Thưởng ngoạn là để cho riêng mình, phê bình là chia sẻ sự thưởng ngoạn ấy với người khác. Thưởng ngoạn không đúng, tất nhiên phê bình sẽ sai. Phân biệt được một bức tranh đẹp là một chuyện tương đối dễ dàng.
Phân biệt được một họa phẩm có giá trị nghệ thuật và một bức vẽ vô giá trị là một chuyện đòi hỏi nhiều khả năng về chuyên môn và một linh khiếu bén nhạy. Trong đời sống thường ngày, những thứ hàng được quý chuộng đã có kẻ manh tâm làm giả. Hai thứ rượu để cạnh nhau, cùng một nhãn hiệu, cùng một bình đựng, khó lòng mà phân biệt được thực, giả nếu người ta chỉ nhìn cái nhãn, cái chai.
Chỉ có một cách duy nhất là phải nếm mới biết được. Muốn nếm, tất nhiên lại phải biết uống rượu. Bây giờ khoa học tiến bộ lắm. Có thể nhờ các nhà chuyên môn phân chất để xem thực, giả. Các ngài ấy có thể biết và nói lại cho chúng ta: trong rượu có những thành phần gì, những hỗn hợp nào. Nhưng có một điều chắc chắn là : nếu các nhà chuyên môn ấy không biết uống rượu thì khoa học cũng không thể nào giúp cho họ thưởng thức được cái thú vị của một chén rượu ngon.
Có nhiều điều người ta không thể chỉ học hỏi trong sách vở và bằng trí thông minh mà còn phải học ngay ở trong đời sống và có khi phải ném cả cuộc đời mình trong “cuộc chơi”.
Tôi đoán chắc : có cô gái giang hồ sẽ mỉm miệng cười, khi nghe các nhà tâm lý học hùng hồn biện luận về tâm lý bọn đàn ông.
Tôi thông cảm với Lionello Venturi, nhà phê bình nghệ thuật nổi danh của Ý-đại-lợi, khi ông khuyên nhủ các nhà thẩm mỹ học, cùng những người viết về hội họa nên chịu khó mà tập vẽ để nắm vững những kinh nghiệm sáng tác.
Sự hiểu biết về lịch sử nghệ thuật, về thẩm mỹ học cùng về kỹ thuật trong hội họa, tất cả những điều đó là những hiểu biết cần thiết ; nhưng chưa đủ để thưởng ngoạn và phê bình cho đúng mức một tác phẩm hội họa. Còn một yếu tố quan trọng hơn cả, là sự rung cảm, một linh khiếu đặc biệt. Vì bản chất nghệ thuật vốn ẩn hiện và biến chuyển khó lòng mà đo lường bằng những mớ lý thuyết và luật tắc suông.
Không có gì thô bạo hơn cách cân đo để đánh giá một nhan sắc trong những cuộc thi hoa hậu. Ngôn ngữ đã bất lực trong công việc diễn tả cái đẹp thì những con số ở cái cân, cái thước làm sao có đủ hiệu lực thay thế.
Cái đẹp của một viên ngọc quý không thể diễn tả bằng những “carat”. Cân lượng chỉ có một giá trị thương mại. Cặp mắt, làn môi chẳng phải chỉ là những vật trang sức trên khuôn mặt người đẹp. Bởi tách rời ra chúng sẽ mất hết ý nghĩa. Một cặp mắt bằng thủy tinh chẳng bao giờ có thể đẹp. Cái đẹp chính là rút từ ở cái thực. Người ta không thể loanh quanh ở bên ngoài, cũng không thể chỉ dùng trí tuệ mà đi tìm cái đẹp Cái đẹp rút ra từ cuộc sống, chưa đi thẳng và chưa dự vào cuộc sống thì chẳng bao giờ hy vọng nhìn thấy cái đẹp.
Tôi đã trông thấy nhiều bức tranh tĩnh vật, vẽ từ những bình hoa cho đến những đôi giầy rách, vẽ từ những cây đàn cho đến cái ống điếu. Tôi nhận thấy những bông hoa được vội vã mua từ chợ về, được vội vã vẽ thành bức tranh và vội đem bày bán. Ở đây tôi không muốn nói đến “kỹ thuật chụp hình” của những bức vẽ đó. Tôi chỉ muốn nói đến cái ý thức về lối vẽ tĩnh vật của họa sĩ. Cách nhìn bông hoa như những vật trang trí không hồn ấy, sẽ chẳng bao giờ có thể thành công. Tôi cũng đã từng trông thấy những bông hoa của Van Gogh, những trái táo của Cézanne. Nhìn những bức tĩnh vật đó, tôi trông thấy cả sự trìu mến vuốt ve, những thông cảm mật thiết của con người và thiên nhiên. Tôi trông thấy cả những kỷ niệm : những cánh đồng xanh tươi. Những bông hoa, những trái táo đó là những vật mà trong đời sống thường ngày các họa sĩ ấy đã trông thấy, đã thích thú gần như là một ám ảnh. Người và vật đã nhiều phen cùng nhau “chia ngọt, sẻ bùi”. Và rồi một hôm nào đó sự hiện diện thường trực của chúng đã đòi hỏi, đã thúc dục, đã khêu gợi cây cọ của nhà danh họa.
