Ngay ở buổi bình minh của dân tộc, các tiền bối của người Việt cổ đã quen “nghịch đất” và thử “nặn tượng”. Bằng chứng là qua các cuộc khai quật khảo cổ ở thời hiện đại, thế hệ con cháu mấy trăm đời sau còn tìm thấy một số “bán thành phẩm” điêu khắc của tổ tiên – hầu hết đều… chưa nặn thành hình. Bên cạnh đó còn có tượng đá, số lượng rất ít nhưng đáng chú ý ở chỗ rất rõ hình tượng và được coi gần như đã làm xong. Ở đây tôi chỉ xin bàn đến các tượng đá và đất nung – còn tượng đồng thì muộn hơn và công nghệ cũng đã cao hơn (vì phải nặn mẫu xong làm khuôn rồi mới tới công đoạn nấu đồng và đúc rót…). Ngày nay chúng ta đã có cả một “nền Điêu khắc Việt Nam” với nhiều thành tựu, thiết tưởng cũng nên nhìn lại để đánh giá bước khởi đầu chập chững vào nghề của tổ tiên chứ nhỉ?

 

  1. Những tượng đất nung bé xíu và như đang nặn dở

Các nhà khảo cổ đào được khá nhiều mảnh vụn… nghi vấn là tượng đất nung trong các cuộc khai quật những di chỉ thuộc các Văn hóa khảo cổ Phùng Nguyên, Đồng Đậu và Gò Mun (chỉ riêng tại di chỉ Thành Dền đã đào được tới 114 tiêu bản). Căn cứ vào những gì đã chính thức công bố thì chỉ có tượng động vật – mà nhiều khả năng đó là các vật nuôi như trâu, bò, lợn, gà, vịt… Chưa hề tìm thấy tượng người hay các “đề tài khác” bằng đất nung. Đó là những tượng rất nhỏ, kích thước chỉ vài cm, đều ở mức độ chưa hoàn thiện khiến đời sau phải đoán xem đó là con gì. Chỉ rất ít tượng còn nguyên, phần nhiều vỡ vụn, gãy các chi tiết.

 

TƯỢNG GÀ, đất nung, Văn hóa khảo cổ Đồng Đậu (khoảng 1500-1000 trCN), hiện vật Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Bác Cổ, Hà Nội), ảnh Nguyễn Hoài Nam.

 

“Nổi tiếng” nhất trong số này – vì được bày trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Bác Cổ – Hà Nội) là mấy tượng gà, bò (hoặc trâu), thuộc Văn hóa khảo cổ Đồng Đậu. Tạo dáng gà khá rõ: đầu, cổ, thân và đuôi. Thậm chí tư thế con gà vươn cổ, vểnh đuôi một cách điển hình kiểu gà chứng tỏ người nặn đã quan sát gà rất kỹ, bắt dáng được con gà. Tuy nhiên tượng gà vẫn như chưa xong vì thiếu chân, mào, mỏ – rất có thể đã được nặn rồi lại gẫy vì bị vùi trong lòng đất mấy ngàn năm… Tuy nhiên khả năng nặn chưa xong thì hợp lý hơn, căn cứ vào vết tích còn lại và cũng căn cứ vào trình độ hết sức sơ khai của người Đồng Đậu khi đó. Còn tượng bò thì tùy: có tài liệu bảo đó là trâu – bởi tạo dáng còn đang dang dở, chưa rõ những đặc điểm cốt yếu để khẳng định là một trong 2 con vật này như kiểu sừng, u bò, yếm bò (mà trâu không có)…

TƯỢNG LỢN và BÒ (đoán định), đất nung, dài 2-5,5cm, dày 1-3cm, di chỉ Thành Dền, Văn Hóa khảo cổ Đồng Đậu (khoảng 1500-1000 trCN). Nguồn ảnh: “Địa điểm khảo cổ học Thành Dền – những giá trị lịch sử – văn hóa nổi bật”, Lâm Thị Mỹ Dung chủ biên, NXB ĐHQG HN 2015.

 

Dù sao các tượng bò và gà kể trên cũng đã là loại “khá” lắm bởi đa số các tượng đất nung còn lại sau các cuộc khai quật đều “kém hơn nữa” về tạo hình. Nếu chúng ta có ý định “chiêm ngưỡng tác phẩm điêu khắc” thì nhiều khả năng sẽ đành nản lòng! Tuy vậy, các tượng này chí ít vẫn để lại cho chúng ta một vài thông tin hữu ích. Thứ nhất: cỡ tượng rất nhỏ, chỉ vài phân (cm). Thứ hai: được làm nhân thể khi người ta làm gốm, tranh thủ nặn chơi chút cho vui rồi đem nung kèm. Có một số phán đoán: nặn chơi, nặn để làm kiểu tượng bùa, nặn làm đồ chơi cho trẻ con… mà cũng có thể chính trẻ con mới là “tác giả” – nặn để chơi.

