Công việc phê bình là một điều vô cùng cần thiết cho các ngành văn chương nghệ thuật.

Những nơi nào mà văn chương nghệ thuật không phát triển và trở nên suy kém là chỉ vì đã thiếu các nhà phê bình chân chính lỗi lạc.

Công việc của họ là đánh giá đúng mức những tác phẩm nghệ thuật, là hướng dẫn cả sự sáng tác lẫn thưởng ngoạn. Họ khám phá các tài năng để giới thiệu với quần chúng ; là cây cầu bắc từ tác phẩm đến giới thưởng ngoạn. Ở các nước mà văn chương nghệ thuật phát triển mạnh, thì ý kiến của các nhà phê hình nổi tiếng được kính nể. Một nhà phê bình không bao giờ được quyền nhầm lẫn.

Họ có thể chưa khám phá ra một thiên tài, bỏ quên một thiên tài ; nhưng không thể nhầm lẫn giới thiệu với quần chúng một kẻ bất tài.

Công việc phê bình quan trọng và cần thiết như vậy nên người ta đã đặt thành một “khoa học” về phê bình.

Không những chỉ là một “khoa học”, phê bình còn là một nghệ thuật nữa.

Nó khoa học bởi phải dựa vào những nguyên tắc được sắp xếp có quy luật, có hệ thống, có phương pháp. Nó đòi hỏi người phê bình phải có một kiến thức rộng rãi. Lại là một nghệ thuật bởi người phê bình phải có một sức rung cảm bén nhạy để dễ dàng đi vào tác phẩm.

Sự rung cảm của người phê bình trước các tác phẩm nghệ thuật cũng giống người nghệ sĩ trong lúc sáng tác.

Sự thông cảm đó là một linh khiếu đặc biệt có sẵn ; sự học hỏi và kiến thức bồi đắp thêm một phần nào. Người ta không thể phê bình nếu chỉ căn cứ theo sự rung cảm, cũng không thể thu hẹp phê bình trong công việc suy luận.

Nhà phê bình đứng đắn phải kết hợp được cả hai phần đó. Nghĩa là sau khi đã để cho tâm hồn tự do rung cảm trước tác phẩm, nhà phê bình vận dụng đến lý trí để nhận định về phần kỹ thuật, hình thức. Mỗi thời đại có một quan niệm về nghệ thuật khác nhau, thì mỗi quan niệm về nghệ thuật cũng tạo ra những hình thức khác nhau.

Người phê bình chân chính, không những phải nắm vững những quan niệm nghệ thuật của thời đại mình mà còn cần phải thấu triệt cả những quan niệm của các thời đại đã qua.

Có như vậy, mới tìm hiểu và khám phá được những giá trị vĩnh cửu của một tác phẩm. Mỗi tác phẩm nghệ thuật, nếu có mang trong nó dấu vết của thời gian thì cũng chỉ là sự tất nhiên trong con đường đi đến những giá trị vĩnh cửu.

Tác phẩm nghệ thuật không đóng khung trong không gian vì sự rung cảm của nghệ sĩ trong tác phẩm không còn tính chất cá nhân mà đã biến thành những rung cảm phổ biến, hòa đồng với vũ trụ và nhân loại.

Nắm vững và thấu triệt những quan niệm nghệ thuật của những thời đã qua cần thiết cho việc áp dụng phương pháp phê bình ở phần “khoa học”.

Tác phẩm nghệ thuật tạo cho chúng ta những cảm xúc : ngạc nhiên, thỏa mãn hoặc bất mãn, đồng một lúc với năng tri nhận thức được sự vật. Công việc tìm hiểu về những cảm xúc trong nghệ thuật, cũng như những tư tưởng tạo thành khoa thẩm mỹ học nó có tham vọng tìm tòi những chân lý phổ thông, giống như những định luật về vật lý học. Công việc phê bình thì lại không có mục đích đó.

Muốn tìm hiểu về phê bình, người ta phải xét xem cách cấu tạo những luật tắc, những tiêu chuẩn khác nhau của sự phê bình. Cách áp dụng những tiêu chuẩn đó tạo thành “khoa học” phê bình.

