(tiếp phần I)
CÁC GIẢI THƯỞNG
Vốn từ xưa, các triển lãm chính thống cũng có trao các giải thưởng, nhưng sau đó việc này gây ra tranh cãi gay gắt, chẳng ai chịu ai. Một số Salon ly khai như Salon des Refusés, Salon des Indépendants hay Salon d’Automne đã quyết định không trao giải thưởng nữa. Lúc bấy giờ Nhà nước Pháp bèn quyết định trao giải thưởng cấp quốc gia theo phương thức tuyển chọn tác phẩm ưu tú từ các triển lãm lớn, chất lượng cao hoặc theo phương thức thi tuyển trực tiếp. Sau đây là 3 giải lớn nhất với tầm ảnh hưởng rộng nhất:

Quang cảnh Salon năm 1753 bày tại cung điện Louvre, tranh khắc đồng của họa sĩ Gabriel de Saint Aubin.

1. Giải thưởng Triển lãm Nghệ sĩ Pháp (Prix du Salon des Artistes Francais)
– Còn gọi là Giải thưởng Salon (Prix du Salon), lập ra từ 1874, mỗi kỳ chỉ tặng cho 1 họa sĩ (hoặc 1 nhà điêu khắc, từ 1877) dưới 32 tuổi (sau 1953 bỏ giới hạn tuổi).

– Điều kiện đoạt giải: có tác phẩm tham gia bày tại Salon des Artistes Francais, Salon de la Société Nationale des Beaux-Arts hay Salon d’Automne hoặc Salon des Tuileries. Từ 1897, Giải thưởng Salon chính thức trở thành Prix National (Giải thưởng Quốc gia). Giải thưởng này về sau còn có các mức thấp hơn là Huy chương hạng Nhất, Nhì, Ba.

2. Giải thưởng La Mã (Prix de Rome et la villa Médicis)
– Còn gọi là giải Khôi nguyên La Mã, là giải thưởng Mỹ thuật cao quý nhất, được khao khát nhất với hầu hết các họa sĩ, điêu khắc, đồ họa và kiến trúc sư Pháp hoặc thuộc khối Pháp ngữ (sau 1803 thêm nhạc sĩ). Lập ra từ 1663, giải này do Viện Hàn lâm Hoàng gia Pháp trao.

– Điều kiện đoạt giải: từ khởi đầu đến 1967 là thi tuyển trực tiếp (sau 1968 tuyển chọn qua hồ sơ và thời gian du học chỉ từ 6 đến 18 tháng). Giải không trao hiện kim mà cho 4 năm du học tại Roma, nội trú miễn phí tại biệt thự Médicis – chi nhánh Viện Hàn lâm Pháp tại thủ đô Ý, được thiết lập từ 1666 – bởi thế giải có tên như trên (dù không dính dáng đến các triển lãm Salon nhưng giải này lại mang tầm cỡ Mỹ thuật quốc gia nên chúng tôi đưa vào đây để tham khảo).

– Thấp hơn có bậc Premier Grand prix (Giải thưởng Lớn hạng Nhất) và Second Grand prix (Giải thưởng Lớn hạng Nhì), cuối cùng là Mention Honorable (Giải Danh dự).

– Người Việt Nam duy nhất đoạt giải Khôi nguyên La Mã là kiến trúc sư Ngô Viết Thụ (1926-2000) năm 1955. Ông sang du học tại Roma, nội trú ở biệt thự Médicis từ 1955 đến 1958. Trở về Sài Gòn, ông thiết kế Dinh Độc Lập, nay là Hội trường Thống Nhất.

3. Giải thưởng Casa Vélazquez (Le concours de la Casa Vélazquez)
– Là giải thưởng của Viện Hàn lâm Mỹ thuật Pháp (Académie des Beaux-Arts Francais). Người đoạt giải sẽ du học và cư ngụ tại điện Velazquez ở thủ đô Madrid – Tây Ban Nha. Giải này còn tồn tại đến nay.

