Năm 1929, một sự kiện có ý nghĩa trong đời sống văn hoá chính trị Saigon lúc bấy giờ là nhà thơ, thi hào lớn của Ấn Độ Rabindranath Tagore viếng Saigon trong 3 ngày. Sự kiện này rơi vào quên lãng và ít có ai biết đến cho đến gần đây. Năm 2011, Hội thảo quốc tế ở Hà Nội về Tagore lần đầu tiên đã có nhắc lại chuyến viếng thăm của Tagore ở Saigon.

Báo chí thời bấy giờ viết nhiều về chuyến viếng thăm của Tagore. Các truyện, thơ của Tagore cũng đã được dịch và đăng trong cuối thập niên 1920 và thập niên 1930. Năm 1943, một sách về Tagore được xuất bản “Thi hào Tagore: Nhà đại biểu văn hoá Á đông” của tác giả Nguyễn Văn Hải. Năm 1961, Cao Huy Đỉnh và La Côn viết về Tagore trong quyển “Tagorơ, thơ truyện ngắn, kịch” do Nhà xuất bản Văn học in. Sau đó có rất nhiều thơ, truyện ngắn của Tagore được dịch và in. Gần đây nhất, năm 2004 là tuyển tập “ R. Tagore, tuyển tập tác phẩm” do Lưu Đức Trung tuyển chọn và giới thiệu, do NXB Lao Động – Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây.

Từ giữa thế kỷ 19, với sự ưu việt của văn minh vật chất và kỹ thuật, châu Âu đánh chiếm nhiều nước và thiết lập thuộc địa ở Á châu. Nhiều người Á châu cảm thấy thua kém và cho rằng văn hoá văn minh Á châu của mình không xứng đáng so với văn minh Âu châu. Thi hào Rabindranath Tagore, giải Nobel văn chương năm 1913, được coi như nhà triết học thâm thúy với đời sống tinh thần và tôn giáo sâu xa tượng trưng cho văn minh Á châu cổ đại của nhân loại.

Ông cổ võ những giá trị tinh thần cao quý, nhân bản, của phương Đông và kêu gọi người Á châu bình tâm, tự tin và cố gắng gìn giữ không để đánh mất giá trị truyền thống văn hoá trước khi lòng người phân hoá; vì đây chính là sức mạnh tinh thần của mình so với sự khiếm khuyết về đời sống tinh thần của văn minh phương Tây mà các nhà trí thức ở phương Tây đã chỉ ra và cho thấy sự phong phú của văn hoá Á Đông. Đạo Phật ở Việt Nam và các chùa vẫn còn giữ được truyền thống văn hoá tâm linh vì thế cần được chấn hung và bảo vệ. Trong các thập niên 1920 và 1930, ở Việt Nam từ Bắc đến Nam cũng là lúc đạo Phật được nghiên cứu và phát triển mạnh như một sự hồi sinh trở lại.

Tagore cho rằng sự nối kết giữa nên văn minh vật chất kỹ thuật đang vươn lên của Tây phương và nền văn minh tinh thần cổ truyền có giá trị hoàn vũ của Á Đông là sự hỗ tương cần thiết cho nhân loại. Khi viếng Nhật Bản năm 1929 trước khi đến Saigon, Tagore đã bày tỏ sự ngạc nhiên và thán phục khi thấy Nhật, một nước Á Đông, đã canh tân nhanh chóng qua kỹ thuật công nghệ Tây phương, bắt kịp các nước Âu châu và vẫn giữ được văn hoá truyền thống, tâm linh của nước mình.

Tư tưởng này của Tagore đã có ảnh hưởng và được nhiều người chấp nhận trong giới trí thức từ Trung Hoa, Nhật Bản cho đến Việt Nam qua tầm vóc tiếng tăm của Tagore sau khi là người Á châu đầu tiên được giải văn chương Nobel.

Rabindranath Tagore và Mahatma Ghandi

Tháng 10 năm 1923, ngày 15, Nguyễn An Ninh trong bài diễn văn “L’idéal de la jeunesse Annamite” (Lý tưởng thanh niên An Nam) tại trụ sở Société d’Enseignement Mutuel de la Cochinchine (Hội khuyến học Nam kỳ) gợi cho thanh niên Việt Nam phải có hoài bão, ước mơ, tự hào về lịch sử, văn hoá dân tộc; ông đánh thức lòng yêu nước và văn hoá, tâm hồn dân tộc, ông nhắc đến Tagore như một thí dụ điển hình.