Vào quãng năm 1767, Riel đã từng cho rằng sở thích tùy theo từng thời đại, từng dân tộc, từng cá nhân để chối bỏ hết mọi tiêu chuẩn phổ biến về thẩm mỹ. Và sự khác biệt mâu thuẫn của những tiêu chuẩn về phê bình cũng đã làm cho Victor Boch bất bình. Nhưng dù sao thì công việc tìm hiểu về bút pháp và kỹ thuật giúp người ta nhận thấy cái độc đáo của từng nghệ sĩ. Nhưng mọi phê phán phải có lựa chọn và mọi lựa chọn trong phạm vi nghệ thuật bắt buộc và cần thiết phải dựa vào những tiêu chuẩn, những phương pháp phê phán.

Đến đây, người ta tự hỏi: nếu cho rằng chỉ căn cứ vào rung cảm cá nhân, là đã rơi vào lối phê bình chủ quan, không lấy gì làm vững chắc, thì những phê phán giá trị phải theo luật tắc nào ?

Từ trước đến nay, người ta đã đưa ra rất nhiều tiêu chuẩn căn bản trong công việc phê bình nghệ thuật.

Tiêu chuẩn cũ kỹ nhất mà người ta đã dựa vào từ các thế kỷ đã qua để phê bình tác phẩm nghệ thuật là tiêu chuẩn lấy sự “giống” làm chính yếu. So sánh tác phẩm với cảnh thực, so sánh nhân vật tiểu thuyết với con người ở ngoài cuộc đời, so sánh cái cây trong bức vẽ với cái cây thực mọc ở giữa trời.

Nhưng sự thực, muốn chép lại thật đúng với sự vật thiên nhiên, không thể cứ theo đúng tỷ lệ của vật mẫu mà chính ra ở nhiều trường hợp rút ngắn nơi này, kéo dài thêm chỗ khác, phải hy sinh cái “giống” một cách câu nệ, để có thể đúng hơn. Nhưng Platon lại cho làm như vậy là một sự gian dối, đánh lừa con mắt người xem tranh.

Đến đây, người ta phải đặt thành câu hỏi : vậy thì mục đích của hội họa là gì? Diễn tả sự vật thật đúng, thật sát, một cách máy móc, câu nệ, hay diễn tả cái “vẻ giống” như ý muốn của tác giả. Bắt chước sự vật hay diễn tả sự vật. Cái nào nắm được cái thật trong sự vật, thực ra ở đây nhà hiền triết Platon không có ý bàn thẳng về hội họa hay điêu khắc. Ông ta chỉ muốn chứng minh là triết học đạt đến điều chân dưới nhiều hình thức.

Nhìn lại nền hội họa cổ, người ta sẽ nhận thấy rõ ràng sự tiến bộ chỉ căn cứ trên kỹ thuật càng ngày càng khéo tay hơn, càng giống với sự vật hơn của một số đông chiều theo quần chúng.

Nhưng nếu thường thường quần chúng bằng lòng những cái gì sao chép đúng với sự vật, nghĩa là những bức vẽ chỉ cốt đánh lừa con mắt người xem ; thì trái lại các nghệ sĩ chân chính lại ưa tìm những tính chất sâu sắc hơn.

Nhiều người tưởng rằng : thời kỳ trung cổ ở các nước Âu châu vì thấm nhuần tinh thần tôn giáo nên đã chối bỏ quan niệm bắt chước đúng với thiên nhiên ; họ cho rằng tinh thần cơ-đốc giáo thời trung cổ đã chấp thuận một chỗ quan trọng cho ý niệm “siêu nhiên” nhưng thực ra thì trong cái chủ nghĩa cơ-đốc vẫn tiềm tàng một cái gì rất nhân bản. Nền văn hoá hồi đó tùy thuộc vào những giáo điều nhưng vẫn ảnh hưởng mạnh ở nền văn hóa cũ để lại ; cho nên chưa dứt bỏ hẳn được quan niệm chép đúng sự vật.

