Bỏ kinh thành, thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) theo học với hai bậc đại đạo sư, nhưng vẫn thấy không đạt được giác ngộ và giải thoát. Thái tử bèn vào rừng sâu, tu khổ hạnh với 5 anh em Kiều Trần Như. Suốt 6 năm, chỉ còn da bọc xương mà vẫn không thấy được đường giải thoát khỏi sinh tử.  Rồi ngài nhận thấy: chắc chắn lối tu khổ hạnh không thể đem lại lợi ích. Khổ hạnh chỉ làm giảm suy trí thức và mệt mỏi tinh thần. Ngài nhận định rằng: một tấm thân mòn mỏi không thể hoàn toàn sáng suốt, cần có một sức khỏe để thành đạt tiến bộ tinh thần, nên quyết định không nhịn đói nữa mà dùng những vật thực thô sơ.

Ngài liền dứt khoát phải từ bỏ lối tu khổ hạnh, chọn lối “trung đạo” mà theo. Đó chính là con đường tránh xa hai cực đoan: quá hưởng thọ dục vọng hoặc quá tu tập khổ hạnh. Thấy vậy, 5 anh em Kiều Trần Như thất vọng, rời bỏ Ngài. Còn lại một mình, sau khi dùng một bát sữa cúng dường của mục nữ Sujata, thái tử Tất Đạt Đa xuống sông Ni-Liên-Thuyền tắm rửa, rồi đến bên gốc cây bồ đề, ngồi thiền. Ngài thề sẽ không đứng dậy nếu không đạt được giác ngộ giải thoát. Và ngài đã ngồi bất động như vậy suốt 49 ngày đêm.

Hồi tưởng lại khi còn thơ ấu, vào một buổi lễ Hạ Điền, trong lúc vua cha và mọi người đang chăm chú cử hành các cuộc vui, thái tử Tất Đạt Đa đã ngồi thế nào dưới cái bóng mát mẻ của một cây trâm, tham thiền, nhập định và đạt được Sơ Thiền. Ngài thấy: đó mới thật là con đường dẫn đến Giác Ngộ.

Bức tranh này có tên: Sự giác ngộ của Đức Phật dưới cây bồ đề, trong lúc quỷ Mara tấn công, là tranh tường của họa sĩ Kosetsu Nosu, tại một ngôi chùa Ấn, lập năm 1931. Ma vương (Mara) sợ thái tử đắc đạo nên đã dắt binh tướng đến tấn công. Nhưng trước sự kiên định của Tất Đạt Đa, và sự bảo vệ của thần Đất (bà gội đầu, quay mái tóc cho văng nước, đuổi Ma vương đi), Ma vương đành thất bại.

Một phần tranh phóng to

Cành lá bồ đề. Con cú trên cây là đang đêm?

Các binh tướng của Ma vương đến quấy phá, nhưng bị luồng nước của nữ thần Đất đẩy văng ra.

Cuối cùng, vào ngày rằm tháng 4 Âm lịch năm 588 trước Tây lịch, vào lúc bình minh khi sao Mai vừa mọc, thái tử phá tan được màn vô minh, giác ngộ Tứ đế, chứng đạt Tam minh, chứng quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác và thành Phật, hiệu là Thích-ca Mâu-ni Thế tôn.

Trong tranh, Đức Phật ngồi xếp bằng thế hoa sen (Kiết già – Padmasana), tay ở tư thế Xúc địa ấn, tức tay phải đặt trên đầu gối phải, đầu những ngón tay duỗi ra đụng đất, tay trái đặt trên đùi trái, gan bàn tay ngửa lên trên.

Xúc địa ấn – Bhumispara, nghĩa đen là “chạm vào đất”, diễn tả lại thời điểm trước khi đạt được giác ngộ dưới gốc bồ đề, thái tử đã lấy đất làm chứng, cũng là biểu tượng của lòng kiên tín, quyết tâm, không gì lay chuyển nổi. Cũng có những kinh văn nói tư thế tay Xúc địa ấn này là thái tử Tất Đạt Đa yêu cầu Thần đất gởi đạo binh chống lại Ma vương, khi Ma vương đến quấy rối ngăn cản việc giác ngộ của ngài.

