Phong trào Phục Hưng tại nước Ý

Ngày 25 tháng 3 năm 1436, dân chúng miền Florence hân hoan đón mừng buổi lễ khánh thành ngôi giáo đường được đặt tên là Santa Maria del Fiore, hay Nữ Thánh Mary của loài Hoa. Việc xây dựng ngôi nhà thờ này được bắt đầu vào cuối thế kỷ 13 và công tác đã kéo dài cho tới ngày hôm nay. Cả thành phố Florence đã hãnh diện về kiến trúc rực rỡ này. Đi dọc theo đường phố hai bên có treo cờ xí đủ màu là đoàn diễn hành gồm các nhạc công dẫn đầu, với quần áo sặc sỡ, với tiếng đàn hát có âm điệu tuyệt vời khiến cho người dân tưởng chừng như nghe được những âm thanh của các thiên thần ở trên tầng cao. Trong đoàn diễn hành còn có các nhạc sĩ, văn sĩ, nghệ sĩ, các chính khách rồi tới vị Giáo Hoàng trong áo choàng trắng và vương niệm, 7 vị hồng y với áo gấm đỏ, 37 vị tổng giám mục trong y phục màu tím rồi sau cùng là các viên chức thành phố và các lãnh tụ nghiệp đoàn. Ngôi giáo đường mới Santa Maria del Fiore là một biểu tượng mới về uy tín của thành phố Florence.

Florence quả thực rất rực rỡ cũng như một số thành phố khác nằm tại miền bắc nước Ý. Những nơi này đã phát triển rất nhanh nhờ vào kỹ nnghệ và mậu dịch, rồi nhờ vào các tài sản kiếm được do hai phạm vi kể trên, các bộ môn học thuật khác cũng đổi mới: văn chương, nghệ thuật, kiến trúc… Một nền văn hóa mới đã thành hình tại các thành phố của nước Ý vào hai thế kỷ 14 và 15. Loại văn hóa mơiù này được gọi là phong trào “Phục Hưng“ (Renaissance) theo danh từ tiếng Pháp là “sống lại“. Các ý tưởng mới, các sáng tạo mới của phong trào Phục Hưng đã tỏa rộng khắp nơi, lan tới các xứ sở khác của châu Âu.

Phong trào Phục Hưng không nằm trong phạm vi tôn giáo, mà là một phong trào thế tục qua đó nhiều học giả đã quan tâm tới văn chương, nghệ thuật, khoa học… họï xét lại các tư tưởng cổ điển của thời Cổ Hy Lạp và La Mã với nền văn hóa chú trọng tới cá nhân con người và đời sống của con người trên mặt đất. Các nhà tư tưởng của thời kỳ này tin rằng con người có thể cải thiện qua học hỏi và sau đó xã hội có thể trở nên hoàn hảo.

Nền văn hóa Phục Hưng như vậy đã được sinh ra tại một nơi đặc biệt, vào một thời điểm đặc biệt. Có nhiều lý do làm nẩy sinh sự phát triển này. Một trong các lý do quan trọng là nền mậu dịch đang bành trướng tại các thành phố của nước Ý. Vào giữa thế kỷ 14, phần lớn các con đường mậu dịch đều gặp nhau tại phần phía đông của Địa Trung Hải. Các nhà buôn người Ý đã mua hàng hóa tại vùng biển này, với các mặt hàng có giá trị tại châu Âu vào thời bấy giờù là tiêu, gừng, quế, thảm dệt… và nữ trang, sau đó bán lại tại các hải cảng của miền bắc nước Ý rồi từ những nơi này, hàng hóa được chuyên chở qua rặng núi Alps, tới các xứ Bắc Âu, hay bằng đường biển để đến các miền tây của châu Âu.

Đóng góp vào việc giàu có do nền mậu dịch mang lại là cấu trúc chính trị của miền bắc nước Ý. Miền này được chia thành các quốc gia-thành phố (city-state) với lãnh thổ riêng, chủ quyền riêng. Nền mậu dịch đã mang lại sự giàu sang cho các thành phố Venice, Florence, Milan và Genoa. Mạnh nhất trong 4 thành phố này là Venice, nơi được gọi là “Nữ Hoàng của vùng biển Adriatic“. Venice nằm tại trung tâm của các con đường mậu dịch đông tây. Vào thế kỷ 15, các thương gia Venetian đã có đội thương thuyền gồm 3.000 chiếc và chính quyền của thành phố đã kiểm soát phần lớn nền mậu dịch của hai miền Adriatic và Địa Trung Hải.