Cho đến thời đại tiến bộ của khoa học và kỹ thuật việc tìm ra chất sơn dầu, luật viễn cận cũng như sự khám phá của khoa vạn vật học v.v… Tất cả những tiến bộ mới mẻ đó, chung qui cũng chỉ giúp thêm lòng khao khát sự thực.

Mãi đến cuối thế kỷ 19 quần chúng vẫn không bao giờ ngờ vực gì về quan niệm bắt chước sự thực chép lại thiên nhiên và dư luận phê bình vẫn không chối bỏ điều đó. Cũng thời gian này ở các trường mỹ thuật người giảng dạy những phương pháp họa hình, đặt ra những luật tắc khuôn vàng thước ngọc, người ta đặt một sự thực cụ thể trước mặt để làm mẫu mực. Tất nhiên là những sự học tập đó chỉ là một sự sửa soạn cho các tác phẩm. Những khi nhìn vào tác phẩm người ta quá quen thuộc với óc lý luận nên vẫn không tha thứ những cái gì không đúng với sự vật. Người ta chủ trương cái đẹp không được phép loại bỏ những hình thể có thực. Thường thường cái đẹp vẫn phải hy sinh cho cái đúng, cái giống. Người ta vin vào câu nói của Boileau : “Không có gì đẹp bằng cái thực.”

Quan niệm đó đã là một tiêu chuẩn cho các nhà phê bình nghệ thuật thời trước. Một số đông những người sáng tác muốn được hoan nghênh ở thời đại đã phải uốn mình noi theo. Họa hoằn mới có những kẻ dám vượt ra ngoài dư luận để tiến tới khám phá những mới mẻ.

Những nghệ sĩ này, với lòng chân thành yêu mến nghệ thuật đã can đảm vượt qua mọi trở ngại để phụng sự cho lý tưởng của họ. Tác phẩm của họ đưa ra không được sự hoan nghênh của những người đồng thời. Nhưng trải qua thời gian sau, các nhà phê bình và các lý thuyết gia lại tìm được trong đó những khám phá mới lạ để đúc kết thành những lý thuyết, những quan niệm, những tiêu chuẩn mới cho công việc phê bình nghệ thuật.

Bởi vậy, sau tiêu chuẩn lấy cái đúng, cái giống để đo lường một tác phẩm nghệ thuật ; người ta đã căn cứ theo một tiêu chuẩn nữa là tìm một chủ thuyết trong tác phẩm.

Bức họa một khi đã vẽ đúng, vẽ giống hệt như sự vật còn phải nói lên một cái gì, một ý nghĩa nào. Đang là tấm gương phản chiếu trung thành sự vật, nghệ thuật đổi sang làm một phương tiện hành động. Người ta dẫn dắt nghệ thuật xa rời con đường của nó. Dùng nó làm một công cụ tuyên truyền cho một chế độ chính trị nếu không thì lại coi nó như một cuốn sách giáo khoa để giảng dạy những điều thiện, để bảo vệ luân lý, để cải tổ xã hội.

Sự thực thì nghệ thuật có thể tạo ra những ảnh hưởng cho nếp sống con người về phương diện xã hội, chính trị, luân lý nhưng chỉ là những ảnh hưởng gián tiếp và xa xôi. Không thể nào vì một tác phẩm nghệ thuật mà nếp sống con người, tổ chức xã hội thay đổi ngay trong chốc lát, tức thời. Nghệ thuật đã bối rối khi phải chỉ rõ cho thiên hạ một mục đích để noi theo, nó còn bối rối hơn nữa khi người ta muốn nó phải là một phương tiện để giúp xã hội đạt tới mức đích đó.

