Tạ Tỵ

 

 

Tên thật: Tạ Văn Tỵ

(1921 Hà Nội – 2004 Saì Gòn)

Hưởng thọ 83 tuổi

Họa sĩ, Nhà thơ, Nhà văn

 

 

Những Con Đường Hà Nội

Nửa đêm không ngủ

Nhớ về Hà Nội mến thương

Hà Nội ơi Hà Nội

Tương tư thức trắng canh trường

Hà Nội của tôi

Của một triệu người lìa Hà Nội

Bỏ quê hương bỏ cả phố phường

Đánh mất tuổi thơ, chôn vùi kỷ niệm

Bỗng đêm nay sống lại trong tôi

Những con đường Hà Nội mến thân ơi

Hỡi những con đường

Có từ lúc tôi ôm bầu sữa mẹ

Những vỉa hè quen thuộc tự ngày xưa

Những vỉa hè phơi nắng dầm mưa

Chân chập chững theo chiều tay mẹ dắt

Rồi nhớn lên

Giữa những con đường dằng dặc

Tiếp nối nhau theo bờ ngói xiêu xiêu

Tiếp nối nhau như tay của người yêu

Truyền hơi thở khi gió mùa đến sớm

Những con đường

Những con đường rờn rợn

Tiếng chân người lạnh lẽo gõ đêm khuya

Nghe than van từng điệp khúc não nề

Nghe rỉ rả mưa phùn lầy lội

Nghe rụng xuống dưới chân tường xám hối

Những thân tàn rũ gục chết mùa đông

Từng âm thanh gờn gợn buốt trong lòng…

Hà Nội, ôi Hà Nội !

Hà Nội của tôi

Với hình ảnh Mẹ già khắc khoải

Với em thơ mòn mỏi đếm ngày xanh

Vọng tiếng thời gian bóng xế ngang mành

Nghe thương nhớ nghẹn ngào trong ngực

Đường phố cũ chôn vùi uất ức

Thanh xuân nào e ấp giữa bàn tay

Vào chợ đời đánh mất tuổi thơ ngây

Nhìn mắt trắng buồn tênh cười thế sự

Những con đường

Ôi, những con đường cũ

Chiều phế hưng nằm ngủ dưới thời gian

Lớp bụi đời phủ trắng màu tang

Trong im lặng của bao người Hà Nội

Mà năm tháng chưa xoá mờ tội lỗi

Cứ đêm đêm từ 5 cửa Ô xa

Hát vọng về theo những canh gà

Tiếng sênh phách hú hồn ma quỷ

Bánh xe nghiến mặt đường rền rĩ

Tóc ca nhi chảy ướt vũng bùn nhơ

Hà Nội ơi ! Vỡ nát cả mong chờ

Hà Nội, chao ôi Hà Nội

Hà Nội với những con đường đọng tím

Những con đường câm nín

Những con đường chết lịm ở tim tôi.

Tuổi hoa niên từng hát khúc yêu đời

Và nhảy múa khắp nẻo đường Hà Nội

Bao thương mến với bao nhiêu bối rối

Trôi về đây tàn phá cõi tâm linh

Trắng đêm thâu, trắng cả khối chân tình

Từng xác lá thu về vàng lối cỏ

Mùa úa héo dâng đầy đôi mắt nhỏ

Em ơi em ! Có biết thuở nào khuây

Nhớ thương nhau qua những cánh đêm gầy

Nhìn gương mặt hãi hùng sau giấc ngủ.

Ôi, Hà Nội

Ôi những con đường cũ

Đâu hàng Bông hàng Trống với hàng Khay

Đâu hàng Đào khoe nõn những bàn tay

Những đôi mắt nhìn nhau sầu ly cách

Nước Hồ Gươm còn xanh màu cẩm thạch ?

Tà áo ai còn đẹp buổi hoàng hôn ?