Kế tiếp thành phố Venice là Florence, nơi có các hoạt động kỹ nghệ và ngân hàng. Vào năm 1500, Florence là thành phố rộng lớn thứ 5 của châu Âu, với dân số 130.000 người và trong số này, có lẽ 3.000 dân đã làm việc trong kỹ nghệ vải sợi, loại mặt hàng được trao đổi khắp châu Âu. Florence còn nổi danh vì nghệ thuật, và nhiều hoạt động sáng tạo đã được trợ giúp tại nơi này.

Chế độ tư bản xuất hiện.

Nền văn hóa Phục Hưng phát triển được là nhờ những tài sản tích lũy tại các thành phố của miền bắc nước Ý. Do các phương pháp thương mại mới, tiền bạc đã đổ về đây khiến cho đã ra đời chế độ tư bản. Chế độ tư bản có thể được định nghĩa là một hệ thống kinh tế trong đó các cá nhân và các công ty – chứ không phải là chính quyền – sở hữu các thương mại. Mục đích của các nhà tư bản là làm ra càng nhiều lợi nhuận càng tốt rồi sau đó, lại đầu tư tiền bạc vào các thương mại để làm thêm ra các lợi nhuận khác. Một trong các hình thức mới của cách khai thác tư bản là ngành ngân hàng (banking).

Vào hai thế kỷ 14 và 15, các nhà buôn của châu Âu đã trở nên giàu có, họ tìm cách bảo vệ tiền bạc của họ, mượn thêm tiền và đầu tư vào các công việc làm ăn. Do địa điểm thuận tiện đối với các công cuộc mậu dịch, nhiều người Ý đã trở nên chủ ngân hàng đầu tiên và ngành ngân hàng là một kỹ nghệ chính của nước Ý trong hai thế kỷ này. Chính nhờ các giấy tờ, chứng thư của ngân hàng, hàng hóa được nhận tại một nơi này, trả tiền tại một nơi khác. Nhiều loại tín dụng đã được thực hiện rồi trở nên rất phổ thông. Đã có các gia đình có tư bản lớn cho nhiều giới vay tiền với lãi suất cao: thương nhân, quý tộc, vua chúa.

Trong số các gia đình tư bản này, đáng kể là giòng họ Medici của miền Florence. Gia đình này đã làm chủ các nhà máy sản xuất lụa và len, điều hành tiền bạc cho Giáo Hoàng và sở hữu một hệ thống ngân hàng lớn nhất châu Âu. Gia đình này cũng cai trị thành phố Florence trong thời kỳ Phục Hưng. Với tính cách hoạt động ban đầu như vậy, chế độ tư bản đã phát triển thành một hệ thống kinh tế chính của châu Âu.

Đồng thời với nền kinh tế, hoàn cảnh chính trị của nước Ý cũng là một cơ sở cho thời kỳ Phục Hưng. Trong thời Trung Cổ, các vua chúa của xứ Đức đã muốn hợp nhất xứ Đức với các xứ Ý lại thành Đế Quốc Thần Thánh La Mã (the Holy Roman Empire), giống như công việc mà Hoàng Đế Charlemagne đã làm trước kia. Tư tưởng chính trị này đã bị Giáo Hoàng phản đối rất mạnh vì e ngại bị mất uy quyền. Do cả Giáo Hoàng và Hoàng Đế Đức đều không đủ sức mạnh để chinh phục nước Ý, nên họ đã hợp tác lại với nhau.

Nước Ý vào thời đó gồm có các quốc gia thành phố với các đặc quyền, chẳng hạn như quyền làm ra luật lệ riêng, quyền bầu cử các viên chức, quyền đánh thuế và tăng thuế, tức là tại mỗi khu vực đã có một hình thức chính thể cộng hòa. Với cách tổ chức chính quyền này, các công dân tham dự vào cuộc sinh hoạt của thành phố và người dân các xứ Ý đã không muốn chấp nhận thẩm quyền của cả Giáo Hoàng lẫn của Hoàng Đế Đức và như vậy, vào lúc đầu của thời Phục Hưng, cá nhân đã trở nên quan trọng. Các giới hạn đặt lên cá nhân của thời kỳ Trung Cổ khiến cho con người bị mất tự do về tư tưởng và hành động đã bị đảo ngược, và cá nhân bắt đầu diễn tả các ý tưởng riêng của họ về đời sống và nghệ thuật. Các niềm tin và tập tục cũ đã bị phê phán, các tư tưởng chính trị mới bắt đầu thành hình tại các thành phố của nước Ý, đặt căn bản cho thời Phục Hưng.

