Xung quanh vấn đề tranh thật và tranh giả có rất nhiều chuyện hài hước. Một trong những chuyện buồn cười đó là những người làm tranh giả, không biết do vô tình hay cố ý, đã đưa các họa sĩ đã chết từ cõi âm trở về.

Họa sĩ Nguyễn Tường Lân vẫn còn sống ?

Họa sĩ Nguyễn Tường Lân sinh năm 1906, học khóa 4 trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1928-1933). Sau khi tốt nghiệp tại trường Mỹ Thuật Đông Dương, ông mở xưởng vẽ tại Hà Nội và đã trở nên nổi tiếng từ thời đó. Ông vẽ thuần thục hầu hết các chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ, bột màu, chì than. Mặc dù khoảng thời gian học và sáng tác của ông không lâu, có thể nói là từ năm 1928 cho tới 1946, nhưng ông đã sáng tác và làm triển lãm ở nhiều nơi. Ông được xem là một họa sĩ tài ba, được xếp vào hàng bộ tứ họa sĩ nổi tiếng thời kỳ đầu của nền mỹ thuật Việt Nam (thời Đông Dương) cùng với các họa sĩ khác như Gia Trí, Tô Ngọc Vân và Trần Văn Cẩn. Câu nói “Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn” hẳn ai yêu thích hội họa cũng đã từng nghe.

Vào năm 1946, ông cùng họa sĩ Tạ Thúc Bình qua Côn Minh, Trung Quốc làm triển lãm. Hai người đã gặp cựu hoàng Bảo Đại (khi đó cũng đang có mặt tại Côn Minh) và được cựu hoàng này hứa tài trợ và tổ chức triển lãm tại Bắc Kinh. Họa sĩ Tạ Thúc Bình do không muốn dính dáng đến chính trị nên đã từ chối lời đề nghị này và chỉ có họa sĩ NT Lân chấp nhận lời mời của Bảo Đại tới Bắc Kinh làm triển lãm. Khi họa sĩ NT Lân quay trở lại Việt Nam, ông đã bị Việt Minh bắt giam và từ đó không ai hay biết gì về số phận của ông. Người ta đồn rằng ông đã bị Việt Minh khử tiêu và trong các tài liệu chính thức, ông được xem như là đã mất vào năm 1946.

Cách đây vài hôm, thông qua một bức tranh đấu giá, người ta đã tìm thấy “bằng chứng” cho rằng họa sĩ NT Lân vẫn còn sống cho tới năm 1987. Bằng chứng là một bức tranh lụa, có tiêu đề thiếu phụ trong vườn, vẽ cảnh một thiếu phụ, đang tạo dáng bên cạnh chú lợn, tranh có dấu và chữ ký của họa sĩ NT Lân. Đặc biệt bức tranh này được “họa sĩ” viết thêm dòng chữ « tưởng nhớ tới ngài tổng cục trưởng Huisman, paris ngày 1 tháng 12 năm 1987, ký tên NT Lân».

 

Bức tranh thiếu phụ trong vườn, được nhà đấu giá đăng bán với giá khởi điểm chỉ 100 Euros, giá của bức tranh tăng rất nhanh và cuối cùng được bán với giá 17.000 Euros chưa tính phí nhà đấu giá.

Ngoài dấu triện và ký tên NT Lân trong tranh, “họa sĩ” không quên viết thêm dòng chữ « tưởng nhớ tới ngài tổng cục trưởng Huisman, paris ngày 1 tháng 12 năm 1987, ký tên NT Lân»

Huisman hay tên gọi đầy đủ Georges Maurice Huisman là một chính trị gia người Pháp, từng làm việc dưới thời cựu tổng thống Paul Doumer (người từng giữ chức vụ toàn quyền Đông Dương những năm 1896-1902). Ông Huisman từng giữ chức vị tổng cục trưởng cục Mỹ Thuật Pháp vào những năm 1934-1939, là người khởi xướng lễ hội Cannes nổi tiếng thế giới và cũng là người có công trong việc di dời các hiện vật tại các bảo tàng Pháp khỏi sự tàn phá của thế chiến thứ II. Ông từng bị bắt bởi quốc xã Đức, khi hòa bình lập lại ông làm cố vấn cho chính phủ Phap và mất vào năm 1957.           

Như vậy với bằng chứng trên thì có lẽ họa sĩ NT Lân không bị khử tiêu bởi Việt Minh như những tin đồn trước đây để gây thất thiệt. Họa sĩ vẫn còn sống cho tới tận những năm 1987 và năm mất của họa sĩ vẫn còn là một con số bí ẩn.

Họa sĩ Bùi Xuân Phái sống lại ?

Sắp tới đây, một nhà đấu giá khá tên tuổi tại Europe chuẩn bị đăng bán một vài bức tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Theo dữ liệu được cung cấp từ nhà đấu giá này thì một trong những bức tranh sắp bán của BX Phái được vẽ vào năm 1989, tranh vẽ cảnh phố cổ Hà Nội rất quen thuộc của họa sĩ. Họa sĩ BX Phái là một họa sĩ rất nổi tiếng, có rất nhiều tài liệu viết về ông, người ta chỉ cần gõ google tên của ông là có thể biết được năm ông mất là năm 1988. Tranh vẽ của ông vào năm 1989 thì chỉ có thể là do họa sĩ sống lại vẽ, hoặc có chăng là một chi tiết mà người Nhái tạo ra để không đánh mất hết lương tâm của mình?

 

Tranh được cho là của họa sĩ Bùi Xuân Phái, vẽ phố cổ Hà Nội vào năm 1989.

Điều đáng trách của nhà đấu giá là ngay cả tới năm mất của họa sĩ họ cũng không biết đọc, chưa nói gì tới chuyện thẩm định một bức tranh. Họa sĩ BX Phái rất nổi tiếng, cũng chính vì vậy mà tranh của ông được làm giả khá nhiều.

Nguyễn Thanh Phương

Paris 10/02/2017

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.