Pháp lam và pháp lam Huế Pháp lam là thuật ngữ dùng để gọi tên một sản phẩm thủ công mỹ nghệ có mặt ở Trung Quốc trong khoảng thời gian từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XIX, có mặt ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XIX. Từ xưa, sản phẩm được chế tác bởi các nghệ nhân, bằng cách trang trên men nhiều màu lên trên bề mặt một số kim loại quý như vàng, bạc, đồng… Đó là sự phối hợp khéo giữa cách thức điều chế các loại men với kỹ thuật đúc, gò, hàn cốt kim loại và nung nấu sản phẩm ( ngày nay còn dùng cả kỷ thuật điện phân).

Phân loại

Dựa vào phương pháp chế tạo thai cốt và kỹ thuật thể hiện men màu, họa tiết, có thể chia chế phẩm pháp lang thành 4 loại:
1. Kháp ti pháp lang (掐 丝 珐 琅): Pháp lang làm theo kiểu ngăn chia ô hộc. Chế tác bằng cách dùng những sợi tơ đồng mảnh và nhỏ kết thành các hoạ tiết gắn lên cốt bằng đồng. Sau đó, đổ đầy men pháp lam nhiều màu lên phần trong và phần ngoài các ô trang trí ấy rồi đưa vào lò nung đốt nhiều lần, cho đến khi bên ngoài sản phẩm phủ kên men pháp lam với độ dày thích hợp. Mài nhẵn và mạ vàng (nếu có) các đường chỉ đồng là khâu cuối cùng, hoàn thành sản phẩm.
2. Họa pháp lang (画 珐 琅): Pháp lang làm theo kiểu vẽ trên nền men như các tác phẩm hội họa (Painted enamel), kiểu này được phát minh ra tại thị trấn Limoges của Pháp trong thế kỷ 15. Hoạ pháp lam là kỹ thuật dùng men pháp lam một màu quét trực tiếp lên cốt kim loại. Theo màu sắc thiết kế của hoa văn, dùng men pháp lam vẽ nên các họa tiết, sau đó đưa vào lò nung ở nhiệt độ cao. Sản phẩm sau khi đưa ra khỏi lò được mài bóng để hoàn chỉnh. Trên thực tế nhiều hoạ tiết vẽ trên cốt đồng là nhân vật, phong cảnh với các điển tích lịch sử…
Pháp lam Huế (họa pháp lang)-một tiêu bản
3. Tạm thai pháp lang (錾 胎 珐 琅): Pháp lang có cốt được chạm trổ (champleve). Phương pháp chế tác giống Kháp ti pháp lam, chỉ khác ở chỗ hoa văn tô điểm bên ngoài, cốt sản phẩm, được khắc lõm xuống khiến đường viền hoa văn nổi lên. Ở phần lõm này được phủ đầy men pháp lam, sau khi nung đốt thì đem mài bóng để hoàn thiện. Các đường nổi trên sản phẩm Tạm thai Pháp lam tuy rắn rỏi nhưng đạt được sự trang trọng mà mộc mạc trong nghệ thuật.
4. Thấu minh pháp lang (透 明 珐 琅): Pháp lang có phủ lớp men trong bên ngoài. Thấu minh pháp lam chỉ tráng men pháp lam trong suốt lên cốt bằng vàng, bạc hoặc đồng sau khi được chạm nổi, khắc chìm, rồi đem nung là hoàn thành. Cốt hoa văn được chạm nổi hoặc khắc chìm, đôi khi các đường nét hoa vàn chạm khắc này được thiếp vàng, bạc, hiện rõ xuyên qua lớp men pháp lam một màu như: vàng, lục, lam, tím… Loại hình pháp lam này lợi dụng tính chất của lớp men trong suốt hoặc trong mờ để biểu thị sự biến đổi của đồ án hoa vàn do độ sáng tối, đậm nhạc mà có.