Vào thời kỳ Phục Hưng, các quốc gia thành phố của nước Ý đã duy trì các tinh thần độc lập, và bởi vì trên lãnh thổ Ý đã không có một chính quyền trung ương, mỗi thành phố tự làm ra luậït pháp và luật pháp cũng không đủ. Trong thành phố thường xẩy ra các xung đột giữa các nhà buôn giàu có và các gia đình quý tộc, và một mối oán thù giữa hai giòng họ đã được Đại Văn Hào William Shakepeare mô tả trong vở kịch Roméo và Juliette, sáng tác vào thập niên 1590.

Trong hoàn cảnh xã hội thiếu trật tự và luật pháp của thế kỷ 15, đã suất hiện một loại nhà lãnh đạo được gọi là “bạo chúa”(despot). Đây là các chính khách táo bạo, đã nắm quyền lực bằng sức mạnh và lường gạt, nhưng họ cũng cố gắng làm vừa lòng người dân. Họ giúp đỡ thương mại, duy trì sự bảo vệ an ninh, điều khiển một chính quyền hữu hiệu, mang lại vinh quang cho thành phố bằng các nghệ thuật và kiến trúc rực rỡ. Các bạo chúa này có thể từ gốc nhà buôn và ngân hàng như gia đình Medici ở Florence, hay lãnh tụ của một nhóm quân đội như gia đình Sforzas của thành phố Milan.

Các bạo chúa của nước Ý vào thời Phục Hưng đã nắm quyền lực vì họ khéo léo, có khả năng và có sức mạnh. Một khi đã chiếm được quyền hành rồi, họ cố gắng dùng tài năng và quyền lực để canh chừng các âm mưu lật đổ. Các chính khách này rất thành thạo cách xử dụng nhiều phương tiện ám muội: dao găm, thuốc độc và các tai nạn có tính toán. Việc dùng bạo lực và dối trá trong chính trị đã được một học giả nhận xét, phê phán rồi phản ảnh qua tác phẩm “Quân Vương”: đó là nhà ngoại giao Niccolo Machiavelli.

Tác phẩm “Quân Vương” và đường lối “chính trị dối trá”.

Vào thời Trung Cổ, các sách vở viết về chính quyền rất hiếm, nếu có chăng, thì các công trình đó chỉ mô tả các vua chúa, các nhà cai trị là những nhân vật tốt đẹp, trọng đạo đức. Trái ngược hẳn với thường lệ, Machiavelli lại nói thực về chính quyền đã được chiếm đoạt ra sao và duy trì ra sao vào thời đại của ông.

Niccolo Machiavelli sinh tại Florence ngày 3/5/1461 trong một gia đình quý tộc đã phá sản. Cha ông là một luật sư, có được một chức vụ và địa vị trung lưu. Do không giàu có, Niccolo được giáo dục phần lớn tại gia đình rồi vào năm 1498, ông kiếm được một chức vụ trong chính quyền địa phương và đã phục vụ tại Florence trong 14 năm. Vào thời kỳ này, xứ Florence đã phát triển rực rỡ dưới quyền lực của gia đình ngân hàng rất có thế lực: Lorenzo de Medici. Nhưng nước Ý hay các quốc gia thành phố đã không ổn định với năm quyền lực tranh chấp nhau vào cuối thế kỷ 15: Florence, Venice, Milan, Naples và quyền vị của Giáo Hoàng (the Papacy). Vào thập niên 1490, nước Pháp và nước Tây Ban Nha đều giành chiếm xứ Naples và trước các kẻ ngoại xâm, các vương quốc Ý đã đoàn kết lại để bảo vệ quyền lợi, nhưng sự chống trả của họ đã bị giới hạn và cuốí cùng, nước Tây Ban Nha đã kiểm loát được phần lớn nước Ý, đặc biệt là miền nam, bao gồm cả hai xứ Milan và Florence.

