Một hệ thống ngầm dưới lòng đất đầy ấn tượng gồm các hang động và đường hầm, những xe hơi cổ và bị lãng quên từ thời Chiến tranh Thế giới II đã bị bỏ quên dưới lòng Naples.

 

Ở những thành phố cổ như Naples, cư dân đã trở nên quá quen thuộc với những kho báu thời La Mã chôn sâu dưới đất, những hồ chứa nước cổ và những tác phẩm lịch sử nằm dưới nền nhà, chỉ được phát hiện khi người ta đào nền cải tạo nhà cửa.

Nhưng gây bất ngờ hơn cả là cuộc tình cờ tái khám phá vào năm 2005 – Các nhà địa chất của chính phủ trong lúc kiểm tra một số mỏ đá dưới khu vực Monte di Dio đã phát hiện một trong những hệ thống hầm ngầm những lối đi đầy ấn tượng được làm từ thời xưa, lại xếp đầy những chiếc xe hơi cổ và những di tích bị lãng quên từ thời Chiến tranh Thế giới II, nằm sâu 150m bên dưới quảng trường Piazza del Plebiscito.

 

Hầm rộng cho nhà vua

Được xây dựng từ năm 1853, hệ thống đường hầm Bourbon gồm nhiều tầng, rộng 1.022m2, ngày nay được biết đến với tên gọi Galleria Borbonica, được vua Ferdinand II của triều Bourbon xây dựng. Lo sợ về một cuộc cách mạng có thể nổ ra, nhà vua muốn có một hệ thống đường ngầm đi lại dưới mặt đất đủ rộng cho binh lính và ngựa qua lại từ Hoàng Cung đến các trại lính.

Sau đó, vào đầu thập niên 1930, hệ thống đường hầm được sử dụng làm nhà kho tạm giữ các xe vận chuyển lậu vì thời đó trong thành phố tấp nập có rất ít không gian.

 

Những đường hầm bị lấp kín và lãng quen từ thập niên 1950

 

Đường ngầm và các toà nhà dưới hầm sau đó đã trở thành nơi trú ẩn tránh không kích trong thời Chiến tranh Thế giới thứ Hai, trước khi bị đóng hoàn toàn vào đầu thập niên 1950 và bị lãng quên từ đó.

Vào năm 2012, ông Tonino Persico, một người từng sống sót nhờ việc trốn dưới hầm trong thời chiến tranh, nay 90 tuổi, đã liên lạc với nhà địa chất người Naples Gianluca Minin, người đang tiến hành cuộc khai quật phần còn lại của hệ thống hầm, để thông báo về một hầm tránh bom bên dưới toà nhà Palazzo Serra di Cassano, một cung điện nằm dưới quảng trường Piazza del Plebiscito.

Minin và các đồng sự của ông mất ba năm để dọn dẹp đống đổ nát của khu vực này.

Rồi vào tháng 12/2015, Bảo tàng Galleria Borbonica đã khai trương một chương trình tham quan xúc động tên Via Delle Memorie để tưởng niệm những người đã trú ẩn ở đây trong thời chiến.

Cuộc sống thời chiến

Paolo Sola, một trong những thành viên sáng lập của Bảo tàng Galleria Bornonica, dẫn tôi đi sâu vào trong những đường hầm ánh sáng mờ tối.

Không khí tù đọng của hầm pha trộn giữa sự cũ kỹ, lãng quên, sự tàn lụi, mục ruỗng và đây đó có cả mùi nước tiểu.

Khi đi bộ trên nền đất cứng, chúng tôi lướt qua những hốc tường có gắn những bóng đèn chạy pin nhỏ, cuốc và những dụng cụ đào và thiết bị thăm dò khác – chắc chắn là công việc khai quật vẫn còn đang được tiến hành rất nhiều.

Vài lần, mê cung của đường hầm chẻ nhánh vào những hành lang bằng đá hẹp, nơi ngày xưa từng có thời dẫn nước từ bể của cung điện xuống.

 

Đôi khi rất khó để định hướng trong đường hầm

 

Cuối cùng, chúng tôi đi xuống một cầu thang khác và đến được hầm trú ẩn tránh bom. Trong chiến tranh, cầu thang không được thắp sáng, và trong điều kiện chật cứng người thì không có gì đảm bảo là ta có thể đi xuống dưới được một cách an toàn.

Một người sống sót, Giáo sư Aldo De Gioia, người tôi từng gặp tại Bảo tàng ngầm Napoli Sotterranea, nơi cũng từng là hầm trú ẩn tránh bom, kể lại cho tôi nghe một phần kịch sử đầy bi thương mà ông còn nhớ rõ.

