Bức thư của “Nhà Vua Pháp Tôn Sùng Mặt Trời” sao chép dưới đây đã được giao cho linh mục Lefevre của Hội Các Dòng Truyền Giáo Hải Ngoại Pháp Quốc là người tuy thế đã không xin hội kiến được với người cầm quyền tại miền Bắc (Tonkin), Chúa Trịnh Tạc.  Trong thực tế, người cầm quyền miền Bắc đã băng hà trong khi linh mục Lefebre bị khất hẹn và chờ đợi, và người kế vị [tức Chúa Trịnh Căn, xem chú thích *(b) của người dịch nơi cuối bài] đã từ chối không tiếp vị khách Pháp.  Vị Chúa này phải cảm thấy hài lòng với bức thư phúc đáp vua Louis, trong đó đã trình bày đầy đủ ý kiến của Chúa về các mối quan hệ đối với các cường quốc Âu Châu.

THƯ CỦA VUA NƯỚC PHÁP GỬI CHÚA TRỊNH MIỄN BẮC (NGÀY 10 THÁNG JANUARY, 1681)

Kính thưa Quân Vương tối cao, tối hảo, tối dũng và tối hào hiệp, vị bằng hữu vô cùng thân thiết và tốt bụng của chúng tôi, cầu xin Thượng Đế ban sủng cho sự vĩ đại của Ngài trọn cuộc đời hạnh phúc!
Chúng tôi được nghe từ các thần dân của chúng tôi đã sống tại Vương Quốc của Ngài về sự bảo vệ mà Ngài đã ban cấp cho họ.  Chúng tôi tán thưởng tất cả điều này nhiều hơn nữa bởi vì chúng tôi đã sẵn dành cho Ngài tất cả sự tôn kính có được đối với một vị quân vương như được minh họa qua những chiến công anh dũng và sự thán phục vì lẽ công bình mà Ngài đã thực thi tại Vương Quốc của Ngài.  Chúng tôi cũng được thông báo rằng Ngài đã không vui lòng để ban bố sự bảo vệ tổng quát này cho các thần dân của chúng tôi nhưng Ngài đã đặc biệt ban cấp các sự che chở hữu hiệu cho các ông Deydier và de Bourges * (c).  Chúng tôi đã ước ao rằng họ có dịp thừa nhận mọi ân sủng mà họ nhận được từ Ngài bằng việc dâng lên Ngài các món quà quý giá; thế nhưng bởi chúng tôi trải qua nhiều năm chiến tranh, trong đó tất cả Âu Châu đã liên kết chống lại chúng tôi, đã ngăn chặn tàu thuyền chúng tôi đi sang Ấn Độ [Dương]; hiện nay, chúng tôi đã ở thời bình sau khi đã dành được nhiều chiến thắng và mở rộng Vương Quốc chúng tôi xuyên qua sự chinh phục nhiều địa điểm quan yếu, chúng tôi tức thời ra các mệnh lệnh cho Hiệp Hội Hoàng Gia * (d) phải hiện diện tại Vương Quốc của Ngài càng sớm càng tốt, và đã chỉ thị các ông Deydier và de Bourges ở lại bên Ngài để duy trì mối giao hảo giữa các thần dân của chúng tôi với các thần dân của Ngài, đồng thời để báo cho chúng tôi hay biết về những cơ hội giúp chúng tôi có thể xuất trình Ngài những bằng cớ về lòng tôn kính của chúng tôi và về ước muốn của chúng tôi được hòa đồng vào sự hài lòng của Ngài cũng như với các quyền lợi tốt đẹp nhất của Ngài.

Để làm bằng cớ sơ khởi, chúng tôi đã ra lệnh dâng lên Ngài một số tặng phẩm mà chúng tôi tin sẽ làm vừa lòng Ngài.  Nhưng một điều trong thế giới mà chúng tôi ao ước nhất, cho chính Ngài lẫn Vương Quốc của Ngài, là xin hãy để cho các thần dân của Ngài những kẻ vốn đã sẵn tin ở định luật chỉ có một Thượng Đế chân chính duy nhất bao gồm cả đất và trời, được quyền tự do theo đạo.  Bởi đây là luật tối thượng, cao quý nhất, thiêng liêng nhất và đặc biệt thích hợp nhất để tạo ra các vị quân vương có quyền trị vì tuyệt đối trên người dân.

Chúng tôi còn hoàn toàn cả tin rằng, nếu Ngài hay biết được các chân lý và châm ngôn mà đạo này [Thiên Chúa Giáo, chú của người dịch] rao giảng, ngay chính Ngài sẽ đem lại trước tiên cho các thần dân một gương mẫu chói rạng về việc tin đạo.  Chúng tôi cầu chúc Ngài nhận được ân sủng vô lường này cùng với một thời trị vì lâu dài và hạnh phúc và chúng tôi cầu nguyện Thượng Đế vui lòng tăng tiến sự cao cả của Ngài bằng các thành quả vui sướng nhất.

