Trên toàn thế giới trong những năm trở lại đây, một thế hệ doanh nhân châu Á mới, đặc biệt là những người đến từ Trung Quốc, đang sưu tầm những tác phẩm nghệ thuật được tạo ra bởi những tên tuổi lớn nhất trong làng nghệ thuật đương đại. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì hiện tại có gần một triệu những triệu phú và hơn một trăm tỷ phú ở châu Á, những người đang ngày ngày tích lũy sự giàu có của họ trong các bộ sưu tập tư nhân và bảo tàng lớn. Vào năm 2014, những siêu sưu tầm gia châu Á lại một lần nữa gây ấn tượng lớn tại các cuộc đấu giá trên toàn thế giới, đáng chú ý nhất là ông Wang Zhongjun, người đã trả 61,8 triệu đô la cho một tác phẩm Van Gogh và Liu Yiqian, người đã khuấy động thị trường nghệ thuật quốc tế khi ông trả giá 36 triệu đô cho một bát gà cổ và sau đó dùng chính chiếc bát này để uống. Hôm nay, sau rất nhiều sự cân nhắc, chúng tôi xin được đưa ra danh sách mười nhà sưu tập nghệ thuật đáng chú ý và nhà bảo trợ nghệ thuật mới đến từ Qatar, Indonesia, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.

Robert Chang

Robert Chang là một doanh nhân nổi tiếng, nhà sưu tầm và kinh doanh nghệ thuật huyền thoại đến từ Thượng Hải. Ông là người tiên phong trong số những nhà buôn nghệ thuật Trung Quốc, với danh tiếng và sự tôn trọng thuộc hàng bậc nhất trong nghề. Ở tuổi 88 với phong độ luôn luôn trẻ trung, Chang tiếp tục là một trong những nhân vật có ảnh hưởng và được kính trọng nhất trong giới nghệ thuật Trung Quốc. Ông được tôn sùng rộng rãi như một nhân vật chủ chốt trong thị trường nghệ thuật Hồng Kông nửa thế kỷ qua, trong thời gian đó, ông đã tích lũy một bộ sưu tập nghệ thuật cá nhân không ai sánh bằng, toàn bộ được trưng bày tại nhà đấu giá Christie’s London vào năm 1993. Không còn nghi ngờ gì nữa, Robert chính là nhân chứng cho sự phát triển của nền đấu giá Trung Quốc và là động lực cho những thành công ban đầu của hai nhà đấu giá lớn nhất thế giới Christie’s và Sotheby’s ở thị trường Hồng Kông. Ông thực hiện nhiều phi vụ làm ăn với Sotheby’s đến nỗi mà họ đã cung cấp cho ông một thẻ đấu giá “Số Một” mà ông vẫn sử dụng cho đến ngày nay.

Sheikha Al-Mayassa

Quý bà Sheikha Al-Mayassa bint Hamad bin Khalifa Al-Thani, con gái của cựu quốc vương (Emir) Qatar và em gái của quốc vương đương nhiệm, là người có công lớn nhất trong sứ mệnh biến Qatar trở thành tụ điểm nghệ thuật hàng đầu ở Trung Đông. Trong năm 2014, tạp chí Time đã gọi bà là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới, trong khi đó, tạp chí Forbes đã xếp bà vào top những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Gần đây, đã có báo cáo cho rằng ngân sách đáng kinh ngạc được bà dùng để mua lại các tác phẩm nghệ thuật thay mặt cho Bảo tàng Qatar được ước tính khoảng 1 tỷ đô la hàng năm. Những tác phẩm được bà mua lại bao gồm rất nhiều những tác phẩm bởi Warhol, Lichtenstein, Bacon và Hirst; một kỷ lục thế giới trị giá 160 triệu bảng cho bức Người chơi bài bởi Paul Cezanne và tổng số tiền đáng kinh ngạc được báo cáo vào khoảng 310 triệu đô la cho mười một tác phẩm bởi Rothko. Vào năm 2013, Sheikha đã chi một khoản đặc biệt lớn cho nghệ thuật đương đại, lớn hơn cả khoản mà nhà Tate và MoMA đã chi trong năm đó. Điều này đã đưa bà lên đầu danh sách Những nhân vật quyền lực nhất trong giới nghệ thuật đương đại của tờ Power 100 thuộc ArtReview.