 

Một số mảnh tượng đất nung Văn hóa khảo cổ Phùng Nguyên. Nguồn ảnh: “Đồ gốm Văn hóa Phùng Nguyên”, Bùi Thị Thu Phương, NXB Chính trị QG 2015

 

Tượng đầu bò, đất nung, di chỉ Tiên Hội, Đông Anh, Hà Nội, Văn hóa khảo cổ Đồng Đậu (khoảng 1500-1000 trCN). Nguồn ảnh: sách “Hà Nội thời Hùng Vương – An Dương Vương”, Trịnh Sinh, NXB Hà Nội 2010.

Hiện vật của Bảo tàng Đền Hùng, đất nung, ảnh Đức Hòa.

Một số mảnh tượng đất nung – di vật Văn hóa khảo cổ Tiền Đông Sơn lưu vực sông Mã. Nguồn hình vẽ: từ sách “Cơ sở Khảo cổ học”, Hán Văn Khẩu chủ biên, NXB Đại học QG HN 2008.

 

Nhìn rộng ra trong lịch sử thế giới, các nền văn minh tối cổ cũng để lại khá nhiều tượng đất nung cỡ nhỏ và không hoàn thiện. Người nguyên thủy trên bước đường chập chững vươn lên thành các dân tộc, quốc gia sơ khai hóa ra rất thích vẽ, nặn, đục đẽo… để tái tạo hình người và động vật mà họ thấy quen thuộc. Đây là quá trình nhận thức thế giới bằng cách tái tạo hình của người nguyên thủy.

 

  1. Tượng đá rất ít nhưng tạo hình rõ ý đồ hơn

Đó là bức tượng được đặt tên: “Người đàn ông Văn Điển” vì khai quật từ di chỉ cùng tên. Dù rất bé, chỉ cao có… 3,6cm, sẽ lọt thỏm nếu ta cầm trong tay nhưng tượng đá này được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Bác Cổ – Hà Nội) và được in rất nhiều lần trên các sách báo Việt Nam. Nếu các tượng đất đều có vẻ… nặn ẩu thì ngược lại – tượng đá này cho thấy sự công phu, trau chuốt. Dáng người đứng thanh mảnh, rất eo, các chi tiết được nhấn rất rõ nét: 2 mắt khoét lõm thành 2 chấm sâu, tròn đều, gờ ụ lông mày và gờ gò má cân đối, trong khi gờ sống mũi hơi nhô lên theo chiều dọc chính giữa mặt. Dù chỉ nhỏ như… đầu tăm nhưng “sinh thực khí nam” nổi lên rõ rệt, đúng chỗ! Đáng ngạc nhiên hơn nữa khi trên đỉnh đầu có búi tóc từ chính giữa đỉnh vểnh lên với chủ ý tạo hình chính xác: vạt phẳng đều hai mặt bên theo chiều đứng và hơi lượn cong lên về phía sau. Có giả thiết cho rằng đó không phải là búi tóc mà là một vành tròn – nếu không bị gãy thì sẽ để buộc dây vào như đeo bùa. Nếu quả đúng vậy thì tay nghề của nghệ nhân tạc đá này đã rất cao từ cách đây có thể tới 4000 năm! Cũng chưa ai chứng minh được đó là một vành tròn nhưng sự khúc triết, mạch lạc của chỏm tóc khiến đời sau phải để ý và có phần băn khoăn: thời thô sơ đến vậy mà sao có thể chế tác kỹ thế? Tất nhiên tượng chưa hoàn hảo: không tay, cụt chân, lại vẫn còn mảnh xỉ đá chèn vào một bên hông mà tác giả chưa xử lý được, có thể vì non tay nghề hoặc thiếu dụng cụ đủ cứng để cắt gọt…

 

Tượng NGƯỜI ĐÀN ÔNG VĂN ĐIỂN – khai quật tại di chỉ Văn Điển, cao 3,6cm, đá quarzit mài nhẵn. Văn hóa khảo cổ Phùng Nguyên, khoảng 2000-1000 trCN. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia VN (Bắc Cổ – Hà Nội). Ảnh: Hiểu Trần. Bên trái là giả thiết về phần vòng đã gãy trên đỉnh đầu – có thể là móc để treo tượng bùa (bản vẽ của Đức Hòa).

