Nói đến các vật dụng của văn nhân thư pháp người ta thường chỉ ra các loại bút, giấy, mực, nghiên mực, thủy trì… là những thứ thuộc văn phòng tứ bảo. Để tương thích với cỡ chữ, kiểu chữ mà họ lựa chọn rất nhiều cỡ bút to nhỏ khác nhau. Nhưng văn phòng tứ bảo có lẽ không chỉ có vậy mà còn gồm nhiều vật dụng khác trang trí và bổ sung thêm nữa như gác bút, chặn giấy, dấu ấn tùy thân vv… Bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu về các loại bảo vật thuộc văn phòng tứ bảo trong Cung vua Nguyễn.

Các vật dụng thuộc bộ văn  phòng tứ bảo đã từng sử dụng trong Cung vua Nguyễn do Ngự xưởng chế tác với kĩ thuật rất tinh xảo và bằng các chất liệu hiếm quý như vàng, bạc, ngọc, ngà… là các loại bảo vật rất đáng chú ý.

Quản bút: Trong sưu tập bảo vật triều Nguyễn lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia có 2 chiếc quản bút lông, dài 21 cm ,được chế bằng loại ngọc trắng, hình trụ, 2 đầu khắc băng hồi văn chữ S gấp khúc, xung quanh quản bút chạm trổ chi tiết đề tài phong cảnh sơn thủy tùng đình, rồng, mây….

 

Gác bút: đều được chế tạo bằng loại ngọc, gồm 4 chiếc. Đây là những vật dụng dùng để gác bút, tạo tác hình tam sơn.

+ Chiếc thứ nhất: bằng ngọc trắng, chạm trổ 2 phía đề tài rồng mây.

+ Chiếc thứ hai: bằng ngọc trắng, chạm trổ 2 phía đề tài tùng – liễu.

+ Chiếc thứ ba: bằng ngọc trắng, mặt trước chạm trổ cây tùng và chim phượng, mặt sau chạm cây tùng và uyên ương.

+ Chiếc thứ 4: bằng ngọc màu vàng nhạt, chạm trổ phong cảnh sườn núi, có 1 ông già và tiểu đồng dưới cây tùng cổ thụ.

 

 

Nghiên mực: đối với nghiên mài mực của nhà vua không chỉ có loại mài mực Nho mà còn mài son nữa.

Nghiên mài mực đề thơ Ngự chế của vua Thiệu Trị phân biệt rõ: Ngự diên mặc nghiễn (Nghiên mài mực nho) và Ngự diên châu nghiễn (Nghiên mài son).

Nghiên mực trong Cung vua Nguyễn có nhiều kiểu khác nhau:

+ Nghiên bằng ngọc màu trắng xanh, tạo hình khối hộp chữ nhật đặt trong hộp bằng đồng, trang trí hồi văn chữ S gấp khúc. Có khi vỏ hộp khắc bài thơ Ngự chế. (Xem Nguyễn Đình Chiến, 2015, tr 222-223). Trang chí trên mặt nghiên mực khắc Lưỡng long chầu nguyệt,  cá hóa rồng, ngư long hý thủy…

+ Nghiên hộp bằng ngọc màu trắng, tạo hình khối hộp chữ nhật với 2 nửa lắp khớp lại, phía ngoài khắc các bài thơ Ngự chế của vua Thiệu Trị. (Xem Nguyễn Đình Chiến, 2015, tr 224-226). Mặt nghiên khắc ô đựng mực gần hình ô van, xung quanh trang trí cành hoa lá quả đào…

+ Nghiên mực tạo bằng ngọc trắng theo hình quả đào gồm 2 nửa lắp khớp lại, đặt trong vỏ hộp đồng cũng tạo theo hình quả đào.

+ Nghiên mực tạo bằng ngọc màu xanh xám và vàng, theo hình chiếc lá sen, có khắc gân lá. Cùng loại đá ngọc này có chiếc nghiên hình chiếc lá, trên mặt nghiên chạm nổi đề tài ngư long hý thủy.

 

Hộp son: tạo bằng ngọc trắng, hình khối hộp vuông, có nắp, cạnh 4 cm, cao 4 cm. Trên mặt hộp chạm hình chim phượng bay trong mây.

Thủy trì: là đồ vật dùng đựng nước mài mực hay để rửa bút lông mỗi khi viết xong. Trong bộ sưu tập có loại thủy trì tạo bằng vàng và ngọc.

– Thủy trì bằng vàng: tạo tác 3 phần: nắp hình chỏm cầu gắn chóp hình quả đào có cuống lá. Thân tạo hình cầu chạm nổi băng lá đề và chân đế như 1 chiếc kỷ nhỏ, chạm băng cánh sen và  hình 5 con dơi xòe cánh miệng ngậm vòng tròn. (hình 5 con dơi tượng trưng cho ngũ phúc: phú – quý – thọ – khang – ninh). (Xem Nguyễn Đình Chiến, 2015, tr 259).

