Kate vừa sinh hạ một hoàng tử, khiến báo chí các nước um hết cả lên. Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, cậu bé sẽ trở thành người kế vị tương lai của nước Anh (sau bố và ông). Nếu chỉ có thế mà thiên hạ xuýt với xoa thì quá chán! Lịch sử của Hoàng Gia Anh có nhiều điều vô cùng thú vị; nhân dịp Kate sinh hạ hoàng tử, xin “chộp ngay cơ hội” để viết loạt bài về lịch sử Hoàng Gia Anh – một đề tài tôi khoái từ rất lâu nhưng chưa có “cớ” để làm.
Hoàng tử William và Kate trong ngày cưới. Nhưng từ đâu mà nước Anh có một Hoàng gia đình đám như ngày nay?
Những bài thế này sẽ không dài dòng, chứ dài là đọc rất buồn ngủ. Tuy nhiên, học ít nhưng vẫn phải học đến nơi đến chốn; muốn biết một cách tương đối tường tận về Hoàng Gia Anh là chúng ta phải thăm dò thời kỳ “trước khi có vua” một chút: ông vua đầu tiên (của cái nơi sau này thành Anh quốc) là ai? Vì sao có vua? Vua từ đâu chui ra?
Xin cám ơn một ông Bê Đê
Đùa thế thôi cho nó giật gân đúng mốt, chứ ông này tên viết đúng là Bede, sống vào khoảng 673-735 năm sau Công Nguyên. Ông là một thầy tu, và là một dịch giả rất giỏi; Bede yêu lịch sử nên cất công sưu tầm, dịch thuật, ghi chép các sự kiện xưa của nước Anh, rồi soạn ra nhiều sách sử vô cùng giá trị. Xứ sương mù gọi ông là “Cha đẻ của lịch sử Anh Quốc”. Thời của Bede, nước Anh rất loạn, người nào cũng lo giữ đầu nên chẳng ai chịu ghi chép gì; nếu không có ông là chúng ta sẽ mù tịt về những gì diễn ra ở Anh vào thời xa xưa. Ông cũng là người dùng hệ thống thời gian BC (Before Christ – trước Công Nguyên), và AD (Anno Domini – Công Nguyên, dịch chính xác là “Năm của Chúa”); các sử gia (lẫn dân chúng) về sau cũng dùng cách chia thời gian giống Bede, nên phải cảm ơn ông Bede cái đã.
Tác phẩm “Chương cuối cùng”, J. Doyle Penrose, 1902. Họa sĩ vẽ cảnh ông Bede (ông lão bên trái, sau này trờ thành Thánh Bede) đang dịch chương cuối của kinh Phúc Âm của Thánh John (có 4 bản Phúc Âm trong đạo Thiên Chúa là bản của Thánh John, bản của Thánh Luke, bản của Thánh Mark, và bản của Thánh Matthew). Ngồi cạnh Bede là cậu học việc.
Thế Bede viết gì?
La Mã, Anglo-Saxon, và vị vua đầu tiên của Anh
Lúc ăn lông ở lỗ, nước Anh cũng trải qua thời kỳ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt… như mọi quốc gia khác; thời kỳ này chẳng có gì đặc biệt, trừ chuyện dân Anh bắt đầu xây stonehenge vào năm 3100 trước Công Nguyên, còn lại thì cuộc sống nói chung là bình bình.
Ảnh chụp stonehenge từ trên cao (ảnh của National Geographic). Có nhiều giả thuyết về stonehenge, một phần vì chưa ai biết chắc làm thế nào mà người xưa có thể vác đá từ một nơi rất xa đến chỗ xây dựng, rồi còn chồng được từng tảng to oạch lên nhau một cách vuông vức. Có sách còn nói stonehenge là chỗ đậu phi thuyền của… người ngoài hành tinh, nhưng đa số các nhà khoa học công nhận rằng đây là nơi tổ chức lễ hội, đón mặt trời.
Đến năm 650 BC, tộc người Celts (Celtic) kéo đến lãnh thổ nước Anh, và phát triển văn hóa Celts. Nhưng cuộc sống vẫn còn theo kiểu bộ lạc, bầy đàn, chưa có vua theo nghĩa của từ vua. Chủ yếu chỉ có “vua” theo kiểu thủ lĩnh bộ lạc, mỗi bộ lạc cai trị rải rác trên nước Anh.
Năm 55 trước Công Nguyên, đế chế La Mã bắt đầu dòm ngó Anh. Đối với họ, vùng đất này thật giàu có với nhiều quặng vàng, sắt, và đồng; mà chủ của xứ này lại là một đám mọi rợ (La Mã chỉ xem người dân La Mã là người văn minh, ai không phải La Mã đều là mọi rợ). Từ 55 BC đến 43 AD, đế chế của các Caesar đã chiếm trọn nước Anh, rồi đặt tên “Britannia” cho thuộc địa mới. Ngày hôm nay, Britain (Anh Quốc) là tên chính thức của xứ sương mù.
Nhưng người La Mã chiếm đất xong cũng chẳng thích cai trị gì nhiều (quản lý mệt chết), mà chỉ muốn… thu thuế và xây dựng. Thăm dò địa hình, người La Mã phát hiện rằng Britannia có một vùng rất thuận lợi để phát triển buôn bán, vì nơi đây có con sông vô cùng lớn chảy qua. Đó chính là sông Thames, dân La Mã bắt đầu gầy dựng thành phố mới tại đây, và đặt tên “Londinium” cho thành phố. London chính thức chào đời.
Mô hình thành phố London vào năm 85-90 AD, dưới chế độ La Mã, London bắt đầu có phố xá, bến cảng, và cầu. Mô hình hiện nằm tại Bảo tàng London.
Ngoài việc phổ biến luật lệ (truyền từ thời Hy Lạp) cho “đám mọi rợ”, người La Mã còn chỉ họ cách trồng rau, nhập giống rau, xây dựng hệ thống đường bộ, xây nhà tắm nước nóng công cộng (từ đó xây luôn hệ thống ống dẫn nước; giống dân Hy Lạp, dân La Mã chuộng sự sạch sẽ) và xây… toilet. Họ không giết (hết) các vị vua của mấy bộ tộc Celts, mà cứ để cho các ông cai trị như cũ, rồi thu thuế.
Nhà tắm công cộng người La Mã xây vào thế kỷ thứ nhất BC tại thành phố Bath, Anh Quốc (trước đó người Celts xây một cái đền nhỏ xíu ở đây, rồi người La Mã phá đền và xây thành nhà tắm). Bath may mắn có sẵn suối nước nóng tự nhiên, nên dân La Mã xây một nhà tắm rất hoành tráng, vững chãi. Bạn nào có dịp đến Anh thì làm ơn đừng mãi lẩn quẩn với Big Ben, chạy tới Bath ngắm cái nhà tắm này, kiến trúc rất khoa học mà rất cổ, nhìn thích mê ly.