Viết tại Saint-Germain-en-Laye, ngày 10 tháng Một, năm 1681.
Người bạn vô cùng thân thiết và tốt bụng của Ngài,

Ký tên: Louis

THƯ TRẢ LỜI CỦA CHÚA TRỊNH MIỄN BẮC GỬI VUA LOUIS XIV

Chúa Miền Bắc Việt Nam gửi đến Quốc Vương nước Pháp một bức thư để bày tỏ với Ngài những tình cảm tốt đẹp nhất của Chúa, cho biết rằng Chúa lấy làm vui mừng được biết rằng sự tín thủ đạo [tin và trung thành với tôn giáo] là một đức tính vững chắc của con người và rằng lẽ công bình là một điều quan trọng nhất.  Do đó việc thực hành lòng tín đạo và lẽ công bình chỉ có thể mang lại các kết quả tốt đẹp mà thôi.  Trong thực tế, mặc dù nước Pháp và Vương Quốc chúng tôi có sông núi và biên cương khác nhau, nhưng nếu lòng tín đạo và lẽ công bình bao trùm khắp làng xã chúng ta, sự điều hành của chúng ta sẽ biểu lộ tất cả thiện cảm và chứa chất những tặng phẩm quý báu.  Sự thông tin của Ngài, đến từ một xứ sở cách xa ngàn vạn dặm, và phát xuất từ trái tim là một sự chứng nhận cho sự thành thật của Ngài, thật đáng cứu xét kỹ lưỡng và ca ngợi vô cùng.  Phép lịch sự đối với khách lạ không phải là điều bất thường tại xứ sở chúng tôi.  Không có một khách ngoại quốc nào lại không được đón tiếp nồng hậu bởi chúng tôi.  Như thế làm thế nào mà chúng tôi lại từ chối được một người đến từ Pháp Quốc, một trong những vương quốc nổi danh nhất trên thế giới, yêu mến chúng tôi và mong muốn đến thăm viếng chúng tôi và mang hàng hóa đến với chúng tôi?  Những cảm xúc về lòng tín đạo và lẽ công bình này thực sự đáng được ca ngợi biết bao.   Liên hệ đến ước muốn của Ngài rằng chúng tôi nên hợp tác trong việc truyền bá tôn giáo của Ngài, chúng tôi không dám cho phép làm việc này, bởi có một phong tục cổ truyền, được ban ra bằng các chỉ dụ, chính thức ngăn cấm việc này.  Ngày nay, các chỉ dụ được ban hành chỉ là để thi hành một cách trung thực [cổ tục đó]; không có lòng trung thành, sẽ không có gì ổn đinh.  Làm thế nào mà chúng tôi lại có thể xem nhẹ một tập tục đã được thiết lập vững chắc để thỏa mãn cho một quan hệ bằng hữu riêng tư?  Ngày nay nước Pháp mang sang chúng tôi hàng hóa của mình để bán hay trao đổi; nước Pháp thực hành lẽ công bình xuyên qua sự thịnh vượng của mình và thực thi lòng tín đạo … Trong cung cách này tình hữu nghị được đặt trên lẽ công bình và lòng tín đạo, và chính vì thế có thể bền chặt như vàng hay đá.  Khi đó tại sao lại bắt buộc rằng chúng ta phải có cùng một ước muốn [tôn giáo]?

Chúng tôi xin Ngài hiễu rõ rằng đây là sự thông đạt của chúng tôi liên hệ đến sự quen biết hỗ tương của chúng ta.   Khi đó, đây là phúc thư của tôi.  Chúng tôi gửi đến Ngài một món quà khiêm tốn với hảo tâm của chúng tôi.

Thư này được viết vào tiết lập đông và trong một ngày tươi đẹp.

NGÔ BẮC dịch
—————–
Chú thích của người dịch:

*(a): Bối cảnh của các bức thư
Sau khi Hội Truyền Giáo Hải Ngoại được thành lập, năm 1664, Thượng Thư Colbert của nước Pháp đã tạo dựng một Công Ty Đông Ấn Độ (Compagnie des Indes Orientales) bề ngoài là để phụ trách việc ngoại thương với các nước Á Châu, nhưng chủ yếu là làm bình phong để đưa các giáo sĩ đi truyền giáo.    Sách “Việt Nam Pháp Thuộc Sử, 1884-1945 của Phan Khoang, xuất bản tại Sàigòn, năm 1961, nơi các trang 22-23 có ghi lại như sau:

” Giám mục Francois Pallu hết sức đề nghị với Thượng Thư Colbert, xin lập chi cuộc cho công ty ở dất Đàng Ngoài.   Năm 1674, Giám Mục sang xứ Đàng Ngoài để dâng phẩm vật lên vua Lê Gia Tông, nhưng tầu gặp bão, phải ghé Phi Luật Tân.  Vì thấy ông có mang theo một chương trình dự định thiết lập chi cuộc cho Công Ty Đông Ấn Độ ở Đàng Ngoài nên viên toàn quyền Y-Pha-Nho bắt giam ông, rồi đưa về nước Ý.  Sau khi được tha, Giám mục được Đức Giáo Hoàng sai sang dâng vua Đàng Ngoài một bức thư và phẩm vật (gồm một đồng hồ treo, có chuông, ban đêm trông thấy giờ, 2 cái gương soi, 80 chậu hoa, hoa bằng lụa, nhiều bức họa phẩm); Pháp Hoàng Louis XIV cũng cấp ông 15,000 phật lăng để làm lộ phí sang Viễn Đông, và thư cùng 20,000 phật lăng để sắm phẩm vật dâng vua Xiêm La và vua Đàng ngoài.