Nhớ thương xưa nhạt nắng những khung tường

Nghiêng nghiêng xuống mặt hồ ôm bóng nước

Những con đường

Những con đường năm trước.

Của ngày xưa, xa lắm Hà Nội ơi

Đêm nay về ngự trị giữa lòng tôi

Đêm nay về, với 5 cửa Ô nghẽn lối.

Thao thức mãi, từng canh gà báo vội

Rạng đông nào gối lệch tóc đêm sâu

 

Ở ngoài kia, bóng tối đã phai mầu !..

Tạ Tỵ

Trích trong thi phẩm Cho Cuộc Đời xuất bản năm 1966.

In lại tại Hoa Kỳ trong Tuyển Tập Tạ Tỵ.

 

Tiểu sử

Ông sinh ngày 3 tháng 5 năm 1921 (tức ngày 26 tháng 3 năm Tân Dậu) tại Hà Nội. Nhưng trong giấy khai sinh của ông lại ghi là ngày 24 tháng 9 năm 1922, vì khai muộn mất một năm.

Từ khi còn là một sinh viên, Tạ Tỵ đã thành danh khá sớm. Năm 1941, nhờ nhận một giải thưởng tranh, ông được đến thăm kinh đô Huế.

Năm 1943, ông tốt nghiệp tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Và cũng năm này, bức tranh “Mùa Hè” của Tạ Tỵ đoạt một giải thưởng của Salon Unique.

Năm 1946, chiến tranh nổ ra giữa Việt Nam và Pháp, Tạ Tỵ cùng với nhiều hoạ sĩ Việt Nam khác, đã tham gia mặt trận Việt Minh chống Pháp và ông là người thầy dạy mỹ thuật đầu tiên trong Liên khu 3. Tác phẩm “Nhớ Hà Nội” năm 1947 (20 × 25 cm) được Tạ Tỵ vẽ trong giai đoạn này.

Tháng 5 năm 1950, Tạ Tỵ rời khỏi vùng kháng chiến để trở về Hà Nội. Ông viết cho một người bạn rằng “Cách suy nghĩ của tôi không hợp với kháng chiến sau mấy năm chung sống với họ”.

Bắt đầu từ đầu thập niên 1950, ngoài tài vẽ chân dung hí họa, ông còn sáng tác trên nhiều lĩnh vực khác, như: truyện, thơ, kịch bản, bút ký…

Năm 1951, ông triển lãm 60 bức tranh tại Hà Nội.

Sau 1954, ông vào Nam và sống ở Sài Gòn. Ở đây ông đã phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa với cấp bậc sau cùng là trung tá trong Tổng cục Chiến tranh Chính trị.

Năm 1956, ông triển lãm hơn 60 bức tranh đầu tiên tại Sài Gòn. Năm 1961, ông triển lãm lần thứ hai 60 bức tranh lập thể và trừu tượng cũng ở nơi đó.

Năm 1975, sau thời gian học tập cải tạo, ông cùng vợ con vượt biển đến Malaysia và đến định cư tại Hoa Kỳ.

Trong thời gian sống tại nước ngoài, Tạ Tỵ lại tiếp tục sáng tác. Năm 2003 sau khi vợ ông qua đời tại Hoa Kỳ, ông quyết định trở về Việt Nam với ước vọng sống những ngày cuối cùng ở quê hương mình.

Vào 10 giờ sáng 24 tháng 8 năm 2004 (mùng 9 tháng 7 năm Giáp Thân), Tạ Tỵ đã từ trần tại nhà riêng số 18/8 đường Phan Văn Trị, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, sau một cơn bệnh kéo dài do tuổi già, hưởng thọ 83 tuổi.

 

Tạ Tỵ

Hà Nội 1952

 

 

Tác phẩm

Hội Họa

 

Nhớ Hà Nội

“Đàn bà” còn có tên là “Cô Đơn”, tác phẩm tiêu biểu thời kỳ Lập Thể của Tạ Tỵ, 1951

 

Năm 1951: triển lãm 60 bức tranh tại Hà Nội.

