Phần I: Thời Kỳ dựng nước

1. HÙNG VƯƠNG DỰNG NƯỚC GỌI LÀ VĂN LANG, ĐÓNG ĐÔ Ở PHONG CHÂU, CHIA NƯỚC THÀNH 15 BỘ:

“Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương lấy quốc hiệu la XÍCH QUỶ”’1‘. Nước Xích Quỷ bắc giáp hồ Động Đình, đông giáp biển Nam Hải, nam giáp nuớc Hồ Tôn, tây giáp Ba Thục.

“Vua đầu của họ Hồng Bàng là Kinh Dương Vương, tương truyền là vị vua trước tiên của nước ta, sinh ra Lạc Long Quân… Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ, sinh ra được một trăm người con trai: đó là tổ tiên của Bách Việt, tôn con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi dựng nước gọi là VĂN LANG, đóng đô ở Phong Châu, truyền nhau được mười tám đoi, đều gọi là Hùng Vương”[1].  (Bản đồ 1)

Hầu hết sử thần nhà Nguyễn và vua Tự Đức đều cho các truyền thuyết “tiên rồng’, “trăm trứng” hay “trăm con trai” là “đồng một loại hoang đường”, và chỉ nhận đó là “một lời chúc” cho dân tộc mau phát triển và sống trong tình nghĩa đồng bào ruột thịt[2].

“Khởi đầu chia nước ra mười lăm bộ là[3]:

  1. Giao Chỉ (sau là Hà Nội, Hà Đông, Nam Định, Hưng Yên)
  2. Chu Diên (sau là Sơn Tây).
  3. Phúc Lộc (sau cũng là Sơn Tây).
  4. Vũ Ninh (sau là Bắc Ninh).
  5. Việt Thường (sau là Thuận Hóa, Quảng Nam).
  6. Ninh Hải (sau là Quảng Yên).
  7. Dương Tuyền (sau là Hải Duơng).
  8. Lục Hải (sau là Lạng Sơn).
  9. Vũ Định (sau là Thái Nguyên, Cao Bằng).
  10. Hoài Hoan (sau là Nghệ An).
  11. Cửu Chân (sau là Thanh Hóa).
  12. Bình Văn (chưa biết ở đâu).
  13. Tân Hưng (sau là Hưng Hóa, Tuyên Quang).
  14. Cửu Đức (sau là Hà Tĩnh).
  15. Văn Lang (là nơi vua đóng đô, tức Phong Châu, sau thuộc hai tỉnh Vĩnh Tưòng và Lâm Thao của tỉnh Sơn Tây).

Nước VĂN LANG gồm mười lăm bộ, ‘ đông giáp Nam Hải, tây liền Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam tiếp nước Hồ Tôn”[4].

Nam Hải tức biển Đông, Hồ Tôn sau là Chiêm Thành. Nước Văn Lang “đông giáp Nam Hải”, “nam tiếp nước Hồ Tôn” là đúng, nhưng “bắc đến hồ Động Đình” và “tây liền Ba Thục” thì sai. Địa bàn đó là quá rộng lớn, bao gồm khắp vùng Hoa Nam, là nơi cư trú của tất cả các dân tộc Bách Việt chứ không phải của riêng người Lạc Việt. Người Lạc Việt cũng chưa bao giờ thống lãnh toàn thể các dân tộc Bách Việt, vả lại, vị trí của 15 bộ đều tập trung ở bắc phần Việt Nam nay.

Sử thần Nguyễn triều đã cẩn án: “Sử cũ chép nước Văn Lang phía tây tiếp Ba Thục, phía bắc đến Động Đình, chẳng là quá sự thật lắm ru?”[5]. Chính Tự Đức cũng đã phê: “Quảng Tây cùng Hồ Nam, Hồ Bắc, Vân Nam và Tứ Xuyên gần nhau, tức là đất Sở và Thục xưa. Làm sao biết đuợc tới đó? (an tri kỳ sở giới hà như?)a). Ngay như tên 15 bộ cũng có ba danh sách khác nhau và bị Lê Quý Đôn đặt nghi vấn hết: “Tôi ngờ rằng, những tên đó là do các hậu Nho góp nhặt vay mượn chép ra”[6].

Dân số” cuối thời Văn Lang, ở niên đại 3000 trước Công nguyên, có khoảng 500.000 người.

