Theo một số tài liệu y thư cổ có nhắc đến tê giác và sừng tê giác, sừng tê giác là một vị thuốc được xếp vào nhóm thuốc “thanh nhiệt lương huyết”. Sừng tê giác tính hàn, vị đắng, khi dùng có tác dụng đi vào kinh tâm, can, vị (tim, gan, dạ dày). Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, trấn kinh an thần, dùng để điều trị các chứng thuộc ôn bệnh (bệnh do thời tiết sinh ra có tính lây truyền) như sốt cao, hôn mê nói nhảm, co giật, sốt phát ban…
Tuy nhiên sừng tê giác có phải là thần dược không? thì có lẽ là không phải. Vì trong nhóm thuốc thanh nhiệt lương huyết có tất cả 17 vị thuốc như ngưu hoàng, sinh địa, huyền sâm, đan bì, xích thược… vừa rẻ lại vừa dễ tìm.
Mặc dù vậy người xưa thường hay cho sừng tê giác là thần dược, có tác dụng chữa trị nhiều bệnh và đặc biệt là tính giải độc của sừng tê giác rất cao, chính bởi điều này mà đã có rất nhiều những chiếc cốc được người xưa chế tạo ra từ sừng tê giác. Một số tài liệu y dược cổ còn ghi :
‘Trong “Dưỡng sinh diên thọ lục” và “Danh y biệt lục” của Đào Hoằng Cảnh (456-536), một danh y nổi tiếng, đã viết: “Dùng chén làm bằng sừng tê giác đựng gạo cho gà ăn, thì gà sợ mà không dám mổ. Đem chén gạo đặt lên nóc nhà, thì chim sẽ cũng không dám ăn”.
Trong “Bản thảo Cương mục”, Lý Thời Trân (1518-1593) cũng nói tới một loại sừng tê giác thượng phẩm gọi là “dạ minh tê”. Loại sừng này ban ngày và ban đêm đều phát sáng, có khả năng thông với thần linh, có thể xẻ nước, chim bay hay thú chạy qua, nhìn thấy đều kinh sợ (năng thông thần linh, phách thủy, phi cầm tẩu thú kiễn liễu đô vi kinh hãi).
Một chiếc chén sừng tê giác hiệu đề Đồng Khánh sắc tứ từng được bán tại Sotheby Paris vào năm 2010, chiếc chén được chế tác từ một cắt khắc sừng tê giác kích thước 11,6 x 17,5 cm được thực hiện bởi các nghệ nhân người Trung Quốc.
Chiếc chén có hình một chiếc lá sen rộng lớn bao quanh bởi hoa và cành cây bìm bìm, lẫn trong những chiếc lá và hoa sen là một con cua và hai vỏ ốc bám chặt vào thân chén rất đẹp.
Chiếc chén được đăt trên một đế gỗ hình rùa rất bắt mắt. Một mặt của cốc có khắc hiệu đề : Đồng Khánh sắc Tứ 同慶 敕賜. Chiếc cốc này rất có thể đã được sử dụng trong cung thành Huế trước khi được vua Khải Định mang cho tặng.
Tác giả : Phillippe Truong, Anthony Nguyen