Kháp ti pháp lang Trung Quốc
Nguồn gốc xuất xứ Pháp lam Huế
Pháp lam Huế tiếp thu kỹ nghệ Họa pháp lang của Quảng Đông, Trung Quốc. Quảng Đông là cửa ngõ du nhập công nghệ chế tác Họa pháp lang (Émaux hay Painted enamel) vào Trung Hoa. Khác với kỹ nghệ Kháp ti pháp lang (Cloisonné), từ xứ Byzantine du nhập vào Trung Hoa qua ngã Tây Vực theo vó ngựa viễn chinh của quân Mông Cổ, kỹ nghệ Họa pháp lang xuất xứ từ vùng Limoges ở Pháp và vùng Battersea ở Anh, du nhập vào Trung Hoa theo chân các tu sĩ dòng Tên vào cuối thế kỷ 17.
Kỹ nghệ này du nhập vào Việt Nam từ thời vua Minh Mạng (năm 1827). Bấy giờ, có một nhóm thợ vẽ ở Nội Tạo, cơ quan chuyên việc vẽ vời, trang trí trong cung Nguyễn, học được nghề làm pháp lam từ Trung Hoa.
Pháp lam Huế thuộc Họa pháp lang và một số vật dụng khác là đồ ký kiểu thuộc Kháp ti pháp lang được đặt mua tại Trung Hoa. Dựa trên các hiện vật pháp lam được trang trí trên các cung điện của triều Nguyễn và các hiện vật pháp lam hiện còn lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế cũng như trong dân gian, có thể thấy pháp lam được sử dụng vào các mục đích chính sau đây:
* Pháp lam dùng trong trang trí ngoại thất các cung điện triều Nguyễn: Loại hình này thường thấy trên các bờ nóc, bờ quyết, cổ diềm tại các cung điện điển hình như ở điện Sùng Ân (lăng Minh Mạng); điện Biểu Đức (lăng Thiệu Trị); điện Hòa Khiêm (lăng Tự Đức); điện Thái Hòa (Đại Nội) và các nghi môn ở các lăng trên cũng như khu vực Đại Nội.
* Pháp lam dùng trong trang trí nội thất: Đó là những hoành phi, câu đối, bình, choé…
* Pháp lam gia dụng và pháp lam tế tự: Hiện vật nhóm này bao gồm các đồ dùng trong việc tế tự như lư hương, quả bồng, chân đế quả bồng, cơi trầu… và các đồ gia dụng như khay trà, tô, bát, tìm đựng thức ăn.
Pháp lam Huế
Sau gần 150 năm tồn tại, nhà Nguyễn đã để lại trên đất Huế một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ. Trong đó, không thể không nhắc đến những sản phẩm pháp lam ở di tích Huế – một loại hình trang trên, đồng thời là những tác phẩm nghệ thuật – nay đã thất truyền về kỹ thuật chế tác, không còn dấu tích các lò xưởng và đang được nhiều nhà nghiên cứu, bảo tồn quan tâm phục hồi.
Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế hiện đang trưng bày 98 hiện vật pháp lam, bao gồm các vật dụng trong cung như: bát, ly, khay, đĩa, bình hoa, chum, hộp, quả bồng, lư hương, bát hương, chậu đựng cành vàng lá ngọc… Ngoài ra, pháp lam còn được dùng để trang trí các đồ áng rồng, máy, bát bửu, hoa điểu, thơ văn chữ Hán… trên các công trình kiến trúc khác ở cố đô Huế. Đa số những hiện vật pháp lam này đều do thợ thủ công Việt Nam, có thể có sự giúp đỡ của các nghệ nhân mời từ Trung Quốc làm ra. Một số ít hiện vật có khả năng ký kiểu hay mua ở Trung Quốc như những đồ sứ cùng thời.
