(tiếp Phần I)

Nhà Tần đổi nuớc Âu Lạc thành Tượng Quận nhưng không trực trị, họ Thục vẫn làm vua. Chẳng được bao lâu nhà Tần suy, quan úy quận Nam Hải là Triệu Đà nổi lên tự lập, đem quân đánh lấy nước Âu Lạc, lập ra nước NAM VIỆT vào năm 206 tr. CN . Từ đó, nhà Thục chấm dứt và đã làm vua Âu Lạc được 50 năm. Triệu Đà sai hai viên sứ thần coi giữ hai quận Giao Chỉ và cửu Chân (địa bàn Âu Lạc cũ). (Bản đồ 5)

Ở Nam Việt, Triệu Đà xưng đế. Bên Trung Quốc, nhà Hán dứt họ Tần và họ Sở. Nhà Triệu làm vua Nam Việt được 96 năm (207- 111 tr. CN) truyền được 5 đời:

– Triệu Vũ Vương (207- 137 tr.CN).
– Triệu Văn Vương (137-125 tr.CN).
– Triệu Minh Vương (125- 113 tr.CN).
– Triệu Ai Vương (113- 112 tr.CN).
– Triệu Dương Vương (112-111 tr.CN) .

2. THUỘC NHÀ TÂY HÁN (111 TR.CN-39 SAU CN) VÀ THỜI TRƯNG NỮ VƯƠNG (40-43)

Năm 111 tr.CN, nhà Hán sai Lộ Bác Đức sang đánh nhà Triệu, lấy nước Nam Việt, rồi cải là Giao Chỉ Bộ và chia ra làm 9 quận:

1. Nam Hải (Quảng Đông)
2. Thương Ngô (Quảng Tây)
3. Uất Lâm (Quảng Tây)
4. Hợp Phô (Quảng Đông)
5. Giao Chỉ (từ Bắc Việt tới Ninh Bình)
6. Cửu Chân (từ Ninh Bình tới Hoành Sơn)
7. Nhật Nam (từ Hoành Sơn tới Đèo cả)
8. Châu Nhai (đảo Hải Nam)
9. Đạm Nhĩ (đảo Hải Nam) .

Địa bàn nước ta khi ấy nằm trên ba quận: Giao chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam.
Dân số” cuối thời thuộc Hán, ở niên đại đầu Công nguyên, có 666.013 nguời.

QUẬN GIAO CHỈ chia ra 10 huyện là: Liên Lâu, An Định, Câu Lậu, Mê Linh, Khúc Dương, Bắc Đái, Kê Từ, Tây Vu, Long Biên, Chu Diên. Đào Duy Anh phân tích khá rõ theo Thủy Kinh Chú rồi kết luận: “Quận Giao Chỉ ở đời Hán là đất Bắc Bộ ngày nay, trừ miền tây-bắc còn ở ngoài phạm vi thống trị của nhà Hán, một góc tây- nam tỉnh Ninh Bình bây giờ là địa đầu của quận cửu Chân và một dải bờ biển từ Thái Bình đến huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình, bấy giờ chưa được bồi đắp; lại phải thêm vào dấy một vùng về phía tây-nam tỉnh Quảng Tây”

QUẬN CỬU CHÂN, theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục và Tiền Hán Thư, gồm 7 huyện: Tư Phố, Cư Phong, Đô Lung, Dư Phát, Hàm Hoan, Vô Thiết, Vô Biên. Sách Hậu Hán Thư chỉ kể 5 huyện: Tư Phố, Cư Phong, Hàm Hoan, Vô Công, Vô Biên. Bảy huyện trên được phân bố từ phía nam tỉnh Ninh Bình đến Hoành Sơn . (Bản đồ 6)

 

QUẬN NHẬT NAM gồm 5 huyện: Chu Ngô, Tỷ Anh, Lô Dung, Tây Quyển, Tượng Lâm. Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí thì năm huyện đó được phân bổ từ phía nam Hoành Sơn tới núi Đại Lãnh (gần đó có núi Đá Bia làm ranh giói giữa Phú Yên với Khánh Hòa nay).

Sách KĐVS đã “chú” khá kỹ địa bàn từng quận huyện một, nhưng đến nay các nhà nghiên cứu địa lý học lịch sử vẫn còn bàn cãi ở một số” nơi chưa nhất trí .

