Trước bao nhiêu người chen chúc nhau vào xem trong phòng triển lãm, những tác phẩm, mà cũng là những tình yêu đương tha thiết, những phút mê mải say sưa của các họa sĩ, lần lượt phô bày ra mắt mọi người thích đẹp.

Người ta tiếc một đám đông họa sĩ, trụ cột của các phòng triển lãm mấy năm nay quá vắng mặt, như Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Mai Trung Thứ, Nguyễn Tường Lân, vân vân. Nhưng người ta sung sướng đón chào biết bao nhiêu hi vọng mới.

Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ mang một chí hướng ngang tàng, mải miết chạy trong bầu ánh sáng mới tìm thấy, man mác và hớn hở, sặc sỡ và dịu dàng, bay ngun ngút đưa mình lên theo khói hương trầm cuồn cuộn của tình yêu, của sự kính cẩn những tâm tình cao thượng và hăng hái. Họa sĩ Trần Văn Thọ với nhưng bức phác cảnh thượng du sơ sài và lanh lẹ, và họa sĩ Nguyễn Tiến Chung với những cảm tình đầy thi vị, rất êm đềm trong những hình dáng tròn trĩnh, có duyên kín đáo và cổ kính. Trong những bóng tre xanh của họa sĩ Nguyễn Dung, phảng phất một thứ ánh sáng buồn hiu quạnh. Một thứ nắng trong sương, sáng, êm dịu vô cùng. Bên cạnh, họa sĩ Nguyễn Văn Chước đột ngột thích những đám mây kéo vội. Trong bức 320, họa sĩ Nguyễn Đức Thoa tả cái thần hình đau khổ của người ăn mày già một cách thành thực và cảm động.

Hai cô gái dân tộc của họa sĩ Phạm Khanh lạ lùng nhìn người ta bằng những con mắt bí hiểm, không biết rằng mình rực rỡ một cách hoang đường, với những màu đỏ trói lọi, nhưng vạt áo xanh vô lý, những vòng, những kiềng soang soảng.

Họa sĩ Phạm thúc Chương lăn lộn trong ánh sáng như một con thiêu thân, miễn là ánh sáng.

Trong một cái thung lũng mịt mù còn tối, họa sĩ Phạm Tú thức dậy trước bao nhiêu mây ngũ sắc, cuồn cuộn bốc lên mà các bậc chân tu đi tìm đạo ngày xưa đã từng nhìn thấy. Họa sĩ Trinh hữu Ngọc bày hai bức tranh thân lực lưỡng như hai pho điêu khắc.

Trên một bức vẽ, họa sĩ Lê văn Huệ đã nhìn đời trong một con gió lạ, những cảnh rất sơ sài, đối với mọi người rất bình tĩnh bỗng cựa cậy, ngả nghiên và đưa họa sĩ vào giữa những hình, sắc tấp nập, chập chờn, với dáng một người nhà quê đội nón, sung sướng, ngồi giã cối trong cái cảnh đang lung lạc biến đổi đó.

Bức trên của họa sĩ Hoàng lập Ngôn giản dị, kín đáo và chắc chắn.

Trong những tác phẩm của các họa sĩ cũ, người ta nhận thấy Trần văn Cân rực rỡ, tươi sáng và gân guốc, lạc quan hơn lên bội phần và Lương xuân Nhị mạnh bạo hơn xưa mà vẫn bình tĩnh và cẩn trọng.

Nguyễn phan Chánh vẫn ngây ngô, vẫn cục mịch, vẫn giản dị, nhưng bỗng nhẹ nhàng vô cùng trong màu thuốc, thanh thoát không ngờ trong không khí dịu dàng xanh với con mắt không ham đời mà cũng không chán, êm ả vẽ thư thái, mơ hồ của những công việc chậm rãi và lặng lẽ của những người quê.

Tác giả: Nguyễn Đỗ Cung

Giải thưởng của triển lãm SEDEAI 1937 gồm có : huy chương vàng Đỗ Đình Hiệp (hội họa), huy chương bạc Nguyễn Văn Chất, Hoàng Tích Chù, Phạm Tư (hội họa), Nguyễn Văn Yên (điêu khắc). Giải thưởng ngoại hạng : Lương Xuân Nhị (hội họa), Pham Gia Giang, Vũ Văn Thu (điêu khắc), huy chương đồng có Nguyễn Văn Tỵ, Lê Văn Huệ, Nguyên Như Hoành, Trần Văn Thọ (hội họa). Bằng khen hội họa có Nguyễn Huyến, Tô Văn San, Công Văn Trung, Nguyễn Sỹ Ngọc, Phạm Xuân Thi (điêu khắc).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.