Trong thời gian gia đình Medici vắng mặt khỏi chính quyền từ 1502 tới 1512, Piero Soderini đã là nhà lãnh đạo của quốc gia thành phố Florence và Machiavelli trở nên một nhà ngoại giao, từng đi khắp nơi từ các vương triều này sang các chính quyền khác của nước Ý và của châu Âu: nước Pháp, Đế Quốc Thần Thánh La Mã và Nhà Thờ Công Giáo La Mã, nhờ đó ông đã có các nhận xét sắc bén về quyền lực và thành công tại các xứ sở mà ông đã viếng thăm. Công việc phải thi hành đã cho Machiavelli các hiểu biết và kinh nghiệm mà ông diễn tả trong các cuốn sách nói về chính quyền sau khi nền cộng hòa Florence đã sụp đổ và sau lần phục hồi địa vị của gia đình Medici vào năm 1512, với Giuliano de Medici trở nên nhà cai trị xứ này. Chính vào thời gian bị cho nghỉ việc, Machiavelli đã sống bằng tài sản riêng, ở bên ngoài thành phố và đã dành thời giờ để viết nên hai tác phẩm là “Quân Vương” (the Prince) và “Các Đàm Luận về Livy” (Discourses on Livy) cũng như cuốn hài kịch “the Mandrake”(1518).

Khi Hồng Y Giulio de Medici, người mà sau này trở thành Giáo Hoàng Clement VII, cai trị xứ Florence vào năm 1520, Machiavelli được phục hồi chức vụ cao cấp trong chính quyền. Để vinh danh nhân vật bảo trợ là Lorenzo Strozzi, Machiavelli đã soạn ra vào năm 1521 tác phẩm “Về Nghệ Thuật Chiến Tranh“ (On the Art of War), một cuốn sách khảo sát, đặt nền móng cho các chiến thuật quân sự mới. Tới năm 1527, gia đình Medici bị loại khỏi chính quyền thì Machiavelli cũng mất việc vì đã là người phục vụ cho gia đình quyền thế này. Niccolo Machiavelli qua đời vào ngày 21/6/1527.

Người thời trước và ngay cả thời nay có thể hiểu nhầm về Machiavelli vì ngôn từ sử dụng và các động lực đã khiến ông viết ra các tác phẩm, nhưng sự hoài nghi của ông đã khiến ông nhận biết nỗi bi quan của con người trước sự yếu đuối của tâm hồn, trước sự thất vọng khi nhìn thấy đạo đức không chiến thắng.

Qua tác phẩm “Quân vương” (the Prince), Machiavelli đã tóm lược tất cả các kiến thức và ý kiến của ông về nghệ thuật làm vua (kingship). Ngày nay có thể đây là một văn bản nói tới sự tàn nhẫn, nhưng mục đích chính của tác phẩm là trình bày sự việc làm sao một vị quân vương (the prince) có thể chiếm được chính quyền, kiểm soát lãnh thổ theo ý muốn và duy trì công việc kiểm soát đó. Đây là điều mô tả một nhà cai trị của thời kỳ Phục Hưng phải hành động ra sao để thành công. Phần lớn các lời khuyên dùng cho vị quân vương hoàn toàn thực tế.

Tác phẩm “Quân vương” đã xét lại từ sự sụp đổ của Đế Quốc La Mã tới việc các hoàng đế xử dụng các đạo quân man rợ làm lính đánh thuê. Nhiều loại xứ sở (states) đã được đề cập tới, các xứ sở này vì sao đã thành công hay thất bại và Machiavelli cũng nói tới các phương pháp mà các quân vương phải dùng để chiếm quyền và giữ quyền, cũng như làm sao các xứ sở có thể tổ chức để tự bảo vệ và chống lại các kẻ ngoại xâm. Đối với Machiavelli, đầu tiên vị quân vương phải là một chiến sĩ có tài, vừa thành công trong việc tổ chức quân đội, vừa biết tạo ra các cơ hội để bành trướng lãnh thổ và duy trì nền cai trị. Cũng theo Machiavelli, không nên dùng các đội lính đánh thuê (mercenary troops) bởi vì lòng trung thành của họ đã bị chia sẻ và quan điểm này đã đúng khi dân quân của ông chiếm được miền Pisa vào năm 1509.

