Tại Tây phương, khi nghệ thuật vươn đến sự hoàn mỹ và hài hòa cao độ trong thời kỳ Phục Hưng, thì trung tâm của nó nằm tại Rome, thành phố của các Giáo hoàng, các nhà thờ, cung điện, và các bức họa.

 

Người xưa tin rằng, mỗi nền văn hóa đều là một món quà quý giá mà thiên thượng truyền xuống cho nhân loại, mỗi nền văn minh đều khởi đầu nhờ sự dẫn dắt của chư Thần. Trong loạt bài viết tìm hiểu về nghệ thuật Phục Hưng, tác giả muốn giới thiệu tới độc giả nền văn hóa phương Tây ở thời kỳ đỉnh cao của nó – Thời kỳ Phục Hưng.

 

Bức tượng “The Dead Icarus”, 1743, miêu tả cậu thanh niên Icarus xấu số (Bảo tàng Louvre)

 

Xuất hiện trong Thần thoại Hy Lạp từ hơn 2000 năm về trước, câu chuyện về cậu bé Icarus hay “Đôi cánh Icarus” dùng để chỉ những người nuôi mộng tưởng vượt quá khả năng của bản thân mình. Câu chuyện về Icarus diễn ra như sau:

Icarus là con của nghệ nhân Hy Lạp tài ba, Daedalus, một nhà phát minh điêu luyện. Năng lực sáng tạo của Daedalus vượt xa người thường. Ví dụ như, ông có thể thiết kế những pho tượng giống thật đến nỗi chúng sẽ đổ mồ hôi dưới ánh mặt trời nóng bỏng. Daedalus cũng chính là tác giả của mê cung Labyrinth dùng để nhốt con quái vật Minotaur trong truyền thuyết. Với các hành lang mê hoặc không đầu không cuối, Labyrinth phức tạp đến nỗi bất cứ ai lọt vào đây cũng đừng mong thoát nổi.

 

Họa tiết trang trí trên đồ cổ, miêu tả cảnh người anh hùng Theseus giết quái vật Minotaur, với sự giúp sức của nữ thần trí tuệ Athena, người bảo vệ cho thủ đô Athens của Hy Lạp.

Theo lệnh của vua Minos, Minotaur được nhốt vào Labyrinth sau khi mê cung hoàn thành, và hàng năm, kinh thành Athen sẽ phải cống nạp những người trẻ tuổi làm thức ăn cho con quái vật. Không đang tâm đứng nhìn cảnh những người con của Athen phải từ biệt thân nhân, người anh hùng Theseus đã quyết tâm tiêu diệt con thú thân người đầu bò. Nhờ nữ thần trí tuệ Athena phù hộ, cùng với sự giúp đỡ của Daedalus và con gái vua Minos là Pasiphae, Theseus đã dùng một cuộn chỉ để đánh dấu đường vào Labyrinth. Sau khi thành công giết chết Minotaur, người anh hùng thoát ra ngoài và chạy trốn về Athen cùng nàng Pasiphae sau khi nổi lửa đốt hoàng cung của vua Minos.

Mất con gái, hoàng cung bị hỏa hoạn, vua Minos nổi trận lôi đình. Nhà vua biết rằng chỉ có người thông minh như Daedalus mới có thể hóa giải Labyrinth, vậy nên ông quyết định bắt nhốt Daedalus và con trai Icarus vào chính mê cung chết người này. Là người sáng tạo ra Labyrinth, Daedalus biết bản thân ông cũng không tài nào thoát ra ngoài, nhưng nghệ nhân tài ba lại có một ý tưởng táo bạo khác: trời cao. Sử dụng sáp ong và lông chim thu gom được từ mê cung, Daedalus bắt đầu chế tạo một đôi cánh giúp con người có thể bay được, và ông đã thành công.

 

Bức “Dedalo e Icaro”, 1869, miêu tả cảnh Daedalus đang trang bị đôi cánh cho con trai Icarus (Họa sĩ: Frederic Leighton)

 

Hài lòng với sáng chế của mình, Daedalus trang bị cho con trai Icarus một đôi cánh tương tự. Trước khi cất cánh bay khỏi mê cung Labyrinth, ông dặn con rằng phải vô cùng thận trọng với đôi cánh này. Cả hai không được bay quá thấp vì hơi nước ở biển sẽ khiến những chiếc lông bị ướt, nhưng họ cũng không được bay quá cao, vì ánh mặt trời nóng bỏng sẽ làm sáp ong bị chảy. Cậu bé Icarus theo cha thoát khỏi Labyrinth, bay qua những hòn đảo Samos, Delos và Lebynthos. Nhưng càng bay, Icarus càng yêu thích và choáng ngợp trước những cảnh tượng mình thấy, bởi vì bấy lâu nay, cậu vẫn nghĩ rằng chỉ có các vị Thần là có thể bay được.

 

Bức “The Fall of Icarus”, 1819, miêu tả cảnh Icarus bị rơi từ trên không sau khi tiếp cận Thần mặt trời Helios (Họa sĩ: Merry Joseph Blondel).

 

Quên mất lời dặn của cha, Icarus đã hào hứng đuổi theo vị Thần mặt trời Helios, người đang đánh cỗ xe ngựa nóng rực băng qua khoảng không. Thế là sáp ong trên đôi cánh của Icarus bắt đầu tan chảy. Bừng tỉnh khi đã quá muộn, Icarus rơi thẳng từ trên bầu trời xuống dưới biển trước cái nhìn bất lực của Daedalus. Dù than khóc tiếc nuối cho số phận của con trai, Daedalus vẫn không còn cách nào khác là phải tiếp tục cuộc hành trình.

 

Bức “Landscape with the fall of Icarus”, thế kỷ 16-17, miêu tả quang cảnh nơi Icarus gặp nạn (Họa sĩ: Joos de Momper, bảo tàng quốc gia Thụy Điển).

Cuối cùng, người nghệ nhân dừng chân tại Sicily, Ý, một đảo thuộc biển Địa Trung Hải ngày nay. Tại đó, Daedalus xây dựng một ngôi đền thờ Thần ánh sáng Apollo, và để lại đôi cánh mà ông tạo ra tại đây như một cống phẩm tới các vị Thần trên đỉnh Olympus.

 

(Còn tiếp)

Tác giả: Quang Minh

Nguồn: TRITHUCVN

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.