Thần Đất, con gái Ma Vương:

Bị đội quân Ma vương đánh phá, Đức Phật chạm những ngón tay của bàn tay phải xuống đất, nhờ thần Đất trợ giúp. Nhận được cử chỉ từ bàn tay Phật, nữ thần Đất lập tức trồi lên giúp Ngài. Bà xuất hiện, trong hình dong một người phụ nữ đẹp, có nụ cười ngọt ngào, quỳ gối bên cạnh Đức Phật, đong đưa mái tóc ướt. Người ta nói, bà đã mượn toàn bộ nước của các đại dương. Nước từ tóc nữ thần làm tắt lửa của Ma vương, nhấn chìm đội quân của hắn.

Nữ thần này có hai tên, tên đầu là Mah Din (Mẹ Đất), tên thứ hai là Mah Torahnee (Mẹ Nước). Trong bức này vẽ Phật Thích Ca mà lại mặc cà sa đỏ, trong khi cà sa đỏ là trang phục của Phật A Di Đà?

Nước dìm đội quân của Ma vương.

Ở một số chùa Lào hay Thái, có những tượng thế này: thần Đất quay mái tóc.

Trong thời gian Đức Phật ngồi dưới tán bồ đề, Ma vương có cử ba cô con gái đến múa hát, quấy quả.

Dĩ nhiên là Đức Phật không hề hấn gì, mặc cho ba cô này lởn vởn suốt 7 ngày đêm quanh gốc bồ đề.

Trong vài bức hình nữa, cũng vào giờ phút giác ngộ của Đức Phật, họ vẽ thế này:

Có tới bốn người nữ trong bức tranh này, phải chăng hai cô cầm dù và nâng khăn, cộng một cô cười cười đang bị nước cuốn bên dưới là con gái Ma vương? Còn một cái đầu nữ, nhỏ thôi, đang ngước lên, thì đó chính là thần Đất?

Cũng như trong bức sau, vào lúc Đức Phật giác ngộ, bên tay phải, phía dưới, là ba đứa con gái của Ma vương. Nhưng bên tay trái, cũng phía dưới, là một người nữ xanh, một người nữ đỏ, có lẽ là hai dạng của Mẹ Đất và Mẹ Nước? Bạn nào biết thì cùng bàn luận nhé.

Phật A Di Đà và phật Thích Ca: là hai hay là một?

Câu này cũng có bạn hỏi tương tợ trên mạng, và câu trả lời được Yahoo Hỏi-Đáp bình chọn hay nhất là:

Chư Phật đều giống nhau.
Các Ngài vốn đã Vô Ngã, không còn chấp vào cái tên nữa. Do đó, Phật Thích ca cũng là Phật A Di Đà, Phật Di Đà cũng là Phật Thích Ca.
Chỉ có phàm phu mới còn chấp vào cái tên mà phân biệt Phật này, Phật kia.

Diệu Vợi thì xin làm kẻ phàm phu để trả lời với La Thần rằng: đó là hai vị phật riêng biệt.

Cả hai tuy cùng là thái tử, cùng từ bỏ kinh thành, đi tu rồi thành Phật, nhưng phật A Di Đà là giáo chủ của Tây Thiên Cực Lạc (an vui), còn phật Thích Ca Mâu Ni là giáo chủ của cõi Ta bà (đau khổ).

Phật Thích Ca là nhân vật có thực trong lịch sử (tên là Tất-đạt-đa Cồ-đàm), là người lập nên đạo Phật.

Chân dung được cho là của phật Thích Ca năm 41 tuổi, do môn đệ là Tôn giả Phú Lâu Na vẽ. Nghe nói bức này hiện có tại Bảo tàng Anh quốc. Có bạn nào đang ở Anh đã từng đến xem chưa nhỉ? (Toàn bộ hình là lấy từ internet.

Qua lời giảng của phật Thích Ca, môn đệ ngài mới biết đến… phật A Di Đà – một vị Phật đã có từ trước đó “mười ức kiếp”, đang cai quản một thế giới cực lạc. Theo phật Thích Ca, khi còn ở cõi Ta bà này, người ta nên phấn đấu để được tái sinh vào thế giới cực lạc ấy bằng cách tu tập, thành tâm hướng về.

https://lh5.googleusercontent.com/7He95U1HwLgF1Pnk_5-V7dEeaNijeTCbEI-u-dpJbUA=w502-h248-no

Theo lời giảng của phật Thích Ca, những người hằng tâm tu tập và niệm phật A Di Đà, lúc lâm chung sẽ thấy phật A Di Đà cùng hai vị bồ tát đi cùng hiện ra đưa về tái sinh ở cõi Tây thiên Cực lạc.