Liu Yiqian và Wang Wei

Liu Yiqian và vợ – bà Wang Wei là một trong những nhà sưu tập nghệ thuật và chủ sở hữu bảo tàng tư nhân thành công nhất của Trung Quốc. Cả hai người đều lớn lên trong gia đình thuộc tầng lớp lao động, nhưng Liu – người được truyền thông Trung Quốc mệnh danh là ông Liu lập dị vì phong cách giản dị của mình – đã kiếm được một khối tài sản khổng lồ, ban đầu là thông qua việc sản xuất và bán túi xách, và sau đó là các khoản đầu tư sinh lợi khác. Ngày nay, tổng giá trị tài sản ròng của ông được ước tính trị giá 1 tỷ đô la. Cặp vợ chồng này sở hữu hai bảo tàng, Long Museum và Long West Bund, nơi lưu giữ khối tài sản đáng nể của họ, bao gồm nghệ thuật truyền thống Trung Quốc (đặc biệt là thư pháp), nghệ thuật Trung Quốc đương đại và hiện đại, cộng với khối lượng lớn nghệ thuật cách mạng Trung Quốc. Khi Bảo tàng Nghệ thuật Poly của Bắc Kinh (Beijing’s Poly Art Museum) trưng bày sáu mươi bức tranh và thư pháp Trung Quốc của họ vào năm 2010, bộ sưu tập các tác phẩm tuyệt vời này được thẩm định là thuộc thời Tống, được bảo hiểm với mức giá gây sửng sốt – 1,5 nghìn tỷ đô la.

Hong Ra-hee

Hong Ra-hee, vợ của Lee Kun-hee, một ông trùm kinh doanh tại Hàn Quốc và chủ tịch Tập đoàn Samsung, là một người mua nghệ thuật, nhà từ thiện trứ danh và giám đốc Bảo tàng Leeum Samsung. Với khối tài sản được ước tính vào khoảng 1,4 nghìn tỷ đô la, bà là một trong những người giàu nhất Hàn Quốc và đứng thứ 974 trong danh sách Những Tỷ phú thế giới. Hong Ra-hee tốt nghiệp chuyên ngành nghệ thuật ứng dụng tại Đại học Quốc gia Seoul và có kinh nghiệm làm giám đốc nghệ thuật bảo tàng tại Bảo tàng Nghệ thuật Ho-am ở Yongin. Năm 2004, bà thành lập Bảo tàng Leeum Samsung nổi tiếng thế giới, nơi phản ánh gu thẩm mỹ nghệ thuật đương đại độc đáo của bà. Bảo tàng có một trong những bộ sưu tập nghệ thuật đương đại lớn nhất ở Hàn Quốc, và cũng lưu giữ một kho tàng nghệ thuật cổ xưa đáng kinh ngạc của Hàn Quốc, bao gồm cả một số bảo vật quốc gia.

Soichiro Fukutake

Soichiro Fukutake là người sáng lập, giám đốc và chủ tịch của tập đoàn Benesse nổi tiếng của Nhật Bản, bao gồm một nhà xuất bản và một chuỗi những trường juku. Tập đoàn là một trong số những công ty cung cấp dịch vụ giáo dục lớn nhất thế giới, nổi tiếng với hệ thống dạy học từ xa và những trường ôn thi giúp cho học sinh thi đỗ vào những trường đại học danh giá nhất. Được biết đến là một trong những người giàu nhất thế giới, giá trị tài sản ròng của Fukutake được Forbes ước tính vào khoảng 1,3 tỷ USD, khiến ông trở thành một trong những người giàu nhất Nhật Bản và là một trong những tỷ phú của thế giới. Là một người yêu nghệ thuật hiện đại, ông nổi tiếng với niềm đam mê sưu tập và gìn giữ của nghệ thuật, đồng thời ông cũng là người đứng đầu bảo tàng nghệ thuật đương đại Benesse Site Naoshima – bảo tàng nằm trên một hòn đảo phía nam Nhật Bản, đối diện với Biển nội hải của Nhật Bản, Nơi đây lưu giữ bộ sưu tập nghệ thuật đương đại tuyệt vời của ông và tận hưởng một khung cảnh tự nhiên đẹp đến mê hoặc lòng người.