Trong các số báo La Cloche fêlée (Chuông rè) đầu năm 1924, Nguyễn An Ninh đã viết về những hoạt động yêu nước của Tagore ở Ấn Độ và trích dẫn những lời của ông đánh động đến lương tâm của những kẻ đi cai trị và thực dân. Ông viết về chuyến đi thăm Trung Hoa của Tagore nói chuyện với sinh viên, trí thức cải cách, canh tân đất nước người Hoa và sự kiện Tagore từ chối chấp nhận phong danh “Sir” của người Anh (6). Báo Chuông rè cũng có dịch ra tiếng Pháp bài tham luận “My School” của Tagore và nói về những trí thức Pháp như André Gide, Roman Rolland, những người ủng hộ tinh thần yêu nước của dân Ấn độ và là bạn của Tagore.

Cộng đồng người Ấn ở Saigon cũng rất mong một ngày gần sẽ đón tiếp thi hào Tagore thăm viếng Nam Kỳ. Tháng 4 năm 1924, có tin là thi hào Tagore có thể viếng thăm Saigon trên đường thăm Trung Hoa trở về, cộng đồng người Ấn Độ ở Saigon đã loan tin hăng hái sửa soạn tổ chức cho chuyến viếng thăm này. Các báo như La Cloche fêlée, Écho Annamite đã đăng tin về Tagore viếng Saigon trong đó tờ Écho Annamite (2/7/1924) đặt câu hỏi là người Việt sẽ làm gì khi được biết là Ủy ban tiếp đón Tagore của người Ấn do ông Savary thư ký và thủ quỹ đã viết cho chủ tịch Liên minh báo chí Nam Kỳ (Syndicat de la Presse Cochinchinoise) báo tin là Tagore đang ở Kobe và sẽ đến Saigon trong những ngày đầu của tháng 7/1924. Theo ông Savary thì cộng đồng người Ấn gồm nhiều giáo phái đã đóng góp vào quỹ tiếp đón gồm có người Ấn độ theo khổ hạnh (Hindous renonçants) 1.308$00, Ấn độ Chettys (từ Tamil Nadu). 1.500$ , Ấn Hồi giáo 1.000$, Ấn độ không khổ hạnh ở Saigon (Hindous non renonçants). 361 00 và Chợ Lớn 250$. Ấn thương gia Bombay (Commerçants Bombay) 300$

Họ dự định sẽ tiếp đón Tagore từ bến tàu đến nơi tạm trú ở đường Catinat, với nhạc công đi đầu, 2 con voi được trang trí và cờ xí. Một chuyến đi viếng thăm Angkor cũng được dự định, nơi mà thi hào Tagore muốn xem di tích mà nền văn minh xưa Ấn độ đã ảnh hưởng. Tuy vậy chương trình dự định như trên đều phải có tham khảo trước với chính Tagore để được chấp thuận.

Nhưng sau đó chuyến viếng thăm bị hoãn vì sức khỏe của Tagore sau khi diễn thuyết ở Hồng Kông.

Nói về cộng đồng người Ấn ở Saigon, thì họ đã có mặt ở Saigon sau khi Pháp đặt chân đến không lâu. Theo thống kê dân số Saigon-Chợ Lớn năm 1870 (1) thì địa phận Saigon gồm có 3 huyện (Bình Dương, Bình Long, Ngai An), 14 tổng (canton) và 196 làng với dân số 604 người Âu, 6743 người Hoa, 796 người Ấn và 104534 người Việt bản xứ. Như vậy tỉ lệ người Ấn ở Saigon khá cao trong dân số, bằng khoảng 10% người Hoa. Ở Saigon, người Ấn có thế lực lúc này là ông Mohamed-Ben-Abou-Bakar làm nghề nhà bank (banquier) cho vay mượn ở đường số 5 (Rue n° 5) (Ngô Thời Nhiệm ngày nay) và có chi nhánh ở Châu Đốc. Ở Chợ Lớn có 5 tổng và 83 làng với dân số 8 người Âu, 20000 người Hoa, 102 người Ấn và 50412 người Việt bản xứ.

Hai người Ấn làm nghề cho vay mượn (banquier) mà người Pháp và Việt hay gọi là chệt ti

Đến năm 1897 thì số người Ấn làm ăn phát đạt ở Saigon tăng vọt, có đến 19 tiệm buôn bán đổi tiền ở các đường Catinat, rue Vannier (Ngô Đức Kế) và chợ Cũ trong trung tâm Saigon và 29 làm dịch vụ nhà bank (escompteur, banquier) (2) ở đường rue d’Adran (Hồ Tùng Mậu). Và một nghề thông dụng của người Ấn là cung cấp sữa bò, dê (laitier). Họ chiếm đa số nghề này, có đến 9 nhà cung cấp sữa ở Saigon, Khánh Hội và 6 người ở vùng Chợ rẫy, Chợ lớn ở gần các chợ. Ngoài ra có rất nhiều người người Ấn cho mướn và là tài xế nài đánh xe ngựa (charrettes & voitures).