– Thủy trì bằng ngọc gồm 5 chiếc khác nhau:

+ Chiếc thứ nhất: tạo bằng ngọc trắng, hình trụ có chân đế choãi, miệng chạm nổi hình con dơi xòe cánh, xung quanh thân chạm mây và sóng nước.

+ Chiếc thứ 2: tạo bằng ngọc trắng, hình cầu dẹt có nắp bằng vàng hình chỏm cầu, núm nắp gắn viên đá ngọc, chạm nổi dây lá.

+ Chiếc thứ 3: tạo bằng ngọc trắng, hình quả đào, xung quanh chạm nổi cành lá và một con khỉ bắt bướm rất sinh động.

+ Chiếc thứ 4: tạo bằng ngọc trắng, hình chiếc lá sen uốn, chạm nổi bông hoa và các dải gân lá sen.

+ Chiếc thứ 5: tạo bằng ngọc trắng xanh, dáng chậu thấp có 2 quai hình  con dơi ngậm vòng tròn. Viền miệng khắc băng chữ S gấp khúc. Xung quanh thành ngoài chạm văn hình học.

 

Ống bút: bằng vàng, bạc và ngọc trắng.

– Ống bút tạo bằng vàng và bạc:

+ Chiếc thứ nhất: gồm 2 lớp, lớp bên trong tạo bằng bạc, lớp bọc ngoài bằng vàng, chạm nổi băng lá đề ở phía trên, băng hoa chanh ở phía dưới, chạm nổi hình rồng mây ở khoảng giữa.

+ Chiếc thứ hai: gồm 2 lớp, lớp bên trong hình trụ và chân đế bằng bạc, chân đế chạm băng hồi văn chữ T, lá đề và dải hoa lá. Phần bọc ngoài tạo bằng vàng, phía trên và phía dưới chạm hồi văn, là các ô chữ nhật lồng nhau. Xung quanh thân chạm thủng đề tài ngự long hý thủy xen các hình mây và sóng nước.

+ Chiếc thứ ba: gồm 2 lớp, lớp bên trong hình trụ và chân đế bằng bạc. Chân đế chạm băng vạch chéo tam giác, cánh sen, hoa 4 cánh, hồi văn chữ S gấp khúc. Phần bọc ngoài tạo bằng vàng, phía trên và dưới khắc băng vạch chéo tam giác, xung quanh thân chạm thủng đề tài tứ linh: long – ly – quy – phượng xen kẽ mây và sóng nước.

+ Chiếc thứ tư: tạo bằng bạc có chân đế hình ô van, đúc nổi tượng rồng và rùa đội hộp sách, chầu vào ống đựng bút ở giữa. Ống bút hình trụ, trên to dưới nhỏ, 2 phía chạm nổi chữ Thọ tròn. Đây là ống bút do Hiệu Đắc Bằng tỉnh Nam Định chế tạo vào khoảng đời Khải Định.

– Ống bút  làm bằng ngọc, chỉ có một chiếc, tạo hình trụ, không trang trí.

 

 

Chặn giấy: là loại hình dùng trong thư phòng và cũng được xem như một loại trong bộ văn phòng tứ bảo.

Chặn giấy được tạo bằng bạc hay đá ngọc dưới dạng tượng các loài vật  như nghê, ngựa hay dê.

+ Cặp tượng nghê được đúc bằng bạc, sau đó chạm đục các chi tiết. Nghê có kích thước tương tự nhau, tư thế đứng 4 chân trùng, đầu ngẩng, đuôi xòe, tuy nhỏ nhưng mang thần thái của loại tượng nghê trên các đỉnh đồng thời Nguyễn.

+ Tượng ngựa, dài 9 cm, cao 14 cm, được tạo bằng ngọc màu trắng xanh, tư thế đang phi “đạp mây”, trên lưng ngựa đính 3 ống quyển “ngọc thư”, là 1 tác phẩm thuộc loại quý hiếm.

+ Tượng dê: dài 10,3 cm, cao 7,5 cm, được tạo bằng loại ngọc màu xám, trong và bóng. Dê trong tư thế nằm nghỉ, 4 chân gập, đầu ngoảnh lại lưng.

Trong bộ văn phòng tứ bảo của Cung đình Nguyễn còn phải kể đến những bảo vật khác rất đặc biệt như Tượng rồng vàng, bức trấn phong, đỉnh trầm bằng vàng, các loại kim bảo, ngọc tỷ và ấn quan phòng khác.