Năm 1956: cuộc triển lãm hơn 60 bức tranh đầu tiên tại Sài Gòn.

Năm 1961: Cuộc triển lãm lần thứ hai 60 bức tranh lập thể và trừu tượng ở Sài Gòn.

Tác phẩm của ông được trưng bày tại nhiều bảo tàng viện nghệ thuật quốc tế ở Tokyo, San Francisco, New York và Paris

 

 

Văn chương

 1

Những Viên Sỏi

(tập truyện)

Nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư 1962

 2

Yêu Và Thù

(tập truyện)

Nhà xuất bản Phạm Quang Khải 1970

3

Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ

(nhận định văn học)

Nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư 1970

(Xếp theo thứ tự năm sinh)

Lãng Nhân

Nguyễn Tuân

Vũ Bằng

Vũ Hoàng Chương

Nguyễn Bính

Đinh Hùng

Văn Cao

Sơn Nam

Mai Thảo

Nguyên Sa

http://www.talawas.org/

4

Phạm Duy Còn Đó Nỗi Buồn

Nhà xuất bản Văn Sử Học 1971

5

Cho Cuộc Đời

(thơ)

Nhà xuất bản Khai Phóng 1971

6

Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay

(nhận định văn học)

Nhà xuất bản Lá Bối 1972

http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=19188

 

  1. Trịnh Công Sơn
  2. Tuý Hồng
  3. Nguyễn Thị Thuỵ Vũ
  4. Dương Nghiễm Mậu
  5. Nguyễn Đình Toàn
  6. Nhật Tiến
  7. Thế Uyên
  8. Thế Phong
  9. Bùi Giáng
  10. Võ Hồng

Trịnh Công Sơn

Túy Hồng

Thụy Vũ

Dương Nghiễm Mậu

Nguyễn Đình Toàn

Thế Uyên

Nhật Tiến

Thế Phong

Bùi Giáng

Võ Hồng

trong cuốn Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay của Tạ Tỵ, Lá Bối xuất bản 1971.

7

Bao Giờ

(tập truyện)

Nhà xuất bản Gìn Vàng Giữ Ngọc 1972

8

Ý Nghĩ

(tạp văn)

Nhà xuất bản Gìn Vàng Giữ Ngọc 1974

Đáy Địa Ngục

(hồi ký)

Nhà xuất bản Thằng Mõ 1985

10

Những Khuôn Mặt Văn Nghệ – Đã Đi Qua Đời Tôi

(hồi ký)

Nhà xuất bản Thằng Mõ 1990

http://yeuquangngai.net/url/?url=http://tanmanvanchuongthephong.blogspot.com/2012/10/nhung-khuon-mat-van-nghe-i-qua-oi-toi.html

11

Xóm Nhà Tôi

(tập truyện)

Nhà xuất bản Xuân Thu 1992

Trịnh Cung ký họa

 

 

Tranh Tạ Tỵ

 Năm 1951, Tạ Tỵ triển lãm tranh tại Hà Nội, có lẽ bức tranh sơn dầu mang tên Cô Đơn (67 x 54.5 cm) đã có mặt. Bức tranh Cô Đơn được nhà Sotheby đấu giá hồi tháng 4 năm 2000, và bán được với giá khá cao: 19.550 Singapore dollars.

Trong catalogue của Sotheby đã nhận xét bức tranh: “Đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu của thời kỳ Lập Thể của Tạ Tỵ. Tác giả sử dụng tài tình những màu sắc mạnh mẽ, đặt nhân vật ngay vào ngay trung tâm bức tranh, những hình thể kỹ hà, chẳng hạn như việc xử lý mái tóc không tuân theo luật đăng đối, đường nét mạnh bạo của chiếc cổ và sự sắp xếp của khăn quàng thành những mặt cắt của một hình kim cương… tất cả bố cục này tạo thành một bức tranh Lập Thể độc đáo.”

