Các ‘Chiến binh thân hữu nghèo của Chúa Kitô và đền Solomon’, thường được biết đến với cái tên Hiệp sĩ dòng Đền, hay Hiệp sĩ Đền Thánh, là một trong những dòng tu quân đội Kitô giáo nổi tiếng nhất thời Trung Cổ.
Sự nổi tiếng của họ không chỉ bắt nguồn từ lòng dũng cảm trên chiến trận, mà cũng từ tài sản họ thu thập được trong các cuộc Thập Tự chinh. Sự giàu có này cuối cùng đã dẫn đến sư lụi tàn của họ, và trở thành thứ hiện được gọi là ‘Kho báu của các Hiệp sĩ dòng Đền’ trong trí tưởng tượng của dân chúng phổ thông.
Vậy ‘Kho báu của các Hiệp sĩ dòng Đền’ chính xác là gì?
Nguồn cung tài chính của các Hiệp sĩ dòng Đền
Các Hiệp sĩ dòng Đền không chỉ là các dũng sĩ thiện chiến, mà còn là các nhà tài phiệt đáng gờm. Lấy ví dụ, một trong hai cấp bậc của các thành viên không tham gia chiến đấu trong tổ chức này từng được gọi là các nông dân, những người chịu trách nhiệm quản lý các tài sản thế tục của tổ chức. Một cấp bậc khác là các Giáo sĩ, vốn hỗ trợ mục vụ và tinh thần cho tổ chức.
Vì các Hiệp sĩ dòng Đền có được sự ủng hộ chính thức của Giáo hội, nên những người giàu ở Châu Âu đã cung cấp cho họ một lượng lớn tiền bạc, đất đai, và binh sĩ. Ngoài ra, họ cũng được đặc miễn mọi loại thuế má, bao gồm tiền thuế giáo hội nộp cho giới thầy tu. Chính vì vậy, các Hiệp sĩ dòng Đền đã trở thành một trong những tổ chức trù phú nhất vào thời Trung Cổ.
Các thành viên Hiệp sĩ dòng Đền trong một cuột thảo luận. (Ảnh: Wikimedia)
Sự sụp đổ của các Hiệp sĩ dòng Đền
Tổ chức các Hiệp sĩ dòng Đền chính thức đi đến hồi kết vào giai đoạn đầu thế kỷ 14, với sự kiện hành quyết vị thủ lĩnh Jacques de Molay. Sự tan rã của tổ chức này có liên hệ đến khối tài sản khổng lồ của nó.
Jacques de Molay, vị thủ lĩnh cuối cùng của Tổ chức các Hiệp sĩ dòng Đền. (Ảnh: Wikimedia)
Người đứng đằng sau sự suy sụp của tổ chức các Hiệp sĩ dòng Đền là vua nước Pháp, Philip IV, được gọi là Fair. Theo sử sách, vị vua này đã nợ tổ chức các Hiệp sĩ dòng Đền một món tiền khổng lồ để chi trả cho cuộc chiến với nước Anh, và chính ông cũng đang nhăm nhe dòm ngó tài sản của tổ chức.
Năm 1305, Giáo hoàng Clement V gửi hai bức thư đến de Molay và thủ lĩnh của tổ chức các Hiệp sĩ Y viện, yêu cầu họ đến Pháp để thảo luận về khả năng sáp nhập hai tổ chức này. de Molay đã đến vào đầu năm 1307, tuy rằng cuộc họp đã bị trì hoãn cho đến một khoảng thời gian sau đó.
Dù sao, vị thủ lĩnh đã có thể tranh thủ dịp này để thảo luận về các vấn đề khác với Giáo hoàng, một trong số đó có liên quan tới một vài cáo buộc vài năm về trước bởi một thành viên của tổ chức các Hiệp sĩ dòng Đền về tính chất gian dối trong buổi lễ kết nạp của tổ chức này. Một số người cho rằng Giáo hoàng đã cấu kết với vua Pháp, trong khi đó số khác lại cho rằng Giáo hoàng là một nhân vật nhu nhược đóng vai trò một con tốt của nhà vua.