Bản vẽ nhà tắm nước nóng La Mã ở Bath. Ngoài phòng tắm chính còn có phòng tắm tròn, phòng tắm nóng, phòng tắm lạnh, phòng… xông hơi. Vì đây là suối nước nóng tự nhiên nên người La Mã chỉ cần dẫn nước vào các phòng tắm nóng, không cần xây ống đun.
Còn phòng xông hơi thì sao? Họ xây hệ thống này dưới sàn (sàn được tháo ra để khách thăm quan ngắm cấu trúc dưới nền)
Công dụng của nó giống như trong hình vẽ trên, ở dưới là lò đốt củi, hơi nóng từ đó len lỏi làm ấm sàn và tường. Nói chung nước Anh “bị”La Mã đô hộ cũng không đến nỗi tệ.
Đến năm 400 AD, đế chế La Mã bắt đầu tịt ngòi, vì thiếu nhân lực để chém giết ở nơi khác nên họ rút toàn bô quân lẫn người từ Anh về quê hương, chấm dứt nền cai trị ở Britannia. Nước Anh hứng chịu một thời kỳ bạo loạn kéo dài khoảng 200 năm, khi các ông vua, các bộ lạc xâu xé lẫn nhau giành chủ quyền, để rồi tộc người Anglo-Saxon của xứ Scandinavia chiếm thế thượng phong vào khoảng năm 600. Năm 757, vị vua đương nhiệm của Anglo-Saxon tên Offa chiếm gần hết lãnh thổ nước Anh, đẩy người Celts về phía Tây.
Có thể xem Offa như vị vua đầu tiên của xứ sương mù, và vùng đất ông ép dân Celts di cư tới trở thành xứ Wales.
Tượng vua Offa tại nhà thờ Lichfield. Nếu nói nghiêm khắc thì Offa chưa hẳn cai trị toàn bộ nước Anh, vì ông không chiếm được vùng phía Bắc, nhưng gần cuối đời thì con gái ông cưới vua phương Bắc, nên cứ coi Offa như điểm khởi đầu, và theo phả hệ Hoàng Gia Anh thì Offa là người đầu tiên họ điểm mặt chỉ tên, ông cũng là khởi điểm của “triều đại Anglo-Saxon”
Tuy người La Mã có công đặt tên cho nước Anh và thành phố London, các thị trấn/thành phố nhỏ ở Anh là do người Anglo-Saxon đặt tên. Nếu đuôi của thị trấn có những chữ như: ton, wick, worth, bridge, den, ham… thì đó là vùng do người Anglo đặt tên (ví dụ: Luton, Buckingham, Birmingham, Epworth, Alnwick…)
Bốn vị thần của Anglo-Saxon: Tiw, Woden, Thor, và Friya, trở thành 4 ngày trong tuần của tiếng Anh: Tuesday (thứ 3), Wednesday (thứ 4), Thursday (thứ 5) và Friday (thứ 6).
Offa trở thành vị vua Anglo Saxon đầu tiên của xứ sương mù; đến năm 796, Offa qua đời, Offa có một cậu con trai tên Egfrith, nhưng cậu này ốm yếu thế nào đó mà thay cha làm vua được 5 tháng là lăn đùng ra chết. Của đáng tội, thời còn sống thì vua Offa vì sợ họ hàng giành ngôi với thằng con, nên giết hết đám họ hàng gần, đến khi Egfrith qua đời thì dòng họ nhà Offa chẳng còn ma nào. Ngai vàng lọt vào tay của một gã bá vơ thuộc họ bà con xa lắc của Offa.
Tranh tường “Vua Offa cưỡi ngựa” ở nhà thờ St Alban. Chẳng biết ông con Egfrith có phải là người cưỡi ngựa cạnh Offa không, Egfrith lên ngôi có 5 tháng, tìm mãi mà chẳng thấy bức tranh nào vẽ mặt Egfrith cả.
Tuy nhiên, họ hàng xa của Offa chẳng phải Offa, nước Anh một lần nữa rơi vào tình cảnh “loạn chủ”, lãnh chúa của các vùng không ai nghe lời ai, thi nhau giành giật chức vua. Từ năm 796 đến năm 871, xứ sương mù có đến hơn 30 ông vua, mỗi ông ‘chấm mút’ được vài năm (giỏi lắm là cỡ chục năm) thì sẽ bị ông khác cướp ngôi rồi chấm mút tiếp.
Tác phẩm vẽ một người lính của Anh thời thế kỷ thứ 7, không biết ai vẽ và vẽ năm nào. Trong thời chấm mút thì các ông vua chẳng có gì nổi trội, mỗi ông cầm quyền trong thời gian ngắn nên tranh tượng về các ông rất hiếm, mọi người ngắm hình lính tráng thời này vậy. Bạn nào có thêm thông tin của bức tranh này thì bổ sung dùm mình nhé.
Trong tình cảnh đất nước nhiều vua đâm loạn, nước Anh yếu thế và trở thành miếng mồi ngon cho các thành phần bất hảo, đặc biệt là người Vikings khét tiếng hung hăng. Thời còn Offa, người Vikings chỉ dám mò đến bờ biển Anh và cướp chút đỉnh, nhưng đến thời loạn xạ này thì dân Vikings liên tục kéo thuyền tới cướp bóc, hãm hiếp con gái nhà lành. Vào những năm 850, người Vikings bắt đầu dấn sâu vô đất liền, và năm 865 thì họ phát động chiến dịch “tổng tấn công” Anh Quốc.
Các ông vua chấm mút gặp Vikings là cụp đuôi, đánh trả mấy cũng không xi nhê. Lúc đó, một vị vua (nói đúng hơn là lãnh chúa của xứ Wessex, cũng là cháu chắt của một ông vua quèn trên), tên Alfred, thấy bực bội, quyết định cầm quân xông trận. Alfed đẩy toàn bộ quân Vikings về phía Đông, giành lại gần hết lãnh thổ nước Anh.
Tượng Alfred tại Winchester, Anh Quốc
Một món kim hoàn do Alfred đặt làm, hiện nằm tại bảo tàng Ashmolean ở Oxford. Sách vở ghi chép rằng Alfred đặt làm nhiều thanh trượng bằng vàng để tặng các giám mục, và đây có thể là một phần còn sót lại của một thanh trượng (những thanh trượng còn lại giờ đã mất hút). Ở trên mảnh vàng có khắc chữ “Alfred had me made”
Alfred vừa giỏi vừa anh minh nên được người đời gọi là Alfred the Great (Alfred vĩ đại). Ông lên làm vua, chấm dứt thời kỳ trăm vua không được bát nước xáo. Ông bắt người Vikings ký hiệp ước, trong đó quy định rằng dân Vikings chỉ được quản lý một phần của bờ biển phía Đông. Chưa hết, biết người Vikings rất giỏi đóng thuyền, đi biển, nên Alfred tiện thể bảo dân chúng học lóm, sau đó ông kết hợp kỹ thuật đóng thuyền của dân Vikings với mô hình tàu chiến của người La Mã, Hy Lạp, cải tiến nên một loại tàu gọn gàng hơn, mạnh mẽ hơn cho hạm đội Anh. Về sau, nước Anh liên tục thắng thế trong các trận thủy chiến nổi tiếng, và hải quân Anh trở thành một đội quân mạnh hùng hậu; tất cả là nhờ họ đã học lóm người Vikings.
