Nhiều người xem tranh băn khoăn không biết nên xem thế nào để hiểu. Người ta tự hỏi đẹp hay xấu vì lẽ gì, ở những chỗ nào. Ngần ấy điều người ta vẫn thường nhờ các họa sĩ trả lời.
Trả lời là một việc dễ. Một nghệ sĩ chịu khó suy nghĩ, xét đoán, nghiêm nghị với mình vẫn « trông » thấy nhiều, « biết » nhiều (tuy chưa phải vì thế mà đã có tài).
Song tôi thiết tưởng, khi người ta không là nghệ sĩ, nhà bình phẩm chuyên môn hay nhà khảo cứu « biết » đối với khách quan lại là cản trở sự thưởng thức. Vì lẽ, khách quan ít có dịp gần mỹ thuật, sự biết không thể rộng được. Biết chút ít rất nguy hiểm cho sự xét đoán. Thấy nói một bức tranh đẹp vì nhiều màu tươi, hay vì người kiểu vẽ dễ yêu, ta yên trí ngay phải thế mới đẹp, còn tác phẩm nào không có cái đẹp ấy đều là dở.
Sự thật không thế ! Không có những nét ấy, có thể có những nết khác được. Tất cả nghệ sĩ không nhìn tạo vật bằng một mắt chung. Bởi cớ giản dị, nhìn giống nhau, họ sẽ vẽ như nhau. Bấy giờ thiên hạ chỉ cần một nghệ sĩ cũng đủ !
Đối với công chúng, màu sáng hay tươi, nét già hay non không phải cốt yếu. Chỗ cần là kết quả một tác phẩm, là cảm tưởng và cảm giác của ta trước tác phẩm. Nhà nghệ sĩ cũng chỉ cần có thế. Tất cả cái khổ tìm tòi của mình chỉ để tả được tâm trạng mình và truyền những ý muốn, những tình cảm cho người coi tác phẩm của mình sáng tạo.
Muốn thấu giá trị bức tranh, đừng suy xét gì cả. Mặc tác phẩm cảm mình. Nhưng trong lòng cần thư thái, trí bình tĩnh để tiếp nhận một cách vô tư những cảm giác mới. Coi những người vẽ trong tranh, thí dụ ta có cảm giác là làm bằng gỗ. Cảm giác của ta có thể đúng. Có được cảm giác ấy, ta không cần phải tách bạch, soi bói đến cách vẽ, nét vẽ, những cái chỉ cần hiểu cho người có mật thiết với nghề. Theo cảm giác đó, định giá mỹ thuật bức tranh. Tuyệt tác nếu quả ý tác giả là sáng tạo một nhân loại gỗ (một họa sĩ Pháp hiện tại, vẽ người trong như luloong, đinh ốc ; vẽ thừng, búa, kìm trong lại sống hoạt như người). Vô giá trị nếu dụng ý của họa sĩ cốt tả những người sống như chúng ta. Tự ý muốn sáng tạo cho đến sáng tạo, có nghệ thuật. Đếm được hay không, tùy cái hay dở của nghệ thuật. Chúng ta không cần biết đến nghệ thuật, chỉ ý muốn sáng tạo và sự đã sáng tạo là đủ rồi. Cái ý muốn bao giờ cũng là một hiện trạng rõ ràng không che đậy, người coi tranh không nhìn thấy vì tâm trí không được tự chủ, bị những thành kiến, những quan niệm đã học ám ảnh. Một bức tranh dụng ý tả vẻ rực rỡ của ánh sáng, không kể gì đến hình thể, trong đó ta chú ngay đến hình thể, vì ta sẵn có quan niệm trong hình thể, quan niệm làm lấp mất cảm giác về ánh sáng mà, nếu vô tư, ta có thể chấp nhận được.
Tôi thấy rằng quan niệm chung của số đông người Annam về tranh là tranh phải như bức ảnh có màu. Xét một tiểu tiết gì trong tranh ? Người ta viện ngay đến sự thực : nhìn một vật liệu trong tranh ? Người ta so sánh ngay với sự thực. Làm như mắt họa sĩ là ống ảnh ! Có khác gì, coi kịch lại có tính kiểu cách người xem chiếu bóng ! Có khác gì bắt một nhà văn tả người, đi tìm một người kiểu rồi theo người ấy, bạ người ta nói gì, làm gì cũng đều chép vào chuyện. Những nhân vật trong mỹ-thuật (trừ truyền thần) phần lớn đều là mỹ công sáng tạo : mượn một ít vật liệu ở sự thực để nghệ sĩ sai khiến theo ý muốn của mình.
Cái ý muốn ấy, cái cánh nhìn sự vật theo quan niệm của mình, cái mà đặc biệt cho từng nghệ sĩ ta vẫn gọi là nhân cách mỹ thuật. Bởi mỗi nghệ sĩ (tôi nói nghệ sĩ chân chính) có một nhân cách mỹ thuật riêng, nhiều khi rất mới lạ, nên xem tác phẩm của họ mà tâm trí không tự chủ, đem theo những định kiến những quan niệm của mình hay mượn của ai, là làm một điều không hợp lẽ phải. Nhà bình phẩm Charles Beaudelaire đã nêu lên thuyết : bình phẩm muốn công bình phải tây vị (pour etre juste, la critique doit etre partiale). Tây vị đây là tây vị khuynh hướng của nghệ sĩ, theo đường ấy mà xét người, ta xem tranh cũng gần như bình phẩm. Nếu không quý, không nể ý muốn của nghệ sĩ, không bao giờ thưởng thức được tác phẩm mỹ thuật một cách công binh.
Tác giả : Tô Ngọc Vân
Biên tập : Khánh Phượng Lisa
(còn tiếp)