Lý luận, phê bình mỹ thuật lâu nay được xem là “mảnh đất” không mấy dễ dàng với những người trong giới. Bởi nhìn vào, người ta thấy chưa phát triển đã có vẻ lệch lạc…

Vai trò “dịch giả” của nhà phê bình

Ngoài văn học, một số loại hình nghệ thuật khác như sân khấu, âm nhạc, điện ảnh… ít nhiều đều phải sử dụng ngôn ngữ để chuyển tải ý tưởng tác phẩm, tạo nên ngôn ngữ nghệ thuật của loại hình đó. Cụ thể, sân khấu và điện ảnh phải có kịch bản, lời thoại; âm nhạc (ca khúc) phải có ca từ… Chỉ có mỹ thuật, kiến trúc và nhiếp ảnh là không cần dùng đến ngôn ngữ văn học để cấu thành ngôn ngữ nghệ thuật của mình. Đối với mỹ thuật là ngôn ngữ tạo hình như hình khối, đường nét và mầu sắc. Chính vì vậy, hơn bất cứ loại hình nghệ thuật nào, vai trò của lý luận phê bình mỹ thuật càng trở lên cần thiết và là cầu nối không thể tách rời giữa tác phẩm và người xem. Ở một góc độ nào đó, có thể hiểu lý luận phê bình mỹ thuật như công việc của dịch giả, dịch từ ngôn ngữ tạo hình sang ngôn ngữ văn học để mọi người đọc được, hiểu được ngôn ngữ mỹ thuật. Đứng trước các tác phẩm mỹ thuật, đối với phần lớn công chúng Việt Nam, nếu không có người dịch từ ngôn ngữ tạo hình sang ngôn ngữ văn học để người xem hiểu được thì không khác nào bắt người chỉ đọc được tiếng Việt phải đọc tác phẩm bằng tiếng Anh.

Nếu lấy mốc từ năm 1925, khi Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập ở Việt Nam, mỹ thuật hiện đại bắt đầu hình thành và phát triển, thì phải đến những năm 1950 của thế kỷ 20 mới có một số bài viết giới thiệu về mỹ thuật Việt Nam trên báo chí. Sự ra đời của Viện Mỹ thuật và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với Giám đốc đầu tiên là họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đỗ Cung đã đặt nền móng xây dựng nền lý luận phê bình mỹ thuật nước nhà.

Một số sinh viên khoa lịch sử, ngữ văn đã bước đầu nghiên cứu mỹ thuật cổ Việt Nam như Trần Lâm Biền, Nguyễn Bích, Nguyễn Du Chi, Chu Quang Trứ, Trần Thức, Hải Yến, Nguyễn Đỗ Bảo… Ấn tượng hơn cả, với sự xuất hiện của tác giả Thái Bá Vân được đào tạo ở Tiệp Khắc trước đây về đã có những bài viết xuất sắc, mới mẻ về mỹ thuật Việt Nam. Kể từ đó, vai trò của lý luận phê bình và sáng tác mỹ thuật đã trở thành người bạn đồng hành có tác động thúc đẩy cho quá trình sáng tạo từ tư duy lý luận đến nhận thức, đánh giá tác phẩm. Sau này, có thêm Nguyễn Quân và Phan Cẩm Thượng, lý luận phê bình mỹ thuật đã khẳng định vai trò không thể thiếu trong hoạt động mỹ thuật ở Việt Nam.

Năm 1978, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam mở khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật. Từ đó đến nay, lực lượng này đã ngày một đông hơn về số lượng, đáp ứng được một phần của nhu cầu nghiên cứu, lý luận và phê bình trong đời sống mỹ thuật.

Phê bình “giao đãi” và “lăng-xê”

Tuy nhiên, nền lý luận, phê bình mỹ thuật hiện nay không những không nhích lên được mà xem ra còn ốm yếu hơn trước. Ở Việt Nam, việc người dân tiếp cận và thưởng thức các loại hình nghệ thuật phần lớn vẫn phải thông qua hình thức nghe và đọc, vì thế, các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, sân khấu, điện ảnh (có lời thoại) vẫn là những ngành nghệ thuật chiếm ưu thế. Tuy là ngành nghệ thuật có trường đào tạo ở cấp cao đẳng đầu tiên tại nước ta là Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng mỹ thuật vẫn là ngành nghệ thuật ít công chúng, ít người quan tâm nhất. Có được một thị trường mỹ thuật trong nước vẫn là mục tiêu phấn đấu của ngành trong những năm tới.

Có thể thấy, các nhà lý luận phê bình mỹ thuật và giới truyền thông có vai trò rất lớn để đưa mỹ thuật đến với công chúng. Những năm qua, với một số công trình nghiên cứu, xuất bản sách, bài viết trên báo chí, truyền hình, các nhà lý luận phê bình cũng đã ít nhiều góp phần làm cầu nối giữa tác phẩm mỹ thuật và người xem.