2. TRƯNG VUƠNG TRỊ VÌ BA NĂM, ĐÓNG ĐÔ Ở MÊ LINH, CHƯA ĐẶT QUỐC HIỆU VÀ PHÂN BỐ CUƠNG VỰC

Tháng 2 mùa xuân năm 40, “Trưng Trắc, người con gái quận Giao Chỉ, dấy binh đánh thái thú Tô Định, đuổi hắn, tự lập làm vua”. Vì thù chồng, nợ nước, “Vương bèn cùng em gái Trưng Nhị dấy binh.. Vương đến đâu thì như cỏ rạp theo làn gió… dẹp yên 65 thành ở Lĩnh Nam, tự lập làm vua, đóng đô ở Mê Linh”. Tháng 3 mùa xuân năm 42, “quân Mã Viện đến Lãng Bạc đánh với Trưng Trắc, phá được, Trưng Trắc lui giữ Cẩm Khê… Tháng giêng mùa xuân (năm 43), Trưng Trắc và em gái Trưng Nhị chống cự quân Hán, bị thua mà mất… Mã Viện đuổi đánh tàn quân của Hai Bà… đến huyện Cư Phong (đất ấy nay ở Thanh Hóa)” . Sau đó, Mã Viện kéo quân tới tận Đèo Cả, nơi có núi Đá Bia mới dẹp yên được các cuộc nổi dậy ở khắp địa phương.

Ở phần này, chúng ta chỉ quan tâm đến địa chỉ và địa danh để xác định trên bản đồ, còn phần lịch sử xin lướt qua.

3. NHÀ ĐÔNG HÁN (25-220) ĐỔI GIAO CHỈ THÀNH GIAO CHÂU (203)

Mã Viện đánh được Trưng Vương, đem đất Giao Chỉ về thuộc nhà Hán như cũ, nay gọi là Đông Hán, đem phủ trị về đóng ở Mê Linh (đến cuối đời Đông Hán mới dời về Long Biên). Đến năm Quý Mùi (203), “Sĩ Nhiếp dâng sớ xin cải Giao Chỉ làm Giao Châu. Vua nhà Hán thuận cho” .

4. NHÀ ĐÔNG NGÔ (222-280) TIẾP QUẢN GIAO CHÂU

Nhà Đông Hán mất ngôi (220) thì Trung Hoa chia ra ba nước gọi là Tam Quốc (220-265), tức Bắc Ngụy, Tây Thục và Đông Ngô. Đất Giao Châu bấv giờ thuộc về Đông Ngô. Năm 226, Ngô Tôn Quyền “lấy từ Hợp Phố về bắc gọi là Quảng Châu, từ Giao Chỉ về nam gọi là Giao Châu” . Được ít lâu, nhà Ngô lại bỏ Quảng Châu cho hợp lại với Giao Châu như cũ. (Bản đồ 7)

NĂM 248, BÀ TRIỆU THỊ TRINH Nổi LÊN CHỐNG NHÀ NGÔ

Bà là nguời huyện Nông Cống, “có sức mạnh, lại có chí khí và lắm mưu lược…; vì quan lại nhà Ngô tàn ác, Triệu Quốc Đạt mới khởi binh đánh quận cửu Chân. Bà đem quân ra đánh giúp anh, quân sĩ của Triệu Quốc Đạt thấy bà làm tưóng có can đảm, bèn tôn lên làm chủ… bà chống nhau với nhà Ngô đuợc năm sáu tháng. Nhưng vì quân ít thế cô, đánh mãi phải thua, bà đem quân đến xã Bồ Điền (sau là xã Phú Điền huyện Mỹ Hóa tỉnh Thanh Hóa) rồi tử tiết. Bấy giờ mới 23 tuổi”.

NĂM 264, NHÀ NGÔ CHIA LẠI ĐẤT GIAO CHÂU

“Nhà Ngô lấy đất Nam Hải, Thương Ngô và Uất Lâm làm Quảng Châu, đặt châu trị ở Phiên Ngung (TP Quảng Châu, Trung Quốc nay), lấy đất Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam làm Giao Châu, đặt châu trị ở Long Biên. Đất Nam Việt của Triệu ngày trưóc thành ra Giao Châu và Quảng Châu từ đấy” . (Bản đồ 8)

5. GIAO CHÂU DƯỚI THỜI NHÀ TẤN (265-420) VÀ NAM BẮC TRIỀU (420-588) (Nhà Tống, nhà Tề, nhà Lương nối tiếp nhau)

Tên Giao Châu vẫn giữ nguyên, nhưng tên và địa bàn huyện thì thay đổi qua mỗi “nhà” đến thống trị. Sau đây là tình hình phân bổ Giao Châu từ cuối Ngô đến Tống:
Giao Chỉ: 14 huyện, 12.000 hộ.