 

Tượng rồng vàng đế gỗ: Tượng rồng đứng, đẩu ngẩng, miệng há, thân uốn gấp khúc, xung quanh vây nổi, mây dải hình khánh, chân rồng 5 móng. Trên thân và bụng rồng khắc 4 dòng minh văn chữ Hán: Thiệu Trị nhị niên tạo, bát tuế kim, trọng thập tứ lượng ngũ phân (tạo tác vào năm Thiệu Trị 2 (1842), vàng 8 tuổi, nặng 14 lạng 5 phân).

Như vậy, tượng rồng vàng này chắc chắn đã là một loại bảo vật nằm trong văn phòng của vua Thiệu Trị (xem Nguyễn Đình Chiến, 2015, tr 238).

 

Phiến ngọc: đây là trường hợp rất hiếm gặp trong bộ sưu tập. Phiến ngọc được đặt trong thư phòng nhà vua. Phiến ngọc xanh, hình chữ nhật, dài 30,2 cm, rộng 19cm. Bốn phía có khung diềm cùng chất liệu ngọc xanh, chạm nổi văn kỷ hà. Trên mặt phiến ngọc khắc dây hoa lá và 4 hình dơi, bên trong chạm thủng và 4 chữ Hán nổi theo lối Triện trong ô chữ nhật: “Ngự diên văn bảo” (văn bảo của thư phòng nhà vua). Bức phiến ngọc này chính là một bảo vật đặt trong thư phòng của vua Thiệu Trị. (Xem Nguyễn Đình Chiến, 2015, tr 227).

 

Trấn phong: là loại bình phong nhỏ do các bề tôi cung tiến nhà vua.

+ Trấn phong đời Khải Định: gồm 2 phần thân và chân, thân hình chữ nhật làm bằng bạc, chữ và trang trí dát vàng. Chân tạo 2 cấp, dài 18cm, rộng 11cm, cao 16,5cm. Mặt trước trấn phong trang trí phong cảnh sơn thủy và ba chữ Hán: Lạc thọ đồ theo lối chữ Thảo, thếp vàng. Mặt sau trấn phong có 3 dòng chữ Hán nổi: Sơn hà nhất thống, Khải Định vạn vạn niên chi cửu. Thần Hồng Thanh, thần Ưng Trình cung tiến (Non sông một dải, năm Khải Định 9, 1924. Các bề tôi là Hồng Thanh và Ưng Trình cung tiến). (Xem Nguyễn Đình Chiến, 2015, tr 239).

+ Trấn phong đời Bảo Đại: Tạo hình cuốn thư , bằng bạc dát vàng, dài 21,8cm, rộng 11,6cm. Mặt trước trấn phong , trên trán chạm: Lưỡng long chầu nguyệt. Diềm hai bên chạm hộp sách, nền gấm chữ Vạn và mai điểu, dưới chân là hình đầu rồng chính diện. Trên mặt trấn phong chạm nổi mạ vàng dòng chữ Hán “Thiên tử vạn niên, Bảo Đại thất niên thu, Quý huyện đồng bái tiến”. (Đức vua muôn tuổi, mùa thu năm Bảo Đại 7, 1932. Các quan huyện Quý cùng dâng lên). Có lẽ bức trấn phong này do các quan huyện Quý thuộc Gia Miêu Ngoại trang huyện Hà Trung tỉnh Thanh Hóa ngày nay, dâng tiến vua Bảo Đại khi nhà vua về bái yết sơn lăng. (Xem Nguyễn Đình Chiến, 2015, tr 86).

 

Đỉnh vàng nhỏ dùng đốt trầm cũng là 1 bảo vật đặt trong thư phòng nhà vua. Đỉnh có nắp, chỏm là tượng nghê, xung quanh trổ thủng “bát quái”, xung quanh miệng chạm hồi văn chữ S đầu vuông, thân đỉnh hình cầu dẹt, chạm băng lá đề, 2 quai hình đầu sư tử ngậm vòng, 3 chân kiềng. Chân đế tròn chạm mặt thú cách điệu, dưới đáy khắc minh văn chữ Hán: “ Phụng lễ, Canh Thìn niên tứ nguyệt nhật, Ngân tượng Ty Nguyễn Tận tạo nhất cái lô, trọng bát ngũ tuế kim, nhị thập lượng bát tiền cửu phân”. (Phụng lễ, một ngày tháng tư năm Canh Thìn,1820. Tượng nhân là Nguyễn Tận ở Ty Ngân tượng tạo tác. Đỉnh làm bằng vàng 8 tuổi rưỡi, trọng lượng 20 lạng 8 tiền 9 phân (xem Nguyễn Đình Chiến, 2015, tr 103,250).

 

 

Các kim bảo, ngọc tỷ, quan phòng của vua và thái tử.