Cái phần thực ở những bông hoa, ở những trái táo ấy, chỉ còn lại là những đường nét, những màu sắc, những hình dáng ; và tất cả những thứ ấy đã được chủ quan của họa sĩ gạn lọc làm cho thuần khiết.
Người ta thường nhầm lẫn công việc thanh lọc (purification) với công việc kiểu thức hóa (stylisation) hình thể sự vật.
Kiểu thức hóa chỉ có thể đưa tới sự nghèo nàn và những hình thức máy móc. Rốt cuộc mọi hình thể thiên nhiên sự vật chỉ còn lại những hình vuông, hình tròn, hình lục lăng, tam giác khô khan. Màu sắc cũng trở nên lòe loẹt và trơ trẽn. Tôi cho rằng, đó là đem sự vật thiên nhiên “đóng hộp” như người ta đóng hộp những con cá mòi.
Ngược lại sự thanh lọc bắt nguồn từ tinh thần ý thức nghệ thuật của phương Đông. Ngay trong các thể tranh lụa của Trung hoa và Nhật.bản từ xưa đã là công việc tập trung tinh thần và ý chí để có thể cảm thông với sự vật thiên nhiên. Là công việc gạn lọc, tước bỏ những dư thừa vô ích, nó giúp cho sự cô đọng đường nét và màu sắc, làm cho sự vật hiện lên nguyên hình của nó.
Tôi ngờ rằng : người ta đã hiểu lầm câu nói của họa sĩ Cézanne [2] vì đã theo sát nghĩa từng chữ, và rồi, do đó mà nhóm “lập thể analytique” đã hụp lặn trong vũng lầy bế tắc không có lối thoát.
Nhìn những bức họa của Cézanne, tôi đã nhận thấy họa sĩ gạn lọc, tước bỏ những đường nét và màu sắc dư thừa. Một số đường nét và màu sắc dư thừa vô ích ấy, chính là những cái trở ngại cho con người gặp gỡ thiên nhiên.
Tinh thần của Cézanne là tinh thần dùng trực giác làm phương tiện chính yếu, dùng phương pháp quy nạp, tổng hợp để thu nhận và thông cảm với sự vật. Trái lại những người theo sát câu nói của Cézanne đã dùng lý trí làm phương tiện chính yếu, dùng phương pháp suy diễn phân tích để mong đạt tới bản thể của sự vật. Cái tinh thần nghiên cứu sự vật đó, năm 1913 trong cuốn “Les peintres cubistes”, Guillaume Apollinaire đã viết : “Un picasso étudie un objet comme un chirurgien dissèque un cadavre.”
Câu nói của Apollinaire dùng để chỉ chung tinh thần của nhóm “lập thể analytique“. Trong vũng lầy của lý trí ấy, riêng Picasso đã thoát ra một cách vinh quang. Những người vẽ theo sau là vẽ theo lý thuyết cubiste của các lý thuyết gia. Lý thuyết và luật tắc chỉ có thể rút ra từ họa phẩm, không thể làm công việc ngược đời là đặt ra luật tắc trước khi có họa phẩm.
Cái phần thực trong nghệ thuật không giống như cái thực ở ngoài cuộc đời. Một cây đàn thật phải có đủ dây mới thành cây đàn, nhưng một cây đàn nằm trong một bức tranh tĩnh vật không nhất thiết phải có đủ dây. Trong trường hợp vì những cái dây ấy mà tất cả hòa hợp, cân đối của bức họa bị phá hỏng thì người họa sĩ phải loại bỏ nó ra khỏi bức họa. Và chính ngay sự hòa hợp, cân đối ấy cũng chỉ tồn tại cần thiết khi nào nó làm nổi được phần thực và sức sống của cây đàn, nếu thất bại nó sẽ hiện thành những luật tắc khô khan, và đến lượt nó phải bị loại bỏ, hy sinh.
Từ những kinh nghiệm sáng tác, người ta đã rút ra những luật tắc. Không ai chối cãi sự giúp ích của các luật tắc cho những người mới bước chân vào nghề. Nhưng các nghệ sĩ không thể tự giam hãm hoài hoài trong những chiếc lồng chật hẹp đó. Khi người ta nắm vững được các luật tắc, thì người ta sẽ vượt lên trên nó để tạo ra những luật tắc mới.
Một câu nói dù hay dù đẹp tới đâu, nếu cứ nhắc đi nhắc lại mãi cũng trở thành khuôn sáo. Mà khuôn sáo thì mài nhẵn mọi cảm xúc, mọi rung động. Hình thức và kỹ thuật là những con đường dẫn tới, không phải là mục đích. Những con đường trong các cuộc hành trình cần phải thay đổi để tránh sự nhàm chán và trong công việc tìm kiếm người ta còn mong tìm được con đường thuận tiện hơn.