Long Biên, Câu Lậu, Vọng Hải, Liên Lâu, Tây Vu, Vũ Ninh, Chu Diên, Khúc Dương, Ngô Hưng, Bắc Đái, Kê Từ, An Định, Vũ An, Quân Bình (theo Tấn Thư và Tống Thư).
Tân Xương: 6 huyện, 3.000 hộ.
Mê Linh, Gia Hưng, Ngô Định, Phong Sơn, Lâm Tây, Tây Đạo. Nhà Tấn đổi tên quận làm Tân Xương, các huyện thì vẫn giữ theo nhà Ngô.
Vũ Bình: 7 huyện, 3.000 hộ.
Vũ Ninh, Vũ Hưng, Tiến Sơn, Căn Ninh, Vũ Định, Phú Yên, Phong Khê. Nhà Tấn cũng vậy.
Cửu Chân: 7 huyện, 3.000 hộ.
Tư Phô, Di Phong, Trạm Ngô, Kiến Sơ, Thưòng Lạc, Phù Lạc. Nhà Tấn lập thêm huyện Tùng Nguyên.
Cửu Đức: 8 huyện, không rõ số hộ.
Cửu Đức, Hàm Hoan, Nam Lăng, Dương Thành, Phù Linh, Khúc Tư, Đô Hào, Việt Thường. Nhà Tấn đổi Dương Thành làm Dương Toại, lại tách Dương Toại mà lập Phố Dương, lập thêm Tây An, theo Hà Chí thì còn có huyện Việt Thường, lập từ đời Ngô, sang đời Tấn thì không có.
Nhật Nam: 5 huyện, 600 hộ.
Tượng Lâm, Lô Dung, Chu Ngô, Tây Quyển, Tỷ Ảnh. Nhà Tấn tách Tây Quyển mà đặt Thọ Linh, tách Tỷ Anh mà đặt Vô Lao .(theo Tấn Thư và Tống Thứ).

‘Theo tình hình các quận huyện như trên thì chúng ta thấy rằng ở thời Tam Quốc và thời Lưỡng Tấn, sau khi nhà Ngô chiaGiao Châu làm Quảng Châu và Giao Châu thì đất Giao Châu sau này trở thành lãnh thổ của nuớc ta trong thời tự chủ, không còn gồm dải đất ở miền Quảng Tây nữa. Chúng ta lại biết rằng cuối đời Hán, nước Lâm Ấp đã được thành lập tại miền Quảng Nam và đến đời Vĩnh Hòa nhà Tấn (345-356), nước ấy đã chiếm cứ hết đất Nhật Nam cũ mà vươn ra đến Hoành Sơn.

Như vậy thì đất Giao Châu đời Tấn đại khái là tương đương với miền Bắc Bộ và miền Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh của nước ta ngày nay” .

Nhà Lương chia Giao Châu làm nhiều châu mới:

1. Ái Châu trên đất quận cửu Chân cũ (Thanh Hóa)
2. Đức Châu trên đất quận cửu Đức cũ (Nghệ Tĩnh)
3. Lợi Châu trên đất quận cửu Đức cũ (Nghệ Tĩnh)
4. Minh Châu trên đất miền đông-bắc Giao Châu cũ (Quảng Ninh).
5. Giao Châu thu nhỏ trên đồng bằng và trung du Bắc Bộ. (Bản đồ 9)

6. NĂM 544, LÝ BÔN XƯNG NAM VIỆT ĐẾ, ĐẶT NIÊN HIỆU LÀ THIÊN ĐỨC, ĐẶT QUỐC HIỆU LÀ VẠN XUÂN

Sau khi thắng địch quân, Lý Bôn đã lập điện Vạn Xuân làm triều nghi, đặt trăm quan, nhưng chưa thấy phân bổ lại cương vực. Các sự kiện lịch sử liên quan đến địa phương nào, thì vẫn dùng địa danh đương thời. Như khi nói “Lý Bôn là người hào hữu quê Thái Bình, tài kiêm văn võ”. Thái Bình đây “thuộc về Phong Châu ngày trước, nay ở vào địa hạt tỉnh Sơn Tây nhưng không rõ là chỗ nào, chứ không phải là phủ Thái Bình ở Sơn Nam mà bây giờ là tỉnh Thái Bình” . Đối với các địa danh khác cũng vậy: thành Gia Ninh (sau ở huyện Tiên Lãng tỉnh Phúc Yên), động Khuất Liêu (thuộc đất Hưng Hóa), hồ Điển Triệt (tên nôm là Đầm Miêng, thuộc xã Tứ Yên huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phú), đầm Dạ Trạch (bãi Màn Trò, Khoái Châu, Hải Hưng) vv… Động Khuất Liêu lại được đọc là động Khuất Lão (là tên một khu đồi hiện nằm giữa hai xã Văn Lang và cổ Tuyết thuộc huyện Tam Nông tỉnh Vĩnh Phú” (Bản đồ 10)