Vào đầu thập niên 1960, Tạ Tỵ vẽ một loạt 50 chân dung của các nhân vật văn nghệ miền Nam Việt Nam. Đây là loạt tranh chân dung đầu tiên thể hiện những cá nhân độc đáo, trong một phong cách đặc biệt. Sự phối hợp truyền thần và phong cách Lập thể, những mảng màu tương phản gắt gao cắt nhau, nhằm bộc lộ cá tính và nghề nghiệp của nhân vật.

Như bức tranh Chân dung Vi Huyền Đắc là một ví dụ. Vi Huyền Đắc vừa là nhà ngôn ngữ học, tự vị học và nhà viết kịch. Nhưng nơi con người có nhiều khả năng này, Tạ Tỵ đã chọn “nhà viết kịch” để thể hiện Vi Huyền Đắc: chân dung được trình bày bên cạnh bức màn sân khấu đỏ rực, cứ như Vi Huyền Đắc đang ở bên cánh gà.

Bức Mùa hè đỏ lửa (1972, 350 x 170 cm), khi Tạ Tỵ trở về Việt Nam, bức tranh được đổi tên Cất Cánh, vẽ theo phong cách trừu tượng, được treo ở Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1998. Đây là bức tranh sơn dầu lớn nhất trong bộ sưu tập của nhà bảo tàng này.

 

Khăn choàng, bột màu, 1956

Thi sĩ Đinh Hùng 1964

 

Tạ Tỵ Sài Gòn 1955

 

Thơ Tạ Tỵ

Thương về năm cửa Ô xưa

Tôi đứng bên này vỹ tuyến

Thương về năm cửa Ô xưa

Quan Chưởng đêm tàn dẫn lối

Đê cao hun hút chợ Dừa

Cầu Rền mưa dầm lầy lội

Gió về đã buốt lòng chưa?

Yên Phụ đôi bờ sóng vỗ

Nhị Hà lấp lánh sao thưa

Cầu Giấy đường hoa phượng vĩ

Nhớ nhung biết mấy cho vừa…

Cửa Ô ơi, cửa Ô

Năm ngả đường đất nước

Trôi từ vạn nẻo sông hồ

Nắng mưa bốn hướng đổ vào lòng Hà Nội

Gục đầu nhớ tiếng võng đưa!…

Có biết chăng ai, mái tóc bồng bềnh chảy xuôi ý đẹp

Có nhớ chăng ai, lệ nào ướt đẫm tình người

Tê tái tiếng cười

Từng cánh hoa đời khép lại

Thương về năm cửa Ô xưa!…

http://nhacso.net/nghe-nhac/thuong-ve-5-cua-o-xua.WlhTV0NZ.html

 

Đàn Tím

Một chiều xưa

em hát

tôi nghe

trong hơi thở

nén đau thương

em cười vỡ cung ngà

màu đàn

đỏ lên sắc máu

ở môi em

trong tim tôi

xa rồi ngày cũ

tay chùng cứa đứt lằn tay

tiếng nấc

nghẹn ngào khuôn ngực

(mùa thu đã chết

lá vàng thôi rụng em ơi)

Chiều nay

em không hát

tôi lặng ngồi

nhìn qua da trời bịnh tật

màu đàn tím ngắt

in trong ánh mắt

của em

của tôi

của những người

sống trong chờ đợi

buồn ơi!

