I. MÔ HÌNH, QUY CHẾ, PHƯƠNG THỨC, TỔ CHỨC, QUY MÔ

1. Lần đầu xuất hiện
: 1667, dưới thời vua Louis XIV (đỉnh cao của chế độ phong kiến Pháp), là triển lãm mỹ thuật chính thức của Viện Hàn lâm Pháp tại Paris.

“Treo tranh bằng thang gấp tại Salon năm 1699”, tranh khắc đồng của hoạ sĩ B.Perat

2. Tên chính thức: rất nhiều, do có rất nhiều kiểu mỹ thuật toàn quốc của Pháp, nhưng vì việc treo tranh thông thường ở trong phòng khách sang trọng mà tiếng Pháp gọi là salon nên người Pháp tiện thể gọi triển lãm là salon. Kể từ 1725, khi được bày tại Salon Carré (phòng Vuông) trong cung điện Louvre của vua Pháp, triển lãm này được chính thức đặt tên với chữ Salon (đọc là Xa-lông) mở đầu. Sau đó, điều này trở thành thói quen nên cứ triển lãm lớn, tầm cỡ quốc gia thì người Pháp gọi là Salon…

3. Nhiều lần thay đổi mô hình: do có lịch sử quá lâu dài, đương nhiên phải chịu sự tác động của những lần thay đổi thể chế chính trị long trời lở đất (như Cách mạng Tư sản Pháp 1789, Đế chế Napoleon I- 1804, Đế chế Napoleon III- 1852) hay các cuộc đại chiến như Chiến tranh Pháp-Phổ (1870-1871), Đại chiến thế giới I (1914-1918), Đại chiến thế giới II (1939-1945) nên việc triển lãm kiểu mỹ thuật toàn quốc của Pháp phải thay đổi mô hình là tất yếu, và không chỉ một lần. Nhân đây xin lưu ý: các triển lãm kiểu mỹ thuật toàn quốc của Pháp có lịch sử lâu đời nhất trên thế giới và là hình mẫu của tất cả các triển lãm kiểu mỹ thuật toàn quốc của các nước, không phân biệt chế độ chính trị.

II. TIẾN TRÌNH VÀ CÁC MÔ HÌNH TRIỂN LÃM MTTQ CỦA PHÁP
Đã từng có tới hơn 10 loại triển lãm kiểu mỹ thuật toàn quốc xuất hiện và tồn tại ở Pháp, có khi kế tiếp, có khi song song với nhau, có cái đã chấm dứt, có cái vẫn tồn tại đến ngày nay. Chúng tôi xin lần lượt tóm tắt 10 loại mỹ thuật toàn quốc nổi bật nhất của Pháp:

1. Salon de l’Académie Royale des Beaux-Arts (triển lãm của Viện Hàn lâm Mỹ thuật Hoàng gia)

– Năm 1663, vua Pháp Louis XIV ra quyết định tổ chức triển lãm mỹ thuật công khai, định kỳ bày mỗi năm 1 lần vào tháng Tư, cho các họa sĩ và nhà điêu khắc là thành viên của Viện Hàn lâm Hoàng gia Hội họa và Điêu khắc (Académie Royale de Peinture et de Sculpture) nhưng việc này không hề đơn giản. Đến năm 1666, Bộ trưởng Colbert quyết định sẽ tổ chức triển lãm 2 năm/lần. Mãi đến ngày 23. 4. 1667, triều đình Pháp mới tổ chức được cuộc triển lãm đầu tiên tại Viện Hàn lâm Hoàng gia. Như vậy thì ta có thể đoán đã có các triển lãm 1669, 1671, 1673, 1675… Sau đó, vì thấy quá tốn kém nên triển lãm chỉ được mở lác đác vào các năm 1699, 1704. Thậm chí triển lãm 1706 chỉ được bày có 1 ngày! Mãi đến 1740 thì Salon mới định kỳ hàng năm, thậm chí 6 tháng nếu là năm lẻ. Việc định kỳ này kéo dài đến 1890.

– Từ 1699, vua Louis XIV cho bày triển lãm, có phát catalogue (có lẽ để tiện việc mua bán) tại Hành lang lớn của cung điện Louvre, mà từ hành lang trong tiếng Pháp là galerie, nên sau đó các quý tộc cũng bắt chước bày tranh tại hành lang để xem và mua bán. Kể từ đó hình thức này nhân rộng ra khắp thế giới đến nỗi hễ mở cửa hàng bán tranh là người ta lại dùng từ Galerie (tiếng Pháp) hay Gallery (tiếng Anh).

