Tôi đến với đồ sứ ký kiểu từ cuối năm 1988, khi thực hiện luận văn tốt nghiệp đại học về dòng đồ “cha Việt, mẹ Hoa” này. Sau khi ra trường, tôi được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nhận vào làm việc và đến năm 1995 thì được bổ nhiệm làm phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, nơi lưu giữ hơn 2000 món đồ sứ ký kiểu của triều Nguyễn. Dạo ấy dòng đồ này còn khá nhiều trên thị trường cổ vật trong nước nên ít ai nghĩ đến chuyện có đồ sứ ký kiểu giả. Một hôm, có người mang đến bảo tàng mấy món đồ sứ hiệu đề Nội phủ thị trung và Nội phủ thị hữu, bảo đó là đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh và nhờ tôi giám định. Vì chỉ chuyên về dòng đồ sứ do triều Nguyễn ký kiểu, chưa tiếp xúc nhiều với đồ thời Lê – Trịnh nên tôi phải “cầu cứu” các đồng nghiệp ở Sài Gòn và ở Pháp, bằng cách gửi hình ảnh kèm theo khảo tả chi tiết cho họ. Ít lâu sau tôi nhận được câu trả lời từ Sài Gòn: “Đó là đồ mới, do một người buôn bán đồ cổ ở phố Lê Công Kiều đặt làm tại lò Cảnh Đức Trấn bên Trung Quốc theo đúng cách thức ký kiểu thời xưa. Nhiều người không rành tưởng là đồ Lê – Trịnh thật”. Nhận được thông tin, rồi xem xét kỹ các món đồ sứ mà người ta đang nhờ tôi giám định, tôi chỉ có thể nói được hai chữ: “Bái phục”.

tblue-anh-01

Đĩa, ống cắm tranh, lọ hoa, phỏng chế theo đồ sứ Nội phủ – Khánh xuân thời Lê – Trịnh.

 

tblue-anh-02

Bát lớn và ống cắm tranh, phỏng chế theo đồ sứ Nội phủ thị trung thời Lê – Trịnh.

Cũng từ đó, tôi chú tâm tìm kiếm thông tin về nhân vật đang đi âm thầm đi “ký kiểu” đồ sứ này. Đến năm 2001, một hôm giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế gọi điện bảo tôi sang phòng ông bàn chút việc. Đến nơi, giám đốc giới thiệu với tôi một vị khách: “Đây là anh Trần Quốc Thái, người chuyên phục chế đồ sứ cổ. Trung tâm muốn hợp tác với anh Thái phục chế đồ sứ để đưa vào trưng bày trong Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, thay thế cho những hiện vật gốc, mà vì nhiều lý do nên không thể đưa ra trưng bày được. Anh là người chuyên nghiên cứu đồ sứ nên tôi mời anh sang bàn cách thức hợp tác với anh Thái để làm dự án này”. Tôi phản ứng tức thời: “Theo nguyên tắc, bảo tàng không trưng bày đồ giả, huống chi mình còn hơn 2000 món đồ sứ ký kiểu chưa mang ra trưng bày vì không có chỗ. Sao lại phải làm đồ giả cổ làm gì?”. Tôi vừa dứt lời thì vị khách lên tiếng: “Tôi đồng ý với anh là trong bảo tàng không nên bày đồ giả. Tuy nhiên, trong các cung điện, lăng tẩm ở Huế hiện đang trưng bày và thờ tự nhiều món đồ gốm Bát Tràng và đồ sứ rẻ tiền của Trung Quốc đấy thôi. Dự án mà tôi muốn hợp tác với các anh là nhằm tạo ra một dòng đồ sứ, phỏng theo đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, từ kiểu dáng, màu men đến hoa văn, họa tiết, để trưng bày trong các lăng tẩm và cung điện, cả nội thất lẫn ngoại thất, thay thế cho những cổ vật đã bị mất mát, hư hỏng hoặc vì lý do nào đó mà các anh không thể đưa hiện vật gốc ra trưng bày và thờ tự được. Đồng thời loại bỏ hoàn toàn những món đồ gốm rẻ tiền đang làm nhếch nhác cảnh quan di tích”. Nghe đến đây thì tôi chợt thấy mình hơi cạn nghĩ, nên kéo ghế ngồi xuống và bắt đầu bàn phương án hợp tác phỏng chế đồ sứ ký kiểu với vị khách nọ, cũng là bắt đầu mối giao hảo với anh Trần Quốc Thái.

tblue-anh-10

Anh Trần Quốc Thái đang hướng dẫn họa viên Tiểu Hạ sao chép hoa văn lên chiếc thống (chưa nung) tại Cảnh Đức Trấn.