 

Thương Về Mười Sáu

Đừng hát nữa để tơ sầu rối chỉ

để nhạc buồn đổ nặng xuống bờ mi

để âm thanh nức nở quá chu kỳ

vẫn chưa hết tuổi thương về mười sáu

Anh biết lắm nỗi đau còn ẩn náu

quẩn quanh đây đè nặng trĩu hai vai

mười ngón tay rung bắt bóng đêm dài

khói thuốc chẳng che mờ hai khuôn mặt

Để anh khỏi nhìn em bằng hố mắt

của giận hờn vì đánh mất ngày thơ

năm tháng dang tay chắn nẻo hẹn hò

tình chết yểu phai mờ gương hương sắc

Anh lang thang với u hoài dằng dặc

mênh mông về trán nhỏ đọng trời cao

cửa lòng anh bỏ ngỏ chẳng ai vào

bốn mùa lạnh gió lùa trong óc rỗng

Buồn thế kỷ anh chôn theo giấc mộng

cùng tình em dài lắm với mùa thu

cùng thơ anh với tất cả oán thù

tuổi mười sáu đi rồi không trở lại

Đừng hát nữa bây giờ và mãi mãi

đừng cho anh tuổi mười sáu ngày xưa

để nhớ thương xỏa tóc rợn âm thừa

từng ngón nhạc cong cong vào kỷ niệm

Anh mất em mà chẳng hề tìm kiếm

từ mùa xuân cho tới hết mùa đông

chỉ lắng nghe mưa gió buốt trong lòng

tay khờ dại thả hồn ra khỏi cửa

Để mười sáu không quay về lần nữa

tuổi học trò tóc kẹp với môi tươi

khép áo thời gian trắng nửa kiếp người

anh bắt gặp bóng mình in vách đá

Đời nghèo quá không cài hoa kết lá

để làm duyên ngày trẻ với em thơ

lỡ thanh xuân tàn lụi cả mong chờ

anh ôm mặt thương mùa thương mười sáu

Tạ Tỵ

(tập thơ Cho Cuộc Đời 1971)

Cho Em

Cho em tâm sự vơi đầy

Với bao dòng lệ hao gầy tuổi xanh

Cung buồn dìu tiếng lênh đênh

Tưởng đâu giây phút môi gần gũi môi

Mây đem nhung nhớ trong tôi

Hồn phiêu du gửi chim trời lên cao

Gió ru sóng liễu rạt rào

Êm êm năm tháng trôi vào hư vô

Có ai vui thuở đợi chờ

Vòng đôi tay nhỏ ôm bờ yêu đương

Mờ rung bóng dáng thiên đường

Len trong mộng cũ còn vương ý đời

Sầu lên khép kín nụ cười

Chập chờn điệu múa chơi vơi giữa hồn

Ngoảnh nhìn nắng quái hoàng hôn

Mang mang nhân thế nỗi hờn chớm đau

Thắp lên ánh nến nguyện cầu

Để cho hy vọng thấm màu thời gian

Lắng nghe lá đổ về ngàn

Cho em này nhé, muôn ngàn mến thương.

Cho Anh

Tặng Nguyễn Tử Đóa

Cho anh này cốc rượu đầy

Với năm tháng cũ với ngày buồn tênh

Cho anh tuổi trẻ phai dần

Cho anh cuộc sống nợ nần hôm nay

Hát ngao tan vỡ bóng ngày

Đêm về nhìn đốt ngón tay vẽ buồn

Dặm dài lối nhạt tơ vương

Dấu chân lãng đãng cuối đường nhân sinh

Vỗ tay mình lại gặp mình

Lỡ câu hò hẹn vỡ hình chiêm bao

Cho anh giọt lệ tuôn trào

Này đây tâm sự gửi vào hư không

Tạ Tỵ

(tập thơ Cho Cuộc Đời 1971)

 

 

Thủ bút của Tạ Tỵ

Hs Đinh Cường & Tạ Tỵ

Nv Mai Thảo, nv Vũ Khắc Khoan, nv Nguyễn Sỹ Tế, Nhạc sĩ Phạm Đình Chương, Họa sĩ Tạ Tỵ

California năm 2000

 

Nguồn: phannguyenartist.blogspot.com

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.