– Từ 1667 đến 1788 Salon chỉ dành cho các thành viên của Viện Hàn lâm Hoàng gia Hội họa và Điêu khắc (Académie Royale de Peinture et de Sculpture) và Trường Mỹ thuật (Ecole des Beaux-Arts).

– Cho đến nửa đầu thế kỷ XVIII, mỗi triển lãm chỉ thường bày tranh lưa thưa. Nhưng từ nửa sau thế kỷ XVIII số lượng tranh tăng nhanh dần: 220 tranh năm 1763, 432 tranh năm 1765, 800 tranh năm 1791… Từ sau năm 1863, mỗi kỳ Salon có khoảng 2000 tranh tượng được bày. Riêng năm 1870, số lượng tác phẩm lên đến kỷ lục 5409!

– Từ khởi đầu đến 1747, các tác giả được tùy ý mang tranh đến bày, không phải duyệt. Nhưng từ 1748 bắt đầu có một hội đồng của Viện Hàn lâm chịu trách nhiệm kiểm tra tác phẩm về mặt đạo đức và sự bảo đảm kế thừa truyền thống. Đến kỳ 1798, do có quá nhiều tác phẩm gửi đến nên Salon phải lập ra Ban Giám khảo (Jury) gồm 5 người để duyệt chọn tranh tượng bằng cách bỏ phiếu. Kết quả là năm 1863 có 5000 tác phẩm gửi đến thì có hơn 3000 chiếc bị loại.

“Triển lãm tại Cung điện Louvre năm 1787”, tranh khắc đồng của Pietro Antonio Martini.

 

2. Salon de Peinture et de Sculpture (Triển lãm Hội họa và Điêu khắc)

– Đây là tên được đổi cho hợp thời sau Cách mạng Tư sản Pháp lần thứ nhất 1789.

– Từ 1791, do thay đổi chế độ, nên Salon mở rộng cửa bày tranh của tất cả các nghệ sĩ Pháp (chứ không chỉ ưu tiên các thành viên Viện Hàn lâm và các giáo sư trường Mỹ thuật). Chẳng những thế, tiếp sau đó, các họa sĩ nước ngoài (chủ yếu Âu-Mỹ) cũng được phép tham gia. Việc này đã quốc tế hóa triển lãm mỹ thuật toàn quốc của Pháp và nâng nó lên tầm quốc tế (trong khi mới chỉ có vài nước khác bắt đầu có triển lãm mỹ thuật toàn quốc, thậm chí phần lớn các nước châu Âu hồi ấy chưa kịp hoạch định nền văn hóa nên chưa kịp cho ra đời triển lãm mỹ thuật toàn quốc của họ).

– Suốt từ 1789 đến khi Napoleon thất trận 1814, trường phái Tân Cổ điển thống trị triển lãm với các tên tuổi David, Gros, Gerard…

“Đại quận công Constantin thăm Salon Hội họa và Điêu khắc năm 1857” (trong triển lãm này có cả tranh phong cảnh biển của Aivazovski – Nga) – Tranh khắc đồng.

 

3. Salon de l’Académie Royal (Triển lãm của Viện Hàn lâm Hoàng gia)

– Đây là tên lại được đổi cho hợp thời sau khi Đế chế của Napoleon sụp đổ, dòng vua Pháp trở lại cầm quyền, gọi là thời Cải cách. Tất nhiên tên này chỉ hiện diện trong thời hạn của Cải cách và nền quân chủ Louis Philippe I mà thôi (1815-1848).

– Đây là thời cạnh tranh nổi bật của 2 trường phái Tân Cổ điển với chủ soái Ingre và Lãng mạn với chủ soái Delacroix trong suốt các kỳ triển lãm.

“Khai mạc triển lãm tại Salon năm 1824”, tranh sơn dầu của Francois-Joseph Heim.

4. Salon de Peinture et de Sculpture (Triển lãm Hội họa và Điêu khắc)

– Đây là tên lặp lại lần thứ 2, sau cuộc Cách mạng Tư sản Pháp lần thứ 3 (từ 1848 đến 1880, tên lần trước tồn tại từ sau 1789 đến 1814).

– Triển lãm trở thành một sự kiện văn hóa lớn không những của quốc gia mà còn của cả châu Âu. Đêm khai mạc trở thành dịp lễ hội lớn, các đại biểu mang vé mời đến dự, có tiệc khai mạc).

– Từ 1849 bắt đầu việc trao huy chương cho các tác phẩm đoạt giải.

– Tuy nhiên, bắt đầu từ đây, ban Giám khảo dần dần trì trệ, không theo kịp thời cuộc, không chấp nhận sự xuất hiện của họa phái Ấn tượng.

“Một góc Salon năm 1880”, tranh sơn dầu của Edouard Joseph Dantan.