Người Ấn thường được người Pháp gọi là Malabar hay Chettys (người Việt gọi là chà và hay chệt ty hay chệt). Vì đa số đến từ Pondichery, miền Nam Ấn nên có nước da ngăm đen. Người Việt nhiều khi không phân biệt rõ nên các người có nước da ngăm đen, như người Chăm, người Mã Lai, cũng được kêu chung là chà và.

Đầu thế kỷ 20, người Ấn đã trở thành một cộng đồng có thế lực về kinh tế chính trị không thua kém nhiều so với người Hoa ở Saigon. Đa số có quốc tịch Pháp vì đến từ thuộc địa Pondichery, một nhượng địa Pháp ở Ấn Độ, nên lá phiếu của họ trong bầu cử vào Hội đồng thành phố rất quan trọng. Các chính trị gia người Pháp, như ông thị trưởng Paul Blanchy, đều muốn sự ủng hộ của họ.

Mặc dù chuyến viếng thăm Saigon bị hoãn lại nhưng sự chú ý đến Tagore vẫn còn nóng. Ông Eugène DeJean de la Batie, một người Pháp lai Việt, chủ bút có viết trên Écho Annamite (23/7/1924) ngày 22/7/1924, buổi nói chuyện của giáo sư Kalidas Nag tại Société Philharmonique ở Saigon về thơ của Tagore và ý tưởng mục đích thành lập đại học quốc tế ở quê hương Tagore. Rất đông người Pháp, Việt và Ấn Độ đến nghe.

Nhưng có lẽ đặc biệt nhất là bài đăng trên Écho Annamite ngày 2/8/1927 tựa đề “L’Interview de Rabindranath Tagore, à bord de “l’Amboise” par M. Hoang Tich Chu” của ký giả Hoàng Tích Chu nói về sự hội kiến và phỏng vấn thi hào Tagore trên tàu “Amboise” trên đường ông Hoàng Tích Chu trở về quê hương sau khi đi Pháp dự các buổi nói chuyện và học hỏi từ giới trí thức Pháp ở khu Latin, Paris. Tình cờ khi tàu ghé Colombo, cũng đón Tagore và 5 người tùy tùng đi Java viếng thăm các di tích cổ xưa theo lời mời của chính phủ Hoà Lan, nên Hoàng Tích Chu đã có dịp đến hội kiến và phỏng vấn Tagore. Hoàng Tích Chu sau này là một nhà báo có tiếng ở Bắc Kỳ và là chủ bút tờ Hà thành ngọ báo (1929) và tờ báo tiến bộ Đông Tây tuần báo (1929-1932). Sau khi đến buồng cabin của Tagore và đưa danh thiếp carte visite, ông Hoàng Tích Chu được mời vào nói chuyện với Tagore.

Ông Chu không biết tiếng Anh, nhưng may mắn có một người đi theo Tagore là giáo sư Sutini Kumar Chatterji ở Đại học Calcutta làm thông dịch. Sau khi ông Chu nói với Tagore là những đồng hương tầng lớp trí thức ưu tú của ông ở Việt Nam rất kính trọng Tagore và các tác phẩm của ông được đánh giá cao và chính bản thân Hoàng Tích Chu cũng định dịch quyển sách “Chủ nghĩa dân tộc” (Naltionalism) của Tagore, Hoàng Tích Chu đi thẳng ngay vào vấn đề về chủ nghĩa thực dân, một hiện thân của chủ nghĩa đế quốc, hoàn toàn trái nghịch với lý tưởng của cách mạng Pháp 1789, quang vinh của nền cộng hoà Pháp. Ông nói với Tagore là người Việt Nam không có tự do nào trong đất nước họ.

Tagore có hỏi Hoàng Tích Chu là bản thân ông Chu có tự do được đi lại không và ông Chu trả lời là ở Marseiile, trên đường đi về Việt Nam, ông chủ tàu cấm ông không được nói chuyện với các bạn ông đến đưa ông, nói là có lệnh trên và trên tàu cấm ông đến các nơi những người bồi người An Nam cư ngụ trên tàu, chắc là sợ ông kêu gọi đình công mặc dầu ông không hề có ý nghĩ đó.

Hoàng Tích Chu viết tiếp:

Khi tôi về đến Saigon, chắc chắn là tôi sẽ bị theo dõi cặn kẽ (1)…

Ba tôi, một công chức đã bị cho về hưu không viện dẫn lý do gì; vì tôi đã đi qua Pháp trái với ý muốn của chính phủ…

Khi thốt ra những lời này, tôi ứa nước mắt và qua giọt nước mắt tôi nhận thấy ông Tagore hơi co người lại và hai mặt ông mở to hơn như thường lệ.

