Sau khi báo chí, dư luận xôn xao về sự giả – thật của 17 bức tranh trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ Châu Âu”, ngày mai 12.7, lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM sẽ làm việc với nhà sưu tầm đồ cổ Vũ Xuân Chung – chủ nhân các bức tranh. “Chúng tôi cũng có cảnh giác vì thấy… tranh của ông Chung quý quá… Nếu ông Chung vẫn tiếp tục khẳng định 17 tranh này là thật, Bảo tàng sẽ tổ chức mời một số chuyên gia có trình độ chuyên môn cao để thẩm định chất lượng tranh”, ông Trịnh Xuân Yên – Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM trao đổi với PV Lao Động chiều 11.7.

“Ba cô gái”, sơn mài của Dương Bích Liên tại triển lãm bị cho là tranh giả.

Thưa ông, phản ứng đầu tiên của Bảo tàng thế nào khi biết có thông tin 15/17 tranh tại triển lãm (có thể) là tranh giả?

– Trước hết, cần phải nói, nhiều tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở nước ngoài, đặc biệt ở Pháp. Những người Việt để tâm, có tiền, tìm mua và mang về nước những tác phẩm như vậy là một điều đáng quý, trân trọng.

Về 17 tranh của ông Vũ Xuân Chung, khi biết thông tin, Bảo tàng cũng ngạc nhiên. Đương nhiên, cũng như tất cả các cuộc triển lãm khác tổ chức tại Bảo tàng, mọi việc tổ chức triển lãm tranh của ông Chung cũng đều theo đúng quy trình, từng bước: Đề nghị của người đăng ký triển lãm, bộ hồ sơ đăng ký triển lãm có những bức hình chụp tranh kích cỡ 10×15 cm với tất cả thông tin về tranh để Bảo tàng làm báo cáo gửi Sở VHTT. Khi có bộ hồ sơ đầy đủ, Bảo tàng thành lập hội đồng khoa học để thẩm định, họp, xem xét, đánh giá, nhận định, thống nhất và ra biên bản của hội đồng gửi Sở VHTT xin giấy phép…

Cần phải nói rõ điều này, trước đó, Bảo tàng làm việc với ông Chung khá chi tiết và đưa ra vấn đề: Tại sao trong số 17 tranh đề nghị được triển lãm, có một số bức mà một số nhà sưu tập khác cũng có và đã in trong vựng tập của người ta rồi, đặc biệt trong đó có 2 bức của Nguyễn Tư Nghiêm và Nguyễn Sáng.

Ông Chung trả lời: Ở Việt Nam có những họa sĩ, kể cả một số họa sĩ gạo cội, thường sáng tác một tác phẩm sau khi đưa ra công chúng, sau đó họ vẽ thêm một hay hai tranh khác có nội dung như tranh ban đầu, về kích cỡ có thể cùng hay khác nhau, cũng có thể có 1-2 chi tiết thay đổi, cũng có thể họ chép y nguyên bản gốc… Thực tế điều này có xảy ra trong giới mỹ thuật Việt Nam. Như vậy, tức là có những bức tranh không phải độc bản, nhưng là đúng là bản nguyên gốc. Ông Chung giải thích vậy.

Trong bộ hồ sơ của ông Chung, có bản ông Chung cam kết, bảo đảm tranh triển lãm là tranh nguyên gốc, và để chứng minh tranh nguyên gốc, ông Chung có đưa ra một bộ hồ sơ chứng thực bức tranh ông mua của một số nhà sưu tập như ông Jean – Francois Huber (đều có công chứng)… Nếu qua những giấy tờ ông Chung cung cấp, thì tranh ông ấy sưu tầm từ một số nhà sưu tầm nước ngoài – đây là cơ sở bước đầu để chúng tôi chúng tôi đánh giá, chấp thuận tổ chức triển lãm. Lại cộng thêm cam kết của ông ấy là tranh thuộc sở hữu ông ấy và ông ấy hoàn toàn chịu trách nhiệm trước công luận về tính nguyên gốc của tác phẩm

2_79057

Ông Trịnh Xuân Yên đưa ra bộ hồ sơ đề nghị tổ chức triển lãm của ông Vũ Xuân Chung. Ảnh: Â.T

Liên quan đến bức tranh của họa sĩ Dương Bích Liên, Báo Thể thao & Văn hóa ngày 11.7 có cung cấp thông tin cụ thể như sau: “Nhà nghiên cứu Nguyễn Hào Hải, bạn vong niên của Dương Bích Liên, khẳng định bức ‘Ba cô gái’ tại triển lãm (từng in trên báo Thanh niên ngày 7.7 với tên ‘Nét duyên dáng’, sơn mài, 90 x 120 cm) là tranh giả, vì hai bức gốc trên chất liệu sơn dầu và sơn mài có kích thước lớn hơn nhiều. Nó to tương đương với kiệt tác Hào (sơn dầu, 147 x 200 cm, 1972) của Dương Bích Liên.

