Bảo Đại, vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam, từng mang biệt danh “hoàng đế ăn chơi”, Bảo Đại là người không bao giờ tiếc tiền chi trả cho các cuộc ăn chơi, nhằm thoả mãn những sở thích riêng như biệt thự, xe hơi, du thuyền, cưỡi ngựa, chơi golf, tenis… Những món đồ Bảo Đại sử dụng luôn là những món xa hoa, đắt tiền và được giới sưu tập Việt Nam cũng như trên Thế Giới săn lùng. Nhân sự kiện một chiếc đồng hồ Rolex của ông vừa được mang ra đấu giá gần 5 triệu USD, chúng ta hãy cùng lượt qua một vài món đồ độc nhất vô nhị từng sở hữu bởi vị vua ăn chơi này nhé.

Chiếc đồng hồ Rolex của Bảo Đại

Chiếc đồng hồ Rolex ref. 6062 của vua Bảo Đại đã trở thành chiếc đồng hồ Rolex đắt tiền nhất từ trước đến nay, khi nó được đem ra đấu giá lần 2 tại nhà đấu giá Phillips với giá chốt 4,3 triệu đô la thuỵ sĩ (khoảng 5 triệu USD bao gồm cả phí nhà đấu giá). Chiếc đồng hồ này có tên là Rolex Oyster Perpetual, được mua bởi Bảo Đại với giá khoảng 4000 franc Thụy Sĩ vào năm 1954. Từng được đấu giá lần thứ nhất vào năm 2002 cũng bởi nhà đấu giá Phillips (khi đó là Phillips de Pury). Người mua chiếc đồng hồ này khi đó là ông Aurel Bacs, giám đốc bộ phận đồng hồ của nhà đấu giá Phillips, với giá 350.000 franc Thụy Sĩ (khoảng 235.000 USD). Đây cũng là lần đầu tiên người ta biết đến sự tồn tại của chiếc đồng hồ này, mà người giao bán là hoàng tử Bảo Long, con trai cả của cựu hoàng Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương.

Chiếc Rolex ref. 6062 Bảo Đại, vừa được đấu giá bởi nhà đấu giá Philipps với giá bán 5 triệu USD.

Cũng theo nhà đấu giá Bacs & Russo, hoàng tử Bảo Long đã tiết lộ rằng cựu hoàng mua chiếc Rolex ref. 6062 này vào mùa xuân năm 1954 khi đến Geneva. Thời điểm Bảo Đại đang con giữu vai trò quốc trượng và tới Geneva để thảo luận về cuộc chiến ở Đông Dương nhằm ký kết hiệp định Geneva với Pháp.

Các cuộc thảo luận được diễn ra bên trong khách sạn Hotel des Bergues, nay là Four Seasons. Nhân lúc giải lao, Bảo Đại đã ra ngoài đi dạo và tình cờ bước vào Philippe Beguin, một cửa hàng bán lẻ đồng hồ gần đó. Sau khi xem các mẫu đồng hồ trưng bày tại cửa hàng và không vừa ý, ông đã yêu cầu người chủ cửa hàng tìm cho ông một chiếc đồng hồ hiếm và quý giá nhất từng được làm bởi hãng Rolex.

Vì biết vị khách này là một hoàng đế, người chủ sở hữu của cửa hàng Philippe Beguin đã không ngần ngại gọi đến trụ sở của Rolex để xin trợ giúp. Và cũng thật tình cờ, hãng Rolex khi đó đang có một chiếc đồng hồ Oyster Perpetual ref. 6062 độ chính xác đạt chứng nhận Chonometer với vỏ và dây đều bằng vàng khối 18K, đính kim cương trên mặt số đen. Chiếc đồng hồ nhanh chóng được một nhân viên của Rolex mang đến cửa hàng và được cựu hoàng chấp nhận. Cũng theo nhà đấu giá Bacs & Russo, giá của một chiếc Rolex ref. 6062 vào khoảng 4000 franc Thụy Sĩ, gần bằng với giá của chiếc đồng hồ lịch vạn niên Patek Philippe Perpetual Calendar.

