Kosa (hay linga-kosa) là báu vật của vương quốc Champa cổ đại. Tuy nhiên, do những thăng trầm của lịch sử, kosa đã thất thoát gần hết. Hiện ở Việt Nam chỉ còn lưu giữ được 2 đầu tượng thần Siva có gốc gác từ những kosa mà thôi.

Trong khi đó, một số bảo tàng trên thế giới như: Bảo tàng Quốc gia về Nghệ thuật châu Á Guimet (Pháp), Bảo tàng Nghệ thuật Đông Á Berlin (Đức), Bảo tàng Victoria and Albert (Anh), Bảo tàng Văn minh châu Á (Singapore) và một số sưu tập tư nhân ở nước ngoài lại đang sở hữu khoảng 10 kosa (hoặc một phần của kosa) của Champa.

  1. Kosa là gì?

Kosa là một chiếc bao kim loại, làm bằng vàng hay bạc, dùng để phủ lên linga, hiện thân của Siva. Kosa kết hợp với một số phù điêu biểu thị khuôn mặt hay đầu thần Siva, được thiết kế để bao phủ phần trên của linga.

Danh xưng kosa xuất phát từ một chữ Phạn (xuất hiện trong sử thi Mahabharata VIII)1 miêu tả một lớp vỏ bọc hoặc một cái bao dùng để đựng những báu vật. Những chiếc bao bên ngoài linga như thế được dùng trong các nghi lễ rửa tội và tẩy uế, tuân theo tập tục abhiseka của người Ấn Độ.

Việc dâng hiến những món quà đắt tiền như vậy hình thành từ một phần việc quan trọng nhằm thực thi nghĩa vụ thiêng liêng của đạo Bà La Môn gọi là dana, nghi lễ hiến tế của tín đồ đối với vị thần họ tôn thờ.

Danh xưng kosa rất phổ biến trong tín ngưỡng Saivite ở Ấn Độ nhưng hiếm khi được biết đến ngoài tiểu lục địa này. Tuy nhiên, trong một số văn bản cổ của Champa đã được phát hiện có nhắc đến danh xưng kosa, xuất hiện trong nghi lễ chính thống được thực thi nhân danh đức vua.

 

Những văn bản này cho thấy mối liên hệ giữa kosa với chức năng tín ngưỡng và ma thuật, nhằm chứng minh cho tính hợp pháp chính trị và sự tồn tại của đức vua và vương quốc. Theo đó, kosa chính là lễ vật quan trọng nhất mà đức vua Champa dâng cho đền thờ, hoặc chính xác hơn, cho thần linh. Văn bản đầu tiên có nhắc đến danh xưng kosa ở Champa xuất hiện vào năm 721 trong đoạn văn được dịch như sau “ông (đức vua) làm ra… 2 kosa cho Thượng đế, 1 kosa có thể dịch chuyển, còn cái kia thì cố định. Kosa có thể dịch chuyển mang (1 hoặc nhiều) khuôn mặt”.2

  1. Diện mạo kosa

Kosa thường được làm bằng quý kim như vàng, bạc và thường được tô điểm bởi những viên đá quý. Phần thân của kosa là chiếc bao bằng quý kim dùng để chụp lên bên ngoài linga khi tiến hành lễ nghi. Gắn liền với chiếc bao này là một đầu tượng thần Siva có chiếc cổ khá dài. Các đầu tượng được chế tác từ những nguyên liệu như nhau, đặc biệt rất giống nhau về thành phần nguyên liệu. Chiếm tỉ lệ lớn trong hợp kim là vàng, kế đến là bạc và một số ít kim loại khác.3

Những đầu tượng này được làm từ những miếng vàng, được gắn với nhau bằng nhựa thông hoặc sáp ong. Phần trán của đầu tượng và phần búi tóc thường được làm từ một miếng vàng, phần sau làm từ một miếng khác, được nối với nhau bằng một khớp nối hình răng cưa. Có những đầu tượng có khảm 1 viên đá quý màu đen ở giữa trán, tạo thành con mắt thứ ba của thần Siva.

Đồ trang sức trên đầu tượng như khuyên tai và những phụ kiện khác có thể tháo rời khỏi đầu tượng để điều chỉnh cho phù hợp với phục trang của đền thờ khi tế lễ.

Tuy đa dạng, song các đầu tượng vẫn có chung một số đặc trưng cơ bản:

– Khuôn mặt nhìn về phía trước; mắt mở to; con ngươi được khảm bằng đá quý.

– Con mắt thứ ba của đầu tượng nằm ở trước trán và ở vị trí cao hơn.

– Lông mày hình vòng cung hướng lên trên, chạm nổi hoặc khắc chìm; râu cũng được thể hiện theo kỹ thuật tương tự.

– Tóc của thần Siva được bện cẩn thận, theo kiểu tóc jatabandha đặc trưng.

– Búi tóc của tượng được làm từ một miếng kim loại riêng biệt rồi mới được gắn tượng.

– Đầu tượng vươn cao với cái cổ dài, với những ngấn cổ riêng biệt.