Trên tranh, phật A Di Đà thường được có thân (hoặc áo cà sa) đỏ, là màu mặt trời lặn ở cõi Tây. Cà sa phật A Di Đà có khoét vuông ở cổ, trước ngực có chữ vạn. Đầu phật có các xoắn ốc tóc. Nếu ở tư thế ngồi thì ngồi kiết già trên tòa sen, tay bắt ấn thiền định (hai ngón cái chụm đầu vào nhau, các ngón còn lại đan nhau), trên tay có một cái bát, là dấu hiệu của giáo chủ (cõi Tây Thiên).

https://lh5.googleusercontent.com/w5PwcT9xJiQ2a2oYI5CtNNhyxmTudkwpjmB6rLghDpc=w455-h599-no

Tượng phật A Di Đà ở chùa Nhật

Tranh vẽ phật A Di Đà với cà sa đỏ khoét cổ vuông, đầu có các xoắn ốc tóc. Tay ở ấn thiền định, ngồi kiết già trên tòa sen.

Một số tranh, tượng có thêm con công là phương tiện di chuyển của phật A Di Đà.

Bạn cũng hay thấy tranh, tượng thể hiện phật A Di Đà ở tư thế đứng một mình, vẫn trên đóa hoa sen, nhưng như lơ lửng trong không trung. Bên dưới là biển cả nổi sóng (cõi Ta Bà). Mắt phật nhìn xuống, miệng hơi mỉm cười nhân từ, tay phải buông xuống để chờ cứu vớt chúng sinh đang chìm trong bể khổ.

Nhưng nhiều nhất, bạn hay thấy phật A Di Đà bên cạnh có hai vị đại Bồ tát: Quán Âm (bên trái Phật, cầm cành dương và bình nước cam lồ) và Đại Thế Chí (bên phải Phật, cầm bông sen xanh).

Phật A Di Đà với bồ tát Quán Âm và Đại Thế Chí (gọi là hình ảnh Tam thánh)

Phật A Di Đà cùng hai vị bồ tát cai quản cõi Tây Thiên cực lạc.

Trong khi đó, tượng phật Thích Ca thường được vẽ một mình, hai bên không có hai vị bồ tát. Phật mặc áo cà sa vàng, choàng chéo qua vai, đầu thường có một búi tóc cao. Tay phật có thể ở các tư thế khác nhau như ấn xúc địa (chạm đất), ấn vô úy (không sợ hãi), ấn giáo hóa, ấn thiền định…

Tượng phật Thích Ca với áo cà sa không khoét cổ, tóc có búi, tay ở một thế ấn thiền định

Tượng phật Thích Ca với tay ở ấn chuyển pháp luân

Phật Thích Ca với tay ở ấn vô úy

Nói vậy, nhiều khi trên tranh-tượng, các họa sĩ, nghệ nhân cũng thể hiện… đa dạng lắm, chưa kể Phật ở mỗi nước còn có thể mang hình dạng khá là khác nhau.

Nhưng tóm lại, A Di Đà và Thích Ca là hai vị khác nhau. Vậy thì, lời khấn cũng khác nhau chứ:
Nam mô A Di Đà Phật” là “Đem thân và tâm kính ngưỡng về Phật A Di Đà”
Còn “Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật” là “Đem thân và tâm kính ngưỡng về Phật Thích Ca Mâu Ni”

Ao ngòi ở  Tây Phương Cực Lạc

Đức Phật Thích Ca từng giảng cho ông A Nan (một người em họ, đồng thời là một đệ tử thân thiết nhất, hay thắc mắc và hay bị mắng nhất) về cõi Tây Phương Cực Lạc (thuộc quyền quản lý của Phật A Di Đà):

Từ cõi Ta bà này hướng về cõi Tây, hơn muôn muôn ức cõi, có một thế giới gọi là Cực lạc hay Tịnh độ. Ở nơi đó, Đức Phật A Di Đà thường hay thuyết pháp để hóa độ chúng sinh.

Phong cảnh ở đây vô cùng đẹp đẽ, sáng lạn vui tươi và khi nhìn chung quanh chẳng khác chi là một vườn hoa vĩ đại với những hàng cây ngay ngắn. Những tường hoa, những dây leo rũ xuống như màu gấm, như lụa là và kèm theo những hồ nước chứa đầy những thứ nước có tâm công đức.