Nếu chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn lấy một chủ thuyết để đánh giá tác phẩm, là đã đưa nghệ thuật đến một cái đích không phải của nó. Về sau này ở thế kỷ 19, một thế kỷ đầy rẫy những biến chuyển của lịch sử, người ta quan niệm rằng tất cả mọi tư tưởng chỉ có giá trị tùy ở trong thời gian và không gian đã nẩy sinh ra nó ; và căn cứ vào đấy để phán đoán. Với tư tưởng đó, người ta đặt thêm một tiêu chuẩn mới nữa để đánh giá tác phẩm, cũng từ đó các nhà phê bình đòi hỏi tác phẩm nghệ thuật phải phản ảnh lịch sử. Đẩy xa hơn nữa, tác phẩm nghệ thuật làm công việc minh họa cho lịch sử, và thu hẹp trong công dụng của những tài liệu lịch sử.

Đành rằng : một tác phẩm nghệ thuật có thể ghi chép lại một biến cố lịch sử, có thể phản ảnh lại nếp sống của một thời đại. Nhưng phải chăng đấy là mục đích duy nhất của nó ?

Sau tiêu chuẩn lấy cái đúng, cái giống, lấy một chủ thuyết, lấy lịch sử, lấy kỹ thuật để đo lường tác phẩm, hiện nay còn có xu hướng lấy sự hùng tráng mạnh mẽ làm một tiêu chuẩn chính yếu trong công việc phê phán nghệ thuật. Theo rõi sự phát triển mới của những xu hướng nghệ thuật hiện thời, các giới phê bình nghệ thuật ngày nay nhận thấy : phần lớn tác phẩm hiện đại chứa đựng một sức mạnh quật khởi đồng thời mang một bộ mặt bí ẩn.

Họ cho rằng : nền văn minh hiện nay là một nền văn minh mà khoa học, kỹ thuật đã tiến triển đến một cao độ. Nhờ đó con người được mở rộng tầm hiểu biết ra khỏi phạm vi chật chội của trái đất. Không gian thu hẹp, thời gian rút ngắn đã làm cho trái đất nhỏ bé lại. Rồi một khi đứng trước đối tượng rộng lớn mênh thông là vũ trụ, con người cảm thấy những nỗi lo âu, thắc mắc cho sự bé mọn của mình. Những nỗi lo ngại đó, cũng tương tự một phần nào (nếu không giống hẳn) với những lo ngại khi con người còn trong thời kỳ hoang sơ chưa biết gì về vũ trụ.

Tác phẩm nghệ thuật ngày nay biểu lộ rõ ràng những nỗi băn khoăn, thắc mắc của con người, đặt trước những vấn đề không sao giải quyết được

Thời đại chúng ta là thời đại mà tinh thần con người bị lay động, xao xuyến như chưa từng bao giờ xảy ra. Có thể nói được rằng : ngày nay tính chất chính yếu của nghệ thuật là một dấu hỏi to lớn. Và chỉ là một dấu hỏi suông, vì chưa có một niềm tin nào để mà xác nhận.

Về phương diện kỹ thuật, là một thứ nghệ thuật hùng tráng, mạnh mẽ, thô sơ và giản đơn, gần gũi với cách nhìn sự vật của con người nguyên thủy, các dân tộc rải rác trên các hải đảo ở đại dương. Nghệ thuật ngày nay còn đượm nhuần tính chất bí ẩn và hướng tới con đường của siêu thực. Nghệ sĩ chú trọng đến chính chất liệu hơn là những công thức diễn tả. Với sức mãnh liệt phi thường, hội họa ngày nay muốn phá vỡ không những hình thể, mà ngay cả những chiếc khung vuông vắn chật hẹp giam giữ nó để có thể tự do hơn trong một hình thức mới.

Người ta hy vọng rồi đây hội họa không còn bị hạn chế, lệ thuộc vào tấm vải, cái khung, để nghệ sĩ có thể diễn tả bằng các đồ vật và ngay trên các đồ vật.

Phê bình về đường lối trừu tượng vô-hình-dung trong hội họa ngày nay, đã từng có những lời buộc tội gắt gao. Nhưng muốn sao đi nữa thì cũng đã “có” và đã “thành hình”.

Seuphor cũng đã từng diễu cợt, khi có người hỏi ý kiến ông ta về hội họa trừu tượng : “Có thể cho đó là một sự lầm lẫn đẹp đẽ của thời đại, một lỗi lầm cao quý mà nghệ thuật ngày nay đã phát minh được.”