“Tôi biết một cô gái, một người con gái đẹp tên Edina, tóc nâu mắt xanh, cô vội vàng chạy xuống hầm trú ẩn và đã bị quăng xuống những bậc cầu thang, bị dẫm đạp đến chết.”

Ông De Gioia, giờ đã là một người lớn tuổi, vào thời đó chỉ là một cậu bé tám tuổi.

 

Đường hầm đầy những xe hơi cổ này đã được khám phá sau thời gian dài lãng quên

 

Ký ức bi thương

Sola hỏi liệu tôi có muốn nghe tiếng còi hiệu báo có máy bay thả bom không. Nghe tiếng còi hiệu trong một bộ phim là một việc, nhưng nghe cùng một âm thanh rất thực và ám ảnh đó trong một hầm tránh bom khiến ngực tôi bị siết chặt và tôi thấy kinh sợ.

“Khi quan sát thấy máy bay của kẻ thù từ Salerno và các đảo Ischia và Capri, còi sẽ hụ ba lần,” ông giải thích. “Điều đó có nghĩa là máy bay đang đến và người dân có 15 phút để chạy xuống dưới các hầm. Từ đây người có trách nhiệm sẽ dùng điện thoại để liên lạc,” ông nói và chỉ vào một điện thoại quay số kiểu xưa treo trên tường.

Tôi để ý đến một ống tiêm và kim tiêm han gỉ được tìm thấy khi cuộc khai quật được trưng bày.

 

Không có điện, người dân chạy trốn chiến tranh phải dựa vào các pin DC tối mờ

 

Theo Sola, rất nhiều người bị thương trên mặt đất và họ phải chạy xuống thang đến hầm trú ẩn. Bác sĩ cố gắng chăm sóc họ tốt nhất có thể trong không gian nhỏ hẹp được dành cho bệnh viện, nhưng thời đó có rất ít thuốc men.

Rất nhiều người đã bị bệnh và bị suy dinh dưỡng khi cảng và hệ thống đường sắt bị đánh bom, và thực phẩm được vận chuyển bằng xe tải lại đi thẳng đến chợ đen.

Hệ thống ống nước bị phá huỷ, vì thế không có nước sạch, còn hệ thống điện bị cắt. Ở dưới hầm, người trú ẩn buộc phải dựa vào các pin DC yếu ớt.

Bi kịch là có hàng người Naples mất nhà cửa vì bom và cần phải cư trú vô thời hạn dưới hầm trú.

Thiết kế để sinh tồn

Cách vị trí được dùng làm bệnh viện vài chục bước là nhà vệ sinh, phòng tắm và bồn rửa được ngăn bằng vách xi măng. Bên cạnh không gian này là khu vực kín đáo với ba bức tường dành cho mọi người ngủ. Giờ đây vài tấm chiếu mỏng được trải ra với mục đích trưng bày.

 

Các nhà nghiên cứu tìm thấy bằng chứng có người sống dưới hầm khi bắt đầu khai quật

 

Khi các nhà nghiên cứu tiến hành khai quật đường hầm, họ tìm thấy các bếp lò lưu động, với các chậu thiếc han gỉ và nồi ám đen, với những xe nôi em bé xếp phẳng, đồ nội thất mốc meo và nhiều bằng chứng khác cho thấy con người cố gắng tạo dựng lại cuộc sống trong bóng tối và cái lạnh thấu xương. Sự cay đắng mà họ từng phải chịu đựng vẫn hiện hữu rõ ràng.

Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng ảm đạm. Khi đàn ông và phụ nữ không thể chịu được nỗi lo lắng và đau khổ hướng về người chồng, cha và anh em ngoài mặt trận xa, bọn trẻ con lại có cách để chơi đùa hết thời gian.

“Chúng tôi chơi cùng nhau,” De Gioia kể lại. “Chúng tôi chơi trốn tìm, nhưng bạn có thể bị lạc ở dưới đó.”

Ông còn nhớ người thợ cắt tóc thường cạo râu cho cánh đàn ông. “Thường ông ấy sẽ tính giá 5 đồng lira, nhưng khi chúng tôi ở dưới hầm ông ấy tính gấp đôi!”

“Đôi khi, có ai đó hát bài O Sole mio [một ca khúc truyền thống Naples],” ông nhớ lại đầy bâng khuâng.

Bằng giọng hát mềm mại, đầy giai điệu và hoàn hảo từng nốt, ông De Gioia hát hai câu đầu tiên của đoạn điệp khúc.

“Ca hát là cách để giải thoát nỗi buồn,” ông nói.

 

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

Nguồn: BBC News Tiếng Việt

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.