Tác phẩm “Thuyền Vikings”, Adolf Bock vẽ vào đầu thế kỷ 20th.
Thuyền của người Vikings trưng bày tại bảo tàng Oslo (Na-Uy)
Nhưng cũng vì Alfred, mà người Anh và người Pháp bắt đầu ghét nhau như chó với mèo.
Vì sao vậy? Vì ban đầu, dân Vikings đánh chiếm Anh quá dễ dàng, ông vua nào của xứ sương mù lúc ấy cũng kém cỏi, nên đám Vikings cứ tha hồ cướp giết hiếp. Đến lúc Alfred đánh trả, lên ngôi vua, dân Vikings bỗng dưng mất gần hết một nguồn lợi nhuận dồi dào.
Đối với dân Vikings, chỉ quản lý một vùng biển phía Đông của Anh là chưa đủ. Thiếu tiền, họ quyết định giương buồm xuống phía Nam, và tại đây, họ phát hiện ra rằng nước Pháp dễ ăn hơn thật. Họ nhanh chóng cắm trại ở bờ biển Pháp và từ đó tủa ra đi cướp bóc, những khu trại này liên tục lan rộng – chẳng khác gì một dạng ‘nhà nghỉ có hệ thống’ của người Vikings.
Người Vikings nhanh chóng chiếm được một vùng lớn của Pháp. Vì là dân phương bắc, nói tiếng Old Norse, và được người đời gọi là Norsemen, nên họ đặt tên cho vùng mình chiếm được ở Pháp là Normandy (có nghĩa: Đất nước của người Norse).
Tranh minh họa trong một cuốn sách cổ , vẽ cảnh dân Vikings đổ bộ đến Normandy
Trong một thời gian khá dài, Normandy không thuộc Pháp, và Công tước của Normandy (tách khỏi vua Vikings để đến Pháp cai trị) chả ưa gì vua Pháp. Biết rằng cái đám du thủ du thực này là do ông Alfred của tụi Ăng-Lê đẩy qua, vua Pháp đem lòng hậm hực với vua Anh từ đó.
Sau khi ALfred qua đời, may mắn là con cái của ông đều là người giỏi giang, cậu con trai cả Edward lên nối ngôi vua, ông con này cũng học rộng hiểu nhiều, và do ông làm trưởng nam, nên người đời gọi ông với biệt danh “Cậu cả Edward” (Edward the Elder).
Tranh chân dung vẽ tường của Edward I, thế kỷ 13. Ở trong hình có chữ “Edward” bằng tiếng Anglo cũ, nhìn rất loằng ngoằng. Đúng ra thì Edward cũng phải đánh nhau một tí mới chắc chắn giành được ngai vàng mà vua cha truyền cho, nhưng mấy cuộc chém giết này lẻ tẻ và rất chán, khỏi biết cũng được.
Việc đầu tiên Edward làm là chiếm thêm đất của dân Vikings ở bờ biển phía đông. Đây là phần đất nhỏ mà vua cha Alfred đã ký hiệp ước cho người Vikings sử dụng, nhưng hiệp ước của những năm 800s này vốn dĩ rất tạm bợ. Lúc Edward lên ngôi vua thì ông đi lấy lại đất, nói chung là “tui mạnh tui có quyền”.
Cậu cả này cũng may mắn có rất nhiều con gái, dĩ nhiên con trai thì ông cũng có một mớ, nhưng con gái lại đặc biệt nhiều, tới hơn… 10 đứa. Tiện thể, ông gả một số công chúa cho các quý tộc của những vùng lớn ở Anh, đất nước từ đó khá yên ấm, không ai đứng lên nổi loạn hay giành ngôi cả. Nói chung lời than phiền về Edward thì chẳng có nhiều, phải mỗi tội là ông không mộ đạo, vào thời đấy thì tội này hơi nghiêm trọng tí, nên Edward hay bị các nhà thờ mắng (nhưng đến giờ vua Anh vẫn vậy, chủ yếu là cúng vái lấy lệ).
“Edward và nghị viện”, năm 1300. Nói nghị viện cho oai chứ thực chất lúc này nghị viện gồm toàn thầy tu và giới quý tộc. Giám mục mặc áo đỏ bên phải, còn trưởng của các tu viện mặc áo đen bên trái, giữa là các kiểu quý tộc/lãnh chúa. Nghe đồn là Edward ít khi nghe theo lời khuyên của các thầy tu nên hay bị các ông ấy mắng là bất kính với Chúa.
Đến lúc Edward I qua đời, thì con trai thứ của ông là Æthelstan (cứ viết thành Athelstan cho nó dễ nhìn) nối ngôi (con cả chết sau Edward độ mươi ngày, thế là hỏng ăn). Athelstan thích chiến tranh hơn bố, và mộ đạo hơn, ông thường cho rằng chiến thắng của mình trên mặt trận là do Chúa ban. Ông vác quân đi đánh vua Olaf của Ireland và vua Constantine II của Scotland, rồi đánh tiếp xứ Wales (của dân Celtic). Athelstan thắng, và trở thành vị vua đầu tiên của một nước Anh như nước Anh chúng ta biết ngày nay (tức toàn lãnh thổ Anh, với Wales, Scotland, và Ireland làm “thuộc địa”).
Vua Athelstan (trái, đội vương miện) tặng sách cho Thánh Cuthbert. Tặng đây là tặng theo nghĩa bóng, vì Cuthbert lúc này đã qua đời. Đây là hình minh họa cho một cuốn sách sử của ông Bede (ông Bede mất trước khi có vua Athelstan, nhưng sống sau thời của Thánh Cuthbert nên có viết về Cuthbert. Đám hậu duệ khi in lại sách của Bede thì vẽ chêm vua Athelstan vào để minh hoạ, rắc rối nhỉ?)
Hình vẽ minh họa (nhưng không biết ai vẽ và vẽ năm nao? Bạn nào biết thì xin bổ sung dùm mình nhé) cho trận đánh giữa Athelstan với các vị vua Scot và Ireland. Người đời sau này đặt tên cho trận đánh lịch sử ấy là “Trận Brunanburh”.