Từ vài chục năm nay, ngành khảo cổ học đã phát hiện ra quá trình liên tục của nền văn minh sông Hồng (hay còn gọi là văn minh Văn Lang, văn minh Đông Sơn)[7]. Quá trình này đuợc giải thích khá rõ: “Văn hóa Đông Sơn không còn là một hiện tượng đột ngột, gián đoạn, mà là kết quả tất nhiên của một quá trình phát triển liên tục từ sơ kỳ thời đại đồng thau đến sơ kỳ thời đại sắt. Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gồ Mun là ba giai đoạn phát triển tiền Đông Sơn tiêu biểu cho dòng chủ lưu của vùng trung du và vùng cao châu thổ sông Hồng vốn được coi là “Đất tổ” của các vua Hùng, là trung tâm của nước Văn Lang”(4). Đó là “một quá trình hình thành tại chỗ nền văn minh sông Hồng mà đỉnh cao là Đông Sơn”. “Quá trình hình thành và phát triển của nền văn minh sông Hồng gắn liền với quá trình liên kết các địa phương thành lãnh thổ Văn Lang, quá trình đấu tranh và dung hợp các bộ lạc, các nhóm dân cư lại thành cộng đồng cư dân Văn Lang, chủ nhân của nền văn minh ấy”[8]. (Bản đồ 2)

Cho nên, tuy vẫn cần tìm hiểu thêm về thời điểm xuất hiện và danh xưng họ Hồng Bàng, về Hùng Vương hay Lạc Vương, về tên gọi các bộ lạc, v.v…, ta đã có thể khẳng định là “nền văn minh sông Hồng mà đỉnh cao là Đông Sơn” đã ghi dấu giai đoạn hình thành “quốc gia” của 15 bộ tộc Lạc Việt liên kết với nhau dưới quyền một “trưởng thượng” chung. Hình thức quốc gia đó còn sơ sài và lỏng lẻo, nhưng “đồng bào” đã biết khai thác thủy triều lên xuống mà làm ruộng lạc và sống theo những “phong tục thuần hậu, chất phác”.

Những người chép sử xưa thường lẫn nước Văn Lang với nước Xích Quỷ. Theo tục truyền thì “Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ. Bờ cõi nuớc Xích Quỷ bấy giờ phía bắc giáp hồ Động Đình, phía nam giáp nuớc Hồ Tôn, phía tây giáp Ba Thục, phía đông giáp bể Nam Hải… về sau, nuớc Xích Quỷ chia ra những nước gọi là Bách Việt… Đấy cũng là một điều nói phỏng, chứ không có lấy gì làm đích xác được”[9]. “Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào quãng năm Nhâm Tuất” (2879 trước CN), mà sử ta cũng lấy năm Nhâm Tuất là đầu đời Hồng Bàng và nuớc

Văn Lang, nên cũng không cần nghiên cứu thêm về địa bàn nước Xích Quỷ nữa. vả lại chưa chắc đã có tên nước Xích Quỷ!

2. THỤC VƯƠNG CHIẾM LẤY VĂN LANG, ĐỔI TÊN NƯỚC LÀ ÂU LẠC, ĐÓNG ĐÔ Ở PHONG KHÊ

Họ Hồng Bàng làm vua “cả thảy hai ngàn sáu trăm hai mươi hai năm (2879-258 trước CN), không biết lấy bằng cứ ở đâu”[10]. Vào năm Quý Mão (258 tr.CN), Thục Phán đem quân chiếm lấy Văn Lang, đổi tên nước là Âu LẠC, đóng đô ở Phong Khê. “Theo sử cũ, vương họ Thục, tên Phán, người nước Ba Thục”[11]. sử thần nhà Nguyễn không tin Phán là người Ba Thục vì nước này cách Văn Lang tới hai ba ngàn dặm, khó mang quân đến lắm, vả lại khi ấy Ba Thục đã bị tiêu diệt rồi, đâu còn vua nữa, nên phỏng đoán: “Hoặc giả ngoài cõi tây bắc, gần nước Văn Lang, còn có một họ Thục khác bèn được nhận là Thục Vương cũng chưa biết được. Nếu nói Thục Vương là người Ba Thục thì không đúng”(3). Mùa xuân, tháng Ba, “vua xây thành ở Phong Khê, rộng một ngàn trượng, xoay quanh tròn như hình con ốc, gọi là Loa thành” (ở Cổ Loa nay), về nguồn gốc Thục Phán và Ba Thục, còn khá nhiều giả thuyết khác nữa[12].