Tác phẩm “Quân Vương” cũng khuyên vị vua chúa nên tuyển chọn một cách khôn ngoan các viên chức trong thời bình, nói rõ sự quan trọng của việc phân quyền và việc cảnh giác trước những lời tán dương, tâng bốc. Machiavelli cho rằng sự thành công không phải chỉ do việc dùng sức mạnh. Đối với các miền đất bị xâm chiếm, rất cần phải lấy lòng các dân tộc mới bị đô hộ và sự kiện này nên được thực hiện do lừa dối: một nhà cai trị giỏi phải làm ra vẻ muốn thực hiện điều này trong khi thực sự lại đang làm một việc khác.

Tác phẩm “Quân Vương” đã cứu xét tới các đức tính cá nhân của vị quân vương lý tưởng, cùng các phẩm chất cần thiết cho một nhà cai trị giỏi. Những điều này được rút từ các nhận xét về một người: Cesare Borgia.

Trong các gia đình vương giả của thời Phục Hưng của nước Ý, ít có giòng họ nào có quyền lực hơn gia đình Borgia, với hai người đã làm tới chức giáo hoàng, một người là nhà lãnh đạo quân đội nổi danh và một người khác nổi tiếng về bảo trợ văn chương và nghệ thuật. Thế nhưng, gia đình Borgia này còn được người đời nhớ đến vì các hành động độc ác và các cách lừa dối của họ.

Vốn giòng dõi quý tộc với tổ tiên cư ngụ gần Valencia, Tây Ban Nha, người đầu tiên của gia đình này nắm giữ chức vụ quan trọng là Alfonso Borgia (1378 -1458). Ông này được bầu làm Giáo Hoàng của Nhà Thờ La Mã năm 1455 và có danh hiệu Calixtus III. Giáo Hoàng Calixtus đã đưa người cháu Rodrigo (1431-1503) tới La Mã rồi không lâu, Rodrigo đã được phong chức tổng giám mục bởi người chú. Là một con người rất khôn khéo và tham vọng, Rodrigo đã trở thành một vị hồng y (cardinal) khi 25 tuổi. Năm 1492, Rodrigo Borgia được bầu làm Giáo Hoàng mang danh hiệu Alexander VI rồi liền sau đó, đã dùng chức vụ và uy quyền của mình để củng cố tài sản và địa vị cho 3 người con: người con lớn là Giovanni (1476 -97) lãnh chức hầu tước Gandia, cai quản đội quân của giáo hoàng, người con thứ hai được cha yêu thích nhất là Cesare (1476 -1507) được phong tổng giám mục Valencia rồi năm 1493, trở thành hồng y. Cesare đã từ chức để lãnh đạo quân đội khi Giovanni bị giết vào năm 1497.

Cesare Borgia được đồng minh người Pháp giúp đỡ, chiếm được vùng Romagna của nước Ý rồi sau đó, đã tấn công các thành phố và thị trấn của nước Ý nào không công nhận thẩm quyền tối thượng của giáo hoàng, và chính nhờ các công lao của Cesare, từ các vùng đất rời rạc, vương quốc của giáo hoàng đã được thống nhất. Năm 1503, khi Giáo Hoàng Alexander VI bị giết trong hoàn cảnh bí mật thì các kẻ thù của gia đình Borgia đã hợp nhất để chống Cesare. Bị thua trận, Cesare bị bắt làm tù binh và mặc dù lần vuợt thoát về sau, ông ta đã bị giết trong trận đánh vào ngày 12/3/1507 tại xứ Tây Ban Nha.

Trong tác phẩm “Quân Vương”, đôi khi Machiavelli đã khâm phục Cesare Borgia một cách công khai và khi thảo luận về các đức tính của một nhà cai trị, ông đã cho rằng sự tàn ác đôi khi được coi là cần thiết. Sự tàn ác của Cesare rõ ràng đã làm thống nhất lại xứ Romagna cũng như thiết lập lại trật tự và luật pháp cho xứ sở này và như vậy, sự tàn ác có thể coi là lòng trắc ẩn bị che dấu đối với dân chúng của một xứ sở, và chính loại dân chúng này đã được hưởng lợi từ một chính quyền ổn định. Machiavelli dẫn chứng nhiều về Cesare Borgia với tài năng điều khiển quân đội, và ông cũng cho rằng nhà cai trị có vẻ như có hào quang từ Thượng Đế để phục hồi lại một xứ sở.

