Đến với nghệ thuật hội họa từ rất sớm, Victor Tardieu đã theo học tại Trường Mỹ thuật Lyon trong hai năm (1887 – 1889), sau đó là Trường Mỹ thuật Paris từ năm 1889 đến năm 1891. Ngay tại Paris, một trong những cái nôi lớn nhất của hội họa châu Âu, Victor Tardieu đã thực hiện nhiều tác phẩm lớn và giành được những giải thưởng cao quý. Ông đi nhiều và vẽ nhiều với tất cả tâm hồn phóng khoáng của một người nghệ sĩ và sự say mê đối với nghệ thuật hội họa. Tài năng của ông được khẳng định qua nhiều bức tranh có giá trị và hiện được trưng bày tại một số bảo tàng lớn của nước Pháp. Tranh của ông được chia ra nhiều thời kỳ với một số phong cách khác nhau nhưng đặc điểm chung là ông luôn thích sử dụng ánh sáng và màu sắc tự nhiên. Năm 32 tuổi, ông giành giải thưởng hội họa quốc gia với tác phẩm có kích thước lớn (4,05 x 4,80 m) thể hiện những người công nhân trên công trường xây dựng. Phần thưởng là một chuyến du lịch 2 năm ở châu Âu và nhờ giải thưởng này, ông đã được đi tới nhiều nước, đặc biệt là các cảng biển lớn để thực hiện những bức tranh tả thực về khung cảnh nhộn nhịp, phồn thịnh của châu Âu những năm đầu thế kỷ XX. Sau đó, ông đã nhận vẽ trang trí cho một số công trình lớn của Toà thị chính Lilas và một số nhà thờ ở Paris.
Công việc (le travail), tranh thuộc bộ sưu tập bảo tàng Mỹ Thuật thành phố Rennes (musée des Beaux-Arts de Rennes). Bản quyền ảnh (C) MBA, Rennes, Dist. RMN-Grand Palais / Louis Deschamp.
Bình minh trên bến cảng Liverpool với những người kéo thuyền (haleurs à l’aube), 1903. Một tác phẩm thuộc bộ 13 bức tranh được Victor Tardieu vẽ khi đến cảng Liverpool. Tranh thuộc bộ sưu tập của bảo tàng musée d’Orsay, Paris. Bản quyền ảnh Photo (C) RMN-Grand Palais (musée d’Orsay) / Hervé Lewandowsk.
Chiến tranh thế giới thứ I đã cuốn ông vào các trận chiến như một người lính thực thụ trên chiến trường phía Bắc nước Pháp nhưng chiếc giá vẽ nhỏ bằng gỗ vẫn luôn đi theo ông cùng năm tháng. Sau mỗi trận chiến, ông lại say sưa vẽ những gì ông thấy và cảm nhận được: cảnh điêu tàn, súng ống và cả niềm vui chiến thắng. Chiến tranh kết thúc, ông trở về và tiếp tục giấc mơ hội họa của mình với hàng loại tác phẩm được ghi nhận bằng giải thưởng Indochine. Phần thưởng là một chuyến viễn du tới xứ Đông Dương trong vòng một năm. Tháng Giêng năm 1921, ông xuống tàu tại Marseille với điểm đến là Việt Nam. Một chuyến du hành mới đối với một họa sĩ yêu thích tự do và khám phá như Victor Tardieu có thể có nhiều hứng thú, nhưng có lẽ chính ông cũng không ngờ rằng mảnh đất hình chữ S nhỏ bé ở cách xa nước Pháp cả ngàn cây số lại có sức cuốn hút đặc biệt và níu chân ông ở lại đây cho đến cuối đời.
Người Mỹ trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, 1916. Tranh thuộc bộ sưu tập bảo tàng Blérancourt (musée franco-américain du château de Blérancourt). Bản quyền ảnh RMN-Grand Palais (Château de Blérancourt) / Gérard Blot.