Tôi là một thi sĩ”, Tagore nghe lời nói với tôi giản dị vậy thôi, mà tôi cảm thấy là ông cố gắng tự trấn tĩnh lại.

Ông Tagore nói tiếp nhanh để rõ ý của ông

Về chính trị, hay anh quen gọi là chính trị không có lạ gì trong thơ của tôi, nhưng tôi muốn nói là hoạt động chính hiện nay của tôi không phải là chính trị.

Về phương diện quyền tự do, như ở các dân tộc yếu kém, tôi đồng cảm qua tình yêu anh em và nhân bản. Tình yêu này càng sôi nổi hơn với các nước đang bị trị, đau khổ cần giúp đỡ, như là đất nước của anh”.

Tagore sau đó bày tỏ mong muốn sẽ viếng thăm Đông Dương nơi có lịch sử ngàn năm và vết tích văn minh cổ xưa. Cuộc nói chuyện kéo dài một tiếng đồng hồ.

Ta có thể thấy Tagore cũng như Einstein, khác với Ghandi, chỉ là một nhà hiền triết trong lãnh vực văn học hay khoa học. Ông không phải là một nhà hoạt động chính trị nhưng ông đồng cảm và hiểu được sự đau khổ của một nước bị trị.

Rabindranath Tagore (Nobel văn học) và Albert Einstein (Nobel vật lý) ở Berlin

Hoàng Tích Chu sau cuộc hội kiến với Tagore đã trao đổi với giáo sư Suniti. Ông Suniti có kể là ông đã có ở Paris trong một thời gian nhưng không có cơ hội để quen biết với những sinh viên người Việt Nam. Ông có đọc bản dịch truyện thơ Kim Vân Kiều và theo khả năng của ông đã thưởng thức được cái đẹp và hay trong văn chương truyện Kiều. Khi ông Suniti được biết là trên tàu có 300 lính người Việt trở về Saigon từ Maroc, ông đề nghị với Hoàng Tích Chu là cùng đến gặp họ trên bong tàu.

Tôi chấp thuận. Và đó cũng là lúc tôi trở thành thông dịch viên với những người lính cho ông Suniti, cũng như ông ta vừa rồi là thông dịch viên cho tôi với ông Tagore.

Tất cả mọi người trao đổi rất vui vẻ.

Chúng tôi gần như đã là bạn hữu với nhau“

Hoàng Tích Chu

(dưới bài báo có chú thích (1) đúng là lời tiên tri vì khi đến Saigon, cảnh sát đã khám và tịch thu cuốn sổ viết trên tàu của ông).

Cuối cùng đầu tháng 6 năm 1929, khi nghe tin chính thức là Tagore trên đường từ Nhật trở về nước sẽ viếng thăm Saigon, các báo chí Pháp Việt ở Saigon đều đăng tin và bàn luận sôi nổi về cuộc viếng thăm của Tagore. Các báo như Saigon Dimanche, Courrier Saigonnais, Écho Annamite, Tribune Indochinois, Phụ Nữ Tân Văn, La Cloche fêlée, Saigon Republican, Impartial, Thần Chung, Công giáo đồng thịnh, Đuốc Nhà Nam, Merle mandarin, Ère Nouvelle, La voix libre… đều đăng tin về Tagore.

Tagore viếng Saigon từ ngày 21/6/1929, khi tàu Angers của hảng tàu Compagnie des Messageries Maritimes đến từ Nhật Bản cặp bến, cho đến hết ngày 23/6/1929. Thị trưởng Saigon, ông Béziat và chủ tịch nội các thống đốc lên tàu chào đón Tagore.

Vài ngày trước khi Tagore đến Saigon, báo Écho Annamite (15/6/1929) có đăng tin những người Việt Nam trong ủy ban đón tiếp Tagore đã họp lại để bầu ra một ủy ban bản xứ để thảo ra chương trình như sau

Để đón tiếp Tagore

Qua ý kiến của một trong các đồng nghiệp của chúng tôi, ông Lê Trung Nghĩa báo Diễn đàn Đông Dương, những nhân sĩ người An Nam, bao gồm các thành viên của báo chí địa phương, đã họp chiều tối hôm qua lúc 18 giờ tại đường La Grandière (Lý Tự Trọng ngày nay) để bầu ra một ủy ban người bản xứ tiếp đón thi sĩ Ấn Độ Tagore, đang trên đường đến Saigon, ngày 20 tháng này, từ Nhật, trên tàu André Lebon, để hoàn tất chương trình lễ hội, chào mừng người khách danh dự nổi tiếng của chúng ta.

