Tượng bằng vàng thời Nguyễn rất hiếm. Suốt 30 năm nghiên cứu, tôi chưa hề gặp pho tượng nào. Trên tạp chí của Hội đô thành hiếu cổ (BAVH) số tháng 4/1915, có giới thiệu một pho tượng hổ bằng vàng gọi là phù tín (苻信), được lưu giữ trong điện Cần Chánh dưới triều Duy Tân (1907 – 1916). Tượng hổ này gồm hai nửa ghép lại; mỗi khi ra khỏi cung, nhà vua mang theo một nửa pho tượng; khi trở về, vua đưa nửa này ráp với nửa còn lại ở trong cung, nếu hai nửa trùng khít với nhau thì cửa cung mới được mở.

Vào năm 2010, có một tượng bằng vàng, niên đại thời Nguyễn, cao 12cm, nặng 211,7gram được đưa ra bán đấu giá ở Reuil-Malmaison (ngoại ô thành phố Paris) với giá 12.000euro.

Đó là pho tượng thể hiện một con thú, trông như con dê hoặc con hươu, nhưng chân của con thú này lại có móng vuốt, khác với loài dê hay hươu có bộ chân guốc; đuôi con thú xòe như đuôi bò; trên lưng có bờm như trên lưng con kỳ lân. Mặt khác, trên thân con thú có chạm nổi văn mây xoắn và lửa, để chứng minh đây là một loại linh vật.

Dưới bụng con thú có khắc hai dòng chữ Hán. Dòng bên trái khắc các chữ: (Minh Mạng thập bát niên tạo ngũ thốn cửu phân); dòng bên phải khắc các chữ: (Bát ngũ tuế hoàng kim trọng ngũ lượng). Theo thiển ý của tôi, có lẽ người thợ khắc hai dòng chữ Hán này đã khắc nhầm trật tự các chữ. Hai dòng chữ Hán này lẽ ra phải được khắc theo trật tự như sau: (Minh Mạng thập bát niên tạo) và: (Bát ngũ tuế hoàng kim trọng ngũ lượng ngũ thốn cửu phân), nghĩa là: chế tạo vào năm Minh Mạng thứ 18 (1837); vàng tám tuổi rưỡi, cân nặng 5 lượng 5 chỉ 9 phân.

Dân Huế ngày xưa không dùng từ chỉ () hay tiền () (1 chỉ vàng bằng 1/10 lượng vàng) mà dùng chữ thốn (: tấc) với ý nghĩa tương đương chữ chỉ (), đều bằng 10 phân. Lối viết chữ thốn () thay cho chữ chỉ () này chúng tôi đã gặp trên chiếc chậu quán tẩy bằng vàng trong bộ sưu tập của ông Ralph Marty.

Theo truyền thuyết Trung Quốc, giải trãi là con vật đứng đầu trong 5 loại linh thú thuộc bộ kỳ lân. Hình tượng con giải trãi được thể hiện trên các cổ vật đồng thời Chiến Quốc. Theo sách Dư phục chí (Yufuzhi) thời Hán, giống thú này có bản tính rất hung hăng, khi nổi cơn thịnh nộ chúng ăn cả lửa.

Theo các truyền thuyết của Khổng giáo và của cả Phật giáo, kỳ lân (qilin) là linh vật biểu tượng cho lòng nhân từ. Kỳ lân xuất hiện để báo hiệu sự ra đời của một vị minh quân như vua Nghiêu, vua Thuấn, hay một nhà hiền triết như Khổng Tử. Con thú này có thể lướt trên nước và trên mặt đất để tránh dẫm phải bất kỳ loại sinh vật nào. Hình tượng kỳ lân là sự kết hợp của nhiều loài thú: thân con hươu xạ, đuôi bò, móng ngựa và có một chiếc sừng trước trán. So với sừng của con giải trãi thì sừng con kỳ lân ngắn hơn và không nhọn, thể hiện bản tính hiền lành của kỳ lân.