– Phần cuối của cổ là một đường gờ nổi có các dấu đinh tán, dùng để gắn đầu tượng vào thân của kosa.

Những phân tích thành phần kim loại còn lưu trên vết đinh tán có thể nhận định rằng hợp kim làm nên phần thân của kosa có thành phần chính là bạc.

Những văn bản cổ liên quan đến kosa thường miêu tả kosa có nhiều khuôn mặt, đa phần là bốn mặt, song không rõ những đầu tượng này có cùng gắn lên một kosa hay không? Hay chúng là những cá thể riêng biệt trong một nhóm linga-kosa? Trong khi đó, trên các mukhalinga ở Ấn Độ, thì trên một linga có gắn nhiều khuôn mặt, phản ánh những diện mạo và tính cách khác nhau của thần Siva.

 

Mukhalinga của Ấn Độ bằng đồng. Thế kỷ VII. Hiện vật của Bảo tàng Linden – Stuttgart (Đức)

 

Tuy nhiên, trong những kosa của Champa hiện còn thì không có cái nào giống nhau về thành phần hợp kim, niên đại, kích thước và kỹ thuật tạo hình. Điều này chứng tỏ rằng chúng là những vật riêng rẽ, chứ không phải là những bộ phận của cùng một kosa.

  1. Niên đại của kosa

Việc xem xét, đối chiếu phong cách tạo hình của kosa với phong cách điêu khắc đá Champa đồng đại cho phép xác định niên đại của kosa một cách tương đối.

Một pho tượng Siva đứng trong ngôi đền Mỹ Sơn C1 (thế kỷ VIII – thế kỷ X) và một đầu tượng Siva không rõ nguồn gốc (có niên đại khoảng thế kỷ X) đều mang những đặc trưng giống như trên một đầu tượng hiện còn. Tất cả đều có đôi mắt to; lông mày liền một dãi; bờ môi dày ẩn dưới hàng ria rậm và bóng mượt; tóc được chải gọn gàng, bới cao theo kiểu jata và tạo dáng cũng như nhau.

 

Đầu tượng Siva bằng sa thạch ở tháp A’4 trong thánh địa Mỹ Sơn. Thế kỷ X.

 

Những so sánh về sự tương đồng trong phong cách tạo hình các tượng Siva bằng đá với các đầu tượng bằng quý kim gắn vào kosa có thể giúp cho việc xác định tạm thời niên đại của các kosa là vào khoảng thế kỷ X.

  1. Kosa của Champa hiện đang ở đâu?

Việt Nam hiện chỉ còn giữ được 2 đầu tượng Siva bằng vàng (hoặc hợp kim vàng) có gốc gác từ những kosa của Champa.

Đầu tượng thứ nhất làm bằng vàng, được phát hiện từ đầu thế kỷ XX tại Hương Đình (Phan Thiết, Bình Thuận), hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội.

Đầu tượng thứ hai làm bằng vàng, cao 24cm, trọng lượng 0,58kg, do anh Nguyễn Văn Nông phát hiện tại Phú Long (Đại Lộc, Quảng Nam) vào ngày 23/7/1997 trong khi dò tìm phế liệu. Đầu tượng này hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Nam.

 

Đầu tượng Siva của kosa bằng vàng, cao 24cm, phát hiện tại Phú Long (Đại Lộc, Quảng Nam) ngày 23/7/1997. Hiện vật của Bảo tàng Quảng Nam.

 

Từ ngày 13/10 đến ngày 14/11/1997, nhà đấu giá Spink ở London (Anh) tổ chức đấu giá 32 cổ vật đến từ Đông Nam Á, trong đó, có 2 đầu tượng làm bằng vàng và 1 đầu tượng bằng đồng, đều là những bộ phận bị tách rời từ những kosa của Champa.

 

 

Đầu tượng Siva của kosa bằng hợp kim vàng và bạc, cao 29 cm. Thế kỷ X. Hiện vật do nhà đấu giá Spink rao bán tại London năm 1997.

 

John Guy, nguyên quản thủ Bảo tàng Victoria and Albert, trong bài khảo cứu The kosa marks of Champa: New Evidence in trên tạp chí Southeast Asia Archeology 1998, có giới thiệu hình ảnh đầu tượng Siva phát hiện ở Phú Long. Điều khá ngạc nhiên là hình ảnh đầu tượng Siva Phú Long in trong bài viết của John Guy rất giống với hình ảnh của 1 trong 2 đầu tượng Siva bằng vàng in trong catalogue A Divine Art mà Spink đã phát hành trước cuộc bán đấu giá vào mùa đông năm 1997.

 

 

Đầu tượng Siva của kosa bằng đồng, cao 13,5 cm. Thế kỷ X.

 

Trong bài khảo cứu này, John Guy còn cho biết trong các năm 1996 – 1998, trên thị trường nghệ thuật London xuất hiện một số đầu tượng của kosa bằng hợp kim vàng và bạc. Ít nhất, có 6 kosa đã được giao dịch thành công. Chủ nhân của những hiện vật này đã đưa chúng đến các viện nghiên cứu để phân tích hợp kim và giám định niên đại và 1 trong 6 kosa nói trên được xác định là đồ giả. Người ta phỏng đoán rằng những món đồ giả này được làm từ Việt Nam.

