Năm 2013, trong khi thực hiện đề tài nghiên cứu Quan hệ giữa miền Trung Việt Nam với Nhật Bản từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XVIII do Sumitomo Foundation tài trợ, tôi có cơ hội khảo cứu hai tranh cuộn (emaki) Nhật Bản, vẽ vào thời Edo (1603 – 1868), miêu tả cảnh thương thuyền Nhật Bản vượt biển đến buôn bán với xứ Đàng Trong, mà người Nhật đương thời gọi là Kochi koku (Giao Chỉ quốc). Đó là tranh Chaya Shinroku Kochi toko zukan (Trà Ốc Tân Lục Giao Chỉ độ hàng đồ quyển) và tranh Shuin-sen Kochi toko zukan (Châu ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển). Hai tranh cuộn này không chỉ là những họa phẩm đặc sắc mà còn là những tư liệu quý về mối quan hệ hải thương giữa Nhật Bản với Việt Nam trong các thế kỷ XVII – XVIII và được công nhận là “Tài sản văn hóa quan trọng của Nhật Bản” (Yuzou bunkazai).

 

Sư Hayashi, trú trì chùa Jomyo-ji, đang mở bức tranh Chaya Shinroku Kochi toko zukan. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

 

Phần đầu bức tranh Chaya Shinroku Kochi toko zukan vẽ cảnh thương thuyền Chaya vượt biển đến Hội An. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

 

Phần sau bức tranh Chaya Shinroku Kochi toko zukan vẽ cảnh Dinh trấn Quảng Nam và thương thuyền Chaya đi đến phủ Phú Xuân. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

 

Tranh Chaya Shinroku Kochi toko zukan (71,8 cm x 511,8 cm) được vẽ vào thế kỷ XVII, hiện đang lưu trữ tại chùa Jomyo-ji (Tình Diệu tự) ở thành phố Nagoya. Hình vẽ trên tranh miêu tả hành trình của thương thuyền của thương nhân Chaya Shinroku (Trà Ốc Tân Lục) từ Nhật Bản vượt biển đến Hội An; cảnh sinh hoạt tại phố người Nhật ở Hội An, cảnh phái đoàn của thương nhân Chaya Shinroku đến yết kiến Tổng trấn Quảng Nam tại Dinh trấn Thanh Chiêm, cảnh thuyền Chaya đi theo một dòng sông nhỏ, tới một cửa biển lớn, rồi theo một dòng sông khác đi đến một dinh phủ có lũy tre bao bọc và dãy súng thần công bảo vệ; bên ngoài dinh phủ là cảnh dòng sông, đồng ruộng và làng mạc trù phú; trên bờ sông có ba con voi với quản tượng ở trên lưng. Những hình vẽ biển đảo, núi sông, phố xá… từ Nhật Bản đến Hội An thể hiện ở phần đầu bức tranh đều có chú dẫn bằng tiếng Nhật, nhưng những hình vẽ núi sông, làng mạc, dinh thự… ở phần sau bức tranh lại không chú thích đây là những nơi nào?
Tranh Shuin-sen Kochi toko zukan (32,8 cm x 1100,7 cm) được vẽ vào cuối thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII, hiện đang lưu trữ tại Bảo tàng Quốc gia Kyushu ở tỉnh Fukuoka. Hình vẽ trên tranh miêu tả hải trình của thuyền Châu ấn (shuin-sen) vượt biển đến buôn bán ở Hội An. Thuyền Châu ấn là những thuyền buôn Nhật Bản được chính quyền Mạc phủ cấp Châu ấn trạng (shuin-jo) cho phép đi ra nước ngoài để buôn bán. Tranh miêu tả cảnh một phố cảng mà một số học giả người Nhật cho là cảng Nagasaki ở Nhật Bản, từ đây, thuyền Châu ấn vượt trùng khơi, đi qua những hòn đảo giữa biển và cập cảng Hội An; tiếp đến là cảnh sinh hoạt tại phố người Nhật ở Hội An và thương nhân Nhật Bản dâng quà cho Tổng trấn Quảng Nam tại Dinh trấn Thanh Chiêm; sau cùng là cảnh một chiếc thuyền theo dòn
g sông nhỏ ra cửa biển lớn, đi đến một dinh phủ nguy nga ở ven sông, có lũy tre cùng các dãy súng thần công bảo vệ, có quan binh và voi chầu ở bên ngoài (ảnh 9). Trên tranh này không có chú thích bằng tiếng Nhật như trên tranh cuộn ở chùa Jomyo-ji.