Dòng Rolex ref. 6062 chỉ có ba chiếc được đính kim cương trên mặt số đen. Hai chiếc khác được đính kim cương làm cọc số cho giờ lẻ, còn mẫu ref. 6062 của Bảo Đại lại đính kim cương làm cọc số cho giờ chẵn khiến nó trở thành một chiếc đồng hồ Rolex ref. 6062 độc bản.

Cũng so sánh với chiếc Rolex ref. 4113 split-seconds chức năng đơn giản hơn đang giữ kỷ lục là đồng hồ Rolex đắt nhất, thì Rolex “Bảo Đại” là một mẫu Rolex tinh hoa hơn bởi hai lí do :

Thứ nhất, Rolex “Bảo Đại” có vỏ chống nước Oyster, một tính năng biểu tượng của Rolex còn Rolex ref. 4113 chỉ có vỏ thông thường, nắp ép.

Thứ hai, Rolex “Bảo Đại” được trang bị máy tự động do chính Rolex sản xuất, hay còn gọi là máy Perpetual theo định nghĩa Rolex. Còn chiếc Rolex ref. 4113 lại dùng máy Valjoux (nay là ETA).

Cựu hoàng Bảo Đại đã đeo chiếc Rolex ref. 6062 thường xuyên trong suốt phần đời còn lại và nó được thừa kế lại cho con trai Bảo Long khi ông qua đời. Sau khi được Bảo Long bán đấu giá năm 2002, chiếc đồng hồ này đã gia nhập vào bộ sưu tập cá nhân và cuộc đấu giá vừa qua chính là lần thứ hai nó xuất hiện lại trên thị trường.

Bộ dùng tiệc Pha Lê Baccarat – quà tặng của chính phủ Pháp cho Bảo Đại trong ngày cưới.

Có lẽ sẽ không ai biết tới môt kỷ vật rất quan trọng trong cuộc đời của hoàng hậu Nam Phương, nếu người con trai cả của bà và vua Bảo Đại, hoàng tử Bảo Long, không mang kỷ vật này ra bán đấu giá vào ngày 3 tháng 6 năm 1996 tại Paris. Thời điểm đó cũng là lần đầu tiên người ta được biết đến kỷ vật này, một bộ đồ tiệc bằng pha lê, do chính phủ Pháp đặt hàng hãng Baccarat danh tiếng làm quà tặng cho đám cưới của bà và vua Bảo Đại. Bộ pha lê với những họa tiết hoa văn điêu khắc rất tinh xảo, trên mỗi món có khắc một logo “Long Phụng Hàm Thư”, hình ảnh một con rồng ngậm kiếm với một hàm thư được khắc hai chữ Bảo Đại.

Bộ Pha Lê, quà tặng của chính phủ Pháp cho đám cưới Bảo Đại và Nam Phương, thuộc bst tư nhân tại Paris.

Bộ đồ tiệc này rất đặc biệt, nó bao gồm 5 bình đựng, trong đó có 3 bình dùng để đựng nước hoa quả, nước trắng và 2 bình đựng rượi, 21 ly dùng để uống rượi mạnh sau mỗi bữa tiệc, 25 ly dùng để uống rượi vang trắng, 24 ly dùng để uống rượi vang đỏ, 15 ly dùng để uống sâm banh, 17 ly dùng để uống nước, 22 chén dùng để rửa ngón tay khi dùng tiệc, 18 tấm súp nhỏ và 15 đĩa ăn nhỏ hơn. Tổng các món trong bộ đồ tiệc này lên tới 162 món tất cả, đủ để phục vụ cho một bữa tiệc trong gia đình Hoàng Gia.

Món quà cưới này rất nhã nhặn và mang nhiều ý nghĩa, bởi đồ pha lê Baccarat thời đó được coi như là mặt hàng biểu tượng của nước Pháp. Ngoài ra với phong cách sống lâu năm ở Tây của cặp ông bà Hoàng này, món quà tặng sẽ rất được họ yêu thích. Thật vậy, bộ đồ tiệc này đã được sử dụng và bảo quản rất cẩn thận trong gia đình Hoàng Gia cho tới khi Bảo Đại thoái vị. Và ngay cả khi di chuyển từ Việt Nam sang Pháp sinh sống, hoàng hậu Nam Phương đã không quên mang nó theo và giữ rất cẩn thận tới tận cuối đời, trước khi nó được thừa kế bởi người con trai trưởng của bà là hoàng tử Bảo Long vào năm 1963.

