Có mười tiêu chí để các chuyên gia tại các sàn đấu giá lớn trên Thế Giới xem xét khi ấn định giá cho những tác phẩm nghệ thuật, đồ cổ, sách cổ, đồ trang sức, rượu vang, đồng hồ và những thứ khác.
Phần 9 này nhắc cho chúng ta rằng có rất nhiều nghệ sĩ vĩ đại đã và đang thử nghiệm hàng loạt các phương pháp và phương tiện khác nhau để sáng tạo nghệ thuật. Chẳng trách tại sao điều đầu tiên mà các chuyên gia nghệ thuật xem xét đối với một tác phẩm chính là “phương tiện nghệ thuật” – hay nói cách khác là tác phẩm này được sáng tạo bằng cách nào, bằng nguyên liệu gì. Và mặc dù thế giới có một thứ bậc bất thành văn về những chất liệu trong nghệ thuật, đứng đầu là sơn dầu đối với tranh và đá cẩm thạch (hay còn gọi là đá hoa) cho điêu khắc, thì đôi khi ý tưởng của nghệ sĩ lại có thể được truyền đạt một cách rực rỡ nhất bằng phấn màu trên giấy hay in thạch bản.
Khi đánh giá một tác phẩm nghệ thuật, chúng ta cần phải hiểu tác phẩm được tạo ra trên phương tiện nghệ thuật nào. Phương tiện có lẽ là điều đầu tiên nên được xem xét. Người nghệ sĩ có thể sử dụng những phương pháp khác nhau để thể hiện cá tính, cái tôi của mình. Có thể rõ ràng nhận ra ngày càng có nhiều những nghệ sĩ có xu hướng lựa chọn những chất liệu mang tính sáng tạo và cách tân trong công việc. Sở dĩ là bởi chất liệu là một yếu tố mang tính thay đổi, những vùng khác nhau trên thế giới sẽ sử dụng những chất liệu khác nhau, phù hợp với thời điểm người nghệ sĩ đó sáng tác nghệ thuật. Chính vì thế mà có rất nhiều những chất liệu sáng tạo khác nhau từ khắp nơi trên thế giới: họ có thể vẽ trên vải, họ có thể vẽ trên tấm bảng, họ có thể vẽ trên các kim loại khác nhau hay trên đá. Hầu như bất kể chất liệu gì cũng có thể trở thành phương tiện sáng tạo nghệ thuật cho nghệ sĩ.
Có một thứ bậc bất thành văn về những chất liệu trong nghệ thuật, chúng ta hãy lấy ví dụ một tác phẩm điêu khắc. Theo hệ thống phân cấp này, đá cẩm thạch/đá hoa hoặc đồng sẽ đứng đầu. Bình thường thì một tác phẩm trên đá cẩm thạch sẽ được chạm và ký bởi chính tay của người nghệ sĩ. Còn một tác phẩm điêu khắc trên đồng lại là một tác phẩm được đúc trong một chiếc khuôn do người nghệ sĩ làm ra. Đối với tranh vẽ thì tác phẩm sử dụng phấn màu thường có giá trị thấp hơn những tác phẩm sử dụng phương tiện khác, tuy nhiên, đối với những bậc thầy trong hội họa thì những tác phẩm phấn màu của họ vẫn được đánh giá cao. Với những tác phẩm điêu khắc, những người sử dụng chất liệu truyền thống thường chiếm đại đa số; và điều tương tự có thể áp dụng đối với tranh khi sơn dầu là chất liệu được đánh giá cao nhất trong phân cấp và cũng là một trong những chất liệu thú vị nhất. Chính vì hệ thống phân cấp ngầm này mà đã có thời gian, rất nhiều nghệ sĩ có xu hướng sáng tác trên cùng một chất liệu, đơn giản vì chúng được đánh giá cao hơn và bền hơn. Do đó, việc sở hữu một tác phẩm được tạo nên từ một vật liệu khác thường mà dường như sẽ không bền, thì đó đôi khi không phải là điều may mắn. Sự độc đáo không được đánh giá cao trong trường hợp này.
