Mình cũng đã từng là sinh viên mỹ thuật Yết kiêu nên mình hiểu cái thân phận bèo bọt mà tranh lụa phải đón nhận từ con mắt những sinh viên thời đó và cả sau này. Sự thật là hồi đó sinh viên chưa được ôm trọn cả “kho tàng tri thức” sơn dầu, sơn mài, lụa như bây giờ các bạn trẻ được học. Hồi đó có lệ phân ra các khoa riêng rẽ, oai nhất là các anh học sơn dầu, anh nào vẽ tốt lắm, có năng lực lắm (dưới con mắt các thầy) mới được nhảy vô khoa này, thứ đến oai không kém là các anh sơn mài, cuối cùng tủi thân nhất là các anh bị bứng vào khoa lụa, anh nào yêu lụa thì cũng vui vui, nhưng đa phần là anh em ghét lụa, cái chất liệu nhạt nhẽo vô vị (với Việt Nam thôi nhé). Ai chả biết tranh cụ Chánh đẹp, hồi đó tranh cụ chưa được Sotheby’s bán giá oách như bây giờ nhưng chả ai dám coi thường tranh lụa của cụ. Nhưng mà khổ nỗi có mỗi cụ vẽ đẹp, còn tranh của hậu học thì… chả thấy đẹp đâu. Quái lạ! Sao nhồi bao nhiêu lượt màu mà nó vẫn cứ nhờ nhờ như nước hến, sao trông nó bạc nhược, yểu nhược như môi người ốm thế, sao cụ Chánh màu cụ ý thắm thế kia mà mình nhồi nguyên cả tuýp màu mà vẫn chưa đầm được như ông cụ. Cũng có lắm người nhìn lâu thành ra quen, tự an ủi rằng cái nhờ nhờ mờ mờ đó mới ra “chất lụa”, phải mơ huyền-mờ như thế mới ra lụa, là lụa, nhưng vẫn cứ áy náy khi nhìn cái quần lụa sồi đen nhức mà cụ Chánh vẽ.

“Cô và cháu” (hay “Lớp mẫu giáo) – lụa của Nguyễn Phan Chánh.

 

Thế rồi tranh lụa Việt Nam có tuổi đời chưa bao lâu thì cũng đã có kẻ ác khẩu đoán trước cho nó cái ngày khai tử, rằng chỉ dăm hay mười năm nữa thôi là chả ai thèm vẽ lụa nữa. Ngẫm ra cũng đúng, nhưng hơi ngoa, thú thực bây giờ cũng lác đác có người đắm đuối với lụa, tranh lụa vẫn ẵm giải nọ giải kia, nhưng nhìn bao quát thì địa vị của nó vẫn cứ lẹt bẹt.

Sao nông nỗi ấy? Thắc mắc mãi mà vẫn chả ai chịu moi ra cái lỗi, hoặc giả không ai chịu coi đó là cái lỗi, thành ra tranh lụa ta vẫn cứ u uẩn mãi cái thân phận con sen, con vợ lẽ trong làng hội họa, chứ không được là con cả, con bà cả như sơn dầu hay  mài. Tiện đây mình muốn nêu ra một vài lí do cho cái thực trạng đó để cả nhà cùng thảo luận, mong chăng cải thiện được tí ti cho tranh lụa ta chăng.

Thứ nhất, mình muốn nói đến chất liệu.

Ai chả biết là lụa? Ờ, nhưng lụa gì, thì lại chả ai biết.

Cũng như vải vẽ trong sơn dầu, lụa cũng là một chất liệu, một loại bề mặt để họa sĩ thao tác. Ai cũng biết canvas có rất nhiều chủng loại phù hợp với từng loại kĩ thuật sơn dầu khác nhau. Lụa cũng vậy. Kĩ thuật dệt lụa khởi nguyên từ Trung quốc sau đó lan truyền qua các nước vệ tinh như Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam. Từ sợi tơ tằm thì dệt ra vô số loại vải khác nhau như the, đoạn, nhiễu, gấm, sa, lụa… Ngay trong địa hạt của lụa thôi cũng đã lắm loại, từ cách thức dệt, từ loại tơ, loại tằm, tằm ăn lá sắn hay tằm ăn lá dâu v.v…nói chung mình không rành chuyên môn này nên không dám nói nhiều. Nói tóm lại, trải qua nhiều thời kì, lụa đã có nhiều biến đổi, lụa đời Đường khác lụa Tống, càng khác lụa Minh, Thanh… Nhưng không phải cứ nói đến lụa là lụa nào cũng phù hợp với việc vẽ tranh, có loại lụa chuyên dụng để vẽ, về phương thức dệt khác so với lụa may mặc.

