Sau khi thực dân Pháp tấn công vào Kinh Thành Huế vào tháng 7.1885, kế đến là sự cáo chung của triều Nguyễn do thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhiều cổ vật quý báu của vương triều này đã bị thất thoát ra nước ngoài vì nhiều lý do và bằng nhiều con đường khác nhau. Trong khi các bảo tàng và các sưu tập tư nhân ở Việt Nam hiếm có cơ hội để lưu giữ, trưng bày các bảo vật của vương triều Nguyễn, nhất là các món vàng bạc châu báu, thì nhiều bảo tàng và các sưu tập tư nhân ở ngoại quốc đang sở hữu những cổ vật này. Những năm gần đây, bảo vật triều Nguyễn được mua bán công khai trong các phiên đấu giá cổ vật ở London, Paris, New York… hay được rao bán trên các trang web thương mại như eBay hay Spin. Đây quả là điều đáng buồn cho những ai quan tâm và yêu quí cổ vật Việt Nam nói chung và bảo vật của triều Nguyễn nói riêng.
Thời Nguyễn (1802 – 1945), kim vật (vật bằng vàng) của các triều vua: Minh Mạng (1820 – 1841), Thiệu Trị (1841 – 1847) và Tự Đức (1848 – 1883) luôn được coi trọng bởi giá trị lịch sử, nghệ thuật, cũng như bởi kích thước và trọng lượng của chúng. Kim vật triều Nguyễn có thể phân thành ba nhóm: vật thờ cúng (nén vàng để thờ, lọ hoa thờ, đồ dâng rượu cúng…); vật biểu thị cho quyền lực của vương triều (kim bảo, kim sách) và đồ ngự dụng (đồ dành cho vua dùng như: khay, mâm, bình rượu, cơi trầu, ống nhổ, chậu rửa mặt…). Kim vật của triều Nguyễn hiện còn rất ít tại Việt Nam do bị mất mát, thất lạc hoặc bị cướp bóc trong các cuộc chiến tranh trước đây.
Sau khi ký hòa ước Nhâm Tuất (1862) với thực dân Pháp, vua Tự Đức phải thu gom gần như toàn bộ vàng thoi, bạc nén trong quốc khố để bồi thường chiến phí cho liên quân Pháp và Tây Ban Nha. Khi số vàng này được chuyển về Pháp, chính phủ Pháp cho chọn mỗi loại một món đưa vào bảo quản trong các bảo tàng quốc gia để làm kỷ vật. Nhờ vậy nên tại các bảo tàng Pháp quốc như Hotel de la Monnaie (Paris) vẫn còn giữ được những nén vàng của triều Nguyễn, trong đó, có một nén vàng nặng 3,8 kg từ đời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765).
Do quốc khố không có đủ vàng thoi để bồi thường chiến phí nên vua Tự Đức phải thu hồi một số bảo vật bằng vàng và bằng bạc đang trưng bày trong các cung điện, đúc thành thoi vàng và nén bạc trả để trả cho người Pháp và người Tây Ban Nha. Năm 1869, vua ra lệnh cho các hoàng thân, hoàng tử, công chúa… nộp lại kim ấn và kim sách mà triều đình đã ban cho họ trước đây, đúc thành 135 đĩnh vàng để triều đình tiêu dùng. Sau đó, vua Tự Đức đã cải cấp (cấp lại) cho họ những kim ấn và kim sách làm bằng đồng.
Ngày 5.7.1885, quân Pháp đánh chiếm Kinh Thành Huế, vua Hàm Nghi và hoàng gia xuất bôn ra Quảng Trị, rồi ra Hà Tĩnh, đem theo một số vàng bạc, châu báu để tiêu dùng. Trong lúc ấy, quân Pháp tràn vào cướp bóc tất cả đồ đạc quý giá đang trưng bày và thờ tự trong các cung điện ở trong Đại Nội. Theo ghi chép của linh mục Siefert, người đã có mặt tại Huế lúc bấy giờ, khi đối chiếu với bảng kiểm kê tài sản của hoàng gia lập trước ngày 5.7.1885 với những gì đã mất, thì quân Pháp đã cướp “228 viên kim cương, 266 món nữ trang có nạm kim cương, hại trai, hạt ngọc, 271 đồ bằng vàng trong cung của bà Từ Dũ… Tại các tôn miếu thờ các vua: Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị thì hầu hết các thứ có thể mang đi như mũ miện, đai áo, thảm đệm, triều phục, long sàng và bàn xoay có chạm trổ, các giá treo vũ khí, hộp đựng trầu để thờ, ống nhổ, chậu quán tẩy bằng vàng; hỏa lò, mùng và màn thêu hoa, đỉnh trầm, ấm trà và khay chén, tăm xỉa răng… đều bị cướp” (J. Chesneaux, Contribution à l’histoire de la nation vietnamienne, Paris, Éditions Sociales, 1955, p. 134). Phần lớn những bảo vật cướp bóc trong đợt này đã được người Pháp chuyển về Paris.
Sau khi Đồng Khánh lên ngôi (tháng 9.1885), người Pháp đã trả lại cho triều đình nhà Nguyễn một số kim bảo, ngọc tỷ và kim sách. Sau đó, triều đình cho chuyển những bảo vật còn lại về thờ tự và cất giữ trong điện Phụng Tiên. Trong số đó có một cuốn kim sách khắc bài Tự chế mạng danh thi của vua Minh Mạng và một nén vàng lớn, gồm hai nửa, nặng gần 2 kg, trên đó có khắc dòng chữ Hán: Thế tổ Đế hậu, Quý Mão bá thiên thời tín vật. Đây là nén vàng mà Nguyễn Ánh đã chặt làm đôi, rồi ông và bà Tống Thị Lan, vợ cả của ông mỗi người giữ một nửa, để làm tín vật, trước khi ông trốn ra đảo Phú Quốc vì bị quân Tây Sơn truy đuổi.
Thời Duy Tân (1907 – 1916), triều đình lại chuyển các bảo vật này về cất giữ trong điện Cần Chánh tọa lạc bên trong Tử Cấm Thành. Ngoài kim bảo, ngọc tỷ, kim sách, ngân sách của vua, hoàng phi, hoàng tử và công chúa, còn có một hổ phù bằng vàng, gồm hai nửa, gọi là Phủ tín. Khi vua xuất cung thường phải mang theo nửa mảnh hổ phù này. Đến lúc trở về, vua phải đưa nửa mảnh hổ phù này cho lính canh để ráp với nửa còn lại, nếu thấy khớp với nhau thì nhà vua mới được nhập cung. Tuy nhiên, trong lần kiểm kê tài sản trong điện Cần Chánh do ông Paul Boudet thực hiện vào năm 1942, thì không thấy kê tên hổ phù bằng vàng này. Có thể nó đã bị thất lạc. Cuộc kiểm kê này còn cho biết: vào lúc bấy giờ trong điện Cần Chánh còn lưu giữ 46 kim ấn và ngọc tỉ, 26 kim sách, trong đó có 3 kim sách khắc các bài Thánh chế mạng danh kim sách và nhiều kim sách khác đề niên hiệu các vua: Gia Long, Thiệu Trị, Tự Đức, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân và Khải Định. Ngoài ra, còn có một số sách phong bằng bạc mạ vàng do triều đình tấn phong cho các hoàng thái hậu và thái tử. Tất cả những bảo vật này đã biến mất sau ngày nhà Nguyễn cáo chung.
Philippe TRUONG et Trần Đức Anh
Sơn paru dans Huế Xưa Nay (n°93, mai-juin 2009) et Thông Tinh Di Sản (n°2, juillet 2009).