Chương trình này, bao gồm đặc biệt, tiệc chiêu đãi và du ngoạn. Ủy ban cũng chịu trách nhiệm cho việc tìm kiếm một ngôi nhà xứng đáng để Rabindranath Tagore cư ngụ trong suốt thời gian thăm viếng ngắn của ông ở Nam Kỳ .

Chúng tôi nồng nhiệt chúc mừng ông Nghĩa có ý kiến tuyệt vời này, nó sẽ làm được rất nhiều cho sự tiếp cận giữa các chủng tộc, mà đấy luôn là lý tưởng vĩ đại của thì hào Tagore”

(chú thích: tác giả dịch từ nguyên bản tiếng Pháp. Ủy ban họp tại đường La Grandière tức Lý Tự Trọng ngày nay, ở số 72 trụ sở của báo “Tribune Indochinoise”)

Sau cùng chương trình được thống nhất với các hội đoàn người Ấn và Pháp và ban tổ chức tiếp đón và chương trình cho thi hào Tagore viếng Saigon được ghi lại trên số báo Écho Annamite ngày 20/6/1929 như sau

…Chủ tịch danh dự, ông Béziat.
Chủ tịch: ông Bùi Quang Chiêu,
Phó chủ tịch (Pháp): M. Monribot,
Phó chủ tịch (người Ấn): M. Xavier.
Thủ quĩ: ông Nguyễn Văn Của.
Thư ký: ông Lê Trung Nghĩa.

Phái đoàn tiếp đón (Délégation de réception) ; 6 hội viên kể trên và các ông Nguyễn Phan Long, Lê quang Liêm tự là Bảy, bác sĩ Trần văn Đôn và Nguyễn Văn Thinh, Trương văn Bền, Nguyễn Tấn Dược, Nguyễn Văn Huê, Trần Văn Kha, Nguyễn Văn Sâm, Diệp văn Giáp, Huỳnh Ngọc Bình, kỹ sư Lưu Văn Lang, và bà Palard.

Các nghị viên hội đồng thành phố Saigon và Chợ Lớn (conseillers municipaux de Saigon et de Cholon), các hội viên bản xứ của Phòng thường mại (Chambre de commerce) và phòng Canh nông (Chambre d’agriculture).

Hai đại diện báo chí Pháp ông Haag và ông Darrigade, và tất cả những giám đốc hay đại diện các tờ báo: các ông Blanché, Dépêche. E. Marquis,Réveil – Saigonnais, Mésoniat Impartial, A. Paul l‘Homme déchainé, Bathélemi Œuvre indochinoise, Monribot, Presse indochinoise, DanguyCourrier Saigonnais, Dejean de la Bâtie Écho annamite, Jules Dubois Saigon Dimanche, H. Ardin Saigon Républicain, Ganofsky La Voix libre, Madame Biéiri Công giáo đồng Thịnh, Nguyễn khắc Nông Đuốc Nhà Nam, Hồ văn Nguôn Điền xã tạp chí, Nguyễn văn Ba và Diệp văn Kỳ Thần chung, Lê thanh Lư và Huỳnh phục Yên Thanh niên tân tiến, Cao hải Đề Ère nouvelle, Trần văn Trí Tribune indochinoise, Bernadoni Merle mandarin, Paul Marchet Phare Indochinois, Lê chân Tâm Kịch Trường etc. etc.

Các hội viên người Ấn: các ông Madet, Xavier, Thiagou, Samou, Tamby.

Ủy ban tổ chức hội thảo: các ông Nuong, Barthélemi, Tamby, Haag, Lê trung Nghĩa và Huỳnh phúc Yên.

Phái đoàn Nhà Bè (Délégation à Nhà-Bè): các ông Barthélemi, Dương Văn Giáo, Thiagou và Jacques Lê văn Đắc.

Nói tóm lại, ủy ban tiếp đón gồm tất cả những nghị viên dân cử, tất cả ký giả và trí thức Pháp, Việt, Ấn Độ

Chương trình tiếp đón

Tàu hơi nước Angers đến Saigon, thứ sáu, vào khoảng trưa.

Chiều thứ sáu, lúc 16 giờ, ăn trưa ở toà thị sảnh thành phố Saigon. Vào cửa lệ phí 1.50 piastres.

Tối thứ sáu, lúc 21 giờ, tiếp đón trọng thể ở nhà hát thành phố, ông Bùi quang Chiêu sẽ giới thiệu nhà thơ nổi tiếng. Ông Tagore sẽ cho một bài diễn văn. Nhiều bài nói chuyện sẽ được công bố. Giá vào nhà hát là 1 piastre cho tất cả các loại chỗ ngồi và 0,5 piastre vào hành lang.

Sáng thứ bảy, đi dạo trong thành phố Saigon; Vườn bách thảo, viện bảo tàng, trường nữ tiểu học cho người An Nam và Pháp, trung học Pétrus Ký, trường dạy nghề cơ khí (école des mécaniciens), một chùa người Hoa và một chùa người Việt ở Chợ Lớn.