Về phần cái đẹp trong một bức họa người họa sĩ cũng không bao giờ có ý định ghi chép lại đúng với cái đẹp bình thường trong cuộc đời. Những cái đẹp thông thường là những cái chỉ có thể làm thỏa mãn cho thị giác, không thể làm thoả mãn tâm hồn, làm thỏa mãn toàn diện con người. Biến đổi cái đẹp thông thường thành cái đẹp của nghệ thuật, người sáng tác bắt buộc phải gạn lọc sự vật ở cuộc đời bình thường, trước khi đưa nó vào thế giới của nghệ thuật. Người thưởng ngoạn không thể mang những hiểu biết phi nghệ thuật vào dạo chơi trong thế giới của nghệ thuật. Trong cuộc phiêu du đi tìm cái đẹp, người thưởng ngoạn đôi khi đã gặp trên đường rất nhiều chướng ngại, hoặc đã bị những cảnh trí quyến rũ đánh lạc mất hướng tìm kiếm của mình. Những danh từ : cân đối, hòa hợp, bút pháp, độc đáo, dân tộc tính v.v… có thể chỉ là những mớ hành lý nặng nề, cồng kềnh làm mệt nhọc thêm cuộc hành trình. Và rồi người du khách đi làm công việc của người khảo cứu những thắng tích mà quên mất công việc thưởng ngoạn.
Một ngôi đền cổ, có thể xây bằng đất, bằng vôi, bằng gạch hoặc bằng đá ; có thể đã tồn tại từ hai nghìn năm hay chỉ mới hai trăm năm ; cũng có thể làm ra để thờ vị này hay vị kia. Biết đủ những điều đó, chưa chắc là đã nhận ra cái vẻ đẹp của ngôi đền.
Người nghệ sĩ sáng tác, tất nhiên là không thoát ra hoàn toàn những ảnh hưởng của đời sống chung quanh mình. Sự đói rét, những niềm lo âu, những hy vọng cùng mọi ảnh hưởng của cuộc sống sẽ để lại dấu vết trên tác phẩm. Những dấu vết đó là ở ngoài ý muốn sáng tác. Người họa sĩ không bao giờ có ý định đưa những thứ đó vào tác phẩm. Nó ở ngoài ý muốn nghệ thuật.
Tôi đã được nghe nhiều người khuyên nhủ về tính chất dân tộc trong tác phẩm. Người ta khuyên nhủ họa sĩ lưu ý tới việc đó trong khi sáng tác. Thực ra, đó không thể là một việc “lưu ý”, nó là một việc tất nhiên phải có. Người sáng tác không thể “muốn” được, nó là những dấu vết mà ảnh hưởng hoàn cảnh cuộc sống để lại trong tác phẩm. Nó cũng không phải là một điều kiện bắt buộc. Bức họa “La Joconde” vẫn muôn đời là một tác phẩm nghệ thuật, dù người ta có khám phá ra đó là tác phẩm của một họa sĩ người Ý-đại-lợi hay của một họa sĩ người Tây-ban-nha.
Dù sao những dấu vết, do ảnh hưởng của xã hội mà nghệ sĩ sinh sống, sẽ lưu lại trên tác phẩm. Nghệ sĩ không thể cố ý đưa vào hoặc tự ý loại ra khỏi tác phẩm. Vì vậy vấn đề “dân tộc tính” không thành một vấn đề đặt ra cho người sáng tác.
Người thưởng ngoạn hay phê bình cũng cần phân biệt những dấu vết ngoài ý muốn và ý muốn nghệ thuật của người sáng tác, mới có thể đạt tới được giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
Những bức họa có một đề tài về lịch sử hay xã hội chỉ có thể có giá trị nghệ thuật, nếu nghệ sĩ đã chuyển được cái nhìn của một nhà chính trị hay một nhà luân lý, thành cái nhìn của một người làm nghệ thuật nghĩa là cái nhìn của một con người toàn vẹn, nếu không, bức tranh chỉ có thể là một tài liệu về lịch sử hay xã hội ; điều đó chẳng phải là mục đích của nghệ thuật.
Cái thực cũng như cái đẹp trong một bức họa, chỉ là sự phản ứng của nghệ sĩ với cái thực, cái đẹp của thiên nhiên và cuộc đời đã có.
Mỗi họa phẩm có giá trị nghệ thuật, tự nó đã chứa đựng tinh thần cái đẹp, cái thực, cái thiện. Nhưng không phải vì vậy mà bắt buộc nó phải tuân theo một công thức về cái đẹp nào, phải hoan nghênh một nền luân lý riêng biệt nào hoặc phải cổ võ cho một đường lối chính trị nào. Làm như vậy nghệ thuật sẽ không còn giữ được tính chất phổ quát của nó. Thường thường thì tính chất tương quan giữa những yếu tố đã tạo nên họa phẩm đã bị các sở thích độc đoán của cá nhân, của thời đại lãng quên, không đếm xỉa tới.
Người thưởng ngoạn cũng như người phê bình cần nhận rõ tính chất tương quan của các yếu tố đã tạo nên họa phẩm mới mong đạt tới tính chất tuyệt đối của nghệ thuật.
Thái Tuấn
(trích trong Câu Chuyện Hội Họa)