Pháp lam Huế
Các tài liệu, thư tịch và hiện vật pháp lam ở bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, cũng như ở trên các công trình kiến trúc thời Nguyễn cho thấy kỹ nghệ chế tác pháp lam được nghệ nhân Việt Nam tiếp thu, sáng tạo, làm nên những sản phẩm tuyệt mỹ, những hiện vật vô giá được trưng bày, quản lý cẩn thận ở Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình và trên các di tích khác ở Huế. Pháp lam Huế có mặt ở các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Đãy là buổi thịnh thời của triều Nguyễn: quốc gia thống nhất, kinh tế ổn định. Triều đình lo việc xây dựng kinh đô, lập đền miếu, trang trí tô điểm cho đời sống đế vương. Để thực hiện công việc lớn lao đó, nhiều người đã được cử đi học nghề và kinh nghiệm ở Trung Quốc, đương thời là một quốc gia nổi tiếng về các nghề thủ công, mỹ nghệ. Do vậy, có thể một số đồ pháp lam đạ được mua về từ nước ngoài, trước khi nảy sinh nghề làm pháp lam ở Huế.
Hiện vật pháp lam ở Huế thuộc loại hình pháp lam hoạ. Do chỉ được sử dụng trong Hoàng cung Huế, nên thuật ngữ pháp lam Huế đã được dùng để gọi tên cho kỹ nghệ chế tác pháp lam ở Việt Nam vào thời Nguyễn. Trình độ kỹ thuật chế tác pháp lam thời kỳ này chưa đạt độ sắc nét, tinh xảo, màu sắc không đẹp như pháp lam ở các nước khác, nhất là Trung Quốc. Tuy nhiên, pháp lam Huế lại khẳng định dấu ấn sáng tạo của người Việt, của văn hoá Việt Nam, minh chứng cho nền kinh tế – chính trị những năm độc lập, tự chủ thời Nguyễn. Pháp lam được xem là một báu vật xa xỉ, quý hiếm, sang trọng, chỉ được dùng để trang trí ở những nơi cung điện, tôn miếu uy nghiêm như điện Thái Hoà (Đại Nội, Huế), điện Hoà Khiêm (làng Tự Đức), điện Biểu Đức (làng Thiệu Trị)… hoặc làm đồ dùng trong cung đình như bát, tô, đĩa, khay, chậu hoa, bình hoa, hộp trầu, hộp phấn… hoặc làm đồ tế tự như lư trầm, bát hương, quả bồng… Nguyên liệu pháp lam phải mua từ nước ngoài, kỹ thuật chế tác phức tạp, trải qua nhiều công đoạn, nên làm pháp lam rất tốn kém, đòi hỏi phải có một nền kinh tế vững chắc, ổn định. Chênh vì điều đó, pháp lam Huế không phát triển và dẫn đến thất truyền từ nửa sau thế kỷ XIX do chiến tranh xảy ra, kinh tế sa sút, kỹ nghệ đặc sắc này không còn được quan tâm như trước.
Những nỗ lực và tâm huyết
Trong nỗ lực trùng tu, tôn tạo các công trình kiến trúc thời Nguyễn – có dấu ấn của pháp lam Huế, nhiều nhóm chuyên gia bảo tồn đã dày công nghiên cứu chất liệu pháp lam cổ, xây dựng phương pháp, kỹ thuật chế tác trong điều kiện các thư tịch, bí quyết đều thất truyền. Sau nhiều năm nghiên cứu, trải qua vô số hoạt động thử nghiệm, nhóm nghiên cứu của Thạc sĩ Đỗ Hữu Triết (công ty cổ phần Kỹ nghệ Pháp lam Sao Khuê – Khuestar JSC) đã thành công và tự hào phục hồi – tôn vinh nét văn hoá – nghệ thuật độc đáo của dân tộc. Hơn một thế kỷ thất truyền, pháp lam Huế đang trở lại nhờ những bàn tay tài hoa của nghệ nhân hiện đại, tâm huyết của những con người yêu quê hương.