Trưa thứ bảy: ngoại vi Saigon; viếng các trường nghệ thuật, mỹ thuật Biên Hoà và Thủ Dầu Một, mộ của Lê Văn Duyệt, nơi đây sẽ có bữa ăn trưa, do hội thờ Lê Văn Duyệt, trường của ông Huỳnh khương Ninh và công ty nhà in của ông Nguyễn văn Của, ở Saigon, đường rue Lucien Mossard (Nguyễn Du ngày nay) khoản đãi.

Tối thứ bảy lúc 21 giờ, buổi chiếu phim ở rạp Eden, sẽ chiếu những phim quảng cáo du ngoạn thắng cảnh và tư liệu Đông Dương. Tất cả khách vào trả tiền cho chỗ ngồi trừ ủy ban tiếp đón và đoàn của ông Tagore.

Ông Tagore sẽ ở nhà của hội viện Hội đồng quản hạt (conseiller colonial) Diệp văn Giáp, toạ lạc tại góc đường Legrand de la Liraye (Điện Biên Phủ ngày nay) và rue Barbet (Lê Quý Đôn).

Khi từ giã Saigon, ủy ban sẽ đi theo thi sĩ lên tàu. Ông chủ tịch nội các (chef de cabinet) của Thống đốc và thị trưởng thành phố sẽ đón thi hào lên tàu ở Nhà Bè.

Chương trình tiếp đón thi hào Tagore như vậy rất trọng thể với nhiều sự kiện thể hiện tầm quan trọng của chuyến thi hào Tagore viếng thăm Saigon đối với chính quyền, cộng đồng người Pháp, Việt Nam và Ấn Độ. Đặc biệt ông Diệp Văn Giáp đã để riêng biệt thự của ông ở số 33 rue Barbet cho thi hào Tagore khi ở Saigon. Trước khi đến Saigon, Tagore cũng được định đến viếng Angkor Wat nhưng điều này không thể thực hiện được vì thời gian, tốn kém và an toàn.

Trên báo Écho annamite 22/6/1929 tựa đề “Rabiudranatb Tagore à Saigon” có viết về buổi nói chuyện ra mắt công chúng của Tagore ở Nhà hát lớn. Tagore cho bài nói chuyện sau khi ông Bùi Quang Chiêu, thị trưởng Béziat và ông Dương Văn Giáo đọc diễn văn giới thiệu.

Ông Bùi Quang Chiêu nói:

Đó là một ngày trong tháng giêng; khi mà mùa đông phủ trên đồng bằng Bolpour một bầu không khí xám lạnh, tôi có may mắn, sau một đêm ở Đại học Santinikétan với một giáo sư trẻ tuổi, từ Khoa Luật Đại học Lyon, và một người bạn và người đồng hành chuyến đi của tôi, ông Dương Văn Giáo, đã tham dự ngày thứ Tư hôm đó, một buổi cầu nguyện, do chính nhà thơ chủ trì.

Mặc dù giờ sáng sớm và cái lạnh của mùa đông, chúng tôi thấy một ông già đẹp lão đi đến, chống dựa vào một cây gậy và trân trọng theo sau là hai người Ấn Độ giúp việc, vào một toà nhà nhỏ hình chữ nhật, được bao quanh bởi một lan can gạch, gần lối ra vào của trường Đại học. Đó là ông Rabindranath Tagore, đến mỗi tháng một lần, chủ trì một buổi lễ thật đơn giản mà các học sinh, gồm thiếu nữ và thanh niên đọc theo các bài thơ thánh ca tụng mà nhà thơ hát và nhận xét các khổ thơ.

Trên tất cả người của nhà thơ toát ra cái tâm linh này, cái thanh thản không thể định nghĩa được của hương thơm tư tưởng Ấn Độ.

Hiền triết phương đông đã cho thế giới rất nhiều người sáng lập các tôn giáo, và người sứ giả của hiền triết phương đông ngày nay, ông Rabindranath Tagore mơ là lý tưởng châu Á một ngày sắp tới sẽ đến giải cứu châu Âu có nguy cơ bị xói mòn tan rã của chủ nghĩa vật chất. Nhà thơ này, mà các nhịp thơ đầy hình ảnh tạo ra cho người đọc những ước vọng tinh thần cao cả, đã nhận được một trong những phần thưởng lớn nhất: Giải thưởng văn chương Nobel năm 1913, đã tiết lộ cho chúng ta thấy “một Ấn Độ mà ánh sáng của nó chiếu sáng niềm vui lên mắt của những người con Ấn độ, mà các nguồn của nó làm họ trong sạch, và những trái kết tinh của nó giúp cho họ sống.