 

 

Phần đầu bức tranh Shuin-sen Kochi toko zukan vẽ cảnh thương cảng Nagasaki ở Nhật Bản. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

 

Phần thứ hai bức tranh Shuin-sen Kochi toko zukan vẽ cảnh thuyền Châu ấn từ Nhật Bản vượt biển đến Hội An. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

 

Phần thứ ba bức tranh Shuin-sen Kochi toko zukan vẽ cảnh phố người Nhật ở Hội An và Dinh trấn Quảng Nam. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

 

Phần cuối bức tranh Shuin-sen Kochi toko zukan vẽ cảnh phủ Phú Xuân ở Huế. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

 

Tại hội thảo quốc tế Nhà Nguyễn ở Việt Nam: 1558 – 1885 do Viện Harvard-Yenching (Đại học Harvard, Hoa Kỳ) và Viện Nghiên cứu Xã hội và Nhân văn Hong Kong (Đại học Trung văn Hong Kong, Trung Quốc) phối hợp tổ chức tại Hong Kong vào tháng 5.2012, GS. Kikuchi Seiichi (Đại học Nữ Showa, Nhật Bản) đã trình bày một tham luận rất thú vị về hai tranh cuộn này. Theo ông, những người vẽ hai tranh “vượt biển” này là những người rất am hiểu Hội An và vùng đất Thuận – Quảng lúc bấy giờ. Họ đã theo các thuyền buôn Nhật Bản đến đây, lưu trú khá lâu và quan sát thực địa rất tỉ mỉ để vẽ các tranh này. GS. Kikuchi Seiichi cũng cho hay, từ hình vẽ và vị trí của Dinh trấn Quảng Nam ở trên hai tranh cuộn này, ông và các đồng nghiệp ở Đại học Nữ Showa đã khảo sát đối chứng trên thực địa và xác định vị trí của Dinh trấn Quảng Nam, nay thuộc làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông cũng làm rõ thân thế một số nhân vật xuất hiện trong tranh như: thế tử Nguyễn Phúc Nguyên (1563 – 1635) bấy giờ đang giữ chức Tổng trấn Quảng Nam, con gái của thế tử, một thương gia người Nhật tên là Araki Sotaro và người vợ Việt Nam của thương gia này… Tuy nhiên, GS. Kikuchi Seichi đã không xác định tòa dinh phủ được vẽ ở phần cuối của hai tranh cuộn này là nơi nào? ở Thuận Hóa hay Quảng Nam?
Sau khi nghiên cứu hai tranh cuộn này, đối chiếu với các nguồn sử liệu viết về vùng đất Thuận – Quảng và thủ phủ Phú Xuân dưới thời chúa Nguyễn, tôi cho rằng tòa dinh phủ nói trên chính là phủ Phú Xuân ở Huế vào thế kỷ XVII.
Theo miêu tả của trong các tài liệu của người đương thời về phủ Phú Xuân như: Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán (viết năm 1695)1; hồi ký của Jean Koffer2, giáo sĩ người Pháp và là thầy thuốc của chúa Nguyễn Phúc Khoát (viết vào nửa sau thế kỷ XVIII); Phủ biên tạp lục của Lê Quý Ðôn3 (viết trong các năm 1776 – 1777)… thì phủ Phú Xuân của chúa Nguyễn nằm ven sông Hương, có đồng ruộng và làng mạc trù phú vây quanh; bên ngoài phủ có hàng trại lợp bằng cỏ tranh, với các dãy súng thần công bằng đồng “nặng từ vài trăm cân đến vài nghìn cân” bảo vệ; sau trại súng có hàng rào tre gai bao bọc tòa dinh phủ nguy nga tráng lệ… Những tài liệu này cũng cho biết ở phủ chúa có nhiều voi và lính hầu bảo vệ. Điều này hoàn toàn phù hợp với những miêu tả ở phần cuối của hai tranh cuộn. Ngoài ra, trên các tranh cuộn có vẽ hình cây liễu và cây thiên tuế ở trong khuôn viên tòa dinh phủ chưa định danh này. Đây là những loại cây “quý tộc”, theo sử sách triều Nguyễn, chỉ được trồng nơi phủ chúa, cung vua, dân gian không được trồng.
Tôi cũng tham khảo phần chú dẫn của tấm bản đồ Vịnh Tourane và bờ biển Annam – Từ Hội An đến Huế do Le Floch de la Carrière vẽ năm 1787.4 Những chú dẫn này cho biết: vào giữa thế kỷ XVIII, từ sông Faifo (sông Hội An) muốn đi thuyền đến đến sông Vua (sông Hương) ở Huế, thì đi theo thủy trình sau: thuyền từ sông Faifo đi ra Cửa Đại, theo đường biển đi lên phía bắc, ngang qua Cap Nord (mũi Tourane/Đà Nẵng), mỏm đất xa nhất về phía bắc của vịnh Tourane; tiếp tục đi thuyền đến một cửa sông (cửa Tư Hiền) để vào Lac de Coua (đầm Cầu Hai). Từ đây dong thuyền đi dọc theo đầm nước này lên phía bắc, xuyên qua các con kênh thiên nhiên (vùng đầm phá) để vào cửa sông Vua ở phía hạ lưu. Từ đó đi ngược lên trên sẽ gặp vương phủ của chúa Nguyễn. Trên thực tế, bấy giờ còn có một con đường thủy khác từ Hội An đi đến Đà Nẵng mà không phải đi ra Cửa Đại. Đó là đi theo dòng sông Cổ Cò, thời đó chưa bị bồi lấp, thuyền bè đi lên hướng bắc, gặp sông Hàn, rồi theo sông này xuôi ra cửa biển, đi vòng qua mũi Sơn Trà, để vào đầm Cầu Hai qua lối cửa Tư Hiền. Từ đó đi dọc theo vùng đầm phá đến cửa sông Hương, rồi ngược về phía thượng nguồn để đến phủ Phú Xuân.