Đánh thắng rồi nhưng vẫn phải cai trị cho ra hồn mới giữ được lãnh thổ. Athelstan giống ông ngoại, thích ban hành luật lệ nên lãnh đạo rất nghiêm. Và cũng học từ bố, Athelstan hiểu rằng đem gả công chúa cho các ông vua/lãnh chúa khác là điều có lợi. Sẵn tiện Athelstan còn rất nhiều chị em gái (mà bố chưa gả đi hết kịp), ông bắt từng người đi lấy chồng.
Chân dung Athelstan bằng kính màu, thế kỷ 15th, hiện nằm tại Nhà thờ All Souls của All Souls College (thuộc Đại học Oxford). Athelstan có công hàn gắn những rạn nứt giữa các Giám mục và giới quý tộc/lãnh đạo ở Anh, vì ông bố Edward I không mấy đoái hoài đến thành phần này.
Nhưng vào cái thời chưa có bệnh viện sạch vi khuẩn, Athelstan làm vua được hơn chục năm là băng hà. Trong lúc hấp hối thì ông giao ngai cho người em mình quý nhất: Edmund, tức vua Edmund I (vì sau này có Edmund II nên Edmund đầu tiên thành Edmund I. Nếu trong tương lai nước Anh có thêm một Athelstan nữa thì Athelstan cổ sẽ là Athelstan I; nhưng chắc sẽ không có ông nào nữa đâu, tên gì khó đọc chết).
Đánh hơi thấy vua Anh đang “chuyển giao công nghệ”, vua Ireland, vua Scot… chộp thời cơ để vùng lên giành độc lập. Nhưng Edmund I từng tham gia đánh trận với ông anh, nên chẳng phải tay mơ; Scotland và Ireland tiếp tục phải làm thuộc địa, và hoàn toàn công nhận Edmund như thủ lĩnh của mình vào năm 944. Vì là một nhà lãnh đạo quân sự giỏi nên người đời gọi Edmund là “Edmund cừ khôi” (Edmund the Magnificent).
Chân dung của Edmund I, hình như là chép lại từ một bức tanh tường cổ.
Nhưng lãnh đạo quân sự giỏi thường hay có nhiều kẻ thù. Đánh nhau xong, thay vì ngồi nhà đọc luật như tiền bối, Edmund I lại thích tự mình đi lùng bắt du thủ du thực, và bị một gã tên Liofa thù dai. Ngày nọ, Liofa lẻn vô nhà thờ lúc Edmund I đang làm lễ mét, và ám sát vua nước Anh.
Sau Edmund I, nước Anh bắt đầu có dấu hiệu đi xuống. Nói chung là còn lắm thăng trầm rồi Hoàng gia mới có được nữ hoàng Elizabeth như hôm nay.
Sau khi Vua Edmund I “cừ khôi” bị ám sát. Anh em, con cái của Edmund lần lượt nối ngôi. Đầu tiên là vua Edred (em trai Edmund) rồi tới vua Edwy (con trai Edmund); hai ông này chả có gì đặc biệt lắm. Điều đáng kể duy nhất là Edwyn – giống với đa số vua Anh – làm Giáo hội phát khùng vì ông lén cưới con gái của bà mẹ kế (bất chấp sự phản đối của nhà thờ). Edwy chết trẻ, và em trai của ông – vua Edgar – lên thay anh.
Tác phẩm kính màu “Thánh Dunstan cứu Edwy khỏi địa ngục”. Vua Edwy là người đội vương miện đang chìa tay ra cho Thánh. Tác phẩm này ám chỉ việc Edwy lén cưới con gái của mẹ kế nên bị đày xuống địa ngục, phải chờ cho tới lúc Thánh Dunstan cưu mang
Edgar, nói cho công bằng, cũng không đặc biệt lắm nếu xét về trí tuệ hay tài cầm quân, nhưng Edgar có công xoa dịu mối rạn nứt giữa Giáo hội và vua Anh (“di chứng” từ thời Edwyn), ông cũng là người “viết công thức” cho Lễ Đăng quang của Vua và Nữ hoàng Anh sau này.
Tranh vẽ minh họa “Vua Edgar và Chúa” của một cuốn sách không rõ tên, chỉ biết là cuốn này nằm ở Đại học Cambridge.
Trước thời Edgar, vua Anh khi lên ngôi chỉ tuyên hệ rồi ngồi chờ nhà thờ phong chức phong tước, nhìn chung thì không “hoành tráng”. Edgar nghĩ ra cái lệ “đội vương miện”, cầm trịch cầm trượng này kia. Về sau, Vua lẫn Nữ hoàng Anh khi đăng quang sẽ vào nhà thờ, Tổng giám mục sẽ đội vương miện cho Vua/Nữ hoàng. Vua ngồi chễm chệ, với quả cầu (tượng trưng cho đức tin) cùng cây trượng (tượng trưng cho quyền lực) trên tay, oách vô cùng.
Tranh vẽ Vua Edgar vào khoảng thế kỷ 13, tả rõ việc Vua khi lên ngôi sẽ được Tổng giám mục đội vương miện.
Bức kính màu tả lại chân dung Vua Edgar ở nhà thờ của Trường All Souls (thuộc Đại học Cambridge). Một tay Edgar cầm quả cầu, tay kia cầm cây trượng.
Hình chụp Nữ hoàng Elizabeth II hôm Đăng quang năm 1956, tay bà cũng ôm mấy món tiền bối Edgar từng ôm. Thế mới biết, một số luật của xứ sương mù từ năm chín trăm mấy tới giờ… vẫn vậy.
Nói chung Edgar không xấu, nhưng giống ông anh Ewyn, Edgar hơi chán trong vụ… cưới vợ.
Vợ đầu của Edgar – nữ quý tộc Ethelfleda – là người tốt. Bà hạ sinh Thái tử Edward, nhưng Elthelfleda mất sớm (có tài liệu ghi rằng Ethelfleda không phải vợ đầu, các sử gia vẫn còn đang cãi nhau chuyện này, nhưng Edward là con cả, nên cứ theo giả thuyết Ethelfleda làm vợ đầu). Edgar cưới vợ thứ hai – nữ quý tộc Elfrida. Bà này thì nham hiểm kinh khủng. Bà sinh Hoàng tử Ethelred. Lúc Edgar mất, Edward nối ngôi cha, trở thành vua Edward. Elfrida bực tức vô cùng khi thấy thằng con của mình không ngồi trên ngai vàng.
Vua Edward không hề ghét đứa em cùng cha khác mẹ, ông tặng hai mẹ con lâu đài để ở, và lui tới thăm hỏi thường xuyên. Edward chẳng nghi ngờ gì mẹ kế, nên trong một lần tới thăm em, ông bị Elfrida sát hại.
Bức chân dung kính màu của Vua Edward, vì lên ngôi chẳng bao lâu là bị mẹ kế ám sát nên trông Edward rất trẻ.