Bộ văn phòng tứ bảo của văn nhân thư pháp hay họa sĩ, quan viên thường có các dấu triện tùy thân. Nhưng trong Cung vua hay thái tử còn có nhiều kim bảo, quan phòng đúc bằng vàng, bạc hay ngọc tỷ còn lưu lại đến nay trong sưu tập Bảo vật lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Năm 1815, hoàng tử thứ tư của vua Gia Long là Nguyễn Phúc Đảm được lập làm thái tử, đến ở cung Thanh Hòa để dự phần xét đoán chính sự và làm quen với việc nước. Năm sau, vua Gia Long ban cho kim bảo Hoàng Thái tử bảo, bằng vàng, cao 8cm, cạnh 11,45cm. Hoàng Thái tử Nguyễn Phúc Đảm còn được ban 2 ấn Thủ tín nhỏ bằng bạc: Hoàng Thái tử Thủ tín vào năm Canh Thìn, 1820. (Xem Nguyễn Đình Chiến, Phạm Quốc Quân và Nguyễn Công Việt, 2009, tr 123 -125).

Đầu đời vua Minh Mệnh, Nguyễn Miên Tông được xuất các và đến ở Chí Thiện đường để học. Năm Canh Dần, 1830 ông được phong là Trường Khánh Công. Ông được vua ban kim ấn  Trường Khánh công ấn bằng bạc, mạ vàng.

Vua Minh Mệnh có 2 kim bảo bằng vàng, cùng đúc vào tháng 9 năm 1838, là Tề Gia chi bảoNhật Nguyệt. (Xem Nguyễn Đình Chiến, Phạm Quốc Quân và Nguyễn Công Việt, 2009, tr135).

Năm 1843, Hoàng tử Hồng Nhậm khi được phong là Phúc Tuy Công đã được vua Thiệu Trị ban cho kim ấn Phúc Tuy quan phòng bằng bạc và Phúc Tuy công ấn bằng vàng. (Xem Nguyễn Đình Chiến, Phạm Quốc Quân và Nguyễn Công Việt, 2009, tr 26,138).

Vua Thiệu Trị có kim bảo và ngọc tỷ riêng. Đó là kim bảo Thần hàn chi tỷ bằng vàng, đúc vào năm 1841 nhưng nay không còn. Nay chỉ còn ngọc tỷ Thần hàn chi tỷ (Văn từ ở cung vua Thiệu Trị) khắc tạo vào năm 1844.

Vua Tự Đức có 2 ngọc tỷ cùng khắc vào năm 1848 là Tự Đức thần khuê Tự Đức thần hàn.

Nguyễn Phúc Biện tức Nguyễn Phúc Ưng Đường (sau này là vua Đồng Khánh) được vua Tự Đức nhận làm con nuôi. Năm Kỷ Mão 1879, Ưng Đường được vua chuẩn làm Thái Tử, cho ra ở Chính Mông đường để học hành. Vua Tự Đức ban cho Ưng Đường kim bảo: Mông dĩ dưỡng chính thánh công dã bằng vàng và kim bảo Chính Mông bằng bạc.

Năm 1916, Khải Định mới lên ngôi vua đã cho đúc kim bảo Khải Định thần hàn và khắc bảo ấn ngà Khải Định thần khuê.

Năm 1926, khi Bảo Đại mới lên ngôi vua đã cho đúc kim bảo Bảo Đại thần hàn.

Năm 1939, khi Nguyễn Phúc Bảo Long lên 3 tuổi được Triều thần và phủ Tôn nhân làm lễ tấn phong Hoàng Thái tử tại điện Kiến Trung. Trong ngày lễ phong này, Bảo Long đã được nhà vua ban tặng Kim sách và kim bảo: Hoàng Thái tử bảo, đúc bằng vàng, nặng 63 lạng. (Xem Nguyễn Đình Chiến, Phạm Quốc Quân và Nguyễn Công Việt, 2009, tr 35,154,155).

Như vậy, các loại bảo vật thuộc văn phòng tứ bảo trong Cung vua Nguyễn rất phong phú và đa dạng về loại hình và chất liệu là vàng, bạc, ngọc, ngà. Trong số này, chỉ có một số nghiên mực chế bằng ngọc khắc minh văn thơ Ngự chế của vua Thiệu Trị, một số kim bảo, quan phòng và ngọc tỷ khắc niên hiệu nhà vua, đa số các vật dụng khác đều chưa xác định được chủ nhân cụ thể. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho việc nghiên cứu tiếp theo nhằm làm rõ hơn các giá trị phi vật thể liên quan đến các bảo vật triều Nguyễn hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

 

Tác giả : Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến, Ths. Đinh Ngọc Triển

Tài liệu tham khảo:

–       Nguyễn Đình Chiến, Phạm Quốc Quân và Nguyễn Công Việt, 2009. Kim ngọc bảo tỷ của Hoàng đế và Vương hậu triều Nguyễn Việt Nam. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam xb.

–       Nguyễn Đình Chiến (Chủ nhiệm đề tài), 2015. Giải mã minh văn trên các bảo vật triều Nguyễn lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.