Năm 1996, cựu hoàng Bảo Đại khi này cũng đã rất già yếu và không còn tiền để chi tiêu, hoàng tử Bảo Long đã tổ chức một buổi đấu giá quyên góp tiền với các hiện vật thuộc về gia đình Hoàng Gia, cuộc đấu giá được điều hành bởi nhà đấu giá Binoche tại Paris. Trong cuộc đấu giá này, phần lớn những món đồ kỷ niệm thuộc bộ sưu tập của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương lần đầu tiên được mang ra đấu. Và cũng như chiếc Rolex Bảo Đại, đây là lần đầu tiên người ta được biết đến những kỷ vật của gia đình Hoàng Gia. Bộ đồ quà cưới Pha Lê thuộc lô đầu tiên trong danh sách những món đồ được nhà đấu giá liệt kê nằm trong bộ sưu tập của hoàng hậu Nam Phương.

Viên ngọc ốc giác (Melo Pearls) với tên gọi Mặt Trời Mọc lớn nhất Thế Giới

Viên ngọc ốc giác (Melo Pearls) với tên gọi Mặt Trời Mọc, từng thuộc sở hữu của cựu hoàng Bảo Đại, được coi là một viên ngọc  hình cầu lớn nhất trên thế giới, viên ngọc này có thể được so sánh với kích thước bằng quả bóng bàn hoặc quả bóng gôn. Đường kính dài nhất và ngắn nhất của viên ngọc là 37,97 mm và 37,58 mm làm cho viên ngọc có đủ tiêu chuẩn để được coi như là một viên ngọc hình cầu hoàn hảo và hiếm có. Một viên ngọc hoàn hảo là viên ngọc có cùng đường kính tròn khi được đo bằng cặp kẹp viền hoặc có đường kính nhỏ hơn 2% giữa đường kính ngắn nhất và dài nhất của nó.

Ngọc Ốc Melo Pearls cho tới ngày nay chưa thể nuôi cấy như Ngọc Trai, nên số lượng ít và hiếm hơn Ngọc Trai rất nhiều, ngoài ra để có một viên ngọc ốc giác to như viên Mặt Trời Mọc thường phải mất hàng trăm năm, điều này làm cho nó trở nên hiếm và quý hơn Ngọc Trai rất nhiều. Ngọc Ốc thường xuất hiện ở những vùng biển Việt Nam, Myanmar, Thái Lan hay Philippines và biển phía nam Trung Quốc, được tạo ra bên trong loại ốc giác Melo Melo sống ở biển, nó còn được gọi là Indian Volute, Bailer Snail, và Melo Amphora. Một số khu vực giàu ốc ở Việt Nam hiện nay là khu vực xung quanh quần đảo Bạch Long Vĩ ở vịnh Hạ Long, quần đảo Hoàng Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông, và đảo Phú Quốc gần biên giới Campuchia. Vì chúng được tạo thành bỡi những tinh thể aragonite, không phải xà cừ, ngọc melo về mặt kỹ thuật không phải là một loại ngọc đúng nghĩa, nhưng cũng được gọi là ngọc. Cam là màu được ưa chuộng nhất của ngọc melo, nhưng màu sắc có thể từ màu nâu vàng nhạt tới nâu thẫm.

Viên chân trâu Mặt Trời Mọc, từng thuộc sở hữu của Bảo Đại. Đường kính: 37,97 – 37,58mm. Nặng: 397,52 cts. Màu: Cam. Bề mặt: Nhẵn. Độ cầu: Gần như hình cầu. Thời gian tạo ngọc: Hàng trăm năm. Độ sáng: Sáng. Đặc tính: Loại không xà cừ. Chứng nhận: AISG ngày 26/12/1996 bỡi tiến sĩ Ken Scarrett. Từng được trả 7 triệu USD bởi cựu hoàng tử Nam Tư Dmitri Karageorge.

