Sau thời gian khai quật, ngày 18/12, một phần bãi cọc nhọn bằng gỗ lim phát lộ dưới lớp bùn tại 3 hố khai quật trên cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Cọc được đóng sâu đến 2,5 m, đầu cọc có “ngoàm” dùng để luồn dây kéo hoặc mộng ở giữa thân. Mỗi cọc có đường kính từ 20-50 cm, chôn cách nhau 5-7 m. Cọc được đóng xuống lòng đất theo phương thẳng đứng, hoặc nghiêng 20-15 độ theo hướng tây, nam.
Đoàn khảo cổ đã đánh số và che đậy các hiện vật phát lộ.
Trước đó, hai mẫu cọc được giám định bằng phương pháp đồng vị phóng xạ Cacbon 14 cho kết quả niên đại từ năm 1.270 đến 1.430. Từ đây, các nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu lịch sử nhận định cánh đồng Cao Quỳ chính là di tích bãi cọc liên quan trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288 chống quân xâm lược Mông Nguyên. Vị trí bãi cọc là sông Đá Bạch xưa.
Bãi cọc được ông Nguyễn Tuân Triệu, thôn 3, làng Mai Động phát hiện hôm 1/10, trong lúc đào đất trồng cau tại cánh đồng Cao Quỳ. Ông cùng gia đình đã đào hai chiếc cọc chuyển về lưu giữ tại đình làng Mai Động.
Hay tin, Bảo tàng Hải Phòng, Phòng Văn hóa thông tin huyện Thủy Nguyên và UBND xã Liên Khê về đình làng lấy mẫu hai cọc gỗ đưa đi giám định, đồng thời bảo quản hiện vật.
Ông Nguyễn Đức Hiền, người dân Liên Khê cho hay, dân làng ở đây biết về bãi cọc này từ nhiều năm trước, nhưng không ai nghĩ có từ thời nhà Trần nên quá trình làm ruộng va phải đều nhổ bỏ.
Theo tài liệu lịch sử, Liên Khê xưa thuộc tổng Trúc Động, huyện Thuỷ Đường phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Nơi đây còn lưu truyền huyền tích lịch sử về những trận chiến chống quân xâm lược phương Bắc, trong đó có chiến thắng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Trúc Động được lấy làm căn cứ để tiến ra cửa sông Bạch Đằng, sông Chanh tiêu diệt và bắt sống thuỷ binh của đế quốc Nguyên Mông.
Tác giả : Giang Chinh (vnexpress)