Bức gốc theo Nguyễn Hào Hải có tên là ‘Mùa xuân và thiếu nữ’, từ lâu đã thuộc bộ sưu tập Đức Minh, hiện vẫn còn trưng bày tại Bảo tàng tư nhân Đức Minh (31C Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM)…

– Chúng tôi sẽ kiểm tra phản ảnh như vậy có đúng không. Nếu đúng như vậy, nhất định chúng tôi làm việc lại với ông Vũ Xuân Chung.

Qua điện thoại, đầu giờ chiều 11.7, với chúng tôi, ông Chung vẫn khẳng định tranh tại triển lãm là tranh gốc…

– Thành thật mà nói, ngay ban đầu chúng tôi cũng biết là đây là một triển lãm… nhạy cảm: Toàn là những tên tuổi danh tiếng của nền mỹ thuật nước nhà. Ngay từ đầu chúng tôi xác định, nếu tranh của 7 họa sĩ tên tuổi này là nguyên gốc thì giá trị tranh là rất lớn (có thể tới vài trăm triệu đồng một bức), do đó phải tính đến cả chuyện bảo vệ tranh, bảo hiểm tranh… chứ không chỉ tổ chức triển lãm một cách khơi khơi thế này.

Còn cứ cho là 17 tranh này không phải là tranh nguyên gốc, ông Chung có thể bị mua lầm, nhưng còn chuyện cũng có thể bằng cách nào đó, ông ấy có được giấy xác nhận về nguồn gốc, chất lượng những bức tranh – thì điều này cũng cần đặt vấn đề xem xét…

Cảm quanriêng của ông khi nhìn vào những bức tranh?

– Khi nhìn vào 17 tranh của ông Vũ Xuân Chung thì chúng tôi cũng có băn khoăn, nhưng tôi nhắc lại, về mặt văn bản, trên cơ sở những văn bản ông ấy cung cấp thì Bảo tàng chấp nhận để ông ấy tổ chức triển lãm. Thành thực mà nói, nếu là tranh giả thì triển lãm này cũng có ảnh hưởng tới hoạt động chung của Bảo tàng. Nhưng nhìn dưới một góc độ “được” thì việc triển lãm những tranh như vậy gây dư luận, giúp công chúng biết tới chất lượng bộ tranh thế nào…

 

3_69145

“Vườn chuối”, sơn mài của Nguyễn Sáng tại triển lãm cũng được cho là tranh giả.

Dư luận có đặt vấn đề về trình độ giám định tranh của Bảo tàng, thưa ông?

– Để xác định một bức tranh là nguyên gốc là cả một quá trình, phải nói là chúng tôi rất cố gắng làm, những điều này, phải thành thật mà nói, do điều kiện và năng lực bây giờ chưa thể có một hội đồng kiểm định cho chính xác được… Nói gì thì nói, cái mắc míu nhất là việc giám định tranh không chỉ bằng cảm quan mà phải khoa học…

Gọn lại, Bảo tàng sẽ xử lý sự việc thế nào?

– Nếu có đủ cơ sở khẳng định đó là tranh giả, Bảo tàng nhất định phải có cách xử lý phù hợp, ngưng hẳn triển lãm và xin lỗi công chúng.

13h ngày 11.7, qua điện thoại, nhà sưu tầm đồ cổ Vũ Xuân Chung đồng ý gặp phóng viên Báo Lao Động tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM để nói rõ hơn những thông tin liên quan đến triển lãm. “Tôi có nhiều năm trong nghề sưu tầm đồ cổ và tranh, nên tôi tin, những bức tranh tôi sưu tầm là tranh thật. Có dư luận cho rằng tranh trong triển lãm là tranh giả, tôi nghĩ vì là có những người ghen ăn tức ở thôi…”, ông Chung nói qua điện thoại.

Tuy nhiên, đến 14h, khi phóng viên có mặt tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, qua điện thoại (số của ông Chung), vợ ông Chung cho biết, bà không đồng ý cho chồng bà tới gặp nhà báo. “Tôi nói với chồng tôi, dư luận nói gì là việc của dư luận. Chúng tôi tin rằng những bức tranh ấy là bản gốc là được…”, vợ ông Chung cho biết.

Â.T

Theo baomoi.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.