Edward mộ đạo (hơn mấy ông Vua Anh khác), rồi chết thảm, nên nhà thờ phong Thánh cho Edward, người đời gọi ông là “Thánh tử vì đạo Edward” (Saint Edward the Martyr). Có cái này tôi thắc mắc mãi: “Cậu cả Edward” lý ra phải là Edward I, còn ‘Edward Tử vì đạo’ là Edward II. Nhưng Hoàng gia Anh không ghi chép thế, Edward I và Edward II là vào thời mãi sau này. Mấy “Edward của những năm 900” không có đệ nhất đệ nhị, họ được chắc đến kèm theo “biệt danh”, tức chỉ là “Edward the Elder” và “Edward the Martyr” thôi. Ai biết thêm về vụ này xin chỉ giáo.
Tác phẩm điêu khắc gỗ “Vụ ám sát vua Edward”, Robert Carpenter, 1810.
Nơi nào đây? Chính là lâu đài Corfe – chỗ ở của hai mẹ con Elfrida, cũng là nơi Edward bị ám sát. Vào thời này thì lâu đài chỉ còn sót lại bấy nhiêu thôi, nhưng từ năm 900 tới giờ mà vẫn còn chừng đó gạch là hay lắm rồi.
Edward tử vì đạo, ông em cùng cha khác mẹ Ethelred lên ngôi theo đúng ý “mụ” Elfrida. Hậu quả là: một chuỗi thời gian chán kinh khủng cho lịch sử Hoàng gia Anh.
Làm Vua thì phải quyết đoán, thế nhưng ngay từ đầu Ethelred đã có bà mẹ “quyết định dùm cho”. Bà mẹ cũng chỉ giỏi đâm thọt sau lưng, chứ điều hành đất nước cũng dốt như thường; hai mẹ con chọn ra một hội đồng cố vấn cũng dốt, gặp ông Vua ỡm ờ, lời khuyên hay hoặc dở kiểu gì cũng không biết đường suy luận để làm theo. Vì thế nên người đời gọi Ethelred là “Ethelred Bất cố vấn” (Ethelred the Unready). Ủa, tại sao Unready (Không sẵn sàng) lại là Bất cố vấn? Chữ Unready là dịch sai, “bí danh” của ông này viết bằng tiếng Ango cổ là Ethelred Unraed , mà Unraed lại có nghĩa “Uncounselled” – Bất cố vấn. Nhưng một số dịch giả xưa đổi Unraed thành Unready, nên ông vua này chết tên ‘dịch sai’.
Chân dung ông “bất cố vấn”, lấy từ cuốn sách sử xuất bản năm 1220. Cầm kiếm to thế nhưng chả được tích sự gì
Thấy nước Anh lục đục, dân Vikings vốn ngoan ngoãn bao lâu nay bèn chộp lấy cơ hội hòng chơi đểu cho bớt ngoan. Elthelred đánh không lại người Vikings hiếu chiến, nên vác dép chạy qua Normandy trú thân (sau này lấy vợ rồi đẻ con luôn bên đó). Nước Anh vô chủ, người Vikings và đám họ hàng cháu chắt của Ethelred (những người dũng cảm không đi “vượt biên” qua Normandy như ông Vua này) đánh nhau giành quyền làm chủ nước Anh.
Vậy là, xứ sương mù có vài ông “Vua ngắn hạn”, ông nọ lên ngôi được dăm ba bữa là chết, ông khác lên; cứ như vậy cho đến khi tướng Canute của người Vikings thắng thế, trở thành vua Canute.
Chân dung vua Canute (hoặc cnute), đây cũng là hình minh hoạ từ sách cổ. Có một giai thoại về ông này khá là thú vị, ai biết thì kể cho các bạn khác của SOI nghe nhé, mình sẽ nhờ SOI bổ sung vào.
Người Ango mới đầu ghét Canute, vì ông này không chung quốc tịch với họ, nhưng Canute xoa dịu dân chúng bằng cách chăm chỉ cho tiền nhà thờ, giáo hội, và đồng ý để người Anh giữ tập tục, văn hóa Anglo cũ.
Không biết ai vẽ bức này và vẽ năm nào, nhưng đây là tranh tả cảnh Canute được thiên sứ phù hộ vì đã quyên góp nhiều cho nhà thờ. Trong hình, Canute đứng bên phải, đang được thiên sứ đội vương miện, bên trái là vợ ông, trên cao là Chúa trời
Chỉ tiếc rằng Canute lãnh đạo giỏi nhưng dạy con không khéo, nên khi ông qua đời, hai thằng con trai của ông xâu xé nhau cái ngai vàng, nền hòa bình ông cất công gìn giữ lại tiêu đi đâu mất. Chán nữa, hai đứa đánh nhau cho đã để rồi chết trẻ, không ai làm Vua được bao năm.
Mất vua, người Anh sợ nước nhà không chủ thì lại dẫn tới loạn lạc, họ gấp rút mời con trai của ông Ethelred “Bất cố vấn” từ Normandy về. Ông con này tên Edward, quyết đoán hơn bố, nhưng mộ đạo, không hiếu chiến; nhìn chung ông là một vị Vua không đến nỗi tệ. Theo sách sử thường viết, Edward mộ đạo quá nên dù có lấy vợ rồi, ông cũng “không làm gì cả”, bà vợ không có bầu nổi, Edward chẳng có lấy một mụn con. Cũng vì thế mà người đời gọi ông là “Giáo sĩ Edward” (Edward the Confessor). Đến khi Edward mất, nước Anh tiếp tục tình trạng vô chủ, nên ba lãnh tướng/lãnh chúa đánh nhau giành quyền cai trị.
Tranh chân dung bằng kính màu của giáo sĩ Edward tại nhà thờ Newcastle. Ông này sống cũng khá dai, lại mộ đạo nên được giáo hội ưu ái.
Nhưng đó là “theo sách sử thường viết”.
Còn tường tận hơn, thì nó là thế này.
Edward nhân hậu, mộ đạo, từ bi, nhưng chỉ bấy nhiêu thì sẽ chẳng giữ nước được yên ổn lâu dài. Cái may mắn nhất của Edward là ông được một vị tướng rất giỏi tên Godwin hậu thuẫn, ông này văn võ song toàn, quản lý nước Anh để cho Edward rảnh rang ngồi tu trong nhà thờ.
Godwin gả con gái cưng cho Edward, với hy vọng là cháu ngoại của ông sẽ lên ngôi vua – một phần thưởng xứng đáng cho người thay Edward trị quốc.
Vậy mà, cái ông này không đụng tới con gái của Godwin lấy một đêm.
Đây là tranh cổ, tả lại lễ đăng quang của con gái ông Godwin – Edith Godwin. Sau khi Edith cưới Edward thì bà thành Hoàng hậu, nên có lễ đăng quang thế này. Trong hình, Edith mặc áo xanh dương, Edward mặc áo xanh lá, đứng bên cạnh. Trông Edith cũng xinh phết, thế mà Edward lại không có hứng!