Đặc biệt đáy hồ lát bằng cát vàng và bao quanh bằng những hoa sen lớn bằng bánh xe với đủ màu sắc có hương thơm tỏa ngát và hào quang tỏa ra tuyệt đẹp. Hễ hoa sen màu xanh thì phát ra hào quang xanh. Hoa màu trắng thì phát ra màu trắng. Còn hoa màu hồng thì phát ra hào quang màu hồng.

Thêm nữa, đền đài, điện các ở cõi Tịnh độ đều làm bằng ngọc vàng châu báu. Thật là hiếm có.

Còn nói về chim chóc ở đây thì toàn là những thứ chim quý chẳng hạn như bạch hạc, khổng tước, anh võ…Những loài chim này lúc này cũng hót ra những tiếng pháp vi diệu để hòa lẫn trong những điệu nhạc thiêng liêng làm cho bất cứ ai khi nghe đến cũng đều pháp tâm hoan hỷ niệm Phật. Các loài chim này do chính Đức Phật A Di Đà biến hóa ra để thuyết pháp cho chúng sinh nghe. Ở cõi Tây phương này thì không bao giờ có màn đêm bởi vì hào quang của Đức Phật phát ra vô tận.”

Đầu tiên, trong bức tranh, là ba vị cai quản cõi Tây Phương Cực Lạc. Đó là:

Đức Phật A Di Đà cùng bồ tát Quán Thế Âm (bên trái, tay cầm cành dương liễu) và bồ tát Đại Thế Chí (bên phải, tay cầm hoa sen mới nở) là ba vị cai quản Tây Phương Cực Lạc.

Về “cơ sở hạ tầng”, Tây Phương Cực Lạc có hệ thống ao, đường xá, lầu các, cây xanh… Đầu tiên xin đi vào hệ thống ao, ngòi, vốn là nổi bật và có lẽ căn bản ở phương trời này. Ở Tây Phương Cực Lạc, đâu đâu cũng có ao.

Một góc ao sen bảy báu. Chi tiết trên mandala

Nhìn trên các hình nói chung sẽ thấy các ao có vẻ bé, nhưng theo kinh Vô Lượng Thọ thì ao nhỏ có, to có, từ mười do tuần, tới hàng ngàn do tuần (do tuần là đơn vị đo cổ của Ấn Độ, khoảng 15-20km).

Trên tranh này thì ao ở Tây Phương Cực Lạc đúng là to bằng biển.

Giữa các ao có các lạch thông nhau. Các ao có thành và đáy bằng thất bảo (bảy loại đá quý: vàng, bạc, mã não, san hô, hổ phách, ngọc lưu ly, ngọc trai). Nếu ao bằng vàng thì đáy ao bằng bạc. Nếu ao bằng bạc thì đáy là cát vàng. Nếu ao thủy tinh thì đáy là cát lưu ly; nếu là ao lưu ly thì đáy là cát thủy tinh; Nếu ao bằng san hô thì đáy là cát hổ phách; nếu ao bằng hổ phách thì đáy là cát san hô; Nếu ao bằng ngọc trai thì đáy là cát hổ phách; nếu ao bằng hổ phách thì đáy là cát ngọc trai… Các nhóm vật liệu quý ấy còn thay đổi tùy theo ý muốn người xuống tắm; có thể kết hợp hai, ba, bốn…, đến bảy loại vật liệu cho một ao, tùy gu.


Sen có bốn màu

Cũng nhìn trên tranh thì hoa sen to vừa thôi, ít cánh. Phật Thích Ca nói hoa to bằng bánh xe. Nhưng có nguồn nói trong mỗi ao có sáu mươi ức (một ức = 100 triệu?) hoa sen bằng thất bảo, có cả ngàn cánh. Mỗi bông tròn lớn tới 12 do tuần (tức khoảng 200km một bông), rực rỡ tỏa màu quý giá.

Kinh Vô Lượng Thọ (có chú giải) thì tả trong ao, “hoa Ưu Bát La, hoa Bát Đàm Ma, hoa Câu Mâu Đầu, hoa Phân Đà Lợi nhiều màu tỏa sáng rạng ngời, phủ kín mặt nước“.

Ưu Bát La Hán tức sen xanh, Bát Ðàm Ma là sen hồng, Câu Mâu Ðầu là sen vàng, còn Phân Ðà Lợi là sen trắng.