Adrian Cheng

Tỷ phú và doanh nhân Hồng Kông – Adrian Cheng – hậu duệ 34 tuổi của ông trùm tư bản Hong Kong Cheng Yu-teng, là giám đốc điều hành của một đế chế trị giá 25 tỷ USD, bao gồm một công ty bán lẻ trang sức lớn nhất thế giới Chow Tai Fook Jewellery Group, và New World Development, một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu châu Á. Được xếp hạng là một trong những tỷ phú lớn nhất thế giới bởi tạo chí Forbes, và là cựu chủ ngân hàng Phố Wall, người đã làm việc với Goldman Sachs và UBS. Adrian Cheng cũng là một nhà đam mê sưu tầm nghệ thuật, người đứng đầu Quỹ Nghệ thuật K11 và là thành viên của Ủy ban sưu tầm nghệ thuật khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Tate. Quỹ nghệ thuật K11 phi lợi nhuận của Cheng hoạt động tại Vũ Hán, Trung Quốc và sử dụng Trung tâm nghệ thuật K11 tại New World – một không gian nghệ thuật mới mẻ trong tầng hầm của khu phát triển mua sắm K11 ở Thượng Hải, để trưng bày những tác phẩm nghệ thuật đột phá tới công chúng. Cheng cũng đã xây dựng hai làng nghệ thuật ở các thành phố nhỏ hơn, sắp xếp nơi ở cho các nghệ sĩ, và phát triển bộ sưu tập nghệ thuật đương đại đáng kinh ngạc của Quỹ.

Kim Chang-il

Kim Chang-il là một nghệ sĩ Hàn Quốc có tiếng, là chủ sở hữu phòng trưng bày, là triệu phú tự thân và là một trong những nhà sưu tập nghệ thuật lớn nhất châu Á, được xếp hạng sáu lần là nhà sưu tập nghệ thuật hàng đầu bởi ARTnews. Với các thỏa thuận thương mại cực kỳ thành công trong bốn thập kỷ qua, Kim Chang-il đã liên tục sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật đương đại, tạo ra một trong những bộ sưu tập nghệ thuật đương đại lớn nhất thế giới. Bộ sưu tập của ông ngày nay bao gồm hơn 3.700 tác phẩm, bao gồm các tác phẩm từ những nghệ sĩ đương đại châu Á cũng như các nghệ sĩ tên tuổi lớn từ phương Tây. Phòng trưng bày Arario của Chang-il có trụ sở tại Seoul, là một trong những phòng trưng bày thương mại thành công nhất của Hàn Quốc. Trong khi đó, Bảo tàng Arario mới được thành lập của ông lại tập trung vào thiết kế một không gian nghệ thuật tiến bộ để giới thiệu cả những nghệ sĩ đương đại Hàn Quốc cũng như thế giới, thông qua những buổi trưng bày nghệ thuật đương đại cố định và định kỳ.