Nhiều hội thảo, tọa đàm, nói chuyện và tiếp xúc giới yêu nghệ thuật của họ cũng phần nào làm cho đời sống mỹ thuật tiếp cận rộng rãi hơn với công chúng và xã hội. Một số cuốn sách nghiên cứu phê bình có giá trị được giới mỹ thuật và công chúng yêu nghệ thuật ghi nhận như Mỹ thuật Lý Trần -Lê sơ của Viện Mỹ thuật Việt Nam; Con mắt nhìn cái đẹp và Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XXcủa Nguyễn Quân; Mỹ thuật của người Việt và Mỹ thuật ở làng của Phan Cẩm Thượng… Những năm 1970 của thế kỷ 20, nhà nghiên cứu phê bình Thái Bá Vân cho rằng: Hiện thực không phải là cái ta nhìn thấy bằng con mắt, mà là cái ta quan niệm bằng tâm tưởng. Quan niệm này khi được đưa ra đã tạo nên nhiều tranh luận sôi nổi. Những ý kiến có tính xác lập một quan niệm nghệ thuật như vậy thật hiếm hoi trong lý luận phê bình mỹ thuật hiện nay.

Nhìn lại hoạt động lý luận phê bình mỹ thuật giờ đây, có thể thấy sự thiếu và yếu về đội ngũ và chuyên môn, cụ thể là phương pháp luận và lý thuyết.

Do đó, phê bình mỹ thuật mang tính học thuật còn ít. Trong bối cảnh mỹ thuật hội nhập sâu rộng với thế giới, sáng tác mỹ thuật đặt ra những vấn đề cần lý giải, đánh giá, nhưng phần lớn các bài viết đều theo cách phê bình khen một tí, chê một tí; mới dừng ở mức mô tả, thông tin giới thiệu, thiếu tính nghiên cứu lý luận và kiến giải sâu sắc. Có thể gọi đó là kiểu phê bình “giao đãi”. Cơn bão của cơ chế thị trường đã làm không ít nhà lý luận phê bình mỹ thuật bị cuốn vào guồng quay của hư danh, xa rời bản chất nghề nghiệp. Người viết lý luận phê bình mỹ thuật hiện nay yếu về khả năng đọc tác phẩm, không cảm nhận được tác phẩm, tư duy ngôn ngữ tạo hình theo tư duy văn học cho nên không đưa ra được những đánh giá, nhận định thuyết phục; không dẫn dắt người xem tiếp cận được với tác phẩm mỹ thuật, không có con mắt tinh tường để nhìn ra những vấn đề mới, có tính phát hiện. Phần lớn các nhà lý luận phê bình hiện nay đi theo hai xu hướng chính: một số ít nghiên cứu mỹ thuật cổ; số còn lại trở thành những người viết báo đưa tin về hoạt động mỹ thuật theo xu thế báo chí thị trường, cố tạo sự kiện bằng những ý kiến gây sốc để bài viết của mình được chú ý nhằm tự “lăng-xê” tên tuổi.

Một số nghệ sĩ cũng sử dụng truyền thông để “đánh bóng” mình bằng những phát ngôn về những vấn đề ngoài mỹ thuật, nghệ thuật, nhiều khi trở thành kệch cỡm, phản cảm. Mục đích thực dụng của những “chiêu trò” tự pi-a, tâng bốc lẫn nhau thường nhằm bán tác phẩm, kiếm tìm giải thưởng, tài trợ, công trình… Khi đất nước mở cửa, hội nhập, nhiều người đã nhầm tưởng nghệ thuật đương đại sẽ thay thế các hình thức nghệ thuật trước đây, đã cổ súy nó một cách vô lối, không phù hợp với quy luật.

Khoảng những năm 1990 của thế kỷ 20, họa sĩ trẻ T.L từng phát ngôn nhiều lần trong các hội thảo mỹ thuật rằng “nghệ thuật đương đại ở Việt Nam như đứa con nuôi, không có hộ khẩu trong ngôi nhà nghệ thuật Việt Nam”, đem đến những suy nghĩ, nhìn nhận không đúng về thực trạng hoạt động này; đồng thời gây sự chú ý của các tổ chức nước ngoài…

Với họa sĩ, cần đánh giá năng lực bằng tác phẩm. Với nhà phê bình mỹ thuật thì đánh giá qua các công trình nghiên cứu, bài viết, những kiến giải và phát hiện. Hai lực lượng này luôn song hành với nhau, hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau cùng lao động, sáng tạo.

Không có nhà phê bình mỹ thuật thì vẫn có tác phẩm mỹ thuật xuất sắc, nhưng sẽ không có đông đảo công chúng và khó có thị trường mỹ thuật phát triển. Thực trạng của phê bình mỹ thuật hiện nay ra sao, chỉ những người làm lý luận phê bình mỹ thuật hiểu hơn cả.

Vấn đề là họ có dám thay đổi, dám tự vấn, phủ định chính mình để tìm ra những kiến giải mới hay tiếp tục như dòng sông lững lờ chảy bên cạnh đời sống mỹ thuật đang náo nhiệt, mới mẻ hằng ngày ?

Họa sĩ VI KIẾN THÀNH

Cục trưởng Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam

Nguồn: Báo Nhân Dân

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.