Một số tác phẩm bày tại Salon 1868 tại điện Elysées – Paris (chú ý cách bày tranh sát nhau quá).

 

 

SƠ BỘ NHẬN XÉT VỀ CÁC TRIỂN LÃM MỸ THUẬT TOÀN QUỐC CỦA PHÁP
1. Xuất hiện sớm nhất trong lịch sử các Triển lãm mỹ thuật toàn quốc trên thế giới và là một loại hình mẫu cho cả thế giới mỹ thuật.

2. Nhiều lần thay đổi mô hình do sức ép của chính trị và xã hội. Cũng có khi cùng lúc song song nhiều kiểu triển lãm tầm cỡ quốc gia, chính thống hoặc ly khai.

3. Khởi đầu không có duyệt, do số tranh ít nên tác giả đưa đến là được treo. Về sau khi nghệ thuật phát triển, số lượng tranh đưa đến tăng lên chóng mặt thì Ban Giám khảo ra đời để duyệt chọn và loại bớt số tranh không đạt yêu cầu. Việc duyệt tranh là cần thiết để đảm bảo chất lượng, hạn chế số lượng. Nhưng khi việc duyệt lâm vào trì trệ và bảo thủ thì lập tức nảy sinh hình thức salon ly khai.

4. Nhờ có các triển lãm tầm cỡ này mà các từ gốc Pháp như salon hay galerie thành từ phổ biến toàn thế giới.

5. Nước Pháp từng là nơi mà nghệ thuật rất phát triển, số lượng họa sĩ đông đảo nên các định kỳ triển lãm rất sát, thường chỉ cách nhau từ 1 đến 2 năm. Và dù cho cùng lúc có thể tồn tại nhiều kiểu salon lớn thì các salon này vẫn luôn đầy tranh mới, với những đua tranh đầy hấp dẫn vì số lượng đông, phong phú về trường phái, đa dạng về kiểu cách và kỹ thuật, luôn mới mẻ về quan điểm nghệ thuật (chỉ bắt đầu có vẻ trì trệ từ cuối thế kỷ XX).

Khán giả đang xem trong Salon quốc tế Hội họa và Điêu khắc Vittel lần thứ 28 năm 2010.

6. Theo quy luật thị trường, các salon tồn tại hay tan rã đều mang tính tất yếu hợp lý. Nhà nước ngừng bao cấp về tổ chức và kinh phí từ 1881 nhưng vẫn đảm bảo các giải thưởng tầm cỡ quốc gia với trị giá rất hấp dẫn.

7. Dù nhà nước có bao cấp hay không thì mọi hoạt động mỹ thuật ở Pháp cũng đã từng luôn nhộn nhịp suốt từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX do có cơ chế thị trường của một cường quốc tư bản và đế quốc. Đầu ra cho mỹ thuật Pháp vì vậy luôn được khích lệ từ tầng cao nhất (giải thưởng quốc gia) đến thấp nhất (tranh chợ) do luôn đông đảo khán giả và khách hàng, ở mọi tầng lớp, đến từ khắp các nước. Do đã tư bản hóa nhiều thế kỷ, ở Pháp và các nước Âu-Mỹ đã hình thành các giai cấp tư sản, tiểu tư sản, trí thức, công nhân kỹ thuật lành nghề đông đảo với túi tiền rủng rỉnh và trình độ văn hóa-nghệ thuật cao, chính họ đảm bảo lượng công chúng và đầu ra dồi dào và ổn định cho Mỹ thuật, dù phải cạnh tranh quyết liệt nhưng khá lành mạnh và đúng quy luật.

Giấy mời dự khai mạc Salon 2012 của Hội Mỹ thuật quốc gia Pháp (dưới sự bảo trợ của Tổng thống Pháp Francois Hollande) ngày 12. 12. 2012 tại Louvre Carrousel.