Nhưng thi hào Rabindranath Tagore không phải cấy trồng một chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi: ông muốn đoàn kết Ấn giáo, Hồi giáo, Phật giáo và Ki tô giáo trong sự hoà thuận của một sự hợp tác tích cực tiến đến một tình thương vị tha giữa con người và vạn vật, đến thờ phụng cái đẹp, cái tốt và sự thật chân lý.

Không chống đối ác cảm với văn minh phương tây, thi hào ở Santinikétan mong với tất cả linh hồn của ông: một sự phối hợp của hai nền văn minh phương Đông và phương Tây để hiến tặng cho nhân loại giá trị đầy sáng tạo của cái đẹp và tốt lành của chúng…

(dịch từ nguyên bản tiếng Pháp. Chú thích: Santiniketan là một thành phố đại học do Tagore sáng lập, gần Bopur, tiểu bang Tây Bengal, hiện nay vẫn còn hoạt động)

Rabindranath Tagore giảng dạy ở đại học Santiniketan

Thật ra chương trình cũng có những thay đổi do hoàn cảnh xảy ra lúc đó, như lúc viếng mộ Lê Văn Duyệt, sau khi được chào đón với nhạc Việt Nam và viếng mộ, ông không ở lâu vì sau khi viếng trường mỹ thuật Biên Hoà, đường xa và xấu làm ông mệt (6). Chiều thứ bảy hôm đó, ông đến nhà in của ông Nguyễn Văn Của dự buổi tiệc rượu champagne. Ông Nguyễn Văn Của, các nhân viên và ủy ban tiếp đón đứng xếp hàng chào ông vào, Tagore nói chuyện với hai người thợ người tỉnh Bengal ở Ấn Độ như ông. Thay vì uống champagne, Tagore xin được uống nước dừa và ông rất tò mò xem bộ sưu tập đồ cổ của ông Nguyễn Văn Của. Nhà nhiếp ảnh Khánh Ký có chụp hai bức ảnh của Tagore với ông Nguyễn Văn Của.

Trong số báo Phụ Nữ Tân Văn ngày 4 tháng 7 1929, bà Nguyễn Đức Nhuận có viết về buổi viếng thăm của thi hào Tagore đến toà soạn báo sáng chủ nhật ngày 23 tháng sáu 1929. Trong bài có ảnh của Tagore được nhà nhiếp ảnh Khánh Ký chụp Tagore ở Saigon có chữ ký của Tagore. Ông có mua cái áo gấm bông bạc và được toà soạn tặng một cây lãnh do hãng dệt Lê Phát Vĩnh ở Cầu Kho dệt. Chiều ông có gởi người đến mua hai cái khăn đóng và vì trước đó ông đã có đặt may áo dài An Nam ở tiệm may của một người Việt trên đường rue d’Espagne (Lê Thánh Tôn). Bà Nguyễn Đức Nhuận viết:

Mới xem qua cái lối ăn mặc, thì ông Tagore mường tượng một bực lão thành đạo-mạo Annam. Trên đội cái mũ nhung đen ; dưới mặc cái áo trắng dài và rộng ; kiến kẹp mũi, râu trắng dài ; ảnh của ông chụp ngồi chung với các nhà thân-hào Annam thật là hợp-cách lắm !”

Phụ nữ Tân Văn (4/7/1929) – Nguồn Thư viện Quốc gia Việt Nam. Ảnh Tagore do Khánh Ký chụp ở Saigon.

Sau đó Tagore dự buổi tiếp tân của Phòng thương mại người Hoa ở chùa Bà người Quảng Đông ở Chợ Lớn trên đường Cây Mai (nay là Nguyễn Trãi). Từ nơi đó cộng đồng người Ấn đã đến rước thi hào Tagore trên xe hơi đi đến đền thờ Ấn Độ ở đường rue Ohier (Tôn Thất Thiệp Saigon) để dự lễ khai trương Viện tàng thơ Murugananda Vasagasala (Institute of Poetry Murugananda Vasagasala). Tại đây, các ông Tagore, Bùi Quang Chiêu và Lefèbre trong ủy ban tiếp đón đã được mời làm chủ lễ và một cô gái Ấn tên là Kathéappa Thévarnin đã hát một bài hát của thi sĩ Passecarne để tặng Tagore.

Ngày cuối trước khi lên đường, Tagore được mời dự buổi đàm đạo uống trà với thống đốc Pierre Pasquier cùng với tất cả ủy viên trong ủy ban Pháp, Việt và Ấn Độ tiếp đón thi hào Tagore ở Saigon (Écho Annamite 24/6/1929). Tại đây, Tagore đã có nói chuyện với Pasquier về thi văn và cảnh thanh tịnh ở các chùa đạo Phật.