Wang Zhongjun

Wang Zhongjun là một nhà làm phim nổi tiếng của Trung Quốc, chủ tịch của Huayi Brothers Media, một trong những công ty sản xuất phim gia đình lớn nhất Trung Quốc. Công ty cũng sáp nhập với một hãng thu âm và một công ty giải trí mà đã quản lý hàng trăm bộ phim, âm nhạc, và ngôi sao hạng A tại Trung Quốc. Là một trong những người giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản cá nhân trị giá gần 1 nghìn tỷ đô la, Zhongjun cũng là một trong những nhà sưu tập nghệ thuật lớn nhất của nước này khi ông đã sưu tầm một bộ sưu tập lớn những tranh sơn dầu và tượng điêu khắc trong suốt hai thập kỷ qua. Tháng 11 năm ngoái tại buổi đấu giá ở New York của Sotheby’s, Wang Zhongjun đã mua bức tranh tĩnh vật đắt nhất của Van Gogh với tựa đề “Still Life, Vase with Daisies and Poppies” (Tĩnh vật, Bình hoa cúc và anh túc), trả 61,8 triệu đô la, mức giá được cho là cao nhất từng được trả cho một tác phẩm nghệ thuật phương Tây bởi một nhà sưu tập người Trung Quốc. Bức tranh được dự định sẽ treo trong ngôi nhà sang trọng ở Hồng Kông của Zhongjun, nơi từng được ông coi như một bảo tàng nghệ thuật, vì nó chứa hàng chục các tác phẩm nghệ thuật vô cùng đắt tiền.

Lu Xun và Lu Jun

Nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Lu Jun, chủ tịch của Tập đoàn Văn hóa Sifang và con trai ông Lu Xun, là một trong số những nhà sưu tập nghệ thuật nổi tiếng nhất của Trung Quốc và là chủ sở hữu của nhiều bảo tàng nghệ thuật tư nhân. Được thành lập vào năm 2013, Bảo tàng Nghệ thuật Sifang, một phần của dự án trị giá 164 triệu USD với nhiều tòa nhà được thiết kế bởi các kiến trúc sư quốc tế hàng đầu, nằm ở ngoại ô thành phố Nam Kinh của Trung Quốc, cách Thượng Hải một giờ đi tàu. Bảo tàng lưu giữ bộ sưu tập đáng kinh ngạc của Jun và Xun – bộ sưu tập hiện nay đã đạt tới con số 300 tác phẩm bởi nhiều nghệ sĩ đương đại nổi tiếng nhất từ khắp nơi trên thế giới, và con số đã không ngừng tăng lên trong vòng 5 năm trở lại đây. Hai cha con họ Lu đã xây dựng bảo tàng theo phong cách như một cửa hàng vô cùng thời trang, với thiết kế bên trong bảo tàng và khu vực công viên xung quanh thường xuyên trưng bày những tác phẩm nghệ thuật mới được đưa về. Bảo tàng tổ chức hai buổi triển lãm mỗi năm và cũng hợp tác với các nghệ sĩ đương đại để trưng bày những tác phẩm cụ thể trong khuôn viên.

Budi Tek

Ông trùm nông nghiệp Budi Tek là một nhà sưu tập nghệ thuật nổi tiếng người Trung Quốc gốc Indonesia và là người sáng lập Quỹ phi lợi nhuận Yuz, qua đó ông giữ vai trò là người bảo trợ nghệ thuật bằng cách rót vốn cho nhiều tổ chức và dự án nghệ thuật trên khắp châu Á. Chỉ vài năm trước, hình ảnh của ông còn rất mờ nhạt trên thị trường nghệ thuật quốc tế, thế nhưng và năm 2011, ông bất chợt được đưa vào top 10 Những người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới bởi tạp chí Art & Auction. Budi Tek bắt đầu sưu tập nghệ thuật khoảng 10 năm trước và kể từ đó ông đã thu thập được hơn 1.500 tác phẩm nghệ thuật đương đại, chủ yếu tập trung vào các nghệ sĩ đương đại Trung Quốc, như Ai Weiwei, Zhang Xiaogang và Fang Lijun, cũng như các nghệ sĩ mới nổi. Ông cũng sở hữu một Bảo tàng tư nhân Yuz, với hai chi nhánh đặt tại Jakarta và Thượng Hải, đây là nơi cung cấp một nền tảng hàng đầu để quảng bá nghệ thuật đương đại châu Á và phương Tây.

Le Phan sưu tầm và dịch.

1 thought on “10 SIÊU SƯU TẦM GIA CHÂU Á

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.