Một tài liệu khác là cuốn hồi ký Souvenir de Hué (xuất bản ở Paris năm 1867) của Michel Đức Chaigneau, con trai của Jean Baptiste Chaigneau (1769 – 1832), một sĩ quan người Pháp phục vụ trong triều Gia Long, thì vào thế kỷ XVII – XVIII, người Nhật thường xuyên đến Huế để buôn bán ở phố cảng Thanh Hà – Bao Vinh.5
Ngoài ra, theo GS. Mochizuki Sincho (ĐH Minobusan, Nhật Bản) trong tham luận Quan hệ giao lưu giữa dòng họ chúa Nguyễn với dòng họ Chaya trình bày tại hội thảo Lịch sử và triển vọng mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản. Nhìn từ miền Trung Việt Nam, tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 11.2013, thì ngoài việc giao thương với Đàng Trong, thương nhân dòng họ Chaya còn vâng lệnh Mạc phủ Tokugawa tìm hiểu thái độ của chính quyền Đàng Trong đối với Nhật Bản. Để làm việc này, theo tôi, các thương nhân Chaya không chỉ đến Hội An mà còn đến Huế để yết kiến chúa Nguyễn và trao đổi thông thư do Mạc phủ ủy nhiệm.
Từ đó tôi cho rằng sau khi cập cảng Hội An, thuyền buôn Nhật Bản tiếp tục đến Huế để yết kiến chúa Nguyễn, và hình vẽ tòa dinh thự nguy nga trong hai tranh cuộn nói trên chính là vương phủ Phú Xuân thời bấy giờ.
Chú thích
1 Phủ Phú Xuân được Thích Đại Sán mô tả trong sách Hải ngoại kỷ sự như sau: “Sắp đến vương phủ, mênh mông không có thành quách, chung quanh trồng tre gai làm rào, trong (lũy) tre cất một hàng trại lợp bằng cỏ tranh; mỗi trại đều có đặt súng đồng, nặng từ vài trăm cân đến vài nghìn cân, đúc rất tin xảo, khảm châu sa phỉ thúy, văn vẽ sáng ngời, nhờ công chùi đánh lâu năm mới được như thế, nếu đem số đồng này đúc lư, đúc bình, làm đồ gia dụng, quý giá chẳng biết bao nhiêu mà kể. Sau trại súng lại có hàng rào tre gai, phía trong có vòng tường thấp, rộng chừng một hai dặm, vương phủ ở trong ấy”.
2 Jean Koffer mô tả phủ Phú Xuân trong hồi ký của ông như sau: “Khuôn viên của vương phủ hình vuông, có ba lớp thành bao bọc, có bảy cửa thành ra vào, cửa chính thông thẳng ra sông có xây vọng lầu. Một trăm năm chục đại bác cỡ nhỏ đặt rải rác quanh thành, ba khẩu thần công rộng lớn đặt cách Vương phủ không xa, về phía tả, làm tăng thêm vẻ uy nghiêm, đường bệ”.
3 Lê Quý Ðôn mô tả phủ Phú Xuân trong sách Phủ biên tạp lục như sau: “Đất bằng phẳng như bàn tay, rộng hơn 10 dặm, ở giữa là chính dinh, đất cao bốn bên đều thấp, tức là chỗ nổi bật ở giữa đất bằng, ở vị trí Càn trông về hướng Tốn, dựa ngang sống đất, trông xuống bến sông, đằng trước là quần sơn chầu về la liệt”, “có năm lần hổ thủy ôm đằng trước,… có ba lần long sa ngăn bên tả”.
4 Xem: Paul Boudet et André Masson, Iconographie historique de l’Indochine Francaise, (Paris: Les éditions G. Van Oest, MCM XXXI), p. 23, pl. 26.
5 Michel Đức Chaigneau trong cuốn hồi ký Souvenir de Hué xuất bản ở Paris năm 1867, cho biết: “Ở Bao Vinh (phía đông Kinh Thành Huế – TĐAS) người Tàu và người Nhật buôn bán rất đông, phần đông hàng hóa lấy xa xỉ phẩm làm chủ yếu. Phần lớn phố xá đô thị khách trú choán ở, các phố đều đầy những hàng hóa Trung Quốc chở đến những vải vóc, đồ sứ, trà, thuốc Bắc, trái cây ướp muối, trái cây ướp đường và đồ chơi… và mua chở về Tàu các thổ sản Việt Nam như cau khô, tơ sống, gỗ sơn, sừng tê, ngà voi…”.

 

Tác giả: Trần Đức Anh Sơn

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.