Tuy nhiên, khi đến với nghệ thuật đương đại, mặc dù tiêu chí được những chuyên gia dựa vào để đánh giá giá trị tác phẩm vẫn là chất liệu, nhưng kết luận của họ đã làm bùng nổ giới nghệ sĩ khi tuyên bố rằng: bất kể thứ gì cũng có thể trở thành phương tiện nghệ thuật. Sau đó, những nghệ sĩ không còn bó buộc bản thân vào chỉ sơn dầu hay điêu khắc trên đá hoa hay đúc đồng, họ bắt đầu mạnh dạn thử nghiệm trên nhiều chất liệu mới. Vì vậy, có rất nhiều những tác phẩm nghệ thuật hiện đại thực chất được sáng tạo dựa trên sự thử nghiệm của nghệ sĩ đối với đủ loại nền tảng và chất liệu khác nhau. Andy Warhol là một ví dụ điển hình cho việc người nghệ sĩ đã không chỉ dừng sự sáng tạo và trí tuệ ở một lĩnh vực khi ông đã sơn, vẽ, phác thảo, ông thậm chí là nhà tiên phong trong lĩnh vực Pop art, ông còn điêu khắc, làm phim ảnh.
Campbell’s Soup Cans, Andy Warhol, 1962. Polymer nguyên chất vẽ trên 32 tấm canvas, mỗi tấm 20 x 16″ (50.8 x 40.6 cm). Kích thước cuối cùng sau khi đặt tát cả 32 tấm cạnh nhau, mỗi tấm cách nhau 3″ là cao 97″ x rộng 163″
Gold Marilyn Monroe, Andy Warhol, 1962. In lụa bằng polymer nguyên chất trên canvas, 6′ 11 1/4″ x 57″ (211.4 x 144.7 cm).
Khi một nghệ sĩ mang trong mình ham muốn được thử nghiệm và ngày càng mở rộng phạm vi thử nghiện, thì điều đó có thể ảnh hưởng và truyền nguồn cảm hứng sáng tạo cho tất cả mọi người. Trong lĩnh vực in ấn, có thể thấy có rất nhiều những kĩ thuật đã xuất hiện từ rất sớm như in thạch bản (lithography), in lưới (screen printing), khắc axit (etching), và khắc axit aquatint.
- In thạch bản (lithography): Nguyên lý hoạt động của kỹ thuật in thạch bản chính là dựa vào lực đẩy giữa dầu và nước khi dầu và nước không bao giờ trộn lẫn và luôn có xu hướng tách rời nhau. Để chuẩn bị, cần đổ lên tấm đá một lớp bụi (grit) giống như cát mịn, sau đó bôi một lớp dầu mỏng lên bề mặt đá và dùng con lăn lăn đều để giúp cho bề mặt đá nhẵn và phẳng. Bước này còn giúp loại bỏ đi dấu vết của bức vẽ được in lúc trước, vì nếu không làm sạch bề mặt đá hoàn toàn thì khi in ra có thể hình ảnh của bức tranh được in lúc trước sẽ xuất hiện mờ ở phía sau. Tiếp theo, dùng bút chì dầu (để tạo nét cứng) và dung dịch laque (để tạo nét mềm) để vẽ lên bề mặt đá. Sau đó, một lớp axit được đổ lên bề mặt đá giúp dầu thẩm thấu sâu vào trong đá. Khi dầu đã ngấm, cố định lớp dầu bằng việc đổ một lớp keo Ả Rập lên trên: dung dịch keo này sẽ bám vào những chỗ chưa có dầu, để dầu không thấm loang ra những chỗ này. Dùng nước để làm ướt hoàn toàn đá, khi này, nước sẽ dính vào keo nhờ lực đẩy với dầu. Cuối cùng sử dụng con trống mực dầu lăn quan bề mặt đá: mực dầu là loại mực hòa tan trong dầu, nhưng bị đẩy ra trong nước. Khi này những chỗ dính dầu sẽ có mực còn những chỗ dính nước thì không. Đặt một tờ giấy in lê mặt đá và một tấm da lên trên giấy, hạ tấm nén của máy vào giấy và để chúng quay qua trục lăn. Chúng ta đã có một bản in có chiều ngược với hình vẽ trên đá.
Bond of Union, Maurits Cornelis Escher, 1956.
