Những tác phẩm Nghệ Thuật đang được chào bán ở khắp mọi nơi, hầu hết đều được đi kèm với rất nhiều loại giấy tờ, chứng chỉ xác thực (COA), giấy tờ liên quan đến nguồn gốc của tác phẩm, sự xác nhận hoặc gợi ý dưới mọi hình thức rằng chúng thuộc bản quyền của một nghệ sĩ nào đó, etc. Nhưng bạn biết không? Không có văn bản, giấy chứng nhận hoặc tuyên bố nào đáng giá trừ khi chúng được xác nhận bởi tác giả, hoặc có nguồn gốc trực tiếp từ các chuyên gia có đủ năng lực, thẩm quyền, chuyên môn, và được công nhận.

Những vấn đề gặp phải rất phổ biến đối với những tác phẩm chưa được chứng thực là những cá nhân không có thẩm quyền thường xuyên “quy chụp” các tác phẩm nghệ thuật thuộc về một nghệ sĩ nào đó, tuy nhiên 100% những tuyên bố này đều không có giá trị. Vậy thì vì sao lại thế? Bởi vì trong thế giới nghệ thuật, những sự quy kết (tiếng anh attribution) cho các nghệ sĩ đây là tác phẩm của họ chỉ được chấp nhận khi được tạo nên bởi các cá nhân, đoàn thể được công nhận. 

Về mặt kĩ thuật, sự “quy cho” chỉ có nghĩa nếu nó là ý kiến chắc chắn của một chuyên gia hay một hội đoàn có năng lực, chuyên môn về một nghệ sĩ cụ thể, và điều này mới nói lên rằng một tác phẩm nghệ thuật có khả năng là do nghệ sĩ đó tạo nên. Nhắc lại để nhấn mạnh rằng, từ khóa ở đây là chuyên gia hoặc hội đoàn có năng lực (ví dụ hội chuyên gia). Nhắc lại một lần nữa rằng, sự “quy chụp” một tác phẩm cho một nghệ sĩ bởi những cá nhân không có đủ năng lực, không phải chuyên gia thì đều vô nghĩa. (Thêm vào đó, xin đừng nhầm lẫn giữa việc “quy cho” (attribution) và “sự xác thực” (authentication). Việc quy một tác phẩm do một nghệ sĩ tạo nên không có nghĩa là tác phẩm đó đích thực do nghệ sĩ đó sáng tác, mà chỉ có nghĩa là nó có khả năng được sáng tác bởi nghệ sĩ đó.)

Vậy bạn có thể hỏi, những người có đủ năng lực và thẩm quyền để xác thực một tác phẩm Nghệ Thuật ở đây là ai?

Là người mà biết được anh ta hoặc cô ta đang nói gì – và đây là phần quan trọng – có bản lý lịch để chứng minh điều đó. Những người có năng lực và đủ thẩm quyền là những người có nghiên cứu sâu rộng về các nghệ sĩ được cho là tác giả của những tác phẩm nghi vấn, những người từng xuất bản các bài báo học thuật, quản lý bảo tàng hoặc triển lãm nghệ thuật lớn về những nghệ sĩ này, hay những người dạy các khóa học về nghệ sĩ, mua hoặc bán ít nhất hàng chục hoặc tốt hơn là hàng trăm các tác phẩm của nghệ sĩ, viết sách, bài báo hoặc các danh mục triển lãm hoặc các bài tiểu luận về nghệ sĩ, vân vân. Các người có năng lực và thẩm quyền cũng có thể chính là những nghệ sĩ đó, người thân hoặc vợ/chồng, nhân viên làm việc với nghệ sĩ, con cháu trực tiếp, người thừa kế của họ, hoặc những người có quyền hợp pháp, chính thức, hoặc được cấp phép để duyệt bài phê bình về các tác phẩm nghệ thuật bởi một vài nghệ sĩ nhất định. Vậy phần quan trọng nhất ở đây là gì? Người có năng lực và thẩm quyền là người được công nhận trong cộng đồng nghệ thuật như là những cá nhân nên tìm đến khi có nghi vấn về các tác phẩm nghệ thuật hoặc về nghệ sĩ mà họ có chuyên môn.

Bức tranh Hà Nội Phố, được bán bởi nhà đấu giá Christies vào năm 2014, bức tranh được hoạ sĩ Bùi Thanh Phương, con trai của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái đánh giá đây là một bức tranh chuẩn. Trên thị trường cho tới nay có ít nhất 3 bức tranh cùng chủ đề của hoạ sĩ Phái đã được bán, và đây là bức được gia đình hoạ sĩ công nhận là tranh thật.