Edward tuy làm Vua Anh nhưng từ bé ông sống ở Normandy (bố chạy trốn qua đó mà), nên Edward quen với phong tục, văn hóa của Normandy hơn, và không hợp với nước Anh cho lắm. Vì thế, Edward hứa với vị Công tước của xứ Normandy tên William rằng, nếu Edward không có con, ông sẽ nhường ngôi cho William.
William nghe xong rất hí hửng.
Godwin biết được điều này, nên ông gả con gái cho Edward, hy vọng rằng Edward sẽ sản xuất dùm ông một đứa cháu, để cái ngai không phải đỡ đít của thằng Công tước đáng ghét kia. Nhưng như đã kể, Godwin có há mõm chờ đến trẹo hàm cũng không thấy đứa cháu nào rớt xuống.
Godwin tức điên, ra lệnh đuổi tất tần tật người Normandy ra khỏi lãnh thổ nước Anh, trong đó có cản bạn bè, họ hàng của Edward. Edward giận lắm nhưng không làm gì được, và cũng từ đó, cuộc sống của Vua Edward ngày càng buồn chán. Ông chẳng nói rành tiếng Anglo, không quen văn hóa Anglo, mà bạn bè người Normandy lại bị đuổi về hết, Edward thui thủi một mình.
Đang đau khổ, một tia sáng bỗng hé lên cho Edward.
Số là, ông Godwin có một cậu con rất đẹp trai, tên Harold Godwinson (có nghĩa: Harold, con trai của Godwin – một dạng nói gọn của “Harold, Godwin’s son”. Một số tên họ của Tây có thể mổ xẻ ra giống vậy, ví dụ như Williamson, Ferguson cũng có nghĩa gốc “Con trai của William”, hoặc “Con trai của Fergu”)
Theo lời tả, Harold có mái tóc vàng, thân hình vạm vỡ, Edward thì lại rất thích… trai đẹp (vài nhà sử học tin rằng việc Edward không “yêu vợ” và không có con chẳng phải chỉ vì ông mộ đạo). Đang cô đơn, bỗng dưng có trai đẹp tới làm quen (chẳng biết đây có phải là ý đồ của ông Godwin “cha” không), nhưng Edward cảm thấy đời vui trở lại, và “thân thiết” với Harold hơn bao giờ hết. Ông mê Harold đến mức quên bẵng lời hứa với Công tước William xứ Normandy. Trước khi lìa trần, thay vì nhường ngôi cho William, Edward tuyên bố: ngai vàng thuộc về Harold.
Kết quả: ở cái xứ sau này thành Pháp, có một vị Công tước đang nổi khùng.
Một phần của bức tranh thêu Bayeux, đây là cảnh Harold Godwinson lên ngôi Vua (Harold cầm trượng và quả cầu theo đúng lễ nghĩa chưa kìa!). Bức tranh thêu này là một đại tác phẩm, muốn biết hết chắc phải viết một cuốn sách, và nếu muốn hiểu nó thì ít nhất phải hiểu về trận đánh sau này giữa Harold và William.
Để trận choảng nhau giành ngôi vua thêm phần chi tiết, hấp dẫn, chúng ta hãy tìm hiểu một chút về ông Williams của xứ Normandy nào.
Bây giờ thì nhiều người biết đến William với biệt danh “William kẻ chinh phục” (William The Conquerer), nhưng cái biệt danh đấy là mãi sau này ông mới có, lúc đầu ai cũng gọi ông là “Thằng con hoang William”.
Hình minh hoạ vua William với biệt danh “Bastard” (con hoang) bằng tiếng Anglo cổ ở trên, lấy từ một cuốn sách sử xưa không rõ gốc gác.
Vào năm 1066, chức vụ Công tước xứ Normandy chẳng khác gì vua xứ Normandy. Như đã biết trong bài về Alfred vĩ đại, người Vikings chiếm vùng đất này trên lãnh thổ nước Pháp. Vua Pháp lúc đó cũng chẳng phải… vua Pháp. Mãi đến năm 1181, Philippe Auguste mới bắt đầu lấy danh hiệu “Rex Franciae” (King of France – vua Pháp), chứ trước đấy thì vua Pháp chỉ là “Rex Francorum” (King of the Franks – vua của người Franks). Bởi vậy, người Normandy chả có lý do gì để khoái người Franks, người Burgundians, người Lorraines…cả, dù về sau mấy xứ này đều thống nhất thành Pháp.
Còn đây là chân dung vua William, nhìn hoành tráng, ra dáng vua, và không có chữ “con hoang” ghẹo ở trên. Tra hoài không biết ai đã vẽ bức này vào năm nào. Bạn đọc biết thì bổ sung giùm nhé!
Robert – Công tước xứ Normandy và cũng là bố của William – thuộc dạng “thích là phải nhào vô túm lấy”. Ngày đẹp trời nọ, ông “vi hành” và bắt gặp một cô gái xinh xắn. Tên cô này khác nhau tùy theo sách sử mà bạn đọc (có sách nói cô tên là Herleva, có sách đề tên Harlotta, có sách lại ghi Arlot… để tiện thì cứ gọi cô là Herleva cho rồi). Theo truyền thuyết do người Anglo-saxon bịa ra để chọc tức dân Norman, Robert bắt cóc Herleva và giở trò đồi bại. Còn thực tế hơn thì Robert có đến thưa chuyện với bố của Herleva. Ông bố đòi Robert phải cưới con gái mình, nhưng Robert không chịu. Lý do vì cô gái đẹp này làm nghề thuộc da, mà nghề đó thời bấy giờ là nghề thấp hèn nhất (vì lúc ấy bạn phải dùng hỗn hợp pha từ nước tiểu, mỡ động vật, phân chó… để thuộc); nên Robert không cưới Herleva được, chỉ có thể đem cô vào lâu đài dưới danh nghĩa thê thiếp.
Ông bố hậm hực, “Thôi thì đành làm thiếp”.
Hình chụp hai người đàn ông thuộc da theo kiểu truyền thống.
Herleva hạ sinh cho Robert thằng con trai William. Do bố mẹ không kết hôn theo pháp luật nên từ nhỏ William đã chết biệt danh “con hoang”. Chính vì William bị người đời ghẹo nên đến khi bố Robert mất và không có con chính thức, William thừa kế danh hiệu Công tước xứ Normandy, ông luôn muốn chứng tỏ cho toàn dân biết rằng đứa con hoang cũng có thể thành người vĩ đại.
Thành thử, lúc bị Edward giáo sĩ cho leo cây vụ ngai vàng nước Anh, ông hằn học đem quân tới xứ sương mù đòi đánh chiếm (chứ ông khác là chỉ cau có ngồi yên vị ở Normandy rồi rủa thầm, đi đánh đám người Franks cho gần, đánh chi tới nước Anh xa lắc).
