được phổ cập triệt để, họ luôn luôn khuyến khích bằng những cuộc thi vẽ và có hẳn một cơ quan tuyên truyền cho tác phẩm của nhà họa sĩ tí hon.

Xem như thế, chúng ta thấy rõ ngay mỹ thuật là môn học cần thiết vì cuộc sống luôn luôn phải đụng chạm với mỹ thuật và để mở rộng ở trước mắt chúng ta một vũ trụ màu sắc làm dịu bớt đau xót của cuộc đời.

Chúng ta không chỉ phàn nàn khi quay về cái thực trạng của mực sống và trình độ hiểu biết về mỹ thuật của dân tộc Việt Nam. Biết đến bao giờ các họa sĩ mới thoát được những câu hỏi lạ kỳ về mỹ thuật của một số người đã từng có văn bằng cao cấp (không nói đến đại chúng, vì trình độ học thức và hoàn cảnh đời sống chưa cho phép họ hỏi), những câu hỏi ngớ ngẩn đó đã thốt ra ở những nét mặt kiêu ngạo vì học vấn uyên thâm.

Đến đây, chúng ta phải đặt ra những câu hỏi: trong khi tất cả đều hô hào phổ thông nghệ thuật, đại chúng hóa nghệ thuật mà tại sao có một phương pháp phổ thông tiện lợi hơn hết là gây cho những mầm xanh những thức bón hợp với nhu cầu của sức sống đang vươn lên đòi ánh mặt trời? Tại sao riêng ngành chuyên khoa hội họa tại các trường trung học không được tổ chức lại một cách chu đáo, có hệ thống chỉ bảo hẳn hoi, có chương trình xúc tiến để theo đuổi mục đích? Và tại sao tại các lớp học, các học sinh cứ phải vẽ mãi những các mẫu di truyền như cái chén, cái lọ, cái bát cùng những thứ hình tương tự. Họ vẽ như thế để làm gì ? Nếu không phải là để đùa nghịch trên tờ giấy trắng, hay đánh cờ ca rô như một vài giáo sư hội họa đã than phiền vì có những ông học trò cứng đầu cứng cổ lợi dụng những giờ đó làm giờ giải trí, và rút cuộc để rồi họ chẳng hiểu thế nào là mỹ thuật! Cái lỗi đó tại ai? Tại Bộ Quốc gia Giáo dục? Tại giáo sư? Tại học trò? Nhưng dù sao thì phần trách nhiệm một phần lớn vẫn là ở các nhà chuyên môn thiếu phương pháp huấn luyện hoặc có thành kiến sai lầm về sự chỉ dẫn và chưa đánh đúng vào cái lòng yêu mỹ thuật cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Chúng ta có thể quả quyết rằng những học sinh Việt Nam không bao giờ chịu thua học sinh nước ngoài về một phương diện nào, nếu họ được học đến nơi đến chốn. Vì thế, nếu các học sinh có lười biếng thờ ơ với môn hội họa, ấy cũng chỉ tại vì muốn tìm tòi học hỏi mà thiếu nguyên tắc hướng dẫn.

Tất cả mọi ngành chuyên khoa đều làm học sinh chóng nản, nếu họ có học đấy cũng chỉ do sự thúc đẩy của mực tiến mà thôi. Vậy bổn phận của người lãnh đạo tinh thần lớp người đầy nhựa sống ấy phải cố gắng làm sao cho phần chuyên môn của mình trở thành một món ăn ưa thích, phải cho họ biết sự ích lợi của hiểu biết, nghĩa là phải làm cho họ vui mà học. Riêng ở ngành mỹ thuật có những đức tính ấy. Còn có gì làm cho họ vui thích hơn khi họ biết phân biệt một sắc trời, một đường cong, họ có thể tạo ra một Thiên nhiên của họ trong mảnh giấy con con dưới nét bút linh động, và còn gì làm cho họ ham học hơn khi họ hiểu về lịch sử mỹ thuật quốc tế cũng như những giai đoạn tiến triển của mỹ thuật đương thời. Một họa phẩm của Michel Ange ở vào thời đại nào và giá trị của nó ra sao cũng như ngày nay khi nói đến Matisse, Picasso, Chagall, Gleizess v.v. không còn xa lạ gì đối với những conmắt to đen lay láy lúc nào cũng soi mói tìm tòi học hỏi.

Lẽ tất nhiên, không ai có cuồng ý là mong muốn cho tất cả mọi người trở thành họa sĩ, nhưng lúc nào chúng ta cũng mong muốn cho tá cả mọi người trở thành bạn tốt của hội họa và am hiểu mỹ thuật. Vậy muốn đạt tới mục đích đó thì trước hết phải:

1.Tổ chức lại phương pháp hướng dẫn và môn học này phải được coi là cần thiết tương đối với các môn học khác.