Nước VẠN XUÂN tồn tại được 58 năm, trải qua ba đời vua:

– Lý Nam Đế (Lý Bôn) 544-548.
– Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục) 549-571.
– Hậu Lý Nam Đế (Lý Phật Tử) 571-602.

Dân số nước Vạn Xuân, ở niên đại 544, có khoảng 1.000.000 người.

Trong khi Lý Phật Tử làm vua ở nước ta, thì vua Văn Đế nhà Tùy thống nhất được Trung Hoa. Năm 602, vua Tùy sai Lưu Phương đem 27 dinh quân sang đánh chiếm Vạn Xuân

7. CƯƠNG VỰC VÀ CÁC CUỘC TRANH ĐẤU DƯỚI CÁC ĐỜI NHÀ TÙY, NHÀ ĐƯÒNG (603-907)

a) NHÀ TÙY (589-617)

sau khi chiếm được Vạn Xuân năm 602, liền chia Giao Châu ra làm 5 quận:

– Quận Giao Chỉ gồm 9 huyện: Tống Bình, Long Biên, Chu Diên, Long Bình, Bình Đạo, Giao Chỉ, Gia Ninh, Tân Xương, An Nhân.
– Quận Nhật Nam gồm 8 huyện: cửu Đức, Hàm Hoan, Phố Dương, Việt Thường, Kim Ninh, Giao Cốc, An Viễn, Quang An.
– Quận Tỷ Anh gồm 4 huyện: Tỷ Anh, Chu Ngô, Thọ Linh, Tây Quy ển.
– Quận Hải Âm gồm 4 huyện: Tân Dung, Chân Long, Đa Nông, An Lạc.
– Quận Tượng Lâm gồm 4 huyện: Tượng Phố, Kim Sơn, Giao Giang, Nam Cực.

Ngoại trừ một số” địa điểm còn để nghi vấn, nhà địa lý học lịch sử Đào Duy Anh đã nghiên cứu thỏa đáng cả địa bàn lẫn duyên cách của các châu huyện trên trong thiên khảo luận có giá trị của mình . (Bản đồ 11)

b) NHÀ ĐƯỜNG (618-907)

tiếp nối nhà Tùy “cai trị nước ta khắc nghiệt hơn cả”.

“Nhà Đường sửa lại toặn bộ chế độ hành chính và sự phân chia châu quận. 622, nhà Đường đặt Giao Châu đại tổng quản chủ để lãnh quản 12 châu: Giao, Phong, Ái, Tiên, Diễn, Tống, Từ, Hiểm, Đạo, Long, tức là cả miền Bắc nước ta, từ biên giới Việt – Trung đến Hoành Sơn”.

Năm 679, đổi Giao Châu làm An Nam Đô Hộ Phư, cai quản 12 châu, 59 huyện. Nước ta gọi là An Nam khỏi đầu từ đấy.
Năm 757, đổi làm Trấn Nam Đô Hộ Phủ.
Năm 766, lại đổi làm An Nam Đô Hộ Phủ.
Năm 866, Nhà Đường thăng An Nam Đô Hộ Phủ lên làm Tình Hái Quân Tiết Độ.

An Nam Đô Hộ Phủ chia ra 12 châu như sau: (Bản đồ 12)