Trần Quốc Thái có một cửa hàng đồ cổ ở phố Lê Công Kiều (Quận 1, TP Hồ Chí Minh). Cửa hàng của anh bán đủ thứ: đồ gốm sứ, đồ đồng, đồ đá…; cả đồ ta lẫn đồ Tàu, đồ Tây. Song món chủ lực của anh vẫn là dòng đồ sứ xanh trắng do vua chúa các triều Lê – Trịnh (ở Thăng Long) và triều Nguyễn (ở Huế) đặt làm ở Trung Hoa trong các thế kỷ XVII – XIX. Việc buôn bán trở nên khó khăn do cổ vật ngày càng khó kiếm, trong khi, những món đồ sứ ký kiểu quý hiếm thì cứ theo nhau ra nước ngoài. Tiếc vì không đủ tài lực để giữ lại cho mình những món đồ tâm đắc, Trần Quốc Thái chợt nghĩ ra một chiêu thức: phỏng chế đồ sứ theo đúng phương thức mà các sứ thần triều Lê – Trịnh và triều Nguyễn đã đi ký kiểu ở bên Tàu thuở trước, nhằm giữ lại cho mình những món đồ ưng ý.

tblue-anh-03

Sưu tập bát đĩa, ống cắm tranh, độc bình… phỏng chế theo phong cách đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh và thời Nguyễn.

Năm 1994, gom được một số tiền, lận theo mấy chiếc dĩa Nội phủ – Khánh xuân và mấy món đồ lam Huế, Trần Quốc Thái ra Móng Cái, rồi sang Đông Hưng, nhờ một người Hoa dắt đi Cảnh Đức Trấn để “ký kiểu” đồ sứ. Đó là một hành trình vô cùng gian nan và tiềm ẩn nhiều bất trắc. Ba tuần lang thang ở Cảnh Đức Trấn, thủ đô gốm sứ của Trung Quốc, Trần Quốc Thái tiếp xúc với hàng chục chủ lò nhưng không ai dám nhận lời phỏng chế đồ sứ theo yêu cầu của anh, chỉ vì một lý do: “Khó quá”. Đúng lúc thất vọng nhất thì Trần Quốc Thái gặp được Sào Hải Thanh, một “ông trùm” về dòng đồ thanh hoa (men trắng vẽ lam) của Cảnh Đức Trấn. Sau khi nghe yêu cầu của Trần Quốc Thái và ngắm nghía những món đồ mẫu mang từ Việt Nam sang, ông Sào cho hay phải mất hai tuần để phỏng chế những chiếc đĩa này và cam đoan sẽ làm giống đến 90%. Vậy là Trần Quốc Thái leo lên Lư Sơn ngắm cảnh suốt hai tuần để đợi kết quả. Hơn chục ngày sau, anh trở về Cảnh Đức Trấn, sung sướng đón nhận những món đồ phỏng chế do Sào nghệ nhân thực hiện.

tblue-anh-04

Tranh sứ hiệu đề Khánh xuân thị tả (giữa) và đĩa sứ hiệu đề Nội phủ thị hữu (trái) và Nội phủ thị đông (trái) phỏng chế.

Chuyến đi “phá băng” của anh đã mở ra cho anh một cơ hội kinh doanh dòng đồ sứ tân ký kiểu. Anh liên tục sang Cảnh Đức Trấn, hợp tác với Sào Hải Thanh phỏng chế  dòng đồ Nội phủ – Khánh xuân thời Lê – Trịnh đưa về bày bán trong cửa hàng của mình. Không chỉ đặt làm như nguyên mẫu, Trần Quốc Thái còn lựa chọn những hoa văn, họa tiết đẹp nhất và đặc trưng nhất của đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh, vẽ lên những tấm sứ kích thước lớn, dùng để làm mặt bàn hay lưng ghế tựa. Anh cũng đặt làm nhiều bức tranh sứ, vẽ các motif rồng phụng thời Lê – Trịnh và thời Nguyễn. Những tác phẩm phỏng chế của anh được đưa ra trưng bày tại Đại Nội nhân dịp Festival Huế tổ chức lần đầu tiên vào năm 2000. Và đó chính là cơ duyên đưa anh đến với dự án hợp tác phục chế đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn để trưng bày trong các lăng tẩm, cung điện, đền miếu của vương triều Nguyễn ở Huế.

tblue-anh-05

Góc vườn là nơi chủ nhân trưng bày cây kiểng trong những món đồ Thái blue ( Thái Bleu de Hue).