Ngày 2.2.1921, Victor Tardieu đặt chân tới Sài Gòn rồi sau đó đi lên phía Bắc, tới Hà Nội. Tại đây ông đã nhận lời vẽ trang trí cho toà nhà đang xây của Đại học Đông Dương, một công trình kiến trúc đẹp, bề thế, thể hiện vị thế của một trường đại học lớn nhất xứ Đông Dương vừa mới hồi phục và phát triển nhờ chương trình cải cách giáo dục của Toàn quyền Albert Sarraut. Ông đã dồn hết tài năng và công sức cho một tác phẩm lớn trong cuộc đời họa sĩ của mình. Trên một diện tích 77m2, ông đã tái hiện lại khung cảnh xã hội Việt Nam như những gì ông chứng kiến và cảm nhận được. Thay vì thực hiện bức tranh tại Pháp, Victor Tardieu đã quyết định vẽ tại chỗ với những người làm mẫu của xứ An Nam. Ông đã say sưa vẽ từng nhân vật dưới ánh sáng tự nhiên của xứ sở nhiệt đới, sử dụng màu sắc tươi sáng ấm áp hiện hữu ở khắp nơi như nâu non, xanh lục, cam vàng… Gần 200 nhân vật đủ các thành phần xã hội đã có mặt trong bức tranh này và không được sắp xếp theo một trật tự nhất định nào. Nhưng chính trong sự lộn xộn đó mà bức tranh lại trở nên hấp dẫn, hết sức tự nhiên như cuộc sống đang diễn ra trước mắt. Bức tranh được đặt trong không gian một trường đại học nên họa sĩ đã không quên thể hiện ý nghĩa của tri thức như là gốc rễ của văn minh và tiến bộ bằng những hình tượng hết sức độc đáo, kết hợp văn hoá phương Đông (trọng nhân tài, đề cao việc học) và tư tưởng văn minh phương Tây (hình tượng tiến bộ – Allégorie du Progrès). Từ lúc nhận vẽ cho đến lúc bức tranh đã ngự trên tường giảng đường lớn của Đại học Đông Dương (hội trường Ngụy Như Kontum ở 19 phố Lê Thánh Tông, Hà Nội hiện nay), Victor Tardieu đã mất 6 năm làm việc cật lực với nhiều tâm huyết cho một tác phẩm để đời. Ngoài bức tranh này, ông còn vẽ trang trí trên tường tiền sảnh và mái vòm của toà nhà, tổng cộng gần 270m2.
Lắp pháo hạng nặng, 1917, 0.5 x 0.73 m, tranh thuộc bộ sưu tập bảo tàng quân sự Pháp tại Paris. Bản quyền ảnh Paris – Musée de l’Armée, Dist. RMN-Grand Palais / Emilie Cambier.
Quá trình vẽ bức tranh lớn cho Đại học Đông Dương cũng là thời gian ông khám phá những điều mới mẻ của một nền văn hoá đậm nét Á Đông nhưng không lẫn với bất kỳ nền văn hoá nào khác xung quanh. Sự chân thành và ham học hỏi của những con người mà ông đã gặp, sự cuốn hút của cảnh sắc thiên nhiên và cả những di sản văn hoá của đất nước này đã kéo dài chuyến du hành của ông tại Việt Nam không như dự kiến ban đầu. Ông đã nhanh chóng hoà nhập được với cuộc sống dân dã nơi đây và nhận ra ở một số thanh niên Việt Nam những tài năng thực thụ và mong muốn học hỏi những điều mới mẻ. Cho đến thời điểm đó, mỹ thuật Việt Nam với tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ gần như cách biệt với thế giới bên ngoài và không có triển vọng gì đáng kể. Victor Tardieu muốn truyền dạy cho những thanh niên Việt Nam yêu hội họa các kỹ thuật và trường phái phương Tây để giúp họ phát triển tài năng. Tư tưởng tiến bộ đó của ông không phù hợp với chính quyền bảo hộ, thậm chí còn đi ngược với những chính sách đang được thực thi. Thật may mắn, nhờ những mối quan hệ rộng rãi với những nhân vật cao cấp đã giúp ông thuyết phục được Toàn quyền Đông Dương Merlin ra sắc lệnh ngày 27.10.1924 thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, một bộ phận của Đại học Đông Dương. Ngày 24.11.1924, Victor Tardieu đã trở thành Hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường này.
Các di tích của Verdun, bộ tranh gồm 4 tấm thuộc sưu tập của bảo tàng quân sự Pháp tại Paris. Bản quyền ảnh thuộc Paris – Musée de l’Armée, Dist. RMN-Grand Palais / Emilie Cambier.