Viên ngọc melo hoàn hảo nhất tròn nhất lớn nhất thế giới này và một viên ngọc lớn thứ hai (khoảng 32mm) là cặp song sinh (Thông tin này từng đăng tại tạp chí Smithsonian). Cả hai viên cùng chung một con ốc giác và được tìm thấy tại Vịnh Hạ Long. Tại sàn đấu giá Christie’s vào năm 1999, người ta từng chứng kiến một viên ngọc ốc Melo với kích thước 23.0 x 19.35 mm được bán với giá USD 488,311.Viên ngọc lớn thứ 2 với đường kính 32cm cũng thuộc bộ sưu tập của Bảo Đại từng được Christie’s rao bán vào năm 2000, giá của thương vụ này không được tiết lộ tuy nhiên viên ngọc lớn thứ 2 này từng xuất hiện tại triển lãm Jewelry Show tại Thái Lan vào năm 2006.

Về viên ngọc lớn nhất của Bảo Đại, nó được mua bởi một nhà sưu tầm giấu tên người Trung Quốc vào khoảng năm 1993 và 1996, người sở hữu hiện tại không cho biết tên tuổi của người bán và chỉ tiết lộ là một người thuộc hoàng gia cũ, theo một số nguồn tin không chính thức thì người bán là ông Bảo Long, điều này cũng phù hợp với những phiên đấu giá đồ Hoàng Gia mà ông Bảo Long bán ra vào những năm 1995,1996. Người ta không biết thông tin chính xác về thương vụ mua bán này, chỉ biết nó được chứng nhận bởi Asian Institute of Gemological Sciences (AIGS) và giấy chứng nhận được kí bởi tiến sĩ Ken Scarrett.

Khoảng 5 năm trước, người chủ sở hữu hiện tại của viên ngọc đã có ý định bán lại nó trên sàn Sotheby’s của Đai Loan và  cựu hoàng tử Nam Tư, ông Dmitri Karageorge, đã  đề nghị mua trực tiếp với giá 5 triệu USD không thông qua bán đấu giá công khai, tuy nhiên người chủ đã từ chối. Sau khi hoàng tử Dmitri trở về Hoa Kỳ từ Đài Loan, ông ta đã đưa ra giá khoảng 7 triệu USD cho viên ngọc này, nhưng chủ sở hữu viên ngọc trai vẫn không chấp nhận lời đề nghị và chủ sở hữu của viên ngọc vẫn đang chờ đợi những lời chào hàng tốt hơn.

Tấm trấn phong gồm 4 tấm bằng vàng, quà tặng của dân chúng An Nam cho hoàng thái tử Vĩnh Thụy vào năm 1923

Một tấm trấn phong gồm 4 tấm vàng liên kết với nhau, có tổng chiều dài là 57,50 cm, cân nặng 1,66 kg. Mặt trước trấn phong chạm nổi hình bản đồ Việt Nam (tấm thứ 1), cảnh chùa Thiên Mụ (tấm thứ 2), cảnh Phu Văn Lâu và Kỳ Đài Huế (tấm thứ 3); đồ án rồng mây và văn thủy ba (tấm thứ 4).

Mặt sau trấn phong khắc những dòng chữ Hán, cho biết, đây là quà tặng của dân chúng An Nam cho hoàng thái tử Vĩnh Thụy vào năm 1923. Nội dung văn tự trên mặt sau trấn phong tạm dịch như sau: “Kính mong Hoàng thái tử sức khỏe dồi dào, học hành thành đạt ở nơi trời Tây, sau này về nước kế vị vua cha, cai trị đất nước, xây dựng một đất nước Việt Nam tự do, thống nhất từ Bắc đến Nam, có sức mạnh và bình đẳng với các quốc gia khác trên thế giới. Đồng thời dân chúng cũng cầu chúc Hoàng đế Khải Định, Hoàng thái tử Vĩnh Thụy trường thọ, chúc triều Nguyễn trường tồn”. Trấn phong này thuộc bộ sưu tập của Cựu hoàng Bảo Đại, được đưa ra bán đấu giá ở Paris vào năm 1995.