Dưới thời Minh (1368 – 1644), hình tượng kỳ lân lại được thể hiện với một cặp sưng. Da lưng con kỳ lân thời này có màu xanh lục, còn da bụng thì màu vàng. Nhà Minh còn định thêm hai linh thú tương tự kỳ lân là con bạch trạch (baizhe) có đầu rồng, hai sừng, thân và đuôi kỳ lân, chân sư tử, da có nhiều màu; và con tê ngưu (xienu), một giống bò thiêng chuyên phân phát điều lành, khác với con tê giác sau này. Nhà Thanh lại sáng tạo thêm một loại kỳ lân mới, gọi là kilin, cùng một biểu tượng với con qilin của thời Minh nhưng hình dáng hơi khác: đầu rồng, lưng có năm đốm màu: đỏ, vàng, xanh, trắng, đen, nhưng phần bụng vẫn giữ màu vàng, đôi khi, trên thân của loài kỳ lân này có những lớp vảy như vảy cá bao phủ, có hoa văn hình mây và đao lửa ở trên thân.

Dưới triều Nguyễn (1802 – 1945), hình tượng các linh thú: kỳ lân, bạch trạch và tê ngưu đều được thêu trên triều phục quan võ hàm nhứt phẩm, nhị phẩm và bát phẩm.

Một nhà vô thần luận thời Đông Hán (25 – 220), Vương Sung (27 – 97), trong bộ Luận hành có kể rằng: Cao Giao, một vị hiền thần đời vua Thuấn, có một con dê một sừng gọi là con giải trãi. Tính con thú này rất ngay thẳng, nó có thể phân biệt người lành và kẻ ác. Gặp bọn gian thì nó dùng sừng đâm nhưng không bao giờ chạm đến người hiền. Vì vậy nên dưới thời Đông Hán, hình con giải trãi được vẽ trên tường ở nơi xử án hoặc trên ghế của các quan tòa để biểu trưng cho chấp pháp. Có một pho tượng bằng gỗ thời Đông Hán, được tìm thấy trong ngôi mộ số 22 tại Vũ Uy (tỉnh Cam Túc) vào năm 1959, thể hiện hình một con bò, chân guốc, đuôi dựng thẳng, đầu cúi sát ngực với một sừng duy nhất chĩa ra phía trước như sắp trừng trị người phạm tội. Cách biểu thị này rất thông dụng trong các hình trang trí trên các đồ đồng cổ Trung Hoa.

Truyền thống này vẫn tiếp tục dưới thời nhà Đường (618 – 907): hình con giải trãi được dán hai bên cửa phòng xử án và ở những công thự quan trọng của triều đình, vì giải trãi vừa có thể phân biệt người vô tội với kẻ ác, vừa có thể phát hiện và trừng trị các quan chức bất lương. Vì thế, giải trãi được sử dụng làm biểu tượng cho đức độ và sự lương thiện của các quan tòa và các quan ngự sử và hình tượng giải trãi được thêu trên các mũ các quan tòa và quan ngự sử. Do ảnh hưởng của Khổng giáo và Phật giáo, hình tượng con giải trãi dần biến đổi thành hình tượng của loài kỳ lân như ở trên miếng bố tử trong triều phục quan ngự sử thời Minh.

Ở Việt Nam, Ngự sử đài được thiết lập vào thời Trần (1225 – 1400) với các chức: thị ngự sử, giám sát ngự sử… Cơ quan này đảm nhiệm duy trì phong hóa pháp độ, với nhiều trọng trách. Đến thời Nguyễn, Đô sát viện là một tổ chức tư pháp quan trọng trong triều đình với nhiệm vụ “chuyên giữ việc dâng nộp, xét hạch, chỉnh đốn phép quan để nghiêm phong hóa pháp luật”. Đứng đầu Đô sát viện có hai vị: Tả đô ngự sửHữu đô ngự sử (hàm chánh nhị phẩm văn ban). Viện chia làm sáu khoa để lo kiểm soát sáu bộ trong triều, do một Cấp sự trung (hàm chánh ngũ phẩm văn ban) coi giữ và 16 Giám sát ngự sử ở các tỉnh. Cấp sự trung chuyên giữ việc kiểm tra, thanh tra, hình pháp, quy chế… từ xuống tỉnh, huyện, xã. Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), đặt thêm chức Chưởng ấn cấp sự trung (hàm tứ phẩm văn ban) đưa vào các bộ, viện, các địa phương để lo kiểm tra theo  ngành dọc.