Một cuộc điều tra hoàng gia đã được tiến hành để giải quyết vấn đề của tổ chức các Hiệp sĩ dòng Đền, và vua Philip đã nhân cơ hội này thanh trừ nó. Vào ngày 18/3/1314, gần 7 năm sau khi các thành viên của Hiệp sĩ dòng Đền bị bắt giữ trên khắp nước Pháp, vị thủ lĩnh de Molay và ba thành viên lãnh đạo hàng đầu của tổ chức này đã bị thiêu sống đến chết như những kẻ dị giáo ở Paris.
Vụ hành quyết các Hiệp sĩ dòng Đền trước sự chứng kiến của nhà vua Pháp Philip the Fair. (khoảng 1415-1420) (Ảnh: Wikimedia)
Nhờ hành động này, vua Philip đã giải thoát bản thân khỏi khoản nợ với tổ chức các Hiệp sĩ dòng Đền, đồng thời thu giữ của cải của họ. Tuy nhiên, vua Philip không thể hưởng thụ khối tài sản mới kiếm được của mình, vì ông đã qua đời vào ngày 29/11/1314, chưa đến một năm sau vụ hành quyết.
Một số người tin rằng tổ chức các Hiệp sĩ dòng Đền đã cất giấu một số tài sản của họ khỏi tầm mắt của vị vua nước Pháp. Niềm tin này đã trở thành nền tảng cho truyền thuyết về kho báu của tổ chức các Hiệp sĩ dòng Đền, và kể từ đó rất nhiều người đã đưa ra các phỏng đoán về địa điểm cất giấu kho báu này.
Kho báu của các Hiệp sĩ dòng Đền
Có tuyên bố cho rằng kho báu của các Hiệp sĩ dòng Đền không chỉ là một kho tàng báu vật thông thường. Người ta tin rằng các Hiệp sĩ dòng Đền cũng đã thu thập được một số lượng các di vật thần thánh trong thời gian ở vùng Đất Thánh. Lấy ví dụ, một trong những cáo buộc đối với tổ chức các Hiệp sĩ dòng Đền là họ là những người sùng bái thần tượng, và tôn thờ hình ảnh của ‘một người đàn ông có râu’.
Một nhà sử học tìm thấy khi đang tiến hành nghiên cứu tại Kho Lưu trữ Bí mật của Vatican đã tìm thấy một sự tích chưa được công bố về lễ gia nhập tổ chức của một người đàn ông Pháp trẻ tuổi, Arnaut Sabbatier, từ đó giúp làm sáng tỏ điểm này. Sự tích này kể lại rằng Sabbatier đã “được cho xem một miếng vải lanh dài trên đó có in hình một người đàn ông và được bảo hãy thờ phụng nó, hôn vào phần chân ba lần”. Người ta cho rằng đây từng là một trong những di vật nằm trong quyền sở hữu của tổ chức các Hiêp sĩ dòng Đền, Tấm vải liệm Turin.
Ảnh âm bản và dương bản của Tấm vải liêm Turin. (Ảnh: Wikimedia)
Tuy tấm vải liệm Turin hiện đang được cất giữ trong nhà nguyện hoàng gia của Nhà thờ Saint John the Baptist ở Turin, nhưng địa điểm cất giữ các di vật khác của tổ chức này thì lại rất khó xác định. Những di vật này bao gồm Kho báu của vua Solomon, chiếc Hòm Giao Ước (Ark of the Covenant), Chén Thánh (Holy Grail), các bài giảng bị thất lạc của Chúa Giê-su, và ngay cả phần đầu bị ướp xác của Chúa Giê-su.
Xem thêm:
Các địa điểm tiềm năng của những báu vật này cũng có sự khác biệt, trải rộng từ nhà nguyện Rosslyn ở Scotland cho đến Đảo Sồi ở Nova Scotia, Canada, và thậm chí cả một hòn đảo Đan Mạch xa xôi ở biển Baltic goi là Bornholm. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là, những tay săn tìm kho báu của các Hiệp sĩ dòng Đền sẽ khá bận rộn trong thời gian tới.
Bờ biển đảo Bornholm ở Đan Mạch. Đảo Bornholm là một trong rất nhiều địa điểm có mối liên hệ với kho báu của các Hiệp sĩ dòng Đền.
Bộ phim tài liệu “Kho báu thất lạc của các Hiệp sĩ dòng Đền”:
Tác giả: Ḏḥwty, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch, nguồn daikynguyenvn.com