Không chỉ kính phục một nhân vật, Machiavelli còn mô tả và bình luận về nhiều loại nghệ thuật làm vua, thứ nào thích hợp với các nhu cầu của thời đại. Cuốn “Quân Vương” đã tập trung, nói về một xứ sở (state) thay vì đề cập tới các đế quốc rộng lớn của châu Âu bởi vì xứ sở hay quốc gia thành phố là đơn vị chính trị mà người dân nước Ý vào thời đại đó phải đối phó. Và có lẽ cũng do nhu cầu của nước Ý mà Machiavelli đề cao sự xảo quyệt, độc đoán, coi đó là một cách đạt tới sự ổn định xứ sở. Các sách vở của các thời đại trước thường cứu xét việc cai trị các quốc gia và các thành công chính trị trên căn bản đạo đức Thiên Chúa Giáo (christian ethics) và tư cách đức độ của các nhà cai trị được gắn liền với các thành công. Nhưng với Machiavelli, ông đã tách rời tôn giáo khỏi chính trị, tách đạo đức ra khỏi sự thành công và đã cứu xét các vấn đề của quốc gia trên sự liên hệ với các đồng minh và các kẻ thù. Tác phẩm “Quân Vương” như vậy đã gắn liền với các thực tại chính trị của thời đại, nơi mà các nghệ thuật của nền ngoại giao và các quyết định cai trị có tính quỷ quyệt bị coi là cần thiết cho sự sinh tồn của quốc gia. Đây là lý do khi chính quyền làm việc này mà thực ra là việc khác, khi vị quân vương che dấu tư tưởng của mình bằng nhiều mặt nạ để có thể đi trước những người chung quanh, khi các mục tiêu được dùng để biện minh cho các phương tiện xử dụng.

Từ khi được xuất bản vào năm 1513, tác phẩm Quân Vương đã được nhiều người nghiên cứu kỹ càng và tranh luận. Một số người đã cho rằng Machiavelli đã vô luân (immoral) khi không chú trọng đến tôn giáo và các tiêu chuẩn đạo đức của hành vi con người. Một số khác lại khen ngợi Machiavelli đã khéo léo cứu xét người đời, tại sao họ đã hành xử, tại sao họ thiếu đi một số đức tính. Theo ý Machiavelli, xứ sở phải tồn tại bằng mọi giá, điều mà một số nhà cai trị đã theo đuổi để xây dựng các quốc gia mạnh, đoàn kết. Sau đây là sơ lược vài tư tưởng của Niccolo Machiavelli:

“Nhu cầu quan trọng nhất của một quân vương là quyền lực. Vị quân vương phải theo các quy tắc thực tế để nắm giữ quyền lực này. Có hai cách duy trì quyền lực: luật pháp và sức mạnh. Cách thứ nhất thì tốt nhưng luôn luôn không đủ. Vị quân vương giỏi phải dùng cách thứ hai, cách của sức mạnh. Ông ta phải vừa là một con sư tử, vừa là một con cáo, phải đủ mạnh để làm run sợ các con chó sói và phải đủ khôn ngoan để nhận biết ra các cạm bẫy. Quân vương không cần giữ lời hứa nếu có điều gì chạm vào quyền lợi của ông ta. Phần lớn con người thì bất lương, vô ơn, lường gạt, nói dối, sợ nguy hiểm và tham lợi, cho nên tại sao vị quân vương phải lương thiện với họ.

Một quân vương nên để cho người dân yêu mến hay sợ hãi? Có thể ông ta cần cả hai. Nhưng nếu phải chọn một trong hai thì an toàn hơn là để cho người dân khiếp sợ. Tuy nhiên tôi cho rằng vị quân vương nên làm ra vẻ bác ái và trọng danh dự, vì dù sao phần lớn con người thường bị lường gạt bởi sự phô trương và tôi đồng ý rằng một quân vương không kiểm soát được mình thì giống như một kẻ điên, và không còn điều nghi ngờ về một chính quyền được điều hành bằng luật pháp “.

Niccolo Machiavelli đã bị hiểu lầm về lý thuyết của ông vì thực ra, ông là một người thực tế, hiểu rõ một số bản chất của con người. Các suy tưởng của Machiavelli về nhân loại đã khiến cho một số học giả coi ông là nhà sáng lập ra môn Triết Học của Lịch Sử.

Tác giả : Phạm Văn Tuấn
Nguồn : Vietsciences

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.