Một truyền thuyết bằng thi ca của người Tày nói về bộ lạc Nam Cương xưa, có lẽ giúp ta hiểu rõ hơn về Thục Phán và tại sao đặt quốc hiệu là Âu Lạc. “Ớ phía Nam Trung Quốc, đầu sông Tả Giang, về gần nước Văn Lang, có bộ Nam Cương, hùng cứ một phương. Bộ này do Thục Chế tức An Tri Vương đứng đầu, đóng đô ở Nam Bình do chín xứ hợp thành. Các xứ cứ ba năm triều cống một lần. Chín xứ ấy là: Thạch Lâm, Hà Quảng, Bảo Lạc, Thạch An, Phúc Hoa, Thượng Lang, Quảng Nguyên, Thái Ninh, Quy Sơn… Thục Chế làm vua 60 năm, thọ 95 tuổi. Con là Thục Phán lên thay”[13]. Người của bộ lạc Nam Cương và các xứ lân cận cũng là một dân tộc Việt mà Trung Quốc gọi là Quỳ Việt hay Tây Âu. Sau này có sắc dân nguời Choang và nguời Tày, chính là hậu duệ của Tây Âu. Khi Thục Phán chiếm đuợc Văn Lang thì hợp nhất hai nhóm dân tộc Âu Việt (cũng gọi là Tây Âu) với Lạc Việt thành một Quốc gia và lấy quốc hiệu là Âu LẠC. Nước Âu Lạc chưa chia ra đơn vị hành chính, mà vẫn giữ các bộ lạc tự trị và cha truyền con nối. Đó là các bộ lạc: (Bản đồ 3)

ban-do-viet-nam-tu-co-den-kim-0003

Mê Linh Tây Vu Liên Lâu
Long Biên Chu Diên Bắc Đái
Kê Từ An Định Câu Lậu
Khúc Dương Vô Công Dư Phát
Tư Phố Cư Phong Vô Biên
Đô Lung Hàm Hoan

Bộ lạc Tây Vu là bộ lạc căn bản của Thục Phán, nguyên trước chỉ ở miền thượng lưu sông Lô, bao gồm cả miền thượng lưu sông Gầm và sông Chảy, tức miền Hà Giang và bắc Tuyên Quang ngày nay. Địa bàn này là nơi cư trú chủ yếu của người Tày. Họ cũng ở trên một phần đất của Long Biên nữa[14].

Dân số cuối thời Âu Lạc, ở niên đại 180 trước Công nguyên, có khoảng 600.000 người.

Khi An Dương Vương làm vua nước Âu Lạc, thì bên Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng đã thống nhất thiên hạ. Năm 214 trước CN, Thủy Hoàng sai Đồ Thư đi đánh Bách Việt. An Dương Vương đành chịu phục nhà Tần. Nhà Tần mới chia đất Âu Lạc thành ba đơn vị gọi là:

–           Quận Nam Hải (Quảng Đông).

–           Quận Quế Lâm (Quảng Tây).

–           Tượng Quận (Bắc Việt).

Với những sử liệu phát hiện gần đây, niên đại của nước Âu Lạc đuợc điều chỉnh lại: Nhà Tần đem quân xâm chiếm địa bàn Tây Âu của Thục Phán và Lạc Việt của Hùng Vương năm 214 trước CN. Năm 208 trước CN, Thục Phán đứng đầu cả 2 bộ lạc Tây Âu và Lạc Việt, đuổi được quân nhà Tần, rồi lập ra nước Âu LẠC và xưng là An Dương Vương (208-179 tr.CN)[15], chỉ tồn tại khoảng gần 30 năm. (Bản đồ 4)

[1]    Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược (VNSL). In lần thứ 6 – Tân Việt, Sài Gòn, 1958. tr23.

[2]    KĐVS, sđd, tr.11-13.

[3]    Như trên. tr. 17-23.

[4]    KĐLS, sđd, trang 17. – Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh. Lịch Sử Việt Nam I (LSVN). NXB Đại Học và Trung Học chuyên nghiệp. Hà Nội, 1985. Trang 105, cước chú 2: “Hiện nay có ba danh sách khác nhau về 15 bộ của nước Văn Lang được chép trong những thư tịch xưa nhất của ta. Việt Sử Lược chép là: Giao Chỉ, Việt Thường Thị, Vũ Ninh, Xuân Ninh, Gia Ninh, Ninh Hải, Lục Hải, Thanh Tuyền, Tân Xương, Bình Văn, Văn Lang, cửu Chân, Nhật Nam, Hoài Nam, Cửu Đức. – Lĩnh Nam Chích Quái chép là: Giao Chỉ, cửu Chần, Ninh Sơn, Phúc Lộc, Việt Thường, Minh Hải, Dương Tuyền, Quế Dương, Vũ Ninh, Hoài Hoan, Cửu Chần, Nhật Nam, Chân Định, Quế Lầm, Tượng Quận. – Dư địa chí của Nguyễn Trãi và KĐVS ghi lại như trên”.

 

Nguyễn Đình Đầu

[5]    KĐVS, sđd, trang 19-21.

[6]    LSVN, sđd, trang 105.

3.4. Như trên, trang 107-109.

[8]    Như trên, trang 107-109.

[9]    Trần Trọng Kim, VNSL, sđd. tr.23-24.

[10]  KĐVS, sđd, tr.37.

[11]  Như trên, tr.37.

[12]  Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời. NXB Khoa Học Hà Nội, 1964. tr.18-20.

[13]  Như trên, tr.20.

[14]  Như trên, tr.27.

[15]  Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, sđd, tr 141-144.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.