Năm 1680, Công Ty Đông Ấn Độ sai một lái buôn là Chapelain và chiếc tầu Tonquin từ Surate (Ấn Độ) đem hàng hóa đến xứ Đàng ngoài.  Chapelain dâng phẩm vật cho Vua, Chúa ta rồi được ở buôn bán, mở cửa hàng ở Hưng Yên.  Năm sau, tầu Tonquin trở về, có chở theo ít hàng hóa như xạ hương và tơ lua.  Thấy chuyến đi ấy có kết quả, Giám mục Pallu bấy giờ ở Âu châu sang đến Surate, khuyên công ty cho một tầu khác sang Đàng ngoài để ông sang đưa thư của Giáo hoàng và Pháp hoàng.

Năm 1682, Công ty cho chiếc tầu Saint Joseph sang Đông; tầu ghé Xiêm La, Giám mục Pallu ở lại đấy; thư của Pháp hoàng Louis XIV thì ủy mấy giáo sĩ sang chuyến tàu ấy đem dâng, còn thư của Giáo hoàng thì không biết vì sao Giám mục không gửi đi….  Thư ấy và phẩm vật dâng lên Trịnh Tạc (1657-1682).  Mấy ngày sau Chúa mất.  Chúa Trịnh Căn (1682-1709) mới kế vị cha, ủy lạo các giáo sĩ, trả lời thư và tặng vua Pháp mấy tấm hàng thêu.”

* (b): Chúa Trịnh Tạc (Hoằng Tổ Dương Vương) mất năm 1682.  Con trưởng của Trịnh Tạc là Trịnh Căn lên nối ngôi Chúa, tức Chiêu Tổ Khang Vương, giữ ngôi Chúa được 28 năm, và mất năm 1709.  Thời trị vì của Chúa Trịnh Căn được bình luận là “về chính trị, có thưởng phạt phân minh, có chỉnh đốn kỷ cương, sửa sang đuợc nhiều việc.”

*(c) “ Giáo sĩ Deydier được giám mục Lambert de la Motte phái sang Đàng ngoài từ năm 1666.  Ban đầu, ông phải cải trang làm kẻ buôn bán, sống cực khổ ở Kẻ Chợ (Thăng Long) và phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả để giảng đạo.  Năm 1669, Chúa Trịnh Tạc lại ra lệnh cấm đạo, đốt phá các giáo đường và bắt giam giáo đồ.  Cũng năm ấy, Giám mục De la Motte đi một chiếc tầu Pháp đến kinh lược miền Bắc thay cho Pallu, đem theo giáo sĩ Jacques de Bourges để ở lại cùng Deydier lo việc tông đồ….

…Giám mục Lambert de la Motte và hai giáo sĩ De Bourges và Bouchard đến xứ Đàng ngoài, ăn bận như người buôn bán, tự nhận là nhân viên Công Ty Đông Ấn Độ.  Tuy bị người Hà Lan tố cáo với Vua, Quan Việt Nam, nhưng Giám mục và hai giáo sĩ cũng được đất làm nhà ở rồi giả danh buôn bán để truyền giáo….
… Năm 1680, Deydier và De Bourges được cử làm Giám mục….” (Sách “Việt Nam Pháp Thuộc Sử dẫn trên, các trang 22 và 41)

*(d) tức Công Ty Đông Ấn Độ (Compagnie des Indes Orientales) do hoàng triều Pháp thành lập.

* (e): Về sự giao thương với Hòa Lan dưới thời các chúa Trịnh, trong bản báo cáo tổng quát thường kỳ đề ngày 9 tháng Bẩy, 1621 của Thống Đốc Toàn Quyền và Hội Đồng Ấn Độ tại Nam Dương, gửi từ Jacarta về Hiệp Hội Gentlemen Seventeen tại Hòa Lan, Jan Pieterszoon Coen, Toàn Quyền đương nhiệm có viết về việc giao thương với Việt Nam khi đó như sau:

“Trong sự giao thương với nước Cochinchina (được đề nghị với chúng ta bởi Chúa [nước này] với một chiếc thuyền mành được chở cấp tốc từ nơi đó trong năm nay) chúng tôi vẫn còn chưa hoàn toàn hồi phục từ nỗi vui sướng ngất ngây.”  (Nguồn: W.P. Coolhaas, ed., Generale Missiven van Gouverneurs-Generaal en Raden aan Heren XVII der Verenigde Oost-Indische Compagnie, The Hague: Nijhoff, 1960, Vol. I, các trang 110-112.  Bản dịch sang tiếng Anh của Margaret W. Broekhuysen.

___________
Nguồn: Ngô Bắc dịch từ Georges Taboulet. Ed., La geste francaise en Indochine, Paris: Adrien-Maisonneuve, 1955, Vol. I, các trang 84-86.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.