Những cá nhân sau đây KHÔNG CÓ NĂNG LỰC chứng thực, xác nhận, xác định, hoặc nói cách khác là đưa ra bình phẩm, phê bình học thuật hay tuyên bố về nghệ sĩ hoặc tác phẩm nghệ thuật:

  • Người mà cho rằng một tác phẩm nghệ thuật được tạo bởi một nghệ sĩ cụ thể bởi vì nó trông giống với những tác phẩm khác cùng được sáng tác bởi nghệ sĩ đó.
  • Người mà cho rằng một tác phẩm nghệ thuật được tạo bởi một nghệ sĩ cụ thể bởi vì anh ta nhìn thấy hình minh họa trong các cuốn sách, bài báo hoặc trên mạng trông giống với tác phẩm đó.
  • Người mà không có chứng nhận, chứng chỉ nghệ thuật quốc tế mà cho rằng tác phẩm nghệ thuật họ sở hữu được tạo nên bởi một nghệ sĩ cụ thể bởi vì họ đã làm nghiên cứu cá nhân và tổng hợp được bằng chứng dài, chi tiết (theo ý kiến của họ) về lí do họ nghĩ như vậy.
  • Người mà quy một tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo bởi một nghệ sĩ, nhưng lại không có bằng chứng xác thực về sự xác định này và không phải chuyên gia về nghệ sĩ đó.
  • Người mà cho rằng chỉ vì tác phẩm nghệ thuật đó được một nghệ sĩ cụ thể kí, thì đương nhiên là được sáng tác bởi nghệ sĩ đó.
  • Người nói rằng “đó là điều mà người sở hữu trước đó đã nói với tôi”, nhưng lại không có thông tin liên lạc với người sở hữu trước hoặc bằng chứng dưới bất kì hình thức nào.
  • Người nói rằng tác phẩm nghệ thuật họ sở hữu được sáng tác bởi một nghệ sĩ cụ thể bởi vì có một nhà sưu tầm rất giàu có đã từng sở hữu nó.
  • Bất kì ai mà không được đồng nghiệp công nhận là một chuyên gia về một nghệ sĩ nào đó.
  • Giấy chứng nhận về tính xác thực hoặc các giấy tờ có dạng tương tự từ những chủ phòng trưng bày, người bán, giáo sư, giám định viên hoặc từ bất kì cá nhân nào mà KHÔNG ĐƯỢC CÔNG NHẬN là chuyên gia về những nghệ sĩ mà gắn liền với những chứng nhận và tài liệu này.
  • Những giám định viên nghệ thuật mà KHÔNG ĐƯỢC CÔNG NHẬN là chuyên gia về những nghệ sĩ đang bị nghi ngờ, nhưng cuối cùng lại giám định tác phẩm thuộc về những nghệ sĩ này. (GIÁM ĐỊNH VIÊN NGHỆ THUẬT CHỈ CÓ TRÁCH NHIỆM GIÁM ĐỊNH; HỌ KHÔNG ĐƯỢC CHỨNG THỰC, CHỨNG NHẬN HOẶC QUY CHO LÀ THUỘC VỀ MỘT NGHỆ SĨ NÀO trừ khi đặc biệt có năng lực để làm điều này. Giám định và chứng thực là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Không bao giờ được nhầm lẫn hai khái niệm này.)
  • Người mà nói rằng một tác phẩm được sáng tác bởi một nghệ sĩ cụ thể nhưng lại không thể đưa ra bằng chững hữu hình về điều này.

Như thường lệ, đừng bao giờ mua một tác phẩm nghệ thuật không quen thuộc từ những người bạn không quen biết trừ khi bạn hoàn toàn chắc chắn bạn biết mình đang mua gì. Hãy tuyệt đối cẩn thận dưới mọi hoàn cảnh, chắc chắn rằng bạn có giấy tờ hoặc bằng chứng rõ ràng rằng tất cả những điều bạn nghe được đều đúng sự thật khi có bất kì một sự nghi ngờ nào TRƯỚC KHI bạn mua tác phẩm đó. Nếu như bạn có bất kì câu hỏi nào thì không nên mua cho đến khi bạn có được câu trả lời thích đáng.

Le Huong Phan

(dịch và tổng hợp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.