Với cơ sở ban đầu sơ sài, chỉ có vài gian nhà trống để làm xưởng vẽ, Victor Tardieu đã cùng với các học trò của mình say sưa khám phá nghệ thuật hội họa và ngay khoá đào tạo đầu tiên đã tạo ra những tên tuổi xuất chúng như Nguyễn Phan Chánh, Công Văn Trung, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Văn Đệ. Ngay tại Triển lãm nghệ thuật quốc tế ở Paris năm 1931, những sinh viên này đã tạo được ấn tượng mạnh cho 64 triệu khán giả và giành liền 3 giải thưởng lớn. Đó là lần đầu tiên hội họa Việt Nam, với những bản sắc riêng của mình, đã bước ra ngoài biên giới Việt Nam.
Một bản trích đoạn bức tranh tường giảng đường lớn của Đại học Đông Dương (hội trường Ngụy Như Kontum ở 19 phố Lê Thánh Tông, Hà Nội). Tranh không có chữ ký, được đóng dấu gia đình bởi bà Alix Tardieu(cháu gái Victor Tardieu). Bán tại Christies HongKong ngày 27 May 2012. Kích thước 119 x 90 cm, giá HKD 1,220,000 USD 157,937.
Victor Tardieu đã không áp đặt cho học trò của mình một trường phái nào mà chỉ truyền cho họ lòng say mê và những kỹ thuật hội họa cơ bản, đặc biệt là sử dụng sơn dầu. Bên cạnh những ví dụ mẫu mực của các họa sĩ nổi tiếng phương Tây, Victor Tardieu lại nhấn mạnh nhiều hơn tới chính truyền thống nghệ thuật của Việt Nam như là điểm khởi đầu cho sự phát triển phù hợp với xu hướng thế giới. Quãng thời gian 20 năm (1925 – 1945) chẳng đáng kể gì so với lịch sử nghệ thuật Việt Nam, nhưng lại là những năm tháng có tính chất quyết định đối với sự phát triển của cả một nền hội họa. Có thể nói những thế hệ học trò của Victor Tardieu đã tiếp nhận một cách xuất sắc những kỹ thuật phương Tây để khai thác nghệ thuật truyền thống và tạo ra bản sắc riêng. Mỗi người họa sĩ đã tự tạo ra khuynh hướng sáng tác và cách thức thể hiện riêng, nhưng đều xác lập được vị trí của mình: Nguyễn Phan Chánh nổi bật với tranh lụa, Tô Ngọc Vân được coi như bậc thầy sử dụng sơn dầu, Nguyễn Gia Trí đạt tới đỉnh cao của tranh sơn mài, còn Bùi Xuân Phái lại được biết đến như họa sĩ vẽ phố cổ Hà Nội thành công nhất. Có thể kể ra rất nhiều cái tên và đó chính là những người tạo nên diện mạo của nền hội họa đương đại Việt Nam. Nhưng trên hết là một cái tên, một bậc thầy của những họa sĩ bậc thầy Việt Nam, đó chính là Victor Tardieu, một họa sĩ Pháp nhưng lại gắn bó sâu sắc với Việt Nam như tổ quốc thứ hai của mình.
Bên đền vua Minh Mạng (tranh được cho là do Victor Tardieu vẽ), kích cỡ 27 x 21 cm, bán tại Christies Hong Kong ngày 23 November 2014, giá bán HKD 350,000 (USD 45,344).
Thuyền và Dừa (tranh được cho là của Victor Tardieu vẽ). Kích cỡ 35 x 26.5 cm, bán tại Christies HongKong ngày 29 May 2016, giá HKD 250,000 (USD 32,346).
Chân dung cậu bé, 1920. Tranh (hình trái) thuộc bộ sưu tập tư nhân tại USA, bản phác thảo (hình phải) thuộc bộ sưu tập tư nhân tại Paris.
Ông mất tại Hà Nội năm 1937 trong sự tiếc thương vô hạn của học trò, đồng nghiệp và những người yêu nghệ thuật hội họa. Cho đến lúc cuối đời, ông cũng đã kịp chứng kiến thành công ban đầu của những thế hệ học trò mà ông đào tạo. Hẳn ông cũng cảm thấy hài lòng với công sức và tâm huyết của mình đã giúp phát triển những tài năng hội họa Việt Nam, để ngôi trường Mỹ thuật vẫn là nơi hội tụ của những người yêu nghệ thuật! Và ông sẽ hài lòng hơn nữa nếu biết rằng tài năng, sức lực và những tình cảm lớn lao ông dành cho mảnh đất này vẫn luôn được những thế hệ người Việt Nam trân trọng!
Tác giả : Nguyễn Anh Thu
Hình ảnh trong bài được thêm vào bởi NTX.