“Trích đoạn tranh lụa thời Bắc Tống”, Phạm Khoan thế kỉ 11

 

Rà soát lại lịch sử tranh lụa Việt Nam, khó có thể nói nó được kế thừa từ thời phong kiến, mặc dù thời phong kiến của ta cũng có tranh lụa nhưng có lẽ cách vẽ đã thất truyền, hoặc là vẽ theo lối Trung Quốc khác với lối vẽ của các sinh viên mĩ thuật Đông Dương. Trước mình đọc cuốn “Nguyễn Phan chánh – ông tổ tranh lụa” có thấy nhắc đến việc cụ Chánh nhờ người mua được lụa trắng của Vân Nam, sau đó có lần cụ còn mua lụa Bongbay (Ấn Độ) để vẽ, điều đó cho mình hiểu là các cụ nhà ta hồi đó không hề được đào tạo một cách có truyền thống về tranh lụa (khác với sơn mài có các cụ nghệ nhân như cụ Phó Thành chỉ dạy), hệ quả của vấn đề đó là tranh lụa đã được bắt đầu từ con số 0. Các sinh viên mỹ thuật Đông Dương khi đó đã có nhiều người tha thiết với tranh lụa như Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Lê Văn Đệ, Lương Xuân Nhị… và đặc biệt là cụ Nguyễn Phan Chánh, không rõ các cụ hồi đó mỗi cụ mua lụa từ nguồn nào nhưng qua việc soi các tác phẩm ở bảo tàng mình nhận thấy các cụ hồi đó đều dùng lụa may mặc để vẽ, chứ không dùng lụa vẽ chuyên dụng như Trung Quốc họa vẫn làm. (Nếu nói đến lụa vẽ của Trung Quốc hay Nhật Bản thì sẽ nói được rất nhiều, vì nó có tuổi đời cả nghìn năm, chí ít là tranh từ thời Bắc Tống vẫn còn giữ được nguyên vẹn cho đến giờ).

Trích đoạn “Lạc thần phú đồ quyển”, Cố Khải Chi (348-409), Đông tấn, màu trên lụa

Nhưng dù sao lụa hồi đó được dùng vẫn tốt hơn lụa bây giờ sinh viên vẽ. Lụa cụ Chánh vẽ có mật độ sợi cao, dệt khít, điều đó lí giải vì sao tranh cụ sau khi bồi bằng giấy trắng vẫn giữ được độ đậm của các mảng màu, không như lụa sinh viên bây giờ vẽ có mật độ sợi quá thưa, điều đó khiến cho bức tranh quá dễ bị ảnh hưởng bởi màu giấy bồi đằng sau, nếu dùng giấy báo trắng, tranh nhạt đi trông thấy, nếu dùng giấy dó thì đậm hơn chút xíu nhưng rất hại, cái hại mình sẽ nói sau. Lắm bạn dùng giấy màu để bồi, thậm chí có anh bạn tôi quen còn trộn màu vào hồ, điều này làm biến dạng màu gốc của tranh, chung quy cũng chỉ là biện pháp mày mò chữa cháy, không khả dụng.

Truy nguyên nguồn gốc, mình được biết bây giờ có một nghệ nhân chuyên đưa lụa cho các hàng họa phẩm, anh tên Chuẩn, ở Hà Nam, có lần mình đã có dịp trò chuyện với anh. Anh kế thừa cái “nghề gia truyền” từ thời ông bố, vậy ra gia truyền mà cũng mới chỉ có 2 đời. Nhà anh có một cái máy dệt lụa làm ra được hai thứ lụa gọi nôm na là lụa thô và lụa mịn, thực ra chỉ là khác nhau chút xíu về cách đan sợi, chứ loại sợi thì vẫn giống nhau, cả hai loại đều thưa, thưa hơn so với lụa vẽ của Trung Quốc, Nhật Bản. Mình thắc mắc tại sao anh không làm sợi lụa khít lại, điều đó khiến cho mật độ màu khi vẽ sẽ cao hơn, màu sẽ đậm hơn, ngon mắt hơn. Anh lí giải thành thật rằng do cái cái răng dệt của anh có mỗi một cỡ, cái mới anh chưa có tiền mua, mà anh thấy bán được thì tội gì đổi mới công nghệ chi cho tốn tiền, cứ biết ở miền Bắc anh là độc quyền, mà đã thế có truyền đến đời con anh cũng chả hết việc, anh cứ dệt lụa thưa như thế đấy, làm sao?