1. Giao Châu nay ở đất Hà Nội, Nam Định, có 8 huyện: Tống Bình, Nam Đinh, Thái Bình, Giao Chỉ, Chu Diên, Long Biên, Bình Đạo, Vũ Bình.
2. Lục Châu sau là Quảng Yên, Lạng Sơn, gồm 3 huyện: Ô Lôi, Hoa Thanh, Ninh Hải.
3. Phúc Lộc Châu gồm 3 huyện, có lẽ ở “miền Nam Hà Tĩnh và miền Quy Hợp, Ngọc Ma ở phía tây Hoành Sơn”.
4. Phong Châu gồm 3 huyện: Gia Ninh, Thừa Hóa, Tân Xương. Sau là Bạch Hạc – Việt Trì.
5. Thang Châu gồm 3 huyện: Thanh Tuyền, Lục Thủy, La Thiều. Nay ở Nam Ninh, Trung Quốc.
6. Trường Châu có 4 huyện, nay thuộc địa phận Ninh Bình.
7. Chi Châu gồm 7 huyện: Hàn Thành, Phú Xuyên, Bình Tây, Lạc Quang, Lạc Diệm, Đa Vân, Tụ Long. Nay thuộc đất tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. (Tụ Long trước 1888 thuộc Tuyên Quang, Việt Nam).
8. Võ Nga Châu gồm 7 huyện: Võ Nga, Như Mã, Võ Nghĩa, Võ Di, Võ Duyên, Võ Lao, Lương Sơn. Nay cũng thuộc đất tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
9. Võ An Châu gồm 2 huyện: Võ An, Lâm Giang. Nay ở khoảng phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
10. Ái Châu gồm 6 huyện cửu Chân, An Thuận, Sùng Bình, Quân Ninh, Nhật Nam, Truòng Lâm. Nay thuộc địa phận Thanh Hóa.
11. Hoan Châu gồm 4 huyện cửu Đức, Phố Dương, Việt Thường, Hoài Hoan. Nay thuộc địa phận Nghệ An.
12. Diễn Châu gồm 7 huyện (khuyết danh). Có lẽ tương đương với miền Bắc tỉnh Nghệ An nay, khoảng các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu.

40 châu ky my. “ở những miền biên giới xa xôi, nhà Đường không đặt châu quận để thống trị trực tiếp đuợc, thì đặt những châu ky my, và để cho các tù trưởng cũ vẫn giữ bộ lạc của họ.. Lệ vào An Nam Đô Hộ Phủ thì có 40 châu ky my, đại khái là ở đất thượng du miền Bắc và miền Đông – Bắc nước ta, như châu Quy Hóa, châu Cam Đường, châu Lâm Tây ở các miền Yên Bái, Lao Cai và thượng du sông Đà; châu Bình Nguyên ở miền Hà Giang; châu Vũ Định, châu Độ Kim ở miền Tuyên Quang; châu Tư Lăng, Lộc Châu, Lạng Châu ở miền Lạng Sơn” . (Bản đồ 13)

Lại còn 18 châu ky my nữa lệ vào Phong Châu Đô Hộ Phủ… “ở khoảng từ Bạch Hạc đến Lào Cai ngày nay, thì cư dân cũng là thuộc về ngành Tày chứ không phải là ngành Thái. Nhưng nếu xét lui lên xa thì người Thái và người Tày cùng người Nùng lại đều là từ một nguồn gốc mà ra, tức là chủng tộc mà người ta thường gọi là Thái, từ thời thượng cổ đã chiếm ở miền Tây Nam Trung Quốc” . (Bản đồ 14) và (Bản đồ 15)

 

Phủ trị của An Nam Đô Hộ Phủ đặt ở khoảng Hà Nội ngày nay. Địa bàn của nó còn rộng hơn cả Giao Châu ở thời Tam Quốc và thời Nam Bắc Triều. “Nếu không kể các châu ky my ở miền Bắc và miền Đông – Bắc lệ thuộc An Nam Đô Hộ Phủ và các châu ky my ở miền Tây – Bắc lệ thuộc Phong Châu, chỉ kể những châu trực thuộc Đô Hộ Phủ, thì các châu Thang, Chi, Võ Nga, Võ An là thuộc về địa phận tỉnh Quảng Tây ngày nay của Trung Quốc, và các châu Lâm và Ảnh là đặt khống ở miền Nam Hoành Sơn, như vậy là chỉ còn 8 châu: Giao, Lục, Phong, Truông, Ái, Diễn, Hoan và Phúc Lộc là nằm trên đất Giao Châu cũ. Đại khái đó là địa bàn mà đến khi nhà Đường sụp đổ, các triều đại phong kiến đầu tiên của nuớc ta, Ngô, Đinh, Lê, Lý sẽ xây dựng nhà nước tự chủ của ta .

Vậy thì những địa danh như Nam Định, Thái Bình, Long Biên, Diễn Châu… đã tồn tại từ 13 thế kỷ nay. Nếu nghiên cứu kỹ, có lẽ còn nhiều địa danh gốc từ Lạc Việt đã có từ trên 20 thế kỷ rồi, đặc biệt là các địa danh Nôm. Địa danh học cũng là một bộ môn hỗ trợ đắc lực cho khảo cổ học vậy

Nguyễn Đình Đầu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.