5. Salon des Artistes Francais (Triển lãm của các Nghệ sĩ Pháp)

– Từ 1881 Bộ trưởng Giáo dục và Mỹ thuật Pháp Jules Ferry ra quyết định: Chính phủ ngừng bảo trợ các triển lãm nghệ thuật, theo đó Viện Hàn lâm không đứng ra tổ chức triển lãm nữa. Thay vào đó, Hội Nghệ sĩ Pháp (Société des Artistes Francais) với một ủy ban gồm 90 thành viên hàng năm đứng ra tổ chức triển lãm. Kể từ đây, triển lãm đổi tên thành Triển lãm của các Nghệ sĩ Pháp. Tuy nhiên triển lãm vẫn diễn ra đều đặn, không có đột biến gì lớn.

– Sau 1940, các triển lãm của Hội Nghệ sĩ Pháp vẫn tổ chức tại Grand Palais (Cung điện lớn) nhưng ngày càng chìm lắng do sự cạnh tranh của vô số các triển lãm tự do khác.

Ban giám khảo biểu quyết chấm tác phẩm tại Salon của các nghệ sĩ Pháp năm 1903.

6. Salon des Refusés (Triển lãm các tác phẩm bị từ chối – tức là bị loại)

– Năm 1863, ban Giám khảo của Salon de Peinture et de Sculpture loại bỏ thẳng thừng hơn 3000 tranh mà họ cho là yếu kém, trong đó có nhiều bức vẽ theo kiểu Ấn tượng của các họa sĩ trẻ. Các tác giả bị loại bèn tập hợp lại để khiếu nại. Đặc biệt trong số họ có họa sĩ Manet là con trai của Bộ trưởng Bộ Giao thông. Hoàng đế Napoleon III bèn ra lệnh làm triển lãm riêng cho các bức tranh bị loại (bằng tiền nhà nước) nhằm “… để cho công chúng quyền phán đoán tính hợp pháp của mọi sự khiếu nại…”.

Tranh sơn dầu “Bữa điểm tâm trên cỏ” của E. Manet đã bị ban giám khảo loại ra khỏi Salon 1863 và sau đó là tác phẩm chính của Triển lãm các tác phẩm bị từ chối năm 1863.

– Kể từ triển lãm này, trường phái Ấn tượng dần dần hình thành (chính thức định danh từ 1874) với các danh họa Manet, Monet, Degas, Renoir, Pissaro, Sisley, Cezanne, Gauguin… Một cách nôm na, ta có thể coi đây là Triển lãm Toàn quốc của các họa sĩ Trẻ – vẽ ngoài luồng tranh cổ điển Pháp.

Vựng tập Hội họa – Điêu khắc – Đồ họa – In đá và Kiến trúc của triển lãm Các tác phẩm bị từ chối, năm 1863, giá 75 xu.

– Các Salon des Refusés tiếp tục được tổ chức vào các năm 1874, 1875, 1886… Nhưng từ 1881, Chính phủ không còn bảo trợ cho triển lãm này nữa (cũng như với Salon des Artistes Francais).

7. Salon des Indépendants (Triển lãm của các Nghệ sĩ Độc lập)

– Năm 1884, một tập hợp các họa sĩ bất mãn với Salon chính thống đã thành lập Société des Artistes Indépendants (Hội các Nghệ sĩ Độc lập).

– Ngày 1. 12. 1884, Salon des Indépendants được khai mạc. Trong số các tác giả có các danh họa Seurat, Signac, Odilon Redon, Valtat, Toulouse Lautrec, Matisse, Van Gogh… Ban lãnh đạo triển lãm này nêu tiêu chí: “Không cần giám khảo và không trao giải thưởng”.

– Tại đây xuất hiện các trường phái Tượng trưng, Nabis…

– Hội Nghệ sĩ Độc lập vẫn còn hoạt động đến ngày nay và vẫn tổ chức triển lãm hàng năm.

Vựng tập của Salon Mùa thu năm 1903, giá 1 Franc.

8. Salon de la Société nationale des Beaux-Arts (Triển lãm của Hội Mỹ thuật quốc gia Pháp)

– Năm 1889, một nhóm thành viên của Hội Nghệ sĩ Pháp do bất đồng đã tách ra thành lập Hội Mỹ thuật Quốc gia Pháp, do họa sĩ Puvis de Chavannes và nhà điêu khắc Auguste Rodin… cầm đầu. Họ tổ chức triển lãm ở Quảng trường Champ de Mars (gần tháp Eiffel).

– Tuy nhiên, từ 1900, 2 Hội lại hàn gắn rạn nứt, bắt tay cùng làm triển lãm chung tại Grand Palais (Cung điện lớn).