Đến đó tôi mới vỡ lẽ ra vì cái nguyên nhân gì mà lụa vẽ Việt Nam bây giờ cứ thưa dếch thưa dác mà nhờ nhờ nhạt nhạt như vậy. Rõ tội nghiệp cho cái nền mỹ thuật, trông cậy cả vào một anh nghệ nhân an phận thủ thường. Nói tếu có ngày anh ý hứng lên, anh ý mua hẳn cái răng dệt mới, khéo ngày đó đáng được ghi dấu mốc trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam không chừng. Tạm kể ra như thế để biết vậy mà than thở với nhau, đến ngày nào mà chị Phượng bán họa phẩm ở cổng trường Yết Kiêu còn chưa chịu nhập lụa vẽ của ngoại thì ngày đó cả nền tranh lụa Việt Nam vẫn còn phải an phận với lụa của anh Chuẩn-Hà nam.

Tranh lụa thời Joseun – Triều Tiên

Vấn đề thứ hai mình muốn kể khổ, đó là việc bồi biểu tranh. Lại nói đến Trung Quốc, ờ thì họ hay thì phải nói. Việc bồi biểu của Trung Quốc được giao cho thợ chuyên nghiệp. Với tranh vẽ hàng mớ giá rẻ thì họ bồi bằng máy, cán phẳng đét nóng hôi hổi, nhưng điều này rất có hại cho việc phục chế sau này nên các họa sĩ một khi đã vẽ ra được tác phẩm tâm huyết, họ sẽ đem cho người nghệ nhân có uy tín bồi hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, thời gian bồi biểu có khi kéo dài hàng tháng nếu thời tiết không thuận lợi. Ấy thế mà gặp giời hanh nồm thất thường, tranh bồi thủ công vẫn cứ cong vênh nếu không được cất giữ cẩn thận.

 

Tranh lụa đương đại Trung Quốc

Ở Việt Nam tình hình không  giống vậy. Tất cả tranh lụa được các họa sĩ Việt Nam vẽ ra sẽ được chính các họa sĩ bồi biểu lấy, theo một phương pháp rất “quy phạm” được truyền thụ trên ghế nhà trường. Hồ nếp tự quấy lấy hoặc sang hơn thì hồ Đông Đô mác chùa Một Cột, anh nào lười thì  keo sữa, keo ATM  pha loãng cho dễ quét. Giấy bồi thì tạp chủng, loại cổ điển yêu truyền thống thì chuộng giấy dó, bóc 1 hay bóc 2, 3,4… tùy thị hiếu, loại phổ thông dễ tính thì bồi giấy báo Việt Trì xám xỉn, loại cách mạng thì dùng giấy màu hoặc toan sơn dầu. Nhìn chung mỗi phương pháp đều nhằm chữa cháy một nhược điểm nào đó. Người dùng giấy dó khen giấy dó dai, chống chịu thời tiết, màu cổ kính… Người dùng giấy báo khen giấy báo mịn, mềm, không gồ ghề thô ráp như giấy dó. Người bồi giấy màu thì sướng nhất là sau khi bồi tranh trông sâu hoắm, đằm thắm như sơn dầu. Người căng lên toan thì vui nhất lả tranh không mốc, trông lại đương đại, mới…

Nói chung mỗi người một vẻ nhưng chưa thấy mười phân vẹn mười. Từ thời các cụ Đông Dương đến giờ mới hơn nửa thế kỉ mà tranh lụa các cụ vẽ đứng cách xa 10 mét đã thấy rõ sự xuống cấp. Tranh bở ra như cám, thớ lụa đứt gãy, màu bợt, bề mặt lụa bị côn trùng phá hoại, mòn đi từng mảng… đấy là đang nói những tranh đang trong tình trạng “bảo quản tốt” được trưng bày thường xuyên trong bảo tàng. Vậy nguyên nhân do đâu?