Pháp lam Huế ngày nay không dừng ở việc chế tác phục vụ trùng tu, bảo tồn các công trình kiến trúc thời Nguyễn và cũng không dừng lại ở loại hình hoạ pháp lam truyền thống. Khuestar JSC đang nỗ lực kết hợp pháp lam với các ngành mỹ nghệ khác như chạm, khảm… nâng lên thành những tác phẩm có giá trị về mặt hội hoạ và hàm lượng nghệ thuật cao.
Lịch sử tên gọi “Pháp lam”
Vấn đề này hiện đang còn được tiếp tục tranh luận bởi giới nghiên cứu về Huế.
* Dựa theo một số bài viết của cố họa sĩ Phạm Đăng Trí, những nhà sưu tập cắt nghĩa rằng: “pháp lam” bắt nguồn từ chữ “pha lang” do người Trung Hoa dùng để chỉ một loại đồ tráng men mà các nhà truyền giáo Tây phương trước kia hướng dẫn cho họ sản xuất rồi du nhập kỹ thuật sang Việt Nam. Sở dĩ chữ “pháp lam” phải trại ra từ chữ “pha lang” (france) là để tránh phạm húy chúa Nguyễn Phúc Lan1…
Pháp lam ngoại thất Huế
* Một số nhà khảo cổ học cho rằng “Pháp lam” là loại đồ men Pháp, chữ “Pháp” ở đây được người Trung Hoa dùng đề chỉ chung người phương Tây chứ không riêng gì người Pháp…; chữ “lam” ngoài nghĩa thông thường chỉ màu sắc xanh lam, cây chàm… còn được Từ điển Hán Việt Thiều Chửu giải thích trong là soi, làm gương theo kiểu Pháp… Theo từ điển, Cảnh Thái lam là tên gọi sản phẩm mỹ nghệ dùng men tráng lên đồng hoặc thiếc… niên hiệu Cảnh Thái đời Minh Đại Tông, hàng được chế tạo tại Bắc Kinh, và gọi: Cảnh Thái lam…
* Ý kiến khác: “… Châu Âu trang trí cửa sổ bằng khung ghép hình và cùng với vật gia dụng tráng men trắng có lấm tấm hạt các màu xanh lục… Nghệ nhân Huế dưới triều nhà Nguyễn cũng chế tác mặt hàng nhiều mảng màu trên men, cốt đồng và nghĩ rằng nó có nguồn gốc từ “pháp lang sa” (Française) và do kiêng húy 2 Thượng Vương Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) nên gọi là “Pháp lam”. Về việc đổi chữ “lang” thành “lam” đó là vì chữ Lang (瑯) có âm gần giống với chữ Lan (灡) trong tên chúa Nguyễn Phước Lan, nhất là phát âm theo lối Huế. Vì thế cần phải đọc trại đi để tránh phạm húy…
* Tạm gọi và hiểu: Sản phẩm này mang tính địa phương (Huế) cao và trong lịch sử chỉ thời Nguyễn mới sản sinh ra chúng. Chúng có liên quan đến một di tích nằm trong quần thể Di sản văn hóa thế giới (Cố đô Huế), đó là Pháp lam tượng cục. Dẫu không còn rõ nét trên thực địa nhưng tên gọi của cơ quan này vẫn còn ghi trong sử liệu. Thời xưa nghệ nhân Huế có sáng tạo trong quy trình công nghệ chế tác đồ pháp lam. Đây chính là cái giá trị văn hóa phi vật thể của loại đồ đặc biệt này và Luật di sản văn hóa buộc mọi người phải bảo vệ. Do đó không nên đổi tên gọi “Pháp lam” thành “đồ đồng tráng men”, cũng không nên viết chung chung “Pháp lam” mà phải viết rõ ràng “Pháp lam Huế” hay “đồ đồng tráng men thời Nguyễn” để khỏi nhầm với Pháp lang Trung Hoa.
Nguon: khamphahue.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.