Sau đó ông trở lại nhà nghỉ ở đường Barbet (Lê Quý Đôn), các đại diện đảng Lao Động (Parti Travailliste) do ông Cao Hải Đề, chủ bút tờ Ère Nouvelle (Nhật Tân báo) lãnh đạo đến và chỉ trích ông đã không đến rạp hát Thành Xương nói chuyện với công nông dân người An Nam như đã hứa (6). Ông Tambor, đại diện cho Tagore có nói với đại biểu đảng Lao động là ông không muốn đến rạp Thành Xương lúc ấy nhưng sẵn sàng cho một buổi nói chuyện ở nhà ông nếu đảng Lao Động đến nghe. Ông ăn tối tại nhà nghỉ và rời Saigon lúc 9:30 tối.

Dư âm về chuyến viếng thăm Saigon của Tagore

Sau khi Tagore rời Saigon không lâu báo Écho Annamite (2/7/1929) có bài xã luận dưới tựa diễn đàn tự do (Tribune libre) so sánh Tagore với Phan Bội Châu (Le poète et le martyr – Tagore et Phan Bôi Châu) cho là Phan Bội Châu là tử đạo cho lý tưởng của Tagore và ngầm chỉ trích chính quyền Pháp.

Báo Phụ Nữ Tân Văn (27/6/1929) có bài viết về thơ của Tagore và so sánh thơ ông với thơ của các thi hào lớn Việt Nam Nguyễn Du và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đặc biệt có bài viết trên Phụ Nữ Tân Văn (30/10/1930) về thành phố đại học Santiniketan và phương pháp triết lý giáo dục khai phóng tự do không ràng buộc, nhồi sọ thường thấy ở Việt Nam. Các báo khác như Đuốc Nhà Nam cũng đăng các bài thơ của Tagore dịch ra chữ quốc ngữ trong các năm 1929 và 1930. Đông Dương tạp chí các số tháng 7 năm 1937 cũng có đăng các truyện ngắn của Tagore như “Cô láng giềng xinh đẹp của tôi” (“My fair lady”), “Su-ba” (Suba, a short story).

Chuyến đi thăm Saigon của Tagore sau này hầu như bị lãng quên cho đến gần đây mới được các học giả để ý và đề cập tại hội thảo quốc tế về Tagore năm 2011 ở Hà Nội. Một phần có thể là do thời đó thập niên 1930, 1940 Việt Nam đang tìm đường giải phóng dân tộc, Tagore chỉ là nhà hiền triết hoà bình và là nhà thơ nhân bản như ông nói với Hoàng Tích Chu và vì thế không thể đưa ra giải pháp mà Việt Nam đang cần thời đó. Khác với Gandhi vừa là một nhà hiền triết và là một nhà tranh đấu giải phóng dân tộc dùng phương pháp bất bạo động, bất hợp tác và tự chủ.

Nhưng ảnh hưởng lớn nhất của Tagore sau này là phong trào thơ mới. Pham P. Chi cho rằng những ý tưởng lãng mạn trong phong trào Thơ mới sau này một phần là do ảnh hưởng của triết lý nhân bản lý tưởng của Tagore (6).

Hình Tagore trong đền thờ Ấn giáo Sri Thendayutthapani (chùa Ông) trên đường Tôn Thất Thiệp, Quận 1. Nơi đây Tagore đã đến dự lễ  khai mạc Viện tàng thơ Murugananda Vasagasala (Ảnh tác giả)

Nguyễn Đức Hiệp (Nguồn : diendan.org)

Tham khảo :

  1. Annuaire de la Cochinchine française 1870, Saigon,

  2. Annuaire de l’Indo-Chine française… 1re partie : Cochinchine et Cambodge, Saigon, 1897.

  3. Nasir Abdoul-Carime, Réimpression de l’article d’G. Vidy: “La communauté indienne en Indochine”, Association d’ Echanges et de Formation pour les Etudes Khmères (AEFEK), in Sud-Est, Paris, Novembre 1949: no. 6: 1-8

  4. Annuaire complet (européen et indigène) de toute l’Indochine, commerce, industrie, plantations, mines, adresses particulières… : Indochine, adresses, 1ère année 1933-1934 / éditeurs madame L. Lacroix-Sommé, messieurs R. J. Dickson et A. J. Burtschy, Publisher : impr. A. Portail (Saigon), Date of publication : 1933

  5. Guide pratique, renseignements et adresses. Saïgon, J. Aspar (24 rue Catinat, Saïgon), 1934.

  6. Pham P. Chi, The rise and fall of Rabindranath Tagore in Vietnam, Master of Arts thesis, 2012, University of California, Riverside,http://escholarship.org/uc/item/7sm4q65v

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.