2.Chương trình huấn luyện phải thay đổi từng năm theo thứ bậc.

3.Các giáo sư phải áp dụng một đường lối thích hợp để cho học sinh có thể đạt được kết quả khả quan mà đỡ cho họ nản lòng thành lười biếng.

Một khi tính chất của hội họa được phổ thông thì mới nói đến cái tương lai đầy hứa hẹn của nó. Người ta không nên có thành kiến hẹp hòi khi phải mở rộng cửa biên thùy đón gió bốn phương ùa vào thổi mát những mái đầu xanh, và người ta cũng không nên phóng túng quá độ để cho những mầm xấu len chân vào cái địa hạt trong trắng kia. Nói tóm lại, những người chuyên môn phải làm việc nhiều cho ngành của mình và phải đem áp dụng triệt để đường lối vững chắc và hợp lý để soi đường cho một lớp người đang theo nó tìm ánh sáng.

Yếu tố của nghệ thuật hội họa phải được xây dựng trên nguyên tắc căn bản bằng hai điểm chính: phần lý thuyết và phần thực hành.

Phần lý thuyết sẽ là phần chọn lọc về lịch sử mỹ thuật. Ở đấy các giáo sư có thể chia ra làm nhiều phần và từng thời kỳ, sự tiến triển của hội họa và ảnh hưởng của nó, phân tích các trường họa hiện thời ở Việt Nam và quốc tế, các học sinh có thể làm bài và bình luận về một tác phẩm nào đó v.v. Phần lý thuyết đó sẽ đem áp dụng từ lớp đệ thất trở lên, dù rằng mỗi một tuần lễ các học sinh chỉ được học có một giờ về chuyên khoa đó nhưng với sự tận tâm của các giáo sư thì cái kết quả sau mấy năm học tập, tất cả mọi học sinh đều có một ý thức rõ ràng về mỹ thuật cũng như họ hiểu biết về lịch sử loài người, lịch sử tranh đấu dân tộc chẳng hạn.

Còn phần thực hành thì giáo sư chỉ dẫn cho họ về hình họa, về màu sắc, về bố cục, cách ngắm, cách đo, cách trình bày và cái khả năng cùng tính chất của hội họa phải được thực hành theo một quy tắc phổ thông như những nước tân tiến. Các giáo sư phải mạnh bạo phá vỡ cái lối dạy cổ điển chậm chạp, rập theo một hay những mẫu có sẵn, hoặc cái ấm cái chén chỉ làm mất thì giờ cho học sinh mà không đi đến đâu cả. Bổn phận của các giáo sư hội họa là phải mở đường cho họ, đưa họ vào thế giới của hội họa chứ không phải chỉ làm một người cho điểm mà chẳng phê bình không khuyến khích và làm cho họ không bao giờ hiểu mỹ thuật là gì. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc luôn phải phấn đấu, phải cố gắng để vượt mọi trở lực để theo kịp người, mà có điều đáng tiếc là tại sao chúng ta chưa có lấy một viện bảo tàng mỹ thuật để có thể căn cứ vào đấy mà phán đoán trình độ tiến triển của nền mỹ thuật. Ở đấy, các giáo sư hội họa có thể dẫn học sinh đến để dẫn giải về tác phẩm cũng như đường lối của những nhà nghệ sĩ, do đó cái trí óc non nớt dần dần có thể phân biệt được tính chất của hội họa, và khả năng của nó đối với đời sống xã hội, nhân loại ra sao.

Cũng như trên đã nói, không ai có cuồng ý muốn cho tất cả mọi người trở thành họa sĩ, nhưng khi một dân tộc đã đứng dậy để cùng chung sức xây dựng và kiến thiết một nền văn hóa chung của nhân loại thì ngành nào cũng phải lấy học sinh làm căn bản. Đã đành rằng khi học sinh đã rời bỏ cái ghế nhà trường  để theo con đường đi thích hợp với khả năng của mình, cũng có thể học sinh đó theo hẳn về hội họa, nhưng đó lại là câu chuyện khác. Ở đây chúng tôi chỉ bàn riêng đến vấn đề phổ cập nền mỹ thuật tại các trường học và để gây một ý niệm rõ ràng về mỹ thuật hơn là thành họa sĩ cho lớp người của ngày mai.

Tạp chí Thế kỷ, 1952

 

Nguồn: Học Thế Nào

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.