Ở trên mình đã nhắc đến chất liệu lụa không chính thống, cách hồ lụa thiếu phương pháp  cũng có công to trong việc làm hỏng tranh. Bây giờ xin nói kĩ hơn đến tác hại của việc bồi biểu thiếu kiến thức. Ở Trung Quốc việc bồi biểu có một loại giấy bồi chuyên dụng, đặc tính của loại giấy này là sợi giấy được tinh chế, giấy dai, mịn, tính co giãn tốt, ưu điểm là dễ thích nghi với sự thay đổi của thời tiết và của chất liệu lụa mà nó bồi. Sự thích nghi này rất quan trọng. Ta đều biết lụa và giấy bồi là hai chất liệu khác nhau nên chúng có độ co giãn khác nhau. Nếu giấy bồi không chiều theo sự co giãn của lụa sẽ thành ra trống đánh xuôi kèn thổi ngược, lâu ngày sẽ gây ra sự cong vênh đứt gãy của tranh vì hai thằng đấy nó không chịu ở chung.

Vừa rồi nghe tin tức có  thấy chuyên gia phục chế của Nhật Bản gì đó giúp ta phục chế lại ba bức lụa của cụ Chánh. Hẳn là việc phục chế rất tốn mồ hôi vì tranh vụn nát ra từng miếng, và loại giấy được dùng để bồi hóa ra là giấy ximăng. Chết nỗi, thế bảo sao tranh không hỏng. Giấy ximăng là loại giấy tạp, độ acid quá cao, quá nhiều tạp chất gây ăn mòn, hơn nữa lại cứng, giòn, dễ mục. Ở ta sau này các họa sĩ hay dùng giấy dó, do đặc tính của giấy dó Việt Nam hiện giờ là được làm 100% từ vỏ cây dó nên nó rất dai và bảo thủ. Ở Trung Quốc cũng dùng vỏ dó để làm giấy (họ gọi dó là thử bì thụ, tức cây da chuột), nhưng để hạn chế tính cứng nhắc của sợi dó mà người ta chỉ dùng cùng lắm 60% sợi dó, đó là loại để vẽ, còn loại chuyên dùng bồi biểu thì chỉ 20% thôi, ngoài ra trộn thêm vào nguyên liệu làm giấy nhiều loại chất liệu khác như rơm rạ, vỏ dướng, vỏ dâu tằm, vỏ đay, vỏ cần sa .v.v… nhờ vậy giấy mềm và đạt tính co giãn linh hoạt. Nhiều họa sĩ Việt Nam thích dùng giấy dó bóc 2,3… rất dày để bồi tranh, tưởng rằng càng dày tranh càng bền, điều này rất hại vì lẽ giấy càng dày độ ương ngạnh càng cao, sau một thời gian giấy và lụa sẽ tìm cách li khai nhau bằng việc gây phồng rộp, co gãy, cong vênh.v.v..

Lụa của Matsui Fuyuko (1974)

Vấn đề cuối cùng mà mình muốn đặt một dấu hỏi to, đó là họa sĩ Việt Nam vẽ lụa như thế nào? Điều này vô cùng can hệ, thủ pháp mà, chất liệu gì chả đặt thủ pháp lên chiếu trên, thủ pháp làm nên diện mạo riêng của tác phẩm. Như những gì mình được dạy ở Việt Nam, xem ra vẽ lụa chả có gì phức tạp. Màu vẽ ai chả biết là màu nước, ông nào nhà giàu thì sắm nguyên hộp Leningrad bóc ra dính lèm nhèm mà rõ đắt, còn không thì màu Thượng Hải hai đầu ngựa là phổ biến. Màu sau khi được bóp ra đĩa cứ thế mà hòa nước bôi lên tranh thôi. Mà là bôi theo đúng nghĩa đen, tức là bôi màu sao cho kín mảng hình chứ chả hề có một chút gì liên quan đến bút pháp. Điều này dẫn đến hậu quả là mảng màu nào trông cũng cứ phẳng đét, lì, thiếu vẻ đẹp của chất, làm cho bức nào cũng hao hao nhau, đờ đẫn và thiếu sinh khí.

Thứ nữa là phải bôi nhiều lượt, theo lời các chuyên gia thì chiêu thức này được truyền thừa từ thời cụ Chánh, không sai, nhưng nếu ai cũng chỉ theo cụ Chánh thôi thì chết. Cũng như sơn dầu mà ai cũng chỉ học mỗi bút pháp của Leonardo da Vinci thôi thì oil paiting cũng đã khai tử từ lâu rồi.