Dự án phục chế đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn tiến hành trong các năm 2004 – 2006. Tôi được giao nhiệm vụ nghiên cứu hiện vật gốc đang bảo quản trong kho của Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế và đang trưng bày, thờ tự trong các cung điện, lăng tẩm ở Huế, rồi “ra đề bài” cho Trần Quốc Thái tiến hành phục chế. Không yên tâm với những bản vẽ do họa sĩ của bảo tàng sao chép từ hiện vật gốc, Trần Quốc Thái mời nghệ nhân Sào Hải Thanh từ Cảnh Đức Trấn đến Huế, tự tay can họa lại tất cả các hoa văn trang trí và đo đạc kích thước, sao vẽ kiểu dáng, mang về Trung Quốc để thợ gốm tuân thủ phỏng chế. Trần Quốc Thái cũng mời tôi và các chuyên gia của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sang tận Cảnh Đức Trấn để giám sát quy trình phục chế đồ sứ ký kiểu: từ khâu làm đất, tạo cốt đến khâu trang trí, viết chữ và nung đốt sản phẩm. Đến tháng 5.2006, hơn 700 món đồ sứ tân ký kiểu từ Cảnh Đức Trấn đã về đến Huế và được đưa vào bài trí trong hầu khắp các cung điện, lăng tẩm, đền miếu của triều Nguyễn ở Huế, góp phần đẩy lui không gian hoang phế trong các khu di tích và phục vụ đắc lực cho Festival Huế 2006.

tblue-anh-06

Đồ Thái blue trưng bày trong An Tĩnh Viên ở Bình Dương.

Kết thúc dự án phục chế đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, Trần Quốc Thái vẫn tiếp tục gắn bó với niềm đam mê đồ sứ tân ký kiểu của mình. Anh tham khảo những kiểu thức và trang trí của hai dòng đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh và thời Nguyễn, lựa chọn những dáng kiểu đẹp nhất và những họa tiết đặc sắc nhất, đặt cho Sào nghệ nhân chế tác thành những món đồ sứ tân ký kiểu, không thuần Lê – Trịnh, cũng chẳng là đồ Huế, mà tôi vẫn thích gọi là đồ Thái blue.

tblue-anh-07

Thống sứ Thái blue trưng bày trước Hưng Tổ Miếu (Đại Nội Huế).

Anh mua một ngôi nhà cổ từ ngoài Bắc đưa về Sài Gòn dựng lại, rồi trưng bày hàng trăm món đồ Thái blue, vừa để chơi, vừa để kinh doanh. Anh tâm sự: “Nhiều người nói tôi đặt làm đồ giả cổ để kiếm lợi. Nhưng làm đồ giả cổ thì phải làm giống 100% hoa văn, họa tiết và kích thước; sản phẩm làm xong còn phải dùng các thủ pháp làm cho lạc tinh để cho giống với đồ xưa. Nhưng đồ tôi làm thì kết hợp tất cả hoa văn của các đời, từ Lê – Trịnh cho đến Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… Kích thước thì lớn hơn và kiểu dáng cũng phong phú hơn rất nhiều. Vì thế, không thể nói đó là đồ giả cổ, mà phải gọi là đồ sứ tân ký kiểu mới chính xác”.

Đồ sứ tân ký kiểu của Thái blue góp phần tái hiện không gian xưa trong Hưng Tổ Miếu.

Miệng lưỡi thế gian khó ai ngăn cấm. Với riêng tôi, những món đồ sứ tân ký kiểu của Thái blue là những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Ở đó chứa đựng những tinh hoa của đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh và thời Nguyễn. Đó cũng là nơi Trần Quốc Thái gửi gắm niềm đam mê của mình với dòng đồ xanh trắng. Đó cũng là những trang nhật ký bất thành văn ghi lại tân hành trình ký kiểu đồ sứ đầy gian truân của anh, mà tôi đã từng là một chứng nhân.

tblue-anh-09

Thống sứ Thái blue vẽ lưỡng long triều nhật trước Thái Hòa Điện (Đại Nội Huế).

Trào lưu “chơi nhà cổ” đang thịnh hành khắp cả nước. Nhiều người bỏ tiền phục dựng những khu nhà rường tinh xảo và lộng lẫy ở Sài Gòn, Bình Dương, Hà Nội, Huế… Tuy nhiên, điều làm nên cái hồn của nhà rường xưa chính là những thứ bày biện trong ngôi nhà đó: hoành phi, đối liễn, bàn ghế, sập gụ, cổ vật, gốm sứ… Thị trường cổ vật trong nước ngày một khan hiếm, lấy đâu ra những bình, chóe, hũ, lọ… thời xưa để bài trí trong những ngôi nhà thênh thang ấy. Vì thế, đồ sứ tân ký kiểu của Thái blue có lẽ là một lựa chọn hợp lý mà chủ nhân các ngôi nhà rường tân tạo này nên nghĩ đến.

 

Tác giả : Trần Đức Anh Sơn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.