 

Một… tượng đá khác, mà đúng ra chỉ là dạng khuyên tai – trang sức. Tuy nhiên cách tạo hình lại rất công phu và gợi cảm: khuyên tai hình đầu trâu với đôi sừng cong vểnh sang hai bên. Rất thú vị khi nghệ nhân ngàn xưa đục lỗ xỏ xuyên qua vị trí sống mũi trâu! Nhìn nghiêng ta sẽ thấy như mắt trâu đang mở… Ngày nay, với công nghệ hiện đại, người ta có thể chế tác trang sức phức tạp hơn nhiều nhưng thuở sơ khai nguyên thủy thì đây quả là kỳ công: tinh tế, sáng tạo, đối xứng, trau chuốt… trong tình thế chắc chắn chưa có công cụ đủ tinh vi.

 

Khuyên tai hình đầu trâu, di chỉ Đình Tràng, Đông Anh, Hà Nội, cao 2,4cm, ngang 2,7cm, đá ngọc nephrite. Văn hóa khảo cổ Gò Mun, khoảng 1100-700 trCN, Bảo tàng Nhân học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội, ảnh: Đức Hòa.

 

Về màu sắc và chất liệu thì 2 tượng đá kể trên còn tăng thêm phần hấp dẫn vì được tạc từ loại đá có chất lượng ngọc nên có phần hơi long lanh và màu xám phớt xanh gợi cảm.

  1. Nặn đất dễ hơn tạc đá – vậy tại sao tượng đá toát lên vẻ công phu trong khi tượng đất có vẻ… nặn ẩu?

Về lý thì quả đúng vậy: nặn đất ta tha hồ thêm bớt, chỉnh sửa trong khi tạc đá không có cơ hội sửa sai nếu ta đục nhầm – dù chỉ một nhát! Khá nhiều nhà nghiên cứu đã băn khoăn về vấn đề này. Hóa ra đó là vấn đề của lịch sử tiến hóa nhân loại: người nguyên thủy thoạt tiên đã phải trải qua THỜI KỲ ĐỒ ĐÁ dài hàng vạn năm. Họ chỉ có công cụ bằng đá để tồn tại mà mãi sau này họ mới biết dùng lửa. Kể từ khi có lửa, người ta mới có thể làm bếp, ăn chín, nặn và nung đồ gốm rồi dần dần tiến tới nấu đồng để đúc…

 

Hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Đền Hùng, Phú Thọ, ảnh Đức Hòa.

 

Vậy là dù đá rất cứng, nếu đục hỏng thì miễn sửa, chỉ có vứt đi… thế nhưng sau hàng vạn năm của thời kỳ ĐỒ ĐÁ, người nguyên thủy lại đã quen xử lý đá đến mức đủ công phu và tinh tế. Ngược lại, dù đất rất dễ nặn nhưng con người mãi sau mới biết dùng lửa để nấu ăn, sưởi và nung gốm… Họ chưa thể nặn tượng đẹp ngay lập tức sau khi có lửa. Vậy là dù nặn đất rất dễ nhưng vẫn cần thời gian đủ dài để mầy mò làm quen và tập dượt. Chỉ có như thế mới cắt nghĩa được vì sao “Người đàn ông Văn Điển” và “trang sức đầu trâu” lại có vẻ chỉnh chu hơn vô số tượng đất dù cùng tuổi và tương đương thời.

  1. Nghĩ về hiệu quả thẩm mỹ qua 2 tượng đá sơ khai nhất của người Việt cổ

Khá khó tin nhưng đó vẫn là sự thật: ngay từ thuở sơ khai của dân tộc, nghệ nhân Việt cổ vô danh đã chế tác điêu khắc đá với những hiệu quả đáng nể. Thứ nhất: đó là kết cấu cân đối tới mức gần như đối xứng – cặp sừng trâu, mặt người đàn ông… Thứ hai: đó là những chi tiết điểm nhấn đúng chỗ và hiệu quả đầy hứng thú – đôi mắt người như chấm tròn lõm vào đá, mắt trâu cũng chính là lỗ xỏ khuyên tai, độ cong đều của cặp sừng trâu, điểm nhấn của sinh thực khí nam, gờ ụ lông mày, gò má cân đối và hài hòa trên khuôn mặt, chỏm tóc bật lên trên đỉnh đầu, cân xứng và gợi cảm… Theo thiển ý của tôi: tượng “Người đàn ông Văn Điển” xứng đáng là điểm khởi đầu xuất sắc của lịch sử điêu khắc Việt Nam.

Các tượng đất nung dù đa phần vụng về hết cỡ, lại vỡ vụn… nhưng vẫn có một điểm sáng, nói theo cách nhà nghề của họa sĩ là đã “bắt dáng” được con gà: thiếu sót tất cả các chi tiết nhưng tạo dáng gà mái không lẫn đi đâu được! Theo nghệ thuật hiện thực và ấn tượng, chỉ cần “bắt dáng” tốt là đã thắng lợi đến non nửa!

 

Nguồn: TRITHUCVN

Tác giả: Họa sĩ Đức Hòa

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.