Khi thăm quan phòng trưng bày quốc gia Singapore (NGS), chúng tôi phát hiện ra một tác phẩm khác của Tạ Tỵ có tên gọi “Truồng” (Nude), được họa sĩ vẽ vào năm 1953, thuộc về nhà sưu tập Nguyễn Thị Lan Hương tại Sài Gòn. Tác phẩm này làm cho chúng tôi cảm thấy rất thú vị, không hẳn là bởi cái Đẹp mà nó đem lại, mà còn bởi chúng tôi liên tưởng tới những câu chuyện về vấn nạn sao chép tranh tại Việt Nam.


Tác phẩm Truồng (nude),
Tạ Tỵ, 1953
Thuộc về nhà sưu tập Nguyễn Thị Lan Hương tại Sài Gòn
Trưng bày tại phòng trưng bày quốc gia Singapore (National Gallery Singapore)

Đó là vào năm 1998, khi nhà sưu tập được mời mua một bức tranh có chữ ký Tạ Tỵ, được chép lại từ bức “Truồng”, ông đã viết thư hỏi họa sĩ (PL33), và được trả lời rằng “Rất tiếc tôi không thể giúp gì được cho ngài với bức tranh này, bởi vì nó không phải của tôi, mặc dù nó có thể có tên tôi ở đó”. Và sau bức ảnh chụp bức tranh chép này, Tạ Tỵ đề dòng chữ “nó không phải của tôi”. Trong một bức thư khác viết cho nhà sưu tập ngày 14 tháng 2 năm 1995, Tạ Tỵ nói rằng có rất nhiều bức tranh giả với chữ ký của ông trên thị trường tại thành phố Hồ Chí Minh. Những bức tranh giả này được chép lại từ những tờ quảng cáo (brochure) về triển lãm của ông tại Sài Gòn.

Thật vậy, từ sau triển lãm năm 1956, những tác phẩm của Tạ Tỵ đã được chú ý bởi người yêu nghệ thuật, thoạt đầu những tác phẩm này được người hâm mộ vẽ lại, vì yêu thích. Nhưng từ sau năm 1965, khi giá trị các tác phẩm của Tạ Tỵ được khẳng định, nhất là khi ông bán được bức tranh trừu tượng giá một triệu đồng, tương đương với 100 lượng vàng thời đó, thì những bức tranh giả của ông xuất hiện nhiều hơn, và nó không còn là do người yêu thích chép lại, mà còn do những người buôn tranh thuê người vẽ để lừa các nhà sưu tập trên thị trường.

Một vấn đề nữa, dễ được các hoạ sĩ và nhà sưu tập tại Việt Nam chấp nhận hơn, là hoạ sĩ tự sao chép lại tranh của chính mình, và nhà sưu tập mua chúng như là những phiên bản gốc. Vấn đề này từng xảy ra với nhiều hoạ sĩ nổi tiếng thời Đông Dương. Tuy nhiên với Tạ Tỵ, đây là điều cấm kỵ, bởi làm như vậy là tự đánh mất đi sự sáng tạo. Ngay trong phần lời mở đầu của cuốn catalog giới thiệu về triển lãm Tiền Tiến, Tạ Tỵ đã viết rằng “Hội hoạ không phải là chép, nhặt, chắp, nối. Nó là “xây dựng”, “tạo tác”. Xây dựng bằng máu và nước mắt, Tạo tác bằng hồn và ánh sáng”. Cùng quan điểm này, hoạ sĩ kiêm nhà phê bình Thái Tuấn cho rằng, để sáng tác một tác phẩm hội hoạ, tính bất ngờ, ngẫu phát, ngẫu hứng rất quan trọng. Khi chưa đặt nét bút đầu tiên, người nghệ sĩ có thể có ý định về tác phẩm mình định vẽ, nhưng không thể có một hiểu biết rõ ràng về một tác phẩm ở tương lại. Chỉ khi nào họa sĩ đặt nét bút đầu tiên, lúc ấy sự tưởng tượng mới bám vào đấy, nương theo đấy mà thành hình. Màu sắc, đường nét, âm thanh, vần điệu sẽ kêu gọi nhau, cứ như vậy nẩy ra những sáng tạo mới cho đến khi hoàn thành tác phẩm. Cũng vì điều này mà những bức tranh “chép lại”, dù là do chính tác giả chép đi chăng nữa, cũng không còn có giá trị của nguyên bản, vì ở trường hợp ấy, mọi hành động, mọi cử chỉ của kẻ sao chép đã bị đo lường, đóng khung trong một hành động máy móc được định sẵn. Tác phẩm nghệ thuật là kết quả của sáng tạo vì vậy nó gạt bỏ mọi sự sao chép.

Trích trong “Tạ Tỵ -Dấu Ấn Sáng Tạo”

Biên soạn : Nghệ Thuật Xưa

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.