Tuy William hung hăng nhưng ông rất khôn, không hề suy nghĩ theo kiểu lôi lính đi đánh cho đến khi nào “chúng nó” chết mới thôi. Khi biết William và Harold gầm gừ nhau, một vị vua người Viking tên Hardrada thừa nước đục, đòi cầm quân chiếm nước Anh. Thế là Williams đổ bộ lên bờ biển phía Nam của xứ sương mù, gần thị trấn Hasting, và… ngồi đó chờ. Quân của vua Harold Goodwinson hùng hổ đi đánh Hardrada trước, Harold thắng; chưa kịp nghỉ, đoàn quân phải lũ lượt kéo đến Hasting để uýnh William tiếp.
Hình vẽ minh hoạ trận đánh giữa Harold Goodwinson và Vua Viking Hardrada. Quân Hardrada mang màu xanh, còn Harold là màu đỏ. Hình lấy từ cuốn sách sử in từ thế kỷ 13th
Phe của William thì quá khỏe, vừa chẳng đánh ai vừa ngồi vắt vẻo mấy ngày, còn lính tráng của Harold thì mệt đứt hơi sau trận chiến với Hardrada. Khỏi nói cũng biết, William chiến thắng, lên làm vua nước Anh. Triều đại Anglo-Saxon chấm dứt, thay vào đó là triều đại Normandy.
Tranh vẽ trận đánh giữa Harold và William tại Hasting của Francois Hyppolyte. Quân William đang thắng thế còn quân của Harold thì nằm phơi xác.
Tranh minh hoạ trận đánh Hasting từ sách “Lịch sử nước Anh qua tranh”, xuất bản năm 1868. Quân của William luôn cưỡi ngựa, vì người Normand nổi tiếng là thuần ngựa giỏi, sau này người Normand cũng truyền kỹ năng thuần ngựa cho dân Anglo.
“William kẻ chinh phục” không phải là một vị vua được dân chúng yêu mến. Dân của xứ sở này đã quen với triều đại Anglo-saxon, Vua Harold Goodwinson thì vừa đẹp trai vừa tốt bụng, nên họ căm thù ông vua mới đến từ Normandy kinh khủng. Thế là William phải liên tục dùng vũ lực để ép người dân y lệnh của mình. Người xưa còn ghi chép lại rằng, cư dân của nhiều làng mạc đã rủ nhau trốn vào rừng, chấp nhận sống trong đói kém chứ quyết không chịu trả thuế cho ông “con hoang” kia.
Tuy nhiên, nếu nhìn theo con mắt của thời nay, thì William làm được hai việc tốt:
1. Nhằm giảm tối đa các trường hợp trốn thuế, khai gian của cải vì “ghét thằng Vua mới”, William ra lệnh cho “các ban ngành đoàn thể” của mình đi tới từng nhà, ghi chép lại toàn bộ của cải của một gia đình (ví dụ như: số lượng nô lệ, cừu, ngựa, bò, gia vị mắm muối, vải vóc quần áo…); phải lùng sục hết những chỗ “có khả năng giấu của”. Sau đó lên danh sách rồi bắt đầu dựa vô đấy để mà đánh thuế. Ngày nay, những ghi chép ấy trở thành các tài liệu vô cùng giá trị.
Cuốn sách ghi chép tài sản của từng hộ dân kể trên, nó hiện nằm tại kho lưu trữ Quốc gia của Anh. Dân xứ sương mù gọi cuốn sách này là “Sách ngày tận thế” (Doomsday book), vì nó chi tiết như cuốn sách Chúa sẽ dùng để phán xét từng người khi ngày tận thế đến.
2. William đem ngôn ngữ vùng Normandy (tiếng Viking cổ lai tiếng Pháp, gọi là Franco-Norman) đến Anh. Nhưng người dân xứ này đã quen nói tiếng Anglo, nên họ không nói được tiếng mới; William cố học tiếng bản địa nhưng cũng không thành. Người Anglo và người Norman cùng nhất quyết không chịu chuyển hẳn sang một thứ tiếng. Tuy nhiên, sống riết với nhau thì hai bên cũng bập bẹ được đôi chữ để trao đổi buôn bán, tiếng Anglo từ từ lai tiếng Franco-Norman, trở thành một ngôn ngữ mới, dễ học hơn,dễ điều chỉnh hơn, và dặc biệt là có ngữ pháp đơn giản hơn. Đó là tiếng Anh mà con nít nước ta đang phải è cổ học thêm.
Vài nhà ngôn ngữ (nhất là mấy ông Pháp), hay chê rằng tiếng Anh không phải là thứ tiếng quý-xờ-tộc, là ngôn ngữ có gốc từ một đứa con hoang. Quả thực, tiêng Anh ít rườm rà, ít câu nệ hơn, chính vì vậy mà nó dần chiếm thế thượng phong. Dù mắng William hay tiếng Anh là con hoang cỡ nào đi nữa thì giờ đây nhiều người phải xài tới nó, cuối cùng, William vẫn thắng thế!
Để chúc mừng chiến thắng, ai đó đã làm tặng vua William một bức tranh thêu to vật vã. Nói “ai đó” là vì đến giờ chưa nhà nghiên cứu nào biết chắc được tên tuổi của nhân vật đã đặt hàng bức tranh thêu này. Đa số ngả theo giả thuyết ông em cùng mẹ khác cha của William là Odo đã đặt thêu bức tranh; lý do vì Odo làm giám mục, và người ta tìm thấy bức tranh thêu trong nhà thờ của Odo. Nhưng nói thế chả khác nào nói tượng Pharaoh là do người Anh đặt hàng vì nó nằm ở Bảo tàng Anh; có thể sau khi William băng hà, Odo đem bức tranh đó về nhà thờ cất thôi.
Tác phẩm vĩ đại này có tên “Bức tranh thêu Bayeux” (đặt tên theo huyện Bayeux), nó dài gần 70 mét, và là bức tranh thêu lớn nhất còn sót lại từ thời Trung cổ. Nó quý đến nỗi, Pháp đã lập nên một bảo tàng riêng cho nó – bảo tàng Musée de la Tapisserie de Bayeux – nằm ở Normandy (tất nhiên).
Một phần của bức tranh thêu tại bảo tàng.
Bức tranh thêu lại những hình ảnh của trước và sau cuộc chiến ở Hasting, bắt đầu từ Edward giáo sĩ và kết thúc khi Harold Godwinson bại trận. Thời Cách mạng Pháp, quân đội xém cắt nhỏ nó ra để… đậy vũ khí, nhưng may mắn là họ sớm phát hiện ra giá trị của nó.
Sau khi biết sử, chúng ta có thể hiểu tường tận hơn những hình thêu trên bức tranh này rồi. Cùng học nào!
Phần 1: Liệu Harold có phải là người hứa cuội?