Lư hương (trầm?) pháp lam khủng

Lư hương trầm đồng pháp lam từng thuộc bst của Bảo Đại, là một chiếc lư có kích thước khủng 180cm x 170cm. Chiếc lư này được cho là quà tặng của nhà Thanh cho Hoàng Đế Việt Nam (không biết vị nào) trong một dịp trao đổi quà và cống phẩm vào khoảng tk 19. Nó được Bảo Đại bán cho nữ ca sĩ rất nổi tiếng của Pháp Lucienne Suzanne Dronle với biệt danh ‘la môme Moineau’ vào năm 1946, một năm sau khi Bảo Đại thoái vị. Chiếc lư được chuyển về lâu đài La Bagatelle của vợ chồng ca sĩ tại Cannes và được thừa kế lại trong gia đình trước khi được bán ra trên sàn Bonhams vào năm 2012 với giá €212,328.

Lư hương trầm khủng từng được Bảo Đại bán cho nữ ca sĩ người Pháp Lucienne Suzanne Dronle vào năm 1946. Được bán lại trên sàn Bonham vào năm 2012 với giá €212,328.

Dàn siêu xe Ferrari khủng có giá hàng chục triệu mỹ kim

Cựu hoàng Bảo Đại là một người hào hoa, lịch lãm và sành điệu, săn bắn giỏi, lái xe hơi, máy bay giỏi, khiêu vũ, đánh golf, chơi quần vợt giỏi, gu thẩm mỹ rất cao và biết hưởng thụ. Thời gian đầu sống lưu vong tại Pháp, cựu hoàng vẫn còn rất nhiều tiền và ông dùng nó vào các cuộc vui tiêu khiển. Người ta đồn rằng ông sở hữu nhiều biệt thự và từng mua lại một sòng bài Casino tại Lyon chỉ vì tính thích cờ bạc của mình. Ngoài biệt thự, sòng bài, cựu hoàng còn sở hữu một dàn siêu xe Ferrari khủng như chiếc 1952 340 America, được sản xuất rất hạn chế về số lượng, khoảng 23 chiếc, một chiếc từng được bán tại Bonhams mới đây với giá 6,5 triệu USD, riêng chiếc của cựu hoàng có số hiệu 0212A.

Ferrari 340 America Spyder Vignale tại giải đua Mille Miglia, có giá khoảng 6,5 triệu USD. Một chiếc với số hiệu 0212A từng thuộc bộ sưu tập của cựu hoàng Bảo Đại.

Hay chiếc 1955 375MM, được sản xuất cho giải đua xe quốc tế và từng được lái bởi những nhà vô địch đua xe thế giới như Alberto Ascari hay Giuseppe Farina, đây là dòng xe sản xuất rất hạn chế khoảng 18 chiếc, một phiên bản từng được bán đấu giá với giá 12 triệu USD. Dòng 1955 375MM là dòng xe cựu hoàng ưa thích nhất, chiếc xe với số hiệu 0450AM từng thuộc sở hữu của cựu hoàng hiện đang được trưng bày tại bảo tàng quốc gia về xe hơi của Pháp.

Chiếc 1954 Ferrari 375 MM (Bảo Đại “TdF”) s/n 0450AM (4 F) của Bảo Đại tại bảo tàng quốc gia về xe hơi của Pháp, một chiếc tương tự từng được đấu giá với giá bán là 12 triệu USD.

Ngoài hai siêu xe trên cựu hoàng còn sở hữu một siêu xe khác 1955 410 Superamerica S1 Coupe, có giá khoảng 2 triệu USD từng được bán trên sàn Sotheby’s, số hiệu xe của cựu hoàng là 0493SA.

Một mẫu xe 1955 410 Superamerica S1 Coupe, một phiên bản từng thuộc bộ sưu tập Bảo Đại, có giá trị thị trường hiện tại khoảng 2 triẹu USD.

Anthony Nguyen

(Còn tiếp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.