Đứng về mặt phê bình nghệ thuật xét như vậy, thì người phê bình bắt buộc phải thấu triệt những quan niệm về nghệ thuật, phải nắm vững sự tiến triển của lịch sử nghệ thuật, phải am tường về khoa thẩm mỹ học, phải nghiên cứu về kỹ thuật. Tất cả những kiến thức, những biểu biết đó soi sáng cho công việc phê bình ; nhưng riêng nó chưa đủ làm trọn được công việc phê phán, bởi nó thuộc về lý trí. Công việc phê phán chỉ có thể đến sau công việc của thưởng ngoạn ; mà nói đến thưởng ngoạn là phải nóiđến nguồn rung cảm nghệ thuật.

Đến đây, người ta sẽ đặt câu hỏi : vậy thì nguồn rung cảm nghệ thuật là gì ? Chỉ có thể trả lời : nó giống như trường hợp của nghệ sĩ sáng tác. Nguồn rung cảm đó càng ngày càng tế nhị sâu sắc giàu có thêm nhờ kinh nghiệm thưởng ngoạn, (cũng như nghệ sĩ nhờ kinh nghiệm của công việc sáng tác). Người phê bình nghệ thuật luôn luôn theo rõi hòa mình vào các sinh hoạt nghệ thuật để thu góp những kinh nghiệm đó.

Người phê bình, trước hết mặc cho nguồn rung cảm tự do, khi đã đến một giới hạn nào đó nó trở thành những ý tưởng. Và một khi ý tưởng đã thành hình rõ ràng lại giúp cho sự rung cảm tiến lên một độ sâu sắc hơn. Sự tiến triển cứ tiếp diễn như vậy không ngừng. Nếu người phê bình khi đứng trước tác phẩm chưa gạt bỏ được mọi thành kiến, những sở thích chủ quan không thuộc tính chất của nghệ thuật thì không hy vọng gì tìm hiểu được tác phẩm. Trước hết hắn phải gạn lọc những yếu tố phụ thuộc để có thể dễ dàng thông cảm, rung động trước tác phẩm. Vì mục đích của hắn khác hẳn những nhà thẩm mỹ học và nhà biên soạn lịch sử hội họa. Hắn phải nhận định rằng : người nghệ sĩ trước hết cũng là một người, họ cũng có những đòi hỏi về vật chất, về tinh thần như mọi người khác, hơn nữa hoàn cảnh xã hội, truyền thống dân tộc và bao điều phụ thuộc khác ảnh hưởng đến tác phẩm. Những điều đó nhiều khi không có gì dính dáng trực tiếp với nghệ thuật. Những ảnh hưởng đó để lại dấu vết trong tác phẩm ngoài ý muốn của nghệ sĩ. Tất cả những dấu vết đó cần ích cho các nhà nghiên cứu về nghệ thuật, các nhà viết tiểu sử muốn tìm hiểu về con người cá nhân nghệ sĩ.

Nhưng để tìm bản chất tinh túy của nghệ thuật thì phải gạt sang một bên những điều phụ thuộc đó. Đứng trước một tác phẩm nghệ thuật, nhà phê bình không cần hỏi rằng : tác phẩm này của ai ; không

cần biết đến tác giả, cũng như không cần tìm hiểu tác phẩm đã được sáng tác trong trường hợp nào, trong hoàn cảnh nào, của dân tộc nào và ở thời đại nào. Nhà phê bình gạt bỏ mọi thành kiến, chỉ biết có tác phẩm trước mặt để dễ dàng thông cảm với tác phẩm và thu nhận những gì thuộc về phần nghệ thuật của tác phẩm. Tất cả những ảnh hưởng xã hội, dân tộc, thời đại v v . nằm trong tác phẩm, để lại dấu vết trong tác phẩm là những điều tất nhiên nhưng không phải một khi đã có đầy đủ những điều đó mà tác phẩm có được một giá trị nghệ thuật.

Thái Tuấn

(trích trong Câu Chuyện Hội Họa)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.