Theo thông tin (kèm hình ảnh) từ các khảo cứu của những học giả ngoại quốc, từ các cuốn guide book về các bảo tàng nước ngoài và từ catalogue của các hãng đấu giá cổ vật ở châu Âu và châu Mỹ… mà tôi thu thập được, thì hiện đang có ít nhất 9 kosa (đa số chỉ còn phần đầu tượng Siva) đang “lưu lạc” ở hải ngoại. Trong đó:

– Bảo tàng Quốc gia về Nghệ thuật châu Á Guimet ở Paris (Pháp) sở hữu 2 kosa.

– Bảo tàng Nghệ thuật Đông Á ở Berlin (Đức) sở hữu 1 kosa, mua từ cuộc đấu giá của nhà đấu giá Spink (London, Anh) vào năm 1997.

– Bảo tàng Văn minh châu Á ở Singapore sở hữu 1 kosa.

– 3 kosa đã được Spink bán đấu giá cho những nhà sưu tập giấu tên.

– 2 kosa được nhà nhiếp ảnh Michel Lechien giới thiệu trong cuốn sách Art du Vietnam – La fleur du pêcher et l’oiseau d’azur do Bảo tàng Hoàng gia Mariemont (Bỉ) xuất bản năm 2002, cũng thuộc về các nhà sưu tập ẩn danh.

 

Đầu tượng Siva của kosa bằng vàng, gắn đá quý. Cuối thế kỷ VII – đầu thế kỷ XVIII. Hiện vật của Bảo tàng Nghệ thuật Đông Á Berlin.

 

Đầu tượng Siva của kosa. Hợp kim vàng và bạc. Cuối thế kỷ VII – đầu thế kỷ XVIII. Hiện vật của Bảo tàng Văn minh châu Á ở Singapore.

 

Trong số các kosa kể trên thì kosa ở Bảo tàng Quốc gia về Nghệ thuật châu Á Guimet là hoàn hảo và quý nhất. Thân kosa làm bằng bạc, gồm hai lớp, lớp ngoài sứt gãy mất phần trên, nhưng lớp trong vẫn còn nguyên vẹn; đầu tượng Siva làm bằng vàng được gắn vào phần thân của kosa bằng các đinh tán. Hai tai tượng thần Siva có đeo hoa tai bằng vàng; trên cổ có một dải trang sức bằng vàng lá, chạm trổ công phu. Tuy nhiên, 5 viên đá quý gắn trên dải trang sức này đã bị mất. Ngoài ra, bảo tàng này còn sở hữu 1 kosa làm bằng bạc đã bị sứt vỡ một phần ở đỉnh, gắn với 1 đầu tượng Siva bị vỡ mất phần trán.

Kosa với linga bằng bạc, đầu tượng Siva bằng hợp kim vàng và bạc, cao 25cm. Thế kỷ VIII. Hiện vật của Bảo tàng Quốc gia về Nghệ thuật châu Á Guimet.

 

Tín ngưỡng Saivite và việc sử dụng kosa ở Champa đã góp phần quan trọng vào sự hiểu biết về tập quán thờ cúng của Ấn Độ cổ xưa. Điều này cũng cung cấp thêm chứng cứ để khẳng định rằng các nền văn hóa ở Đông Nam Á đã du nhập và tiếp biến văn hóa Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu bản địa trong một hệ thống đức tin về vũ trụ quan đang còn sơ khai.

T.Đ.A.S.

Chú thích

(1) Danh xưng kosa được sử dụng trong Mahabharata VIII, 1733. Xem: Monier-Williams, A Sanskrit -English Dictionary (Từ điển Phạn – Anh), Oxford University Press, 1899, p. 314.

(2) K. Bhattacharya, 1966, “Linga-kosa”, in Ba Shin (Ed.), Essays offered to G. H. Luce, Artibus Asiae Supple. 23, vol. 2, p. 6.

(3) Những chi tiết kỹ thuật dựa vào các báo cáo phân tích đáng tin cậy, trong đó có báo cáo của TS. Anna Bennett ở London. Thành phần hợp kim của các kosa này được xác định nhờ soi qua kính hiển vi điện tử sử dụng tia X nhưng người viết không nêu ra trong bài viết này, nhằm tránh việc vô tình giúp cho những ai đang tìm cách tạo ra những bản sao hiệu quả.

Tài liệu tham khảo

  1. John Guy, 1998, “The kosa marks of Champa: New Evidence”, Southeast Asia Archeology.
  2. K. Bhattacharya, 1966, “Linga-kosa” in Ba Shin (Ed.), Essays offered to G. H. Luce, Artibus Asiae Supple. 23, vol. 2.
  3. Monier-Williams, 1899, A Sanskrit – English Dictionary, Oxford University Press.

nguồn: anhsontranduc.wordpress.com

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.