Có nguồn lại tả hoa sen trong ao to như bánh xe, sen xanh thì tỏa ánh sáng xanh, sen vàng tỏa ánh sáng vàng, sen đỏ tỏa ánh sáng đỏ, sen trắng tỏa ánh sáng trắng (tóm lại như chiếu đèn?), và có loại hoa tỏa ánh sáng hỗn hợp, chói rực. Các loại sen mọc kín khắp mặt nước (như vậy rất khác trong tranh, phải không các bạn?)

Hoa sen ở cõi Tây Phương, trong ao nước cam lồ. Tranh của dân gian.

Nước có tám công đức

Trong ao chứa đầy bát công đức thủy – nước tám công đức (có phải là nước cam lồ mà Quan Âm Bồ tát vẫn luôn luôn mang theo một bình?). Goi là bát công đức vì nước này có tám đặc tính sau:

1. Lặng sạch
2. Trong mát
3. Ngon ngọt
4. Mềm, nhẹ
5. Trơn láng
6. An hòa
7. Uống vào trừ được đói khát, hết khổ sở
8. Uống xong điều hòa được các căn, tiêu trừ các bệnh, được nhiều phước thọ.

Nước bát công đức có màu thất bảo, lên xuống theo cọng sen, chảy luồn vào cánh hoa, khiến cho từ các cánh hoa phát ra tiếng thuyết pháp. Sau đó nước lại theo cọng sen chảy xuống ao. Có người nói nước ao còn lên cả bờ, chảy lên xuống dọc theo các cây báu quanh ao, từ đây không những phát ra những lời thuyết pháp, mà còn nói về sự mê vọng của chúng sinh, công đức của Bồ tát, hoặc giảng về tam thân của Phật… Tóm lại là giống một hệ thống phát thanh công, với đường truyền là nước bát công đức.

Vừa tắm trong dòng “bát công đức thủy”, vừa nghe tiếng thuyết pháp từ dòng nước, từ những cánh hoa sen. Chi tiết trong Mandala.

Ao có khả năng điều tiết như ý

Ao ở cõi Tây Phương có đặc điểm là thay đổi tùy theo tâm ý người tắm. Người xuống ao tắm nếu muốn nước ngập chân, nước sẽ chỉ ngập chân, nếu muốn nước đến bụng, nước sẽ ngang bụng; muốn nước đến cổ, nước ngập cao đến cổ. Lại còn ấm mát điều hòa, dòng chảy nhanh chậm tùy ý thích. Tắm xong, thân thể nhẹ nhàng khoan khoái, tâm thần vui vẻ, sáng suốt.


Liên hoa hóa sanh

Nhưng ao bảy báu, nước bát công đức, sen bốn màu không phải chỉ để trưng, hay để thuyết pháp cho người tắm, mà tại đây diễn ra một họat động lớn của Tây Phương Cực Lạc: liên hoa hóa sanh. Phần này khá phức tạp và hấp dẫn, xin hẹn các bạn vào kỳ sau, sau khi đã điểm qua các chi tiết khác của cõi Tây Phương nhé.

Tác giả : Diệu Vợi

(tổng hợp từ internet)
Nguồn : soi.today

Tài liệu:

1. Diễn đàn Phật pháp 
2. Phật giáo nguyên thủy
3. Theo “Tranh Tượng & Thần Phổ Phật giáo”, Louis Frédéric, Phan Quang Định dịch, NXB Mỹ Thuật, 2005.

Về tác giả bức tranh

Kousetsu Nosu sinh năm 1885 tại tỉnh Shikeku. Ông lên Tokyo học vẽ. Năm 1918, ông đến Ấn Độ học nghệ thuật Phật giáo. Tại đây ông gặp bậc thầy Kampo Arai. Arai đề nghị ông làm trợ tá, copy những bức bích họa nổi tiếng ở các hang thờ vùng Ajanta.

Đến năm 1932, Nosu lại đến Ấn Độ, bắt đầu vẽ những bức bích họa của riêng mình. Trong năm năm, ông đã vẽ 17 bức dựa theo 17 tích về Phật.

Là Phật tử suốt đời, Nosu chỉ thích vẽ tranh Phật. Ông yêu mến Ấn Độ cổ, và tự coi nhiệm vụ nghệ thuật của mình là làm cho hai quốc gia Ấn Độ và Nhật Bản gần nhau hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.