- In lưới (screen printing): Trước hết người thiết kế sẽ thiết kế hình ảnh trên máy tính, rồi xuất phim bằng máy lase hoặc bằng máy xuất phim (phim dương bản hay âm bản tùy theo sản phẩm in). Tiếp theo hòa chất muối amon cảm ánh sáng vào dung dịch keo, rồi quét lên tấm lưới (khung lụa) xong sấy khô, sau đó áp tấm phim lên trên khung này và đem chụp ánh sáng mặt trời hoặc dùng dàn đèn neon. Sau đó đem tấm phim đi rửa bằng nước, nơi nào không có màu đen ở phim, ánh sáng sẽ xuyên qua và lớp keo sẽ bắt ánh sáng làm cho keo se lại rắn chắt và bám vào lụa, còn lớp keo nào bị màu đen trên miếng phim che lại thì không bắt được ánh sáng nên khi gặp nước sẽ bị tan rã và thông xuyên, khi rữa thật kỹ hoàn toàn keo thừa trôi đi ta đem phơi nắng hoặc xông khô. Đến đây hoàn tất công đoạn chụp bản. Đến công đoạn in, đem khuông in áp lên bề mặt sản phẩm rồi cho mực in vào dùng gạt in (giống như gạt chùi gương) gạt mực in qua lớp lụa để mực in lọt xuyên qua những nơi bản lụa thông không có keo chụp dính lại, sẽ lọt xuống dính vào trực tiếp trên sản phẩm. Tùy thuộc vào nhiều màu hay ít màu để có thể làm bấy nhiêu khung in (mỗi khung in có thể in một màu).
Respiro, Michelangelo Pistoletto, 2007, 8 ¼ x 11 ¾ in. (210 x 298 mm.). Ước giá: £2,500-3,500 trên Christie’s.
- Khắc axit (etching): Khắc axit là một trong những kỹ thuật in lõm (intaglio) thường được sử dụng nhất. Trước tiên, phủ kín hai mặt của tấm kim loại bằng một lớp sáp hay sơn để tránh tấm kim loại bị axit ăn mòn. Sauu đó vẽ thiết kế muốn in lên bề mặt kim loại (đã bị phủ sáp) bằng kim nhọn, không cần thiết phải quá mạnh tay, chỉ cần ấn kim qua lớp sáp, làm xước nhẹ tấm kim loại đằng sau là được. Sau khi việc vẽ hoàn tất, nhúng tấm kim loại vào một bồn axit. Vì lớp sơn hay sáp không thấm được axit, nên dung dịch axit sẽ chỉ ăn mòn phần kim loại bị lộ ra do quá trình khắc vẽ trước. Axit lúc này sẽ ăn mòn những đường nét đã được vẽ, tạo nên những vết rạch sắc nét. Rất nhiều nghệ sĩ đã nổi tiếng nhờ khả năng tạo ra những hiệu ứng in đầy tinh tế bằng việc tận dụng mức độ ăn mòn của axit, khi càng để tấm kim loại lâu trong bồn axit thì vết ăn mòn lại càng sâu hơn. Họ đã thực hiện kĩ thuật này bằng cách nhúng tấm kim loại vào bồn axit cho đến khi phần nhạt nhất của bản vẽ đã được axit ăn mòn, tạo nên vết khắc. Sau đó nhấc tấm kim loại ra khỏi bồn axit và phủ một lớp sơn hay sáp lên phần vừa được khắc để tránh axit tiết tục ăn mòn những chỗ này vào những lần nhúng sau. Kĩ thuật này giúp cho nghệ sĩ tạo nên những đường nét đậm nhạt cho bản in: nơi nào vết khắc nông thì mực sẽ nhạt hơn, vết khắc sâu thì mực hiện lên sẽ đậm hơn. Đến giai đoạn in, lăn mực vào tấm kim loại, lau sạch bề mặt tấm kim loại, lúc này những chỗ có vết khắc sẽ giữ lại mực. Đặt giấy in đã được làm ẩm lên tấm kim loại, lót lên trên một lớp nỉ mềm rồi ép mạnh qua các máy in. Giấy ẩm sẽ hút mực và in hình tranh lên mặt giấy.
The Three Crosses (First State), Rembrandt Harmensz van Rijn, 1653 Rijksmuseum, Amsterdam.