Giấy mời dự Khai mạc Salon Nghệ thuật lần thứ 55 tại tòa Thị chính thị trấn Garches – Pháp, ngày 19. 11. 2012.

8. Với quyết định quốc tế hóa các triển lãm và giải thưởng mỹ thuật, các lãnh tụ quốc gia và lãnh đạo văn hóa Pháp đã tỏ ra rất sáng suốt. Nhờ đó mà Mỹ thuật Pháp đã có thể thu hút và bao quát được nhiều tinh hoa của nhiều nền văn minh khác để trở nên giàu có mà vẫn không mất bản sắc. Trên cơ sở đó, Paris trở thành thủ đô của mỹ thuật thế giới suốt từ nửa cuối TK XVII đến tận nửa đầu TK XX. Nhiều họa sĩ từ khắp 5 châu 4 biển đã phải tới Pháp lập nghiệp và thành danh như Picasso (Tây Ban Nha), Modigliani (Ý), Brancusi (Rumani), Marc Chagall (Do Thái Nga), Foujita (Nhật), Zao Wu Ki (TQ), Lê Phổ, Lê Bá Đảng, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm (Việt Nam)… Nhiều cơ sở và thiết chế nghệ thuật Pháp vẫn còn là điểm đến hấp dẫn với toàn thế giới như Bảo tàng Louvre, Bảo tàng d’Orsay, Giải Khôi nguyên La Mã…

9. Không miễn phí như ở ta, khán giả Pháp đều phải mua vé mới được vào xem các triển lãm mỹ thuật lớn (xem các catalogue và poster của Salon d’Automne hồi đầu TK XX ). Chuyện này là rất bình thường và tất nhiên với người Pháp và Âu-Mỹ, nhưng là chuyện động trời, đã thế khỏi thèm xem với đa số người Việt ta (do khác biệt về trình độ và nhu cầu). Chúng tôi từng nhiều lần há hốc mồm, trợn mắt khi chứng kiến: vé đắt là thế mà dân Pháp, Đức, Hà Lan vẫn xếp hàng rồng rắn hàng tiếng đồng hồ để vào xem cho bằng được các triển lãm lớn hay bảo tàng quốc gia của họ. Có lần bị xếp cuối hàng ở đó, người viết từng buột miệng rủa thầm: “Đồ chết dẫm chúng mày! Sao không sang nước tao mà xem cho nhàn?

10. Cuối TK XX Pháp thua ta về tổng dân số (Pháp 56 triệu, Việt Nam 80 triệu) nhưng vẫn còn là thị trường mỹ thuật lớn, có đông đảo họa sĩ sống và hành nghề dù phải cạnh tranh rất vất vả. Thống kê năm 1989 cho biết khu vực Paris và vùng phụ cận có khoảng 30.000 đến 40.000 họa sĩ sống và hành nghề họa sĩ tự do. Trong số đó có chừng 200 người thực sự giàu có vì nghề, 2000 người đạt mức sống ổn định trung bình. Số còn lại rất vất vả, phải chạy đủ các nghề khác để nuôi nghề vẽ mà vẫn không đủ ăn đều đặn nhưng vẫn còn hy vọng giữ nghề.

 

Tác giả :  họa sĩ Nguyễn Đức Hòa

Nguồn : soi.com.vn

GHI CHÚ: Phần MTTQ của Pháp được tổng hợp từ 3 nguồn tư liệu: 

1. Từ điển Hội họa (tiếng Pháp), NXB Larousse, Paris 1996. 

2. Bài báo « Cơ cấu tổ chức Hội hoạ Pháp và Giải thưởng Hội họa Đông Dương » của nhà nghiên cứu Việt kiều Ngô Kim Khôi, đăng trên đặc san Thông tin Mỹ thuật số 13-14/2006 của trường Đại học MTTPHCM.

3. Tài liệu về các Salon của Pháp trên mạng.

*

(Kỳ sau: Liên hệ các triển lãm mỹ thuật toàn quốc ở ta)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.