Và chiêu cuối cùng , chiêu này chính thức dán mác made in Vietnam cho tranh lụa Việt, đó là chiêu rửa lụa. Đúng, nó là hàng made in Vietnam chính hiệu, thế nên thế hệ họa sĩ nào cũng tự hào mà đem ra vòi nước kì cọ thật lực như một cách chứng tỏ ta là người Việt chính cống, họ cọ khắp mặt tranh với một mục tiêu để cho màu “trong”, mà khái niệm “trong” cũng rất mơ hồ và có vẻ không đúng với nghĩa từ này. Cá nhân tôi chỉ thấy sau khi cọ đi, bao nhiêu công bôi màu thế là tiêu, tranh lại nhạt đi như cái lúc mới vẽ và lại phải đợi nó khô rồi hì hục bôi vô số lớp khác. Xem ra việc vẽ lụa có vẻ nhang nhác công việc của cánh thợ hơn là họa sĩ, nó làm tóp teo cảm hứng, làm họa sĩ chán nản, mệt và muốn bỏ cuộc. Thế thì nó bị ghét cũng không có gì oan.

Lụa của Gyoshū Hayami (1894-1935)

 

Cuối cùng xin kể ra một vài sự khác biệt của tranh lụa Tàu và lụa Việt để ta thấy tương quan, như lời cổ nhân dạy “biết địch biết ta trăm trận trăm thắng”. Tranh quốc họa Trung Quốc khởi nguyên từ chất liệu lụa, mãi đến cuối đời Tống việc vẽ trên giấy mới bắt đầu phổ biến và cực thịnh cho đến bây giờ. Chí ít thì người Trung Quốc cũng đã có hơn  nghìn năm đánh vật với  lụa nên rõ là họ có nhiều chiêu thức hơn 80 năm tranh lụa của Việt Nam.

 

Tranh lụa đương đại Trung Quốc

Điều khác biệt rõ nét nhất làm nên cái đặc trưng của Trung Quốc họa nói chung và tranh lụa Tàu nói riêng là vấn đề bút pháp, tức các cách thức thao tác với cây bút lông. Bút lông thì có rất nhiều loại , loại cứng loại mềm, loại dài loại ngắn , tùy từng loại lông khác nhau, độ dài ngắn khác nhau mà sinh ra các loại bút khác nhau. Rồi với mỗi loại bút lại có các cách dụng bút khác nhau  Điều này  giúp họa sĩ sáng tạo ra các loại chất khác nhau, đa dạng và biến hóa dường như vô tận, có thể đáp ứng cơ số nhu cầu biểu đạt của họa sĩ, vì vậy mỗi thời kì, mỗi họa gia đều có ngôn ngữ riêng.

Vậy là nếu xét tương quan lực lượng, tranh lụa Việt có phần yếm thế hơn , vì quân ta ít lại thiếu tinh nhuệ, phương pháp chiến đấu sơ sài , dập khuôn , dễ bị bắt bài, trong khi địch (Trung Quốc, Nhật, Triều Tiên) có lịch sử , có kinh nghiệm tác chiến, trận pháp đa dạng, tinh thần chiến đấu cao… Vậy muốn thắng, hay chí ít là muốn hòa thì ta phải làm gì, cứ khăng khăng ôm ấp một hai chiêu thức cũ mãi sao, cứ cho là lụa ta có đặc trưng riêng, nhưng là yếu kém đặc trưng hay là hùng mạnh đặc trưng. Nghệ thuật không thể cứ nhìn mãi về quá khứ, tranh cụ Chánh bán tốt, bán khỏe nhưng rồi con cháu cụ sẽ ra sao khi mà đến vẽ như cụ họ còn chưa biết phải vẽ thế nào.

Ở trên chỉ là vài điều chia sẻ, chắc chắc sẽ có rất nhiều thiếu sót về mặt kiến thức. Mình viết nó ra không phải để giễu cợt hay trêu tức ai, cũng chẳng vì đề cao Trung Quốc mà hạ thấp Việt Nam, vì là người Việt nên ôm một mối trăn trở cho nghệ thuật Việt, thế thôi. Mong mỏi sao nó có thể nhen lên một mối băn khoăn cho những ai yêu tranh lụa, để rồi cùng chầm chậm nghĩ ra cách giải quyết với nhau. May ra…

Nguồn : soi.today

1 thought on “Về thân phận con sen, con vợ lẽ của tranh lụa trong làng hội họa Việt Nam

  1. Bác nói hay quá ạ, may thay trường lại chia chuyên ngành học như ngày xưa, nhưng màu lụa vẫn cứ nhờ nhờ, chắc có lẽ phải học chuyên sâu, ra nước ngoài tham khảo mới tạo nhiều cách

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.