Hoạ sự Victor Tardieu mất đi, nhưng trường Mỹ thuật, con đẻ tinh thần của tiên sinh, còn sống đời đời. Như vậy tiên sinh vẫn là bất hủ.

Trường Mỹ thuật Đông dương được thành lập tại Hà Nội từ đầu mùa đông năm 1925 (1).

Ban đầu nó là một cái xưởng bỏ không của sở Xe lửa ở Phố Reinach, sau được sửa lại làm thành một nơi tụ tập các hoa tay và trình bày các tác phẩm vẽ mỹ thuật, rồi từ đó được mang cái danh hiệu tốt đẹp : Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương.

«  Tôn chỉ của trường là dung hợp tự nhiên với truyền thống, khiến học sinh phải quan sát và biểu diễn tự nhiên theo những nguyên tắc mỹ học phổ thông của loài người và phát triển những tinh thần đặc biệt của nghệ thuật việt nam và đông phương, khiến học sinh lãnh hội lấy cái đẹp của nghệ thuật xưa và hiểu rằng nó vốn có quan hệ mật thiết với mình… » (2).

Trong trường chia làm ba ban : Hội hoạ, điêu khắc và kiến trúc, đều chịu dẫn đạo dưới quyền chi phối của hoạ sư V. Tardieu. Ban hội hoạ thành lập trước, rồi dần dần đến hai ban kia sau.

Ban đầu, như trên đã nói, trường này bị người ta hắt hủi, lăm le những toan đóng cửa, nhưng từ sau cuốc triển lãm lần thứ nhất bày các tác phẩm của học sinh trong trường để công chúng vào xem, người ta phải ngạc nhiên trước những thành tích rất rực rỡ. Một nhà cầm quyền ở đây đã phải khen ngợi trước khi ra khỏi phòng triển lãm : « Mỹ thuật này rất đáng khuyến khích… »

Cuộc triển lãm đầu tiên ấy đem lại cho nhà trường những ảnh hưởng rất sâu xa và kết quả rất tốt đẹp : dư luận các giới phải chú ý đến ; những kẻ phản động phải hạ khí giới « cừu địch » ; bạn hữu ủng hộ mỗi ngày một nhiều …

Dự cuộc đấu xảo thuộc địa năm 1931, các tác phẩm của trường Mỹ thuật Đông dương làm cho hết thảy báo chí ở Paris đều phải lớn tiếng khen tặng ; người bên chính quốc phải nhìn các nghệ sĩ việt nam bằng cặp mắt khác thường. Đó là khởi điểm của nhà trường nhẹ bước trên đường vinh quang.

Rồi do cái đà ấy, trường Mỹ thuật cứ lần lượt nhận được vòng hoa thưởng tưởng do mọi nơi trao tặng ; năm 1932 ở Rome (Ý) ; năm 1934 ở kỳ đấu xảo quốc tế tại Milan (Ý) ; năm 1934 ở cuộc triển lãm thuộc địa tại Naples (Ý) ; năm 1935 ở bruxelles (Bỉ) ; năm 1937 ở san francisco (Mỹ) và cùng năm ấy ở cuộc triển lãm tại Paris (1937).

Từ đó, trường Mỹ thuật, đối với xứ sở, đã có một lực lượng khá mạnh ; đối với nền văn hoá việt nam, đã toả ra rất nhiều ảnh hưởng, ảnh hưởng đến mọi phương diện như xã hội sinh hoạt, tri thức sinh hoạt và kinh tế sinh hoạt ở xứ ta.

Nếu để ý quan sát những sự vật ở quanh ta đã thay đổi biến thiên theo hoàn cảnh và thời gian, ta rất dễ nhận thấy trường Mỹ thuật đã đánh dấu cái trình tự tiến hoá của nền nghệ thuật bằng những nét rất quan trọng trên trang lịch sử văn hoá nam việt.

Từ những tấm tranh tết « con cóc dạy học », « đám cưới chuột »…, ta đã bước sang lối hội hoạ có phương pháp, có viễn vọng, có màu sắc hoà hợp nhau, gây được hứng thú về mặt thẩm mỹ. Những tấm tranh lụa, tranh sơn của những ngọn bút nổi danh bày trong các phòng Triển lãm bấy nay đã lam chứng một cách rõ rệt như thế.

Về nhà cửa, những nếp nhà cổ hoặc cổ diêm thấp xè, hoặc kèo cột lủng củng dần dần nhường chỗ cho những ngôi nhà tân thời ba, bốn từng đồ sộ nguy nga do các kiến trúc sư vẽ kiểu.

Về phục sức, dựa theo những kiểu thời trang do một vài hoạ sĩ thả ra, các bạn gái đua nhau cải cách ăn mặc, may sắm những bộ áo tân thời. Nhưng vì quan niệm hiểu sai hai chữ « mỹ thuật » và lạm dụng cái nghĩa « tân thời », nên lắm khi sự ăn mặc quá khêu gợi, quá lố lăng lại làm mang tiếng cả những người đã có sáng kiến cải cách về y phục. Dẫu sao, đó cũng là những dấu hiệu bề ngoài để ghi một bước tiến hoá về phần hình thức của một dân tộc.

Ngoài đó ra, những phương diện khác như nghề dệt lụa Hà Đông, nghề thêu, nghề làm đăng ten, nghề sơn, nghề đắp nặn, nghề in, nghề chạm trổ, nghề làm đồ gỗ… đều có chịu ảnh hưởng của trường Mỹ thuật ít thì nhiều…

Nói tóm, trường Mỹ thuật đã góp công lớn vào cuộc tiến hoá chung ở xứ này. Suy nguyên công ấy, người ta, hằng năm, không quên đặt cái vòng hoa trước pho tượng bán thân V. Tardieu tiên sinh, mỗi lần gặp ngày kỷ niệm nhà nghệ sĩ chân tài ấy.

 

Tác giả : Hoàng Thúc Trâm

  • Trong « Việt nam văn hoá sử cương » của Đào Duy Anh, trang 207, nói là « Từ năm 1924 » nhưng thực ra, trong năm 1924 mới là thời kỳ cổ động ; còn trường Mỹ thuật thì mãi đến mùa dông năm 1925 mới thành lập.
  • Đào Duy Anh «  Việt Nam văn hoá sử cương » trang 207-208, quan hải tùng thư, Huế, xuất bản, nhà in Mirador in, 1938.
  • Để viết bài này, ngoài những sách báo dùng để kê cứu của tôi và tài liệu do hoạ sĩ Trinh Vân kiếm giúp, tôi còn tham khảo bài diễn văn của hoạ sĩ Lê Văn Đệ đọc tại phòng Thương mại bữa 14 juin 1942. Lại được bạn Bạch Diện ở báo « Tin Mới » cho mượng cái cliché của « cụ Tạc ». Xin thành thật cảm tạ các bạn.

Các bạn đọc phần I của bài viết tại đây :

Victor Tardieu tiên sinh với trường Mỹ Thuật Hà Nội (Phần I)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.