- Khắc axit aquatint: Quá trình khắc aquatint thì tương tự như khắc axit (etching), nhưng kết quả in từ khắc axit aquatint ít chú trọng vào đường nét, mà tập trung vào hình khối. Kĩ thuật này dần trở nên phổ biến trong giới in ấn vì chất lượng hình ảnh mà nó đem lại tương tự như màu nước, do đó nó mới có tên là aquatint. Kĩ thuật này hoạt động giống như etching cho đến khi tạo ra bản vẽ hoàn chỉnh trên tấm kim loại. Sau đó nghệ sĩ sẽ rắc một lớp bụi từ nhựa thông lên bề mặt tấm kim loại và đặt tấm kim loại lên một bàn nung. Sau khi tấm kim loại được nung nóng và lớp hạt nhựa thông chảy ra và đi vào những rãnh khắc từ khâu etching để ngăn không cho axit tiếp tục ăn mòn những đường nét đã được vẽ hoàn chỉnh. Tiếp theo nghệ sĩ sử dụng một loại chất lỏng ko thấm axit để điều chỉnh độ nông-sâu của phần sẽ dính màu trên tấm kim loại, hay nói cách khác là độ đậm nhạt cho bản in. Họ sẽ dùng chất này để bôi lên những phần có màu trắng trong bản vẽ trước tiên. Sau đó nhúng tấm kim loại vào axit (khoảng 30s) và những phần k dính chất lỏng này sẽ bị axit ăn mòn. Nghệ sĩ lấy tấm kim loại ra, rửa sạch bằng nước và tiếp tục bôi chất lỏng k thấm axit lên những phần không muốn bị đậm màu hơn. Cuối cùng, những phần được bôi chất chống axit sẽ có màu nhạt cho đến trắng (phần được bôi chất này đầu tiên), và những chỗ không hề dính chất lỏng này sẽ bị axit ăn mòn nhiều nhất, dẫn đến có màu đậm nhất (màu đen).
Mỗi kỹ thuật in ấn có thể cho một hiệu ứng hoàn toàn khác nhau, tuy nhiên thì dù cho là kỹ thuật in nào thì nó cũng thể hiện sự tỉ mẩn, tính sáng tạo tài tình của người nghệ sĩ. Do đó, việc quyết định sử dụng kĩ thuật nào thực sự phụ thuộc vào việc nghệ sĩ muốn đạt được điều gì.
Một ví dụ nổi bật cho việc sáng tạo trên những chất liệu không phổ biến lại mang đến hiệu quả bất ngờ: trong nhiếp ảnh, hầu hết các bức ảnh được in là gelatin bạc, những cũng có thể có ảnh in bạch kim, và Sebastião Salgado, ông rất nổi tiếng với việc bán những bức ảnh in gelatine bạc, tuy nhiên ít người biết ông cũng in ảnh bạch kim. Và chính những bức ảnh bạch kim lại được bán với giá cao hơn rất nhiều. Hay Jean-Michel Basquiat cũng là người có thể sáng tạo tốt cả trên giấy và trên canvas. Và bạn sẽ công nhận điều này khi nhìn vào giá trị cao ngút của những tác phẩm của ông.
Một bức ảnh in bạch kim bởi Sebastião Salgado.
Sơn dầu thường đại diện cho các giá trị truyền thống. Thường khi nhìn thấy một tác phẩm phác thảo trên giấy, người ta sẽ nghĩ đó là một công đoạn chuẩn bị cho một bức tranh sơn dầu. Đối với một số nghệ sĩ, đó là sự thật, nhưng đối với rất nhiều nghệ sĩ khác thì điều đó không đúng. Và Degas là một ví dụ hoàn hảo. Hãy nhìn vào những bức phác thảo của ông sử dụng phấn màu hay than trên giấy. Không thể phủ nhận ông đã đạt được thành công thực sự trong mỗi bức phác thảo những chuyển động tinh tế thường chỉ xảy ra trong một cái chớp mắt. Những tác phẩm này đã được thể hiện một cách rất tuyệt vời bằng phấn màu trên giấy, và chắc chắn rằng nếu được vẽ bằng sơn dầu thì tác phẩm sẽ không đem lại hiệu ứng tốt đến thế. Và do đó, những tác phẩm trên giấy của ông có xu hướng giá trị hơn, và mọi người công nhận sự xuất chúng của ông nằm ở chính những tác phẩm trên giấy này.
Danseuse au repos, Edgar Degas, 1885, 26 1/8 x 20 in. (66.4 x 50.6 cm.).
Danseuse à la barre, Edgar Degas, 12 ½ x 9 3/8 in. (31.7 x 24 cm.) .
LePhan
(dịch và tổng hợp)
Xem thêm:
Phần I : Tính Nguyên Bản
Phần II: Tình Trạng
Phần III: Tính Hiếm Có
Phần IV : Nguồn Gốc
Phần V : Dấu ấn lịch sử
Phần VI: Kích Thước
Phần VII: Thời trang
Phần VIII: Chủ Đề