Khâm định Đai Nam hội điển sự lệ có ghi: “Minh Mạng năm thứ 18, xuống dụ: Khoa đạo là chức giữ hiến pháp trong triều đình, triều đình ưu đãi ngôn quan để tỏ rõ phong hóa hiến pháp. Trừ ra viên chưởng ấn mới đặt thêm, chiếu phẩm đáng cấp quan phục, còn gia ơn cấp cho áo mũ ngũ phẩm 12 bộ, để phòng khi các khoa đạo mặc để vào chầu. Áo bào thì dùng đoạn đậu 8 sợi tơ bóng. Mũ thì dùng mũ sa đen, ở trên sơn bằng bạc thêm 2 cái sừng bằng bạc, gọi là mũ giải trãi. Viên trưởng viện ấy và viên chưởng ấn cũng có thêm 2 cái sừng bạc”.

Về sau quy định thêm: “Còn đô ngự sử, phó đô ngự sử và chưởng ấn khoa đạo: nguyên trước cấp mũ giải trãi có hai đầu sừng bạc, thì nay đổi khóa, giản vàng bạc làm 2 con giao long bằng vàng, bạc”.

Quy định là vậy nhưng các quan ngự sử vẫn tiếp tục dùng mũ giải trãi với hai sừng nhỏ. Trong bài viết của ông Nguyễn Đôn về trang phục quan lại dưới triều Nguyễn (BAVH, số tháng 7 – tháng 9/1916) có miêu tả y phục của Đô ngự sử và vẽ mũ giải trãi với hai sừng. Ngoài ra còn có một bức ảnh  niên đại khoảng đời Đồng Khánh đến đời Khải Định, chụp hình một vị quan thời này vẫn còn đội mũ giải trãi.

Từ năm 1837, vua Minh Mạng dựa vào ý nghĩa phổ dụng của hình con giải trãi ở Trung Quốc nên truyền lệnh chế thêm hai chiếc sừng nhỏ gắn trên bác sơn của những chiếc mũ thượng triều của các chức: Đô ngự sử, Phó Đô ngự sử, Chưởng ấnNgự sử của Đô sát viện.

Năm 1837 cùng là năm vua Minh Mạng sai Kim ngân tượng cục đúc pho tượng hình con thú trên đây, mà theo chúng tôi đó chính là tượng con giải trãi. Một điều rất thú vị là nhà vua không chọn hình con giải trãi theo kiểu Trung Hoa thời Minh – Thanh, rất giống loài kỳ lân, mà sáng chế nên một mẫu giải trãi riêng của Việt Nam, rất gần gũi với hình ảnh của con sao la. Hiện tại, tất cả các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc và châu Âu đều công nhận là con giải trãi thời Chiến Quốc (thế kỷ V – 256 trước CN) và Đông Hán chính là con sao la (tên khoa học là Pseudoryx nghetinhensis). Các họa sĩ thời Chiến Quốc và Đông Hán khi vẽ con thú này thì vẽ nghiêng nên chỉ thể hiện một sừng. Bấy giờ sao la cũng hiện diện tại Trung Quốc, nhưng hiện nay, loài thú vật này chỉ xuất hiện trên vùng rừng núi phía tây các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và ở bên Lào.

Như vậy pho tượng bằng vàng chế tác dưới triều Minh Mạng mà chúng tôi giới thiệu trên đây chính là tác phẩm nghệ thuật duy nhứt mô tả linh thú giải trãi ở Việt Nam. Và đây cũng là tác phẩm nghệ thuật duy nhứt thể hiện con sao la ở Việt Nam từ trước đến nay.

Tác giả : Phillippe Trương

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.