– 1940 Societé nationale des B.A (Hội MTQG Pháp) tan rã và giải thể.

9. Salon d’Automne (Triển lãm mùa Thu)

– Ngày 31. 10. 1903, Salon d’Automne khai mạc tại Petit Palais (Cung điện nhỏ) dưới sự khởi xướng của kiến trúc sư F. Jourdain. Mục đích của Salon: mở đường cho các họa sĩ trẻ và “…mang trường phái Ấn tượng hòa nhập vào tâm hồn dân chúng”.

 

– Salon chọn mùa Thu để đối lập với hai Salon chính thống lúc bấy giờ là Salon của Hội Nghệ sĩ Pháp và Salon của Hội Mỹ thuật Quốc gia Pháp đều khai mạc vào mùa xuân.

– 1904 Salon d’Automne thành công rực rỡ trong đợt triển lãm tại Grand Palais (Cung điện lớn) với 33 tác phẩm của Cezanne, 35 tác phẩm của Renoir và 62 tác phẩm của Redon.

– 1905 Salon tổ chức thành công triển lãm ra mắt của trường phái Dã thú.

– 1907 Salon trưng bày các tranh Lập thể thời kỳ đầu của Picasso và Braque.

 

Áp phích Salon Mùa thu năm 1937, vé vào cửa 5 franc, vé buổi khai mạc ngày 29 tháng 10 giá 20 franc.

Một sự kiện liên quan đến Việt Nam: Trước ngày khai mạc Salon d’Automne 7. 11. 1951, chính phủ Pháp đã bắt hạ và cất khá nhiều tranh phản chiến của các họa sĩ Pháp với nội dung phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ 2. Nhiều tác giả và khán giả đã tập hợp chữ ký để kiến nghị được bày lại tranh. Từ Chiến khu Việt Bắc, Hội Văn nghệ Việt Nam đã gửi điện ủng hộ hành động vì hòa bình của các họa sĩ Pháp (báo Văn nghệ, số 34, ngày 15. 12. 1951, NXB Hội nhà Văn tập hợp và tái bản năm 2003).

– Salon d’Automne vẫn còn hoạt động cho đến tận ngày nay.

10. Salon des Tuileries (Triển lãm Tuileries)

– Do họa sĩ A. Besnard, nhà điêu khắc A. Bourdelle và kiến trúc sư A. Perret sáng lập, với xu hướng chống lại các Salon kiểu truyền thống và kinh viện, do đó gần gũi với Triển lãm của các nghệ sĩ Độc lập và Triển lãm Mùa thu.

– Triển lãm đầu tiên khai mạc ngày 14. 7. 1923 tại Palais du Bois (Lâu đài Gỗ – do anh em nhà Perret thiết kế). Từ Salon này đã nổi lên các tên tuổi như Raoul Dufy, Othon Friesz, Alberto Giacometti, Natalia Goncharova, Moise Kisling, Maurice Vlaminck…

– Tổ chức triển lãm đều đặn cho đến những năm 1950 rồi thưa thớt dần.

 

Áp phích của Salon des Tuileries lần thứ 11, năm 1933, tranh của Paul Colin.

 

Áp phích Salon des Tuileries lần thứ 23 tại Bảo tàng Mỹ thuật của thành phố Paris tại đại lộ New York từ ngày 8 tháng 6 đến ngày 7 tháng 7, vé vào cửa 20 franc.

Trong lịch sử mỹ thuật Pháp còn có một số Salon khá lớn khác như Salon de la Société des Peintres Orientalistes (Triển lãm của Hội các họa sĩ theo xu hướng Đông phương); Salon de la Société coloniale des Artistes Francais (Triển lãm của Hội nghệ sĩ Pháp vẽ thuộc địa) sau đổi thành Salon de la Société des Beaux-Arts d’Outre-mer (Triển lãm của Hội Mỹ thuật Hải ngoại Pháp). Chính Hội này đã tạo ra Prix de l’Indochine (Giải thưởng Đông Dương) mà họa sĩ Victor Tardieu đã trúng giải để sang Việt Nam, gặp cộng sự Nam Sơn rồi sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1925; Salon de Mai (Triển lãm tháng Năm); Salon de la Jeune Peinture (Triển lãm Hội họa trẻ); Salon des Réalités nouvelles (Triển lãm Hiện thực mới)… Tuy nhiên, xét các triển lãm này không đảm bảo tính chất quốc gia nên chúng tôi xin không giới thiệu ở đây.

Tác giả : họa sĩ Nguyễn Đức Hòa

Nguồn : soi.com.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.