Những đường nét đầu tiên của bức tranh thêu Bayeux tả lại cảnh vua Edward giáo sĩ phái Harold Godwinson đẹp trai đến Normandy.
Edward (đội vương miện) ngồi trong lâu đài phái Harold giương thuyền đến đất nước của William.
Theo bức tranh tả, Harold gặp bão, thay vì đổ bộ tới Normandy thì ông lạc bến tới Ponthieu. Nam tước của xứ Ponthieu ngay lập tức bắt giữ Harold, và phải nhờ đến hồng phúc của William thì Harold đẹp trai mới được cứu. Thế là Harold hứa rằng sẽ không giành ngai vàng nước Anh với… William.
Cảnh hứa hẹn giữa Harold và William, hình như Harold đứng bên phải?
Tuy nhiên, như đã biết, Edward giáo sĩ mê Harold đẹp trai, nên ông định trao ngôi vua cho Harold; như vậy Edward lẫn Harold sẽ xù luôn lời hứa khi xưa với William, cứ thế nghiễm nhiên thành vua nước Anh.
Bạn nào suy nghĩ logic một chút sẽ thắc mắc rằng: Quái! Tự dưng Edward cử Harold đến Normandy làm gì để Harold bị bắt cóc, rồi phải hứa hẹn nọ kia với William? Sự tình đúng với lịch sử hơn có lẽ là như vầy: năm 1051, hai người họ hàng của Harold đẹp trai bị dân Normandy bắt làm con tin (thời đấy bắt cóc người giàu đòi tiền chuộc rất có giá). Biết chắc mẩm rằng Edward sẽ nhường ngôi cho mình, Harold tức tốc chạy tới Normandy hòng chuộc họ hàng về. Ông sợ rằng nếu ông làm vua trước khi chuộc người thân, William tức giận sẽ giết họ để báo thù.
Chẳng may gặp bão, Harold lạc đến xứ Ponthieu và bị bắt cóc. Tuy nhiên, nam tước xứ Ponthieu lại nằm dưới quyền William. Thế là William ra lệnh cho Ponthieu giao chiến lợi phẩm cho mình, và bắt Harold thề trước Chúa rằng ông không được giành ngai nước Anh thì ông mới được tự do.
William định bụng, nếu Harold thất hứa thì ông sẽ trình cớ này lên giáo hội, để giáo hội cho phép ông xâm chiếm xứ sương mù. Thời đó, thất hứa trước Chúa là một tội nặng.
Để sự việc thêm phần nghiêm trọng, William hứa gả con gái của mình cho con trai của Harold, dù trước đây William đã hứa (trước Chúa) sẽ gả cô bé cho một quý tộc khác ở Normandy. Thế mới biết, một số lời thề trước Chúa có thể xù, một số thì không.
Vua Anh, theo truyền thống, chả mấy mộ đạo, nên khi Edward phong Harold làm vua, ông thẳng thừng nói rằng mình phải hứa với William là do đang bị William bắt cóc. Nếu lời thề là lời thề bị ép buộc thì nó chẳng giá trị gì.
Phần 2: Sao chổi Halley
Harold lên làm vua. Đoạn này của bức tranh khá là ngắn, tranh thêu tặng William mà, thêu nhiều Harold thì ông chém chết.
Cảnh Edward băng hà
Vào năm 1066, trước khi William và Harold giao chiến một chút, sao chổi Halley xuất hiện. Vào thời Trung cổ, do khoa học chưa phát triển nên dân chúng gắn sao chổi với điềm xấu. Những người thêu tranh không quên thêu sao chổi Halley vào tác phẩm, sao chổi xuất hiện trên lâu đài của Harold, ngụ ý rằng ông sẽ thua William trong tương lai gần.
Sao chổi Halley với cái đuôi, nhìn đỏ đỏ vàng vàng như tên lửa, lơ lửng trước lâu đài của vua Harold.
Phần 3: Chuẩn bị và đổ bộ
Ngay sau khi Harold lên ngôi, William tức tốc bắt tay vào việc xây tàu, luyện lính để xâm chiếm nước Anh.
Cảnh William chuẩn bị cho cuộc chiến. Đoạn này khá là dài, thêu rất đẹp
Đến khi thuyền của William cập bến xứ sương mù, quân của ông bắt đầu giết chóc dân thường, vơ vét của nả để lấy thêm lương thực nuôi lính. Bây giờ xem lại thấy hành động đó thật dã man, nhưng thời xưa không ai xấu hổ về chuyện này cả, còn thêu lên tranh khoe.
Cận cảnh đoạn quân Norman đi giết dân cướp của
Với số lương thực cướp được, quân Normandy tổ chức ăn nhậu (thêu cả đoạn này, chứng tỏ lúc ấy dân Norman đã coi trọng ăn uống)
Phần 4: Trận đánh Hasting
Điều đáng chú ý trong phần này, là quân Normandy toàn cưỡi ngựa, còn quân của Harold thì đi bộ. Lúc ấy, tài thuần ngựa của dân Anglo chưa bằng dân Norman, đấy cũng là lý do Harold thất thủ. Các kỵ sĩ của William rất dũng mãnh, chiến mã trông rất oai; còn phía Anglo thì chỉ cấp cao mới có ngựa, mà chúng trông cứ như ngựa kéo cày.
Quân Anglo đi bộ cầm khiên choảng nhau với các kỵ sĩ Norman
Cận cảnh đoàn kỵ binh của phe Norman. Quả là khác nhau một trời một vực!
Quân Anglo chết như rạ, nhìn đâu cũng thấy quân Norman chiếm số đông
Điều đáng chú ý tiếp theo là ông Odo – người em cùng mẹ khác cha của William. Odo làm tới chức giám mục, và theo anh trai đi chinh chiến nhằm giúp củng cố tinh thần quân đội (quân thời ấy luôn có giám mục trong đoàn, để binh sĩ yên tâm rằng mình được Chúa phù hộ)
Odo là người cầm chày đang choảng nhau. Thời ấy giám mục không được cầm gươm đánh chém, do dùng kiếm đâm quân thù là một hành động không hợp với những giám mục mộ đạo, cầm chày nện vào mặt họ thì mới ok.
Kết cục: vua Harold bị một mũi tên bắn vào mắt, ông tử trận. William chiếm ngai vàng, vơ vét của cải của người Anglo rồi chia cho Odo một số tiền lớn (tính theo mệnh giá thời nay thì William cho Odo 55 tỷ Bảng). Odo quay về Normandy và dùng một phần của số tiền này để xây nên rất nhiều nhà thờ.
Vua Harold, một tay câm khiên, tay kia đang cố rút cái mũi tên đã găm vào mắt của ông.
Sau khi Harold chết, quân của ông tháo chạy khỏi mặt trận. Bức tranh